Định hướng xúc tiến thương mại Quốc gia: Đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu thời gian tới

|

Định hướng xúc tiến thương mại Quốc gia: Đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu thời gian tới

Kết quả hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia
 
Tại Việt Nam, kể từ năm 2010, với Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế mới về việc xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, thay thế Quyết định số 279/2005/QĐ-TTg ngày 03/11/2005 Quyết định số 80/2009/QĐ-TTg ngày 21/5/2009, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đã có sự thay đổi cả về lượngchất, mang lại hiệu quả tích cực trong đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa, nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh góp phần củng cố và phát triển thị trường trong nước.

 
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2018 cho thấy: Trong năm, đã có 171 đề án được phê duyệt và bố trí thực hiện với tổng kinh phí là 103 tỷ đồng. Chương trình đã hỗ trợ gần 5.000 lượt doanh nghiệp tham gia; tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện xúc tiến thương mại xuất khẩu đạt 9,3 tỷ USD và 106,82 tỷ đồng; doanh số bán hàng trực tiếp tại các hội chợ vùng, phiên chợ đạt hơn 141,82 tỷ đồng; thu hút gần 1,5 triệu lượt khách tham quan, trong đó có 100 nghìn lượt khách giao dịch thương mại.
 
Với sự hỗ trợ từ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, việc kết nối, giao thương giữa Việt Nam và các nước đang ngày càng được mở rộng, nhất là trong năm 2018 khi các hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực. Doanh nghiệp nước ngoài không chỉ đưa sản phẩm vào nước ta giới thiệu, mà doanh nghiệp trong nước cũng được tạo mọi điều kiện thuận lợi để đưa hàng hóa ra nước ngoài quảng bá. Theo đó, hoạt động xúc tiến thương mại đã ngày càng được thực hiện theo chiều sâu, trong đó, ngoài việc tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư tại các thị trường truyền thống, đã có thêm các hoạt động khác như: Khảo sát, khai thác các thị trường có kim ngạch xuất khẩu cao như EU, Mỹ, thị trường các nước tiềm năng như Nga, Các tiểu vương quốc Ả -Rập Thống nhất, Cu-ba và một số nước ASEAN… Trong năm 2018, Chương trình đã hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục quay lại thị trường Liên bang Nga, các nước Đông Âu; tăng cường hoạt động tại thị trường các nước trong khu vực châu Á và một số nước Trung Đông, châu Phi; xúc tiến đẩy mạnh hoạt động thương mại, đầu tư; nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam. Nhờ đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2018 diễn ra khá sôi động và đạt nhiều kết quả ấn tượng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017. Có tới 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 5 mặt hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, chiếm 58,3% tổng kim ngạch. Năm 2018 ước tính kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN tăng 13,7%, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 18,5%, xuất khẩu sang Nhật tăng 12,9%... Riêng Quý I năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường thế giới cũng đạt 58,5 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2018.
 
Đặc biệt, với các ngành hàng được hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế thông qua hình thức tham gia các hội chợ quốc tế cũng mang lại những kết quả khả quan. Điển hình là Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, sau nhiều năm tham gia xúc tiến thương mại quốc gia, ngành này đã ngày càng được mở rộng về thị trường xuất khẩu, số lượng đơn hàng và đặc biệt là có thêm được những mối liên hệ với các doanh nghiệp khác trên thế giới. Nhờ đó, kim ngạnh xuất khẩu của toàn ngành tăng vượt bậc từ 3 tỷ USD năm 2003 tăng lên gần 18 tỷ USD năm 2017 và đạt xấp xỉ 20 tỷ USD năm 2018.
 
Ngoài ra, các hoạt động phối hợp giữa các Hiệp hội, ngành nghề đã chọn ra những doanh nghiệp có sản phẩm đạt tiêu chuẩn về chất lượng với giá cả cạnh tranh để đẩy mạnh kết nối giao thương với các Tập đoàn bán lẻ, các nhà mua hàng quốc tế, các hệ thống siêu thị hiện đại trong và ngoài nước. Thực hiện cuộc vận động“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các phiên chợ hàng Việt cũng được tổ chức tại nhiều địa phương thuộc miền núi, biên giới và hải đảo. Qua đó, đã góp phần tích cực trong việc phát triển, mở rộng thị trường trong nước.
 
