Ảnh minh họa, nguồn Internet
Thời gian qua, công tác đăng ký và thống kê hộ tịch đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm với nhiều chính sách, thể chế nhất quán và đang dần hoàn thiện qua từng thời kỳ. Ngày 20/11/2014, tại kỳ họp thứ VIII, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật hộ tịch (có hiệu lực từ ngày 01/01/2016). Ngày 23/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024. Đây là một trong những hành động thiết thực nhằm tích cực triển khai Khung hành động của Hội nghị cấp Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024. Ngoài ra, Luật thống kê cũng đã xác định các chỉ tiêu thống kê quốc gia thuộc lĩnh vực tư pháp gồm: Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi được đăng ký khai sinh; Số cuộc kết hôn và tuổi kết hôn trung bình lần đầu; Số trường hợp tử vong được đăng ký khai tử...
Hệ thống cơ quan đăng ký, thống kê hộ tịch tại Việt Nam
Hiện nay, theo quy định pháp luật hiện hành, công tác đăng ký, thống kê hộ tịch ở Việt Nam được giao cho nhiều cơ quan khác nhau, trong đó tập trung chủ yếu là Bộ Tư pháp, Bộ Y tế và Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hệ thống cơ quan thực hiện chức năng đăng ký, thống kê hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch có thể chia thành: Cơ quan ở cấp trung ương và địa phương; cơ quan ở trong nước; cơ quan ở nước ngoài.
Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, UBND các cấp ngày càng quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch. Đến nay, có gần 17.000 công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã, gần 1.500 công chức làm công tác hộ tịch cấp huyện và hơn 200 viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao làm công tác hộ tịch tại Cơ quan đại diện. Phần lớn đội ngũ công chức này đều được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, bảo đảm cho người dân ở mọi khu vực, đều có khả năng tiếp cận và thực hiện quyền đăng ký hộ tịch.
Mức độ đầy đủ trong đăng ký khai sinh của Việt Nam 2011-2016
Luật Hộ tịch quy định, trong vòng 60 ngày kể từ khi sinh, trẻ phải được đăng ký khai sinh. Vì vậy, số trẻ được đăng ký khai đúng tuổi trong năm có thể bao gồm số trẻ được sinh trong tháng 11 và tháng 12 của năm trước được đăng ký khai sinh trong năm hiện tại. Số này cũng không bao gồm trẻ được sinh ra trong tháng 11 và tháng 12 của năm hiện tại sẽ được đăng ký khai sinh trong năm tiếp theo.
Tuy nhiên, số liệu thống kê được cũng có sự khác nhau về tỷ lệ nếu tính toán từ các nguồn khác nhau. Số đăng ký khai sinh theo báo cáo của Bộ Tư pháp luôn cao hơn số báo cáo của Bộ Y tế cũng như số liệu điều tra thống kê, dẫn đến tỷ lệ về mức độ đầy đủ trong đăng ký khai sinh tính toán từ các nguồn dữ liệu trên đều cao hơn 100%. Nguyên nhân của tình trạng trên là do số đăng ký khai sinh bao gồm số sinh trong năm hiện tại và số sinh trong năm trước được đăng ký khai sinh trong năm hiện tại. Mặt khác, các nguồn dữ liệu khác nhau có phương pháp thu thập thông tin khác khau dẫn đến kết quả cũng khác nhau. Đây là một thách thức lớn của Việt Nam, những khác biệt về số liệu này khiến các nhà quản lý, các nhà lập chính sách gặp nhiều khó khăn trong việc đưa ra các quyết định quản lý hoặc các can thiệp chính sách kịp thời trong công tác đăng ký hộ tịch, cũng như các chính sách liên quan đến giáo dục và y tế, v.v. .
Từ năm 2014 cho đến nay, thống kê hộ tịch Bộ tư pháp đã tách được số khai sinh đúng hạn và quá hạn ở Việt Nam. Do vậy, số đăng ký khai sinh quá hạn đã giảm dần trong 3 năm qua, từ 24,8% năm 2014 xuống còn 20,2% năm 2016, cho thấy việc tuân thủ các qui định của nhà nước về đăng ký khai sinh ngày càng tốt hơn.
Đặc biệt từ năm 2016 hệ thống đăng ký hộ tịch bắt đầu được điện tử hoá gồm đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử và đăng ký kết hôn. Và việc đăng ký khai sinh điện tử được thực hiện đầy đủ tại 4 thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh). Theo đó, tỷ lệ khai sinh theo hướng cập nhật đầy đủ hơn đã tăng lên.
Bảng 1: Số lượng và tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được đăng ký khai sinh đúng hạn tại 4 thành phố năm 2016
Số liệu bảng 1 cho thấy, tỷ lệ đăng ký khai sinh đầy đủ của 4 thành phố tương đối cao, đặc biệt tỷ lệ này ở Hà Nội là 96%, và Hải phòng 94%. Như vậy, tại 4 thành phố này đa số trẻ em sinh ra đã được đăng ký khai sinh đúng tuổi, và nguồn số liệu này tương đối đầy đủ, có thể sử dụng số liệu của hệ thống đăng ký hộ tịch để tính toán các chỉ tiêu nhân khẩu học khác (như tỷ lệ sinh).
