Gõ khó cho sản xuất kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm

|

Gõ khó cho sản xuất kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm

Nhận diện khó khăn
 

Quý I/2019, tình hình kinh tế - xã hội cả nước có sự khởi đầu khá thuận lợi với tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước, trong đó động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Riêng ngành khai khoáng tiếp tục xu hướng giảm, khẳng định nền kinh tế đã thoát khỏi sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tài nguyên. Mức tăng trưởng 6,79% khá ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực suy giảm và là mức tăng cao hơn mức tăng trưởng quý I của các năm 2011-2017. Sản xuất của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2019 duy trì tăng trưởng khá, khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả.

 

 
Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Một điểm sáng khác của bức tranh kinh tế - xã hội quý I/2019 là môi trường đầu tư kinh  doanh được cải thiện, thể hiện ở số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại  hoạt động tăng cao, hơn 43,5 nghìn doanh nghiệp. Trong 3 tháng đầu  năm,  cả  nước  có  trên 28.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 375,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% về số doanh nghiệp và tăng 34,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là trên 15.000 doanh nghiệp, tăng 78,1% so với cùng kỳ năm trước. Những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đồng thời đã tác động và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, giúp cho tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp này đạt 9,7%, cao hơn nhiều so với mức tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (2,7%). Cán cân thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu với 536 triệu USD.
 
Cùng với đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đạt trên 4,5 triệu lượt, tăng 7% so cùng kỳ năm trước. Tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt trên 5,1 tỷ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ, vốn FDI thực hiện đạt 4,12 tỷ USD, tăng 6,2%. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần, vấn đề an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Đáng lưu ý là tổng cầu nền kinh tế và mức thu nhập của người dân tăng lên. Đây là căn cứ để đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng của người dân, kích thích mở rộng năng lực sản xuất của nền kinh tế, tạo đà cho kinh tế nước ta phát triển trong những quý tiếp theo. Nhiều ngành sản xuất trong nước cũng có tín hiệu khởi sắc trong 3 tháng đầu năm, tạo niềm tin phát triển cho cả năm 2019 như: Sản xuất ô tô, thép, dệt may, giày dép...
 
Mặc dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quý I/2019, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, cũng như xuất hiện những khó khăn, thách thức mới tác động đến tăng trưởng kinh tế. Mức tăng GDP 6,79% của quý I/2019 thấp hơn kịch bản tăng trưởng đã được xây dựng từ đầu năm. Cùng với đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và được dự báo là khó duy trì tốc độ tăng như cùng kỳ năm trước trong những quý tiếp theo.
 
Nhìn lại năm 2018, thủ tục đăng ký doanh nghiệp được đánh giá là có bước tiến đột phá trong cải cách hành chính, với 25 Nghị định về sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành; sửa đổi 80 Nghị định, trải rộng trên 15 lĩnh vực của 15 bộ, ngành - với hơn 50% số điều kiện, tương ứng hơn 3.000 điều kiện kinh doanh đã được cắt bỏ hoặc sửa đổi, thay thế. Việc cắt giảm, xóa bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết đã giúp giảm đáng kể thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2019 vẫn còn một số rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp, điển hình là thời gian hoàn thành việc đăng ký doanh nghiệp trên thực tế so với quy định của luật vẫn còn vênh nhau.
 
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và rộng với kinh tế quốc tế với độ mở lớn, do đó nền kinh tế nước ta chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Điển hình là sự suy giảm thương mại toàn cầu được cho là mạnh nhất trong 10 năm qua đã tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của nước ta trong quý I năm nay. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực có dấu hiệu giảm tốc, đặc biệt là mặt hàng nông, lâm, thủy sản giảm mạnh cả về lượng và giá trị xuất khẩu, khiến cho việc thực hiện mục tiêu cả năm nay gặp nhiều khó khăn. Tính chung quý I/2019, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng xuất khẩu này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 24,5% của quý I/2018. Kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản quý I năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước là: Cà phê đạt 830 triệu USD, giảm 23,8%; hạt điều đạt 625 triệu USD, giảm 17,2%; gạo đạt 567 triệu USD, giảm 23,6%; hạt tiêu đạt 189 triệu USD, giảm 14,7%; rau quả đạt 885 triệu USD, giảm 8,6%. Hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành sản xuất trong nước đồng thời phải đối mặt với việc bảo hộ thương mại từ các quốc gia có xu hướng ngày càng tăng.
 
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm ước đạt 57,98 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018. Một số mặt hàng nhập khẩu nhiều trong quý I/2019 gồm: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 11,7 tỷ USD (chiếm 20,2% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 8,7 tỷ USD, tăng 15,1%; sản phẩm chất dẻo đạt 1,5 tỷ USD, tăng 7,8%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 1,4 tỷ USD, tăng 8,8%… Trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, trong khi nhập khẩu tăng đã khiến cho Việt Nam chỉ xuất siêu 536 triệu USD trong quý I/2019, thấp hơn rất nhiều so với con số 2,7 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Điều đáng nói là tình trạng xuất siêu chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) với 7,57 tỷ USD, ngược lại khu vực kinh tế trong nước nhập siêu tới 7,04 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu quý II/2019 được dự báo sẽ chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 do sự suy giảm của thương mại toàn cầu, đặc biệt là những ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc (hai đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam) và việc Anh rời khỏi EU có những diễn biến ngày càng phức tạp.
 