Riêng với nhóm ngành sử dụng nhiều lao động, ngành hàng công nghệ cao, ngành công nghiệp hỗ trợ, chương trình ưu tiên hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến giao thương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
 
Đặc biệt, mới đây (tháng 01/2019), Bộ Công Thương đã chính thức ký kết hợp tác với Amazon Global Selling, một trong những kênh bán hàng trực tuyến toàn cầu lớn nhất thế giới. Thông qua chương trình Amazon Global Selling, những người bán thuộc nhiều loại hình và quy mô có thể trực tiếp tiếp cận hơn 300 triệu tài khoản người mua và hàng triệu đại lý mua hàng sỉ. Hiện Amazon có trang thương mại điện tử tại 18 quốc gia, trên 175 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên thế giới nhằm hỗ trợ người bán vận chuyển sản phẩm đến người mua tại 185 quốc gia và khu vực. Sự hợp tác với Amazon Global Selling sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu, phát triển thương hiệu thông qua nền tảng thương mại điện tử, mang lại sự đổi mới trong công tác xúc tiến thương mại, phù hợp với xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là một trong những điểm mới làm biến đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và đưa thương mại điện tử trở thành một hình thức giao dịch thương mại có tiềm năng phát triển. Đánh dấu sự phát triển ngày càng đa dạng và phù hợp với xu thế hiện nay trong công tác xúc tiến thương mại của nước ta. Đây là cơ hội mới mở ra hướng kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam bán hàng đi khắp nơi trên thế giới.
 
Có thể thấy, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, cùng sự hỗ trợ về tài chính của nhà nước, các cơ chế chính sách phù hợp, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia thời gian qua đã ngày càng thể hiện tính hữu ích và tầm quan trọng trong hoạt động thương mại của quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chương trình hiện vẫn còn không ít rào cản, hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả xúc tiến thương mại. Cụ thể như: Nguồn lực đầu tư cho xúc tiến thương mại còn dàn trải, phân tán ở nhiều lĩnh vực. Mặc dù số lượng đề án được phê duyệt hàng năm lớn song chưa rõ trọng tâm, trọng điểm. Quy mô đề án xúc tiến thương mại còn khiêm tốn, chưa có đề án trung và dài hạn theo chuỗi từ xúc tiến thương mại phát triển sản phẩm, thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xây dựng kênh phân phối, phát triển thị trường tiêu thụ… Đầu tư cho hoạt động quảng bá, trình diễn sản phẩm còn hạn chế cũng đã ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút khách thăm quan, giao dịch. Hoạt động đào tạo phát triển sản phẩm chưa thực hiện được nhiều đề án chuyên sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu.
 
Đối với hoạt động xúc tiến thương mại thông qua việc tham gia Hội chợ triển lãm quốc tế tại nước ngoài, do hạn chế về nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước cũng như nguồn lực của doanh nghiệp, khu gian hàng Việt Nam thường có quy mô khiêm tốn so với gian hàng các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc… Bên cạnh đó, với việc xúc tiến thương mại hướng đến đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp Việt đang đứng trước nhiều rào cản về ngôn ngữ, trình độ đội ngũ tham gia… khiến không ít nhà bán lẻ, doanh nghiệp Việt khó tiếp cận với các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, khi tham gia các hoạt động thuộc chương trình xúc tiến thương mại tại các quốc gia khác trên thế giới, các doanh nghiệp Việt cần tuân thủ các quy định nghiêm ngặt nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm, đây là một trong những rào cản lớn khiến cho số lượng doanh nghiệp có cơ hội tham gia không nhiều, chưa tạo được dấu ấn tích cực và nét ở các hội chợ quốc tế.
 
Đối với hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, vẫn còn một số trường hợp trong quá trình triển khai tổ chức các phiên chợ, hội chợ tại địa phương còn chưa đạt yêu cầu đề ra. Hàng hóa chưa phong phú, đa dạng, việc tổ chức dàn dựng gian hàng tại một số phiên chợ ở địa phương còn sơ sài, chưa tạo được ấn tượng tốt. Tham gia các phiên chợ phần lớn là doanh nghiệp thương mại nên mới chỉ tập trung vào việc bán hàng, chưa chú trọng giới thiệu, tuyên truyền quảng bá sản phẩm, nghiên cứu, thăm dò nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng…
 
Định hướng xúc tiến thương mại quốc gia - đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu
 

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia, hướng đến đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu, ngày 27 tháng 12 năm 2018, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 5106/QĐ-BCT, phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2019, bao gồm 201 nội dung thuộc các lĩnh vực: Quảng bá, thông tin, truyền thông; hội chợ định hướng xuất khẩu tại Việt Nam, hội chợ phát triển thương mại biên giới; hội chợ triển lãm thương mại tại nước ngoài; đoàn giao dịch xúc tiến thương mại tại nước ngoài; hội nghị quốc tế ngành hàng, đón các nhà nhập khẩu vào Việt Nam mua hàng; hội chợ vùng, hội chợ phát triển thị trường nội địa; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại; phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, biên giới, miền núi và hải đảo.
 
