Chính sách hỗ trợ phát triển rừng trồng sản xuất ở một số quốc gia và bài học cho các tỉnh biên giới Đông Bắc Việt Nam

|

Chính sách hỗ trợ phát triển rừng trồng sản xuất ở một số quốc gia và bài học cho các tỉnh biên giới Đông Bắc Việt Nam

Trong những năm qua, việc thực thi chính sách hỗ trợ phát triển rừng trồng sản xuất ở các tỉnh biên giới Đông Bắc đã có chuyển biến rõ nét, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng. Tuy vậy, nhìn nhận tổng thể, chính sách về hỗ trợ phát triển rừng trồng sản xuất vẫn có những bất cập. Vì vậy, trong bài viết này, nhóm tác giả giới thiệu kinh nghiệm của một số nước thành công trong chính sách hỗ trợ phát triển rừng trồng sản xuất và bài học áp dụng cho các tỉnh biên giới Đông Bắc - là nơi có diện tích trồng rừng tự nhiên cũng như rừng trồng sản xuất chiếm phần lớn diện tích rừng của nước ta.

Kinh nghiệm của một số quốc gia về phát triển rừng trồng sản xuất

Các tỉnh biên giới vùng Tây Bắc Thái Lan

Là đất nước có nông, lâm, ngư phát triển khá đặc thù, Thái Lan và đạt được những kết quả ngoạn mục so với các quốc gia trong khu vực. Lâm nghiệp Thái Lan tập trung chủ yếu ở các địa phương ở phía Bắc, vùng biên giới với Lào và Miến Điện (thành phố Chiềng Mai, tỉnh Mae Hong Son...).

Tại miền Tây Bắc Thái Lan, nhà nước không hỗ trợ trực tiếp cho công tác quản lý bảo vệ rừng mà hỗ trợ thông qua các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sinh kế bền vững. Thu nhập từ rừng cho người dân không nhiều, nhưng do được tuyên truyền, giáo dục tốt người dân đã ý thức được tác dụng của rừng đối với đời sống của họ nên tự giác, tích cực chăm sóc và bảo vệ rừng, trong khi Nhà nước không cần đầu tư kinh phí để trồng hay chăm sóc và bảo vệ. Quản lý rừng cộng đồng cần kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống và phù hợp quy định của nhà nước.

Thực hiện xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp nhiều loài cây, mang lại thu nhập thường xuyên, lâu dài cho người dân và gắn với thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho trồng rừng. Năm 2019, Chính phủ Thái Lan yêu cầu ngân hàng BACC mở khoản vay mới, cho phép người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phát triển lâm nghiệp [1].

Gói dự án có kinh phí trên 165 triệu USD này nhắm tới mục tiêu phủ xanh thêm 800 km2 và 50.000 người dân có thể hưởng lợi [2]. Đây là cơ hội cho người dân có thêm thu nhập, đồng thời cải thiện môi trường sống trong bối cảnh ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, đe dọa cuộc sống người dân.

Theo đó, các đối tượng tham gia dự án sẽ được cấp khoản vay ưu đãi với tỷ lệ lãi suất tối thiểu là 6,875%/ năm. Trong ba năm đầu tiên, tỷ lệ lãi suất sẽ là âm 3%; từ năm thứ tư đến năm thứ sáu, tỷ lệ lãi suất sẽ tiếp tục ở mức âm 2% và mức âm 1% cho 2 năm cuối cùng. Các khoản vay này kéo dài đến hết ngày 31/7/2021 và sẽ đáo hạn sau không quá 15 năm [2].

Các tỉnh biên giới vùng phía Nam Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia có diện tích tự nhiên đứng thứ 4 thế giới, với diện tích gần 9,6 triệu km². Trong đó, diện tích đất có rừng là trên 2 triệu km², chiếm 21,7% diện tích đất tự nhiên [3].

Rừng Trung Quốc khá đa dạng với trên 32.000 loài thực vật, vì vậy, xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên, gia tăng các hoạt động trồng và bảo vệ rừng đã được Trung Quốc chú trọng. Trên thực tế, Trung Quốc có trên 2.349 
khu bảo tồn tự nhiên, bao phủ một tổng diện tích là 149,95 triệu ha, tức 15% tổng diện tích của Trung Quốc. Trồng cây là nhiệm vụ trọng tâm trong nỗ lực bảo vệ môi trường của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ [3].
 
Trong những năm tới, Trung Quốc vẫn đẩy mạnh các chương trình trồng rừng. Theo đó, các chương trình "phủ xanh đất" quy mô lớn sẽ hoàn thành 36.000 km2 trồng rừng mỗi năm đến năm 2025. Đến năm 2035, chất lượng và sự ổn định của các hệ sinh thái rừng quốc gia, đồng cỏ, đất ngập nước và sa mạc sẽ được nâng cấp toàn diện.

Theo kế hoạch 5 năm về lâm nghiệp và đồng cỏ được công bố, Trung Quốc đặt mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng tổng thể lên 24,1% vào cuối năm 2025 (từ mức 23,04% vào cuối năm 2022). Chiến lược này sẽ dựa một phần vào "tái trồng rừng tự nhiên", theo đó, các loại cây khác nhau sẽ được trồng tùy theo môi trường địa phương.

Để phát triển bền vững lâm nghiệp, Luật lâm nghiệp của Trung Quốc đã sớm được ban hành và hoàn thiện theo thời gian làm cơ sở cho việc ban hành các chính sách phát triển bền vững lâm nghiệp.

Trên cơ sở Luật Lâm nghiệp, quyền sở hữu rừng ở Trung Quốc và các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, đó là nhà nước, tập thể (nhóm) và cá nhân được xác định rõ ràng. Luật cho phép quyền sử dụng rừng, cây và rừng được chuyển nhượng, cho thuê và được định giá như vốn đầu tư. Theo đó, các chính sách được triển khai và cụ thể hóa, tạo điều kiện cho các cơ sở lâm nghiệp phát huy tính tự chủ và gia tăng các lợi ích từ trồng và bảo vệ rừng.

Luật cũng nhấn mạnh đến việc bảo vệ rừng bằng cách phân loại rừng theo mục đích lợi ích công cộng hoặc mục đích thương mại, nó cho phép áp dụng các biện pháp quản lý khác nhau. Hơn nữa, Luật kiểm soát chặt chẽ việc khai thác rừng tự nhiên trong nước và giới hạn sản lượng khai thác hàng năm với giấy phép và các quy định cụ thể. Đây là cơ sở các địa phương có rừng trong nước đẩy mạnh và thực thi nghiêm túc việc bảo vệ rừng.

Quan trọng hơn, Luật Lâm nghiệp sửa đổi bao gồm việc cấm mua, vận chuyển và/hoặc chế biến gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp và yêu cầu các công ty chế biến phải thiết lập hồ sơ dữ liệu về nguyên liệu và sản phẩm. Đây là cơ sở để các đơn vị trồng rừng cạnh tranh lành mạnh, xuất khẩu các sản phẩm từ rừng trồng được thuận lợi.

Đặc biệt, Trung Quốc thiết lập một hệ thống quản lý sổ cái theo yêu cầu của Luật để ghi chép đầu vào và đầu ra của nguyên liệu, cũng như sản phẩm gỗ có thể là cách hiệu quả để xác định nguồn gỗ. Hệ thống này cũng nên được áp dụng cho gỗ nhập khẩu vào Trung Quốc, vì có tác động đáng kể đến việc truy xuất nguồn gốc. Tạo điều kiện cho các đơn vị trồng rừng trong nước cạnh tranh với các đơn vị nhập khẩu để phát triển bền vững.

Các tỉnh vùng biên giới phía Tây ở Malaysia

Rừng ở Malaysia khá đa dạng, diện tích rừng nguyên sinh 3.820 ngàn ha, chiếm 19% diện tích rừng 11,5% diện tích tự nhiên; Rừng tái sinh tự nhiên 14.829 ngàn ha, chiếm 72% riện tích rừng và 45% diện tích tự nhiên, rừng trồng 1.807 ngàn ha, chiếm 9% diện tích rừng và 5,5% diện tích tự nhiên.

Theo Hiến pháp liên bang Malaysia, đất đai, tài nguyên rừng cũng như các loại tài nguyên thiên nhiên khác thuộc chủ quyền Nhà nước. Tuy nhiên, việc quản lý đất đai, lãnh thổ thuộc chủ quyền từng bang. Nếu Liên Bang muốn lập những khu vực riêng thì CP Liên Bang phải mua đất của bang.

Liên Bang đã lập quy hoạch đất từ những năm 1960, xác định lâm phận ổn định gồm những diện tích đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên dành cho việc kinh doanh gỗ và lâm sản lâu dài. Lâm phận ổn định được phân làm 4 loại chính là rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng giải trí và rừng nghiên cứu giáo dục.

Việc khai thác rừng tự nhiên hoàn toàn do Nhà nước quản lý theo các kế hoạch điều chế đã được xác định. Phương pháp khai thác là chặt chọn theo đường kính (trên 40cm đối với cây không phải là họ dầu và trên 45cm đối với cây họ dầu, trường hợp các loại cây quý hiếm thì phải nâng đường kính khai thác chọn lên cấp đường kính 60cm hay cao hơn). Khi khai thác phải tiến hành điều tra trước. Số lượng các cây thuộc lớp kế cận (đường kính 30cm đến 45cm) phải trên 32 cây/ha, nếu không đủ phải chừa lại những cây đường kính trên 45cm; nếu trữ lượng được tính dưới 28m3/ha thì không được khai thác rừng. Sau khi khai thác cũng phải điều tra lại rừng và theo dõi trong luân kỳ khai thác 30 năm. Rừng sau khai thác phải được Cục hoặc Sở Lâm nghiệp tổ chức tu bổ, vệ sinh rừng, phục hồi rừng, làm giàu rừng, điều tra đánh giá thế hệ cây kế cận... Rừng trồng của các chủ rừng: Nếu khai thác để dùng trong nhà thì không phải xin phép. Nếu khai thác với mục đích thương mại thì phải thiết kế khai thác và xin phép cơ quan quản lý rừng.

Trong việc bảo vệ rừng, xử phạt những hành vi tái phạm, vi phạm lần 2 thì phải ra tòa và chịu phạt ít nhất 1 năm tù. Khuyến khích vật chất thỏa đáng cho người phát hiện (thông báo cho cơ quan lâm nghiệp) cũng như cán bộ LN có thành tích bảo vệ rừng.

Các Bang có quyền giao đất, cho thuê đất, cho thuê rừng theo lệnh của Thủ hiến bang. Nói chung không giao khu rừng lớn cho công ty. Chỉ có hai công ty được thuê đất và rừng với diện tích lớn hơn 150.000 ha để tổ chức các khu chế biến công nghiệp gỗ hoàn chỉnh từ khâu cung cấp nguyên liệu, chế biến xuất khẩu.

Việc thuê rừng thông qua ký hợp đồng lâu dài với các công ty lớn; đấu thầu cho thuê rừng để khai thác gỗ; các hợp đồng cho thuê đất để trồng rừng với các diện tích nhỏ. Khi trúng thầu khai thác rừng, phải ký hợp đồng thỏa thuận với cơ quan quản lý rừng về các công việc được làm, trả tiền thuê đất trong thời gian sử dụng cho việc khai thác gỗ (thuế tài nguyên rừng) và phí phục hồi rừng. Nếu quỹ phát triển rừng không đủ chi phí cho các hoạt động lâm sinh theo luật định thì chính quyền bang sẽ bù đắp ngân sách từ các khoản thu khác để cho công việc này.

Kinh nghiệm cho các tỉnh biên giới Đông Bắc Việt Nam

Nhằm hỗ trợ phát triển rừng trồng sản xuất tại Việt Nam, các chính sách liên quan cũng đã được ban hành khá đồng bộ, như: Luật Lâm nghiệp (năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019). Luật Lâm nghiệp quy định một số chính sách về hỗ trợ phát triển lâm nghiệp được Nhà nước hỗ trợ đầu tư, ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ gồm: Khoản 3 Điều 50 quy định“Nhà nước có chính sách hỗ trợ về giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây phân tán”; khoản 2 Điều 66 quy định “Chính sách phát triển chế biến lâm sản quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của Chính phủ”; khoản 2 Điều 70 quy định “Chính sách phát triển thị trường lâm sản quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của Chính phủ”; Điều 94 về Chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng; khoản 5 Điều 99 quy định “Chính phủ ban hành chính sách hợp tác quốc tế về lâm nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể trong từng thời kỳ”.

Trước đó, đã có Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg, ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp.

Gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang Dự thảo Nghị định về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp. Trong đó, Dự thảo cũng đề xuất chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ. Theo Dự thảo, đối tượng trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ là diện tích đất chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng sản xuất. Đối tượng được hỗ trợ là hộ gia đình, cá nhân tại xã khu vực II và III (xã khu vực II, III là xã thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định về tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ).

Tuy vậy, nhìn nhận tổng thể, hiện nay, chính sách về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng vẫn còn nhiều bất cập, như: Chồng chéo, thiếu đồng bộ, chậm hướng dẫn, hướng dẫn chưa cụ thể gây cách hiểu khác nhau hoặc có hướng dẫn nhưng một số địa phương chưa thực hiện được do điều kiện khách quan...

Vì vậy, theo tác giả, nhằm hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển rừng trồng sản xuất ở Việt Nam nói chung và các tỉnh Đông Bắc nói riêng, cần học tập kinh nghiệm một số quốc gia nói trên như sau:

Một là, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp nhằm phát triển bền vững lâm nghiệp. Theo đó, một số chính sách cần được quy định rõ ràng. Ví dụ như: Quy định rõ ràng việc rừng tự nhiên những năm trước đây do người dân tự khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, nay thành rừng thì người dân phải được tiếp tục khai thác, sử dụng. Tại một số địa phương, khi có chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên thì cần được hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng. Các quy định về khai thác rừng cần tạo điều kiện phát huy tính tự chủ trong sản xuất, kinh doanh của chủ rừng; cơ chế chính sách hưởng lợi từ rừng không nên lệ thuộc quá nhiều vào các tiêu chuẩn kỹ thuật về quản lý theo quy định.

Hai là, coi trọng các hoạt động trồng và bảo vệ rừng xây dựng chính sách phát triển phát triển lâm nghiệp. Theo đó, cần đảm bảo lợi ích cho các chủ thể lâm nghiệp, gắn lợi ích của các chủ thể với trồng và bảo vệ rừng. Trên cơ sở đó, để từng chủ thể lâm nghiệp gắn các hoạt động với các hoạt động phát triển lâm nghiệp bền vững. Đây là vấn đề mấu chốt của chính sách khi hướng đến các mục tiêu của phát triển lâm nghiệp nói chung và trồng rừng nói riêng…

Ba là, hệ thống chính sách cần chú ý toàn diện đến các vấn đề của phát triển lâm nghiệp, từ trồng, bảo vệ rừng đến các vấn đề khai thác, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ rừng. Đảm bảo hoạt động nghề rừng theo chuỗi gia tăng tính bền vững của phát triển lâm nghiệp cũng như sản phẩm từ rừng trồng sản xuất.

Bốn là, coi trọng các mối quan hệ với các quốc gia láng giềng. Thực hiện hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, hoạch định đường biên, có các chính sách bảo vệ rừng giữ gìn an ninh biên giới./.

Tài liệu tham khảo
  1. https://nongnghiep.vn/thai-lan-tung-5-ty-bat-cho-nong-dan-trong-rung-d250998.html.
  2. https://vtv.vn/the-gioi/thai-lan-thi-diem-mo-hinh-trong-rung-moi-hieu-qua- hon-20190819180009843.htm
  3. https://daibieunhandan.vn/To-chuc/Luat-Lam-nghiep-cua-Trung-Quoc-Buoc-tien-tich-cuc-bao-ve- rung-i266055/
  4. https://www.thiennhien.net/2010/05/18/mot-goc-nhin-ve-cai-cach-dat-lam-nghiep-o-trung-quoc/
  5. https://dantocmiennui.vn/tay-bac-bo-vai-net-tong-quan/151989.html
  1. https://baoquangnam.vn/lam-nghiep/phat-trien-kinh-te-rung-vung-tay-bac-cua-tinh-nhieu-rao-can-87740.html
  2. Luật Lâm nghiệp năm 2017
  3. https://nhandan.vn/hoan-thien-chinh-sach-de-quan-ly-phat-trien-rung-ben-vung-post609530.html
ThS. NCS. Vi Anh Đức
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Lạng Sơn