Không chỉ chịu tác động từ kinh tế thế giới, việc tăng trưởng trong nước phụ thuộc vào khối doanh nghiệp nước ngoài (FDI), các tập đoàn đa quốc gia cũng là thách thức lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2019.
 
Một yếu tố khác tác động đến tăng trưởng kinh tế năm 2019 là áp lực lạm phát với các yếu tố như tăng giá điện, tăng giá xăng dầu. Mặc dù lạm phát quý I/2019 tăng 1,83%, thấp nhất trong 3 năm gần đây, nhưng lạm phát các quý tiếp theo được nhận định là sẽ phải chịu sức ép của nhiều yếu tố như: Tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, tăng giá thịt lợn từ tháng 6 do thiếu hụt nguồn cung...
 
Mặt khác, tình hình kinh tế - xã hội cả nước trong quý I còn tồn tại những vấn đề như: Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các dự án lớn chưa đạt yêu cầu; Dịch bệnh trên vật nuôi có diễn biến phức tạp, nhất là dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới ngành chăn nuôi nước ta. Trong những tháng đầu năm, cả nước đã có 82,2 nghìn con lợn bị tiêu huỷ. Tình hình dịch bệnh được cho là sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động của ngành chăn nuôi nước ta trong các quý tiếp theo và có thể tác động làm giảm 0,04 điểm phần trăm GDP cả năm, song song với tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân.
 
Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ
 
Năm 2019 được xác định là năm bứt phá để hoàn thành thắng lợi các nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Trước những khó khăn, thách thức đặt ra trong quý I/2019, để có thể đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước năm 2019 là 6,8% và hoàn thành nhiều nhiệm vụ khác của những tháng cuối năm, ngày 01/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong tháng và cả năm 2019. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước... tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp gồm:
 
Thứ nhất, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế. Theo đó, các Bộ, ngành tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường kiểm soát chất lượng điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động của DN; cũng như khắc phục hạn chế về cơ chế phối hợp thi hành pháp luật, phản ứng chính sách chậm ở một số Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, chú trọng hoàn thiện thể chế pháp luật phục vụ hội nhập và phát triển của Việt Nam, nhất là triển khai các cam kết hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, ưu đãi cho doanh nghiệp.
 
Thứ hai, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ nút thắt hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Thực hiện nhiệm vụ này, các Bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; có những chính sách để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN.
 
Thứ ba, quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất, đặc biệt là các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh tai xanh, bệnh lở mồm long móng; xây dựng “Hệ thống thông tin về phát hiện, phòng chống dịch bệnh từ cơ sở” để đảm bảo thông tin dịch bệnh, kịp thời trong quản lý, điều hành chỉ đạo, từ đó đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản phục vụ xuất khẩu, bảo đảm hoàn thành kế hoạch xuất khẩu đề ra.
 
Thứ tư, tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án công nghiệp quy mô lớn, bảo đảm giải ngân 100% nguồn vốn đầu tư công. Cụ thể là tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công. Nghiên cứu hỗ trợ các dự án FDI có quy mô lớn, đang làm thủ tục tăng vốn đầu tư; thúc đẩy giải ngân một số dự án cấp mới hoặc tăng cũng như thúc đẩy dự án đầu tư mới. Song song với đó, chủ động thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án công nghiệp quy mô lớn, đóng vai trò động lực cho tăng trưởng, nhất là các dự án năng lượng.
 
Thứ năm là nhóm các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước, đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới (CPTPP, FTA, EVFTA...) với các nhiệm vụ cụ thể là: Tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu; Đa dạng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; Tăng cường quản lý chặt chẽ gỗ nhập khẩu để tận dụng các lợi thế có được từ việc cắt giảm thuế quan khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP. Cùng với đó, tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định, đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu...
 
Thứ sáu, phát triển mạnh mẽ du lịch, góp phần lan tỏa tới nhiều ngành sản xuất, dịch vụ thị trường phát triển thông qua việc xây dựng chương trình phát triển hàng hóa phục vụ du khách, có chính sách hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất thủ công các mặt hàng của Việt Nam.
 
Thứ bảy, tổ chức các Hội nghị quốc gia tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng về các nội dung: Giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp cơ khí, vận tải thủy và vận tải ven biển, phát triển hạ tầng Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu kinh tế; Cải thiện năng suất lao động quốc gia; Vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp/ tập đoàn kinh tế lớn trong nền kinh tế, vai trò vùng kinh tế trọng điểm các miền Bắc, Trung, Nam đối với tăng trưởng kinh tế; Cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp…/.
 
ThS. Trần Ngọc
Học viện Ngân hàng