Giai đoạn 2005-2008, các doanh nghiệp CNPM trong nước chủ yếu thực hiện gia công xuất khẩu, trong đó các phần mềm ứng dụng còn hạn chế, phần lớn là phần mềm hệ thống, mang lại doanh thu không đáng kể. Những năm tiếp theo, do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra từ cuối năm 2008, hoạt động kinh doanh và xuất khẩu phần mềm của nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn bởi sự thu hẹp sản xuất, cắt giảm đơn hàng thuê ngoài của các đối tác nước ngoài quan trọng, dù vậy, ngành CNPM Việt Nