Khoa học dữ liệu - công cụ đảm bảo thành công cho tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam

|

Khoa học dữ liệu - công cụ đảm bảo thành công cho tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam

Nhân kỷ niệm Ngày Thống kê thế giới (20/10 hàng năm), Tạp chí Con số và Sự kiện có bài viết bàn thảo về tầm quan trọng của khoa học dữ liệu đối với xã hội và thống kê chính là một phần không thể tách rời của khoa học dữ liệu  

Khoa học dữ liệu ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh trong cuộc sống hiện đại
 
Khoa học Dữ liệu (Data Science) là một lĩnh vực đa ngành, kết hợp giữa Toán học, Thống kê, Khoa học Máy tính và kiến thức chuyên môn trong các lĩnh vực cụ thể để phân tích, hiểu và tạo thông tin có giá trị từ các tập dữ liệu lớn.
 
Khoa học Dữ liệu bao gồm 4 bước quan trọng: Thu thập dữ liệu; Xử lý dữ liệu; Phân tích dữ liệu; Trực quan hóa dữ liệu và Ra quyết định. Đây là một quá trình thu thập, phân tích dữ liệu và tìm ra giá trị từ những thông tin có được để đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu thực tế. Trong quá trình này, dữ liệu hay thông tin là yếu tố đầu vào. Tuy nhiên, để biến dữ liệu thành thông tin có ý nghĩa đòi hỏi những nhà khoa học dữ liệu phải thành thạo trong việc sử dụng các công cụ và phương pháp như toán học, thống kê, kỹ thuật phần mềm và máy học.
 
Trong thời đại số, với sự phát triển không ngừng của công nghệ, lượng dữ liệu ngày càng tăng, khiến vai trò của ngành khoa học dữ liệu trong xã hội ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Khoa học dữ liệu ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh trong cuộc sống hiện đại của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ. 
 
Khoa học dữ liệu ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh trong cuộc sống hiện đại
của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ

Đối với doanh nghiệp, khoa học dữ liệu giúp các doanh nghiệp tận dụng dữ liệu để phân tích hành vi khách hàng, dự đoán doanh số, để từ đó cấu trúc, phát triển và cải tiến doanh nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo ra giá trị mới. Hiện nhiều doanh nghiệp, từ startup đến tập đoàn lớn, đã bắt đầu đầu tư vào khoa học dữ liệu để nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng nhu cầu thị trường. Đơn cử như các công ty VinGroup, VNG, FPT... đang áp dụng các giải pháp dữ liệu để cải thiện dịch vụ khách hàng và quản lý chuỗi cung ứng.
 
Trong lĩnh vực y tế, khoa học dữ liệu đang thay đổi cách mà chúng ta tiếp cận chăm sóc sức khỏe thông qua phân tích dữ liệu bệnh nhân, dự đoán dịch bệnh; nghiên cứu và phát triển thuốc dựa trên dữ liệu bệnh nhân...
 
Lĩnh vực giao thông vận tải, khoa học dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa hệ thống giao thông, ví dụ như dự đoán lưu lượng giao thông thông qua phân tích dữ liệu lịch sử và theo dõi tình trạng giao thông; tối ưu hóa lộ trình cho các phương tiện và lên kế hoạch cho các chuyến đi; quản lý hệ thống vận tải công cộng thông qua phân tích dữ liệu hành khách, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng. Điển hình như các công ty như Uber và Grab sử dụng thuật toán định tuyến thông minh để tính toán lộ trình nhanh nhất cho tài xế dựa trên dữ liệu thời gian thực về giao thông, thời tiết và tình trạng đường, qua đó vừa giúp tiết kiệm thời gian vừa giảm thiểu chi phí nhiên liệu.
 
Khoa học dữ liệu cũng có thể cải thiện chất lượng giáo dục và kết quả học tập thông qua phân tích kết quả học tập (sử dụng dữ liệu để theo dõi sự tiến bộ của học sinh, xác định những điểm mạnh và yếu, từ đó điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp) hay cá nhân hóa học tập phù hợp với từng cá nhân, giúp mỗi học sinh học hiệu quả hơn...
 
