Kinh nghiệm phát triển dịch vụ hỗ trợ vận tải biển của một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm

|

Kinh nghiệm phát triển dịch vụ hỗ trợ vận tải biển của một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm

Trên thế giới hiện nay, các dịch vụ vận tải biển được phân loại theo hai hệ thống: CPC (Hệ thống phân loại sản phẩm tập trung Central Produc Classiíication) và MMS (Hệ thống phân loại theo ngành hàng hải - Maritime Model Schedule). Theo hệ thống CPC, ngành dịch vụ hỗ trợ vận tải biển (Supporting services for maritime transport) nằm trong Phân ngành dịch vụ vận tải biển (Maritime Transport Service) và được chia thành các nhóm dịch vụ sau: Dịch vụ khai thác cảng  đường thủy (loại trừ xếp dỡ hàng hóa); Dịch vụ hoa tiêu  cập cầu; Dịch vụ hỗ trợ cho hàng hải (bảo đảm hàng hải); Dịch vụ cứu hộ  trục vớt tàu; Các dịch vụ khác hỗ trợ cho vận tải thủy (như làm vệ sinh, tẩy uế, hun khói, kiểm tra sâu bọ...).

Kinh nghiệm phát triển dịch vụ hỗ trợ vận tải biển tại một số quốc gia



Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Hồng Kông
 
Hông Kông được coi như một hình mẫu về phát triển dịch vụ vận tải biển, trong đó có dịch vụ hỗ trợ vận tải biển. Sự phát triển của vận tải biển góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của Hông Kông (chỉ số GDP/đầu người xếp thứ 8 thế giới năm 2018 theo xếp hạng của IMF). Năm 2017, Hồng Kông là quốc gia số lượng tàu đăng ký xếp thứ 4 thế giới, sau Panama, Liberia và Quần đảo Marshall. Trong những năm qua, Hồng Kông chứng kiến sự mở rộng liên tục của các cụm dịch vụ hàng hải và sự phát triển của các dịch vụ vận tải biển, trong đó có dịch vụ hỗ trợ vận tải biển. Có được điều này là nhờ Hồng Kông đã triển khai mạnh các hoạt động:
 
Một là, thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi cho dịch vụ hỗ trợ vận tải biển. Ủy ban Hàng hải và Cảng Hồng Kông được thành lập vào tháng 4 năm 2016, chịu trách nhiệm xây dựng các chiến lược và chính sách, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ hàng hải chuyên nghiệp, có giá trị cao ở Hồng Kông; thúc đẩy phát triển tài năng và thúc đẩy Hồng Kông trở thành một trung tâm hàng hải quốc tế. Hiện, môi trường kinh doanh thuận lợi của Hồng Kông được tăng cường hơn nữa theo thỏa thuận CEPA mới nhất được giữa Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, cho phép tự do hóa thương mại dịch vụ cơ bản giữa hai nước từ tháng 6 năm 2016, từ đó mở ra cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ hàng hải Hồng Kông khai thác triệt để vào Trung Quốc đại lục.
 
Hai là, thúc đẩy áp dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ vận tải biển. Các dịch vụ vận tải biểnquản lý chuỗi cung ứng liền mạch không thể thiếu việc áp dụng công nghệ thông tin tiên tiến. Một số sáng kiến gần đây về dịch vụ Hệ thống mạng giao thông thương mại kỹ thuật số (Digital Trade and Transport Network System - DTTN); dự án thí điểm với Hội đồng phát triển Logistics Hồng Kông và Hội đồng Năng suất Hồng Kông (HKPC) trên Hệ thống Thông tin Xe tải trên tàu (On-Board Trucker Information System - OBTIS)… đã giúp ngành công nghiệp vận tải biển tăng hiệu quả hoạt động và chi phí thấp hơn.
 
Ba là, Chính phủ Hồng Kông đã thành lập Quỹ đào tạo hàng hải và hàng không trị giá 100 triệu đô la Hồng Kông vào năm 2014, trong nỗ lực thu hút và phát triển tài năng cho hai lĩnh vực này.
 
Singapore
 
Quốc đảo Singapore tách ra từ Malaysia năm 1963 đã phát triển kinh tế trong điều kiện hầu như không có tài nguyên thiên nhiên, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Lợi thế mà Singapore có được là vị trí địa lý thuận lợi nằm trong tuyến hàng hải huyết mạch từ đông sang tây, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Do vậy, tập trung phát triển vận tải biển, trong đó có các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển là trọng tâm phát triển của quốc gia này. Chính phủ Singapore đã thực hiện nhiều nỗ lực và khuyến khích khác nhau để phát triển dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, bao gồm:
 
Một là, quy hoạch và phát triển hệ thống dịch vụ vận tải biển hiệu quả. Cảng biển Singapore được quản lý theo mô hình chủ cảng, cơ quan quản lý cảng là người sở hữu và bảo trì các công trình cảng nhưng cho khu vực tư nhân thuê để thực hiện các dịch vụ tại cảng như bốc xếp, giao nhận, lưu kho hàng hóa. Bên cạnh đó, Công ty Cảng biển PSA, một công ty hoàn toàn của Nhà nước (Công ty Temasek Holdings) hoạt động như một thực thể độc lập khai thác các bến container tại Brani, Keppel và Tanjiong Pagar. Trong chính sách cạnh tranh với các cảng trong khu vực, Singapore đặc biệt chú trọng vào cơ sở vật chất để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ... lấy chất lượng dịch vụ làm động lực cho cạnh tranh chứ không phải giảm giá dịch vụ.
 