Theo đó, để triển khai các nội dung của Chương trình, trong bối cảnh cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt hiện nay, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả thương mại với các thị trường lân cận, các đối tác đã có Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam cần đẩy mạnh việc tiếp cận, khai phá các thị trường mới, xa hơn như khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Phi,… nhằm đa dạng hóa thị trường và nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Do vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác một cách có hiệu quả và tận dụng được các ưu đãi tại các thị trường đã có các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là thị trường ASEAN, thời gian tới Bộ Công Thương (Cục xúc tiến thương mại) sẽ phối hợp và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại khu vực như: Hội chợ thương mại Việt Nam - Lào, Hội chợ thương mại Việt Nam - Campuchia, Tuần lễ triển lãm sản phẩm Việt Nam tại Thái Lan, kết nối giao thương với nhà phân phối tại Malaysia, Hội chợ hàng Việt Nam tại Myanmar, Chương trình giao thương tại Trung Quốc…
 
Những năm gần đây thị trường Mỹ Latinh đang dần trở thành đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam với mức tăng trưởng khoảng 20%/năm. Đây cũng là khu vực có nền kinh tế phát triển năng động và có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau châu Á. Bên cạnh đó, Mỹ Latinh còn là thị trường có quy mô lớn, với hơn 650 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người cao ở mức từ 15.000-16.000 USD/người/ năm; nhu cầu tiêu dùng của khu vực này khá lớn; trong đó, nhiều mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như gạo, giày dép, dệt may, thủy sản, đồ gỗ, máy tính,… Do vậy, việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường này sẽ góp phần không nhỏ trong việc đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của nước ta thời gian tới.
 
Ngoài ra, Trung Đông và châu Phi cũng là khu vực được các chuyên gia đánh giá nhiều tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, Trung Đông là thị trường có sức mua lớn, khả năng thanh toán cao do có nguồn tài chính dồi dào. Nhu cầu tiêu dùng của các nước Trung Đông chủ yếu phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu; trong đó có nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh. Còn châu Phi là khu vực có nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng rất lớn và thị trường châu Phi cũng không yêu cầu chất lượng hàng hóa quá cao.
 
Cùng với việc tiếp cận các thị trường theo khu vực địa lý, các doanh nghiệp Việt Nam cũng được khuyến khích khai thác các thị trường theo nhóm đối tượng người tiêu dùng, đặc biệt là thị trường các nước Hồi giáo. Theo đại diện Văn phòng chứng nhận Halal (HCA Việt Nam) cho biết, số lượng người Hồi giáo trên toàn thế giới lên tới 1,6 tỷ người, tập trung nhiều ở khu vực Trung Đông và một số nước ASEAN. Đây là nhóm đối tượng sử dụng các sản phẩm Halal (được phép dùng – theo Luật Hồi giáo), ngành công nghiệp Halal đang phát triển rất nhanh, có doanh thu lên tới 2.300 tỷ USD/năm và thu hút không chỉ các nước Hồi giáo mà cả các nước không có người Hồi giáo tham gia. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều nhóm sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn Halal của các nước Hồi giáo như nông sản, thủy sản. Tuy nhiên hiện nay chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal, phục vụ nhu cầu của cộng đồng người Hồi giáo, dù thị trường này có ít rào cản về mặt kỹ thuật và mức thuế nhập khẩu cũng rất thấp. Hiện nay, nhiều quốc gia Hồi giáo cũng có động thái kết nối và tìm kiếm hàng hóa, thực phẩm  của Việt Nam. Đó là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng thị trường và nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
 
Có thể thấy, với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, phong phú Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2019 dự kiến sẽ thành công và đi vào thực chất hơn, thực hiện theo tiêu chí: Xúc tiến thương mại cho sản phẩm, ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu của vùng kinh tế, quốc gia, phát triển thị trường xuất khẩu; nâng cao hiệu quả nhập khẩu...; đồng thời triển khai theo đúng tinh thần nghị quyết 01/NQ-TTg ngày 01/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ, từng bước khẳng định xúc tiến thương mại quốc gia là giải pháp hỗ trợ đắc lực giúp doanh nghiệp đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu thời gian tới./.

 
Thu Hòa