Lĩnh vực giải trí, khoa học dữ liệu đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao trải nghiệm người dùng. Hiện các nền tảng như Netflix, Spotify và YouTube sử dụng thuật toán học máy để phân tích thói quen xem hoặc nghe của người dùng, từ đó đề xuất nội dung phù hợp để cải thiện trải nghiệm người dùng. Điều này không chỉ nâng cao sự hài lòng của người dùng mà còn tăng thời gian họ dành cho nền tảng. Bên cạnh đó, khoa học dữ liệu giúp các nhà sản xuất nội dung theo dõi thị hiếu, dự đoán xu hướng của khán giả để đưa ra quyết định chiến lược.
 
Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số và ngành khoa học dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Việc áp dụng các giải pháp dữ liệu vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển các thành phố thông minh, giúp cải thiện hiệu quả quản lý và cung cấp dịch vụ công. Bên cạnh đó, Việt Nam đang định hướng xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính, để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số ở nước ta. Trong nền kinh tế số, xã hội số mà Việt Nam đang xây dựng và phát triển, khoa học dữ liệu đồng thời sẽ giúp Chính phủ có những đánh giá, phân tích, đưa ra những quyết sách phù hợp thông qua khai thác tối ưu cơ sở dữ liệu dùng chung. Sự tích hợp này không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà còn đảm bảo tính bền vững cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
 
Tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai
 
Với tính ứng dụng quan trọng trong hầu hết các ngành, lĩnh vực, khoa học dữ liệu đang dần trở thành ngành “hot” nhất hiện nay với nhu cầu nhân lực cao và mức lương hấp dẫn. Nhiều công ty trong và ngoài nước đang tìm kiếm nhân lực có kỹ năng phân tích dữ liệu để cải thiện quy trình ra quyết định và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh như: FPT, Viettel, VNG, MoMo... Điều này cũng dẫn đến sự xuất hiện của nhiều vị trí việc làm mới trong lĩnh vực này, từ nhà phân tích dữ liệu đến kỹ sư học máy (Machine Learning).
 

Theo dự báo của TopDev - một nền tảng tuyển dụng IT hàng đầu Việt Nam, nhu cầu về nhân lực ngành Khoa học dữ liệu tại Việt Nam sẽ tăng trưởng 15-20% mỗi năm trong giai đoạn 2022-2025. Ước tính đến năm 2025, Việt Nam sẽ cần đến 1 triệu chuyên gia Khoa học dữ liệu. Các vị trí tuyển dụng phổ biến trong ngành Khoa học dữ liệu bao gồm: Nhà khoa học dữ liệu (Data scientist), Kỹ sư dữ liệu (Data engineer), Chuyên gia phân tích dữ liệu (Data analyst)...
 
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực về khoa học dữ liệu, nhiều cơ sở giáo dục đại học công lập và quốc tế đưa ngành Khoa học dữ liệu vào chương trình đào tạo như: Đại học Bách khoa Hà Nội với chương trình đào tạo Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo; Đại học Kinh tế quốc dân đào tạo chuyên ngành khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh; Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học quốc gia Hà Nội đào tạo chuyên ngành khoa học dữ liệu của trường được xây dựng trên cơ sở thế mạnh của 3 môn Toán - Cơ - Tin học; Trường Đại học Ngoại Thương với chương trình Cử nhân Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh hay Trường Đại học Swinburne Việt Nam với chuyên ngành Khoa học dữ liệu, đào tạo sâu về ứng dụng các công nghệ mới (Big Data, IoT, Blockchain, Data Science, AI, Cloud) trong phân tích dữ liệu; Trường Đại học VinUni đào tạo chương trình Cử nhân Khoa học Dữ liệu chất lượng cao...

Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, chương trình đào tạo khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo được thiết kế và giảng dạy bởi các giáo sư hàng đầu trong nước và quốc tế. Sinh viên các năm cuối sẽ được hướng dẫn bởi các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (DS-AI) trong và ngoài nước, đặc biệt là các chuyên gia đang làm việc tại các Tập đoàn công nghệ đa quốc gia như: Google, Facebook, Microsoft, Amazon… giúp các sinh viên vừa nâng cao kiến thức, vừa bổ sung thêm các kỹ năng làm việc, nghiên cứu theo chuẩn quốc tế, hướng tới thị trường lao động toàn cầu, cũng như bồi đắp tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Ngoài ra, Đại học Bách khoa Hà Nội còn hợp tác với các trường đại học uy tín tại Châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, giúp sinh viên có cơ hội trao đổi, tiếp xúc sớm với môi trường làm việc bằng quốc tế, như: Đại học Khoa học Ứng dụng Regensburg (OTH, Đức), Đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore), Đại học Quốc gia Singapore... mang đến cho sinh viên cơ hội trải nghiệm môi trường làm việc thực tế tại hơn 200 doanh nghiệp đối tác của Trường, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp quốc tế có trụ sở tại Việt Nam.

Còn tại trường Đại học VinUni đào tạo ngành khoa học dữ liệu với chương trình Cử nhân Khoa học Dữ liệu chất lượng cao thuộc Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính. Chương trình này không chỉ cung cấp kiến thức vững chắc về nguyên lý máy tính, thống kê và quản lý dữ liệu, mà còn giúp sinh viên phát triển kỹ năng thực tiễn trong lĩnh vực Khoa học Dữ liệu. Mục tiêu của chương trình là nuôi dưỡng các nhà lãnh đạo trẻ, trang bị cho sinh viên khả năng tạo ra giá trị từ dữ liệu và hiểu rõ vai trò của mình trong tổ chức cũng như xã hội. Sinh viên sẽ được khuyến khích thể hiện sự sáng tạo, đổi mới và tính chuyên nghiệp, giúp các bạn trẻ tự tin đóng góp trong các vị trí lãnh đạo kỹ thuật hoặc theo đuổi các dự án khởi nghiệp.

Hiện Chính phủ Việt Nam cũng đã có chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực khoa học dữ liệu. Cụ thể, ngày 02/2/2024, Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dữ liệu quốc gia đến năm 2030 với tầm nhìn là dữ liệu của Việt Nam sẽ mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; là nhân tố thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo cho tiến trình chuyển đổi số thành công, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn. Trong đó, một trong những giải pháp Chiến lược đưa ra là phát triển các chương trình đào tạo chuyên nghiệp tại các trường đại học; tập trung vào các lĩnh vực như khoa học dữ liệu, phân tích và xử lý dữ liệu lớn, bảo mật và quản lý dữ liệu. Đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để cung cấp các cơ hội thực tế và trao đổi kỹ thuật, cũng như tiếp cận với những công nghệ và phương pháp mới, tiên tiến nhất của thế giới về dữ liệu. Tăng cường đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực dữ liệu, bao gồm cả việc hỗ trợ các dự án nghiên cứu tiên tiến và sáng tạo về dữ liệu. Đẩy nhanh tiến trình triển khai các mô hình Đại học số để nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực về dữ liệu trong thời gian tới.

Có thể thấy, khoa học dữ liệu giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh, đồng thời hỗ trợ ra quyết định thông minh và hiệu quả hơn cũng như mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển và đổi mới trong mọi lĩnh vực. Trong sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và sự xuất hiện của công nghệ mới, dữ liệu tăng lên theo cấp số nhân, nhu cầu xử lý dữ liệu ngày càng tăng và vai trò của khoa học dữ liệu sẽ tiếp tục trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ngành khoa học dữ liệu ngày một “hot” hơn, hứa hẹn trở thành “ngành top” của các trường đại học và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai tại Việt Nam, không chỉ sẽ mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước ta./.

Có câu nói của một tác giả về vai trò của thống kê trong khoa học dữ liệu: "Khoa học dữ liệu không có thống kê giống như sở hữu một chiếc Ferrari không có phanh. Bạn có thể thích thú khi ngồi trong chiếc Ferrari, khoe chiếc xe mới mua của mình với người khác, nhưng bạn không thể tận hưởng chuyến đi lâu dài vì bạn sẽ sớm gặp tai nạn!"


 
 Bích Ngọc