Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam năm 2024

|

Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam năm 2024

Năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, toàn diện hơn; gia tăng căng thẳng địa chính trị, xung đột, giao tranh diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch Covid. Trong bối cảnh đó, với sự nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng như sự đóng góp của các tổ chức kinh tế, trong đó có sự đóng góp của tổ chức kinh tế hợp tác xã; tình hình kinh tế nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
 
Nhằm ghi nhận những kết quả đạt được, đồng thời đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu và người dùng tin khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì biên soạn và công bố "Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2024”.
 
Nội dung ấn phẩm gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển hợp tác xã của cả nước và các địa phương năm 2022-2023, gồm 3 phần:
 
Phần I: Bối cảnh và tình hình phát triển hợp tác xã Việt Nam năm 2022-2023.
 
Phần II: Một số chỉ tiêu chủ yếu về hợp tác xã đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022.
 
Phần II: Số liệu về phát triển hợp tác xã giai đoạn 2016-2023.
 

 
Theo ấn phẩm, năm 2023 đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) khi những chủ trương, chính sách mang tính định hướng được ban hành như: Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW; Luật Hợp tác xã năm 2023 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 03/6/2023 về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực KTTT, HTX.
 
Trong năm 2023, ngân sách Trung ương đã bố trí 33,79 tỷ đồng để thực hiện nội dung hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho khu vực KTTT, HTX. Lũy kế giải ngân dự án đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư đến hết năm 2023 là 166,8 tỷ đồng; dự kiến kế hoạch năm 2024 là 100 tỷ đồng.
 
Ấn phẩm cho biết, tại thời điểm 31/12/2023, tổng số HTX cả nước là 31.825 HTX, tăng 8,3% so với thời điểm 31/12/2022. Số lượng HTX tăng ở tất cả cả vùng kinh tế, trong đó, vùng Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có số lượng HTX cao nhất cả nước với 8.929 HTX, chiếm 28,1% số lượng HTX cả nước, tăng 12,2% so với cùng thời điểm năm 2022; vùng Đồng bằng sông Hồng đứng thứ hai về số lượng HTX với 8.345 HTX, chiếm 26,2%, tăng 7,3%; vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có 6.488 HTX, chiếm 20,4%, tăng 5,2%; vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 3.525 HTX, chiếm 11,1%, tăng 3,1%; vùng Tây Nguyên có 2.334 HXT, chiếm 7,3%, tăng 17,7%, cao nhất cả nước; vùng Đông Nam Bộ có 2.204 HTX, chiếm 6,9%, tăng 6,4%. Có 5/63 địa phương trên cả nước có trên 1.000 HTX, gồm: Hà Nội 2.538 HTX, Thanh Hóa 1.247 HTX, Bắc Giang 1.116 HTX, Hà Tĩnh 1.025 HTX và Sơn La 1.005 HTX.
 
Thời điểm 31/12/2023, tổng số thành viên trong các HTX là 5.853 nghìn thành viên, giảm 1,9% so với cùng thời điểm năm 2022. Vùng Đồng bằng sông Hồng có số thành viên HTX cao nhất cả nước với 2.587 nghìn thành viên, chiếm 44,2% tổng số thành viên HTX. 2/6 vùng kinh tế có số thành viên HTX tăng so với cùng thời điểm năm 2022 là vùng Đông Nam Bộ tăng 5,0% và vùng Tây Nguyên tăng 1,4%. Có 16/63 địa phương thu hút trên 100 nghìn thành viên HTX. Trong đó, có 3 địa phương có số thành viên HTX trên 300 nghìn người gồm: Hà Nội 609,4 nghìn người; Thái Bình 570,3 nghìn người; Nam Định 383,4 nghìn người.
 
Năm 2023, tổng số HTX thành lập mới trên phạm vi cả nước là 3.001 HTX, tăng 11,4% so với năm 2022. Cả 6/6 vùng kinh tế có số HTX thành lập mới nhiều hơn số HTX thành lập mới năm 2022; trong đó có 3 vùng có tốc độ tăng HTX thành lập mới trên 20% gồm: Vùng Đồng bằng sông Hồng tăng 28,7%, vùng Tây Nguyên tăng 28,2%, vùng Đông Nam Bộ tăng 27,0%. 41/63 địa phương có số HTX thành lập mới bằng hoặc nhiều hơn năm 2022; trong đó, Quảng Ninh là địa phương có tốc độ tăng HTX thành lập mới trên 100% với 184%.
 
Ngoài ra, Sách trắng Hợp tác xã năm 2024 cho biết một số chỉ tiêu chủ yếu về HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022. Theo đó, tại thời điểm 31/12/2022, trên phạm vi cả nước có 15.832 HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, giảm 3,8% so với thời điểm năm trước. Theo quy mô, có 91 HTX từ 100 lao động trở lên, chiếm 0,6%; trong đó, HTX kinh doanh có lãi chiếm 72,5%, HTX kinh doanh hòa vốn chiếm 8,8%, HTX kinh doanh lỗ chiếm 18,7%. Có 150 HTX từ 50-99 lao động, chiếm 0,9%, giảm 20,6% so với năm trước; trong đó, HTX kinh doanh có lãi chiếm 55,6%, HTX kinh doanh hòa vốn chiếm 12,3%, HTX kinh doanh lỗ chiếm 32,1%. Đáng chú ý, có tới 11.345 HTX dưới 10 lao động, chiếm tỷ lệ lớn nhất với 71,7% tổng số HTX, giảm 2,3% so với thời điểm năm 2021; trong đó, HTX kinh doanh có lãi chiếm 66,5%, HTX kinh doanh hòa vốn chiếm 8,9%, HTX kinh doanh lỗ chiếm 24,6%; còn lại 4.246 HTX từ 1049 lao động, chiếm 26,8%, giảm 6,9%
 
Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tập trung nhiều HTX nhất với 7.908 HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, chiếm 49,9% tổng số HTX, giảm 5,9% so với cùng thời điểm năm 2021. Đồng bằng sông Hồng có tỷ trọng HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh cao nhất cả nước với 4.261 HTX, chiếm 26,9%, giảm 5,3% so với cùng thời điểm 2021.
 
Tại thời điểm 31/12/2022, cả nước có tổng số 163,1 nghìn lao động làm việc trong các HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, giảm 1,9% so với cùng thời điểm năm trước. Tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh đạt 322,3 nghìn tỷ đồng, giảm 1,2%; doanh thu thuần đạt 107,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2%; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, tăng 24,2%
 
Bên cạnh các kết quả liên quan đến phát triển HTX, ấn phẩm cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đưa ra giải pháp phát triển HTX. Các giải pháp tập trung vào: (1) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức. (2) Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển HTX. (3) Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động HTX. (4) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước đối với HTX. (5) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đối với phát triển HTX./.
 
Thu Hiền