Hai là, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải biển. Singapore đã chủ động ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong việc quản lý và cung ứng dịch vụ vận tải biển, trong đó có dịch vụ hỗ trợ vận tải biển và dịch vụ cảng biển. Từ năm 1997, Singapore đã đầu tư và lắp đặt hệ thống thông tin quản lý điều hành cảng, với 4 hệ thống thành phần hỗ trợ nhau, đó là CITOS, BOXNET, PORTNET và FAST-CONNECT. PORTNET cung cấp các dịch vụ trực tuyến tích hợp cho các hãng tàu, vận tải, giao nhận vận tải và chủ hàng hoạt động tại Singapore và cho các cơ quan chính quyền địa phương. CITOS, viết tắt của Hệ thống vận hành thiết bị đầu cuối tích hợp trên máy tính, cung cấp chỉ huy và kiểm soát cho các hoạt động trung chuyển rất phức tạp tại các bến container của PSA Singapore Terminal. Những giải pháp này và các giải pháp khác được sử dụng trong quản lý trung chuyển và truy tìm các container hỗ trợ rất nhiều cho PSA trong việc theo dõi và di chuyển container vào, ra và tại các bến của nó để kết nối với thế giới thông qua vận chuyển trực tiếp hoặc trung chuyển.
 
Ba là, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn để phát triển nhân lực và hạ tầng cung cấp dịch vụ. Singapore thành lập hàng loạt các quỹ nhằm mục tiêu phát triển như: (i) Quỹ Maritime Cluster Fund (MCF), trị giá 50 triệu SGD để cung cấp tài chính cho các công ty mới nổi trong lĩnh vực hàng hải, nâng cấp khả năng cung cấp dịch vụ có giá trị gia tăng cao của các công ty hàng hải địa phương, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng và hoạt động đào tạo nhân lực. (ii) Quỹ của Chương trình Phát triển CNTT Doanh nghiệp Hàng hải (MERIT), trị giá 20 triệu SGD, khuyến khích các công ty hàng hải vừa và nhỏ tận dụng CNTT trong việc hiện đại hóa và nâng cấp hoạt động, bằng cách đồng tài trợ cho các dự án nâng cấp và ứng dụng CNTT của họ. (iii) Quỹ của Chương trình phát triển kinh doanh hàng hải (Maritime Business Development Scheme), trị giá 7 triệu SGD, nhằm hỗ trợ các công ty hàng hải thành lập các đơn vị kinh doanh mới và ra mắt các   sản phẩm và dịch vụ tại Singapore.
 
Bốn là, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển các công nghệ và dịch vụ mới. Chính quyền Singapore hợp tác với các đơn vị nghiên cứu đào tạo để phát triển các kỹ thuật, hệ thống, quy trình, dịch vụ để nâng cao vị thế của Singapore như là một trung tâm hàng hải hàng đầu thế giới, như: Hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu hàng hải (Center for Maritime Studies - CMS) tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS); thành lập Quỹ đầu tư và đổi mới hàng hải (MINT) trị giá 100 triệu SGD; thành lập Trung tâm nghiên cứu hàng hải (Maritime Research Center - MRC) tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) như một trung tâm một cửa cho R&D hàng hải tại cảng và công nghệ hàng hải.
 
Bài học cho Việt Nam
 
Mỗi quốc gia có những đặc điểm kinh tế xã hội khác nhau nên lựa chọn cho mình những mô hình phát triển dịch vụ hỗ trợ vận tải biển khác nhau. Từ những thành công của các quốc gia trên, theo tác giả, Việt Nam có thể học hỏi một số kinh nghiệm sau:
 
Một là, đổi mới cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ hỗ trợ vận tải biển theo hướng hội nhập và thích hợp với điều kiện của Việt Nam để khuyến khích các hoạt động này phát triển. Nếu có những quy định chồng chéo hoặc không phù hợp giữa các văn bản pháp lý hiện hành của Việt Nam với những cam kết của Việt Nam trong WTO hoặc trong các hiệp định đa phương, song phương khác cần được sửa đổi cho phù hợp với các cam kết đó.
 
Hai là, xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ trong dịch vụ vận tải biển nói chung và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển nói riêng. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải biển hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ sẽ giúp các hoạt động lưu kho, xếp dỡ hàng hóa, khai báo hải quan, giao nhận hàng hóa được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.
 
Ba là, đổi mới hoạt động thu hút và sử dụng vốn đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ vận tải hỗ trợ vận tải biển hiệu quả và bền vững. Dịch vụ vận tải biển nói chung và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển nói riêng cần nguồn vốn rất lớn, do đó việc đổi mới hoạt động thu hút và sử dụng nguồn vốn hiệu quả là công việc khó khăn nhưng sẽ thúc đẩy sự phát triển của hoạt động cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận tải biển bền vững hơn./.
 
 
Tài liệu tham khảo
  1. HKTDC Reserch (2018), Maritime Services Industry in Hong Kong, link truy cập <http://hong-kong- economy-research.hktdc.com/business-news/article/Hong-Kong-Industry-Profiles/Maritime-Services- Industry-in-Hong-Kong/hkip/en/1/1X000000/1X09WBHM.htm >
  2. Janice Tse, Hong Kong’s maritime and logistics sectors, link truy cập <http://info.hktdc.com/shippers/ vol30_1/vol30_1_IndustryForecast03.htm>
  3. Lê Thị Việt Nga (2013), Phát triển dịch vụ vận tải biển Việt Nam đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, Luận án tiến sỹ trường Đại học Ngoại Thương.
  4. Nazery Khalid (2008), Enhancing maritime support services in Malaysia: a strategic approach.
  5. Trịnh Thị Thu Hương (2007) Phát triển dịch vụ vận tải Việt Nam đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
ThS. Vũ Anh Tuấn - TS. Lê Thị Việt Nga
Đại học Thương mại