Mức độ đầy đủ trong đăng ký khai tử của Việt Nam 2011-2016
Tương tự như số sinh, số chết trong các năm do Bộ Y tế thu thập đều thấp hơn số trường hợp chết theo báo cáo tổng hợp đăng ký khai tử của Bộ Tư pháp và số liệu ước tính từ điều tra thống kê. Điều này cho thấy có thể do có một số lớn người chết ngoài cơ sở y tế và đã không được thống kê. Mặt khác, số đăng ký khai tử của Bộ Tư Pháp từ năm 2014 bao gồm cả số đăng ký đúng hạn và số quá hạn, chính vì vậy, tỷ lệ về mức độ đầy đủ trong đăng ký khai tử dựa trên số liệu của Bộ Y tế và Bộ Tư pháp trong những năm 2014-2016 rất cao (trên 130%).
Tuy nhiên, số liệu tổng hợp được cũng cho thấy tỷ lệ người chết có đăng ký đã tăng dần qua các năm, từ 65,5% năm 2011 lên tới 85% năm 2016. Nếu tỷ lệ này tiếp tục tăng trong những năm tới, số liệu từ hệ thống hộ tịch sẽ là nguồn số liệu tốt đáng tin cậy có thể sử dụng cho phân tích phục vụ xây dựng chính sách.
Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024
Ngày 31/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch của Việt Nam giai đoạn 2017-2024. Theo đó, về đăng ký khai sinh, đến năm 2020, ít nhất 75% dân số cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được đăng ký và cấp Giấy khai sinh; tỷ lệ này đến năm 2024 là 85%. Về đăng ký khai tử và xác định nguyên nhân tử vong, đến năm 2020, ít nhất 80% các trường hợp tử vong xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam trong năm được đăng ký khai tử và đến năm 2024 là 90%; Đến năm 2020, ít nhất 60% các trường hợp tử vong trên lãnh thổ Việt Nam trong năm được ngành y tế thống kê và có chứng nhận y tế về nguyên nhân gây tử vong, sử dụng mẫu chứng tử phù hợp chuẩn quốc tế và đến năm 2024 là 80%.
Về thống kê và công bố số liệu đăng ký hộ tịch: Đến năm 2022, số liệu thống kê hàng năm về tỷ lệ khai sinh (có phân loại theo tuổi của mẹ, giới tính của trẻ, khu vực địa lý, đơn vị hành chính) được lấy từ dữ liệu đăng ký hoặc các nguồn dữ liệu hành chính có giá trị khác; Đến năm 2024, số liệu thống kê đại diện quốc gia hàng năm về tỷ lệ khai tử (được phân loại theo độ tuổi, giới tính, nguyên nhân tử vong căn cứ trên Phân loại bệnh quốc tế (phiên bản mới nhất phù hợp), khu vực địa lý và đơn vị hành chính), được lấy từ dữ liệu đăng ký hoặc các nguồn dữ liệu hành chính có giá trị khác; Đến năm 2024, Báo cáo số liệu thống kê hộ tịch kịp thời, đầy đủ và chính xác trong hai năm trước đó, sử dụng dữ liệu từ hệ thống đăng ký hộ tịch như một nguồn căn bản, công chúng dễ tiếp cận.
Chương trình nhằm bảo đảm tất cả các sự kiện hộ tịch của công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài được đăng ký kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng quy định của pháp luật.
Mọi người dân đều được cấp giấy tờ hộ tịch tương ứng với sự kiện hộ tịch đã được đăng ký như: giấy khai sinh, trích lục khai tử, giấy chứng nhận kết hôn… Các chỉ tiêu cơ bản được công bố công khai, minh bạch, phù hợp với chỉ tiêu từng giai đoạn của Khung hành động khu vực về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2015-2024.
Ngoài ra, Chương trình hướng tới thiết lập cơ chế phối hợp thống nhất giữa các ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương để từng bước cải thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động đăng ký, thống kê hộ tịch. Các hoạt động chính được triển khai gồm: Xây dựng hệ thống thông tin hộ tịch điện tử, phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung trên toàn quốc (có kết nối lấy số định danh cá nhân); cài đặt, hỗ trợ tập huấn, đào tạo công chức sử dụng phần mềm; đầu tư kinh phí trang bị cơ sở vật chất đồng bộ để chuyển đổi dữ liệu lịch sử (số hóa sổ giấy) và đào tạo công chức làm công tác hộ tịch.
Thu Hường
Tổng hợp từ Báo cáo Thống kê hộ tịch ở Việt Nam tại Hội thảo “Tăng cường năng lực quốc gia trong việc sản xuất và phổ biến dữ liệu thống kê hộ tịch từ hồ sơ đăng ký hộ tịch trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” tại Thái Lan)
Tổng hợp từ Báo cáo Thống kê hộ tịch ở Việt Nam tại Hội thảo “Tăng cường năng lực quốc gia trong việc sản xuất và phổ biến dữ liệu thống kê hộ tịch từ hồ sơ đăng ký hộ tịch trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” tại Thái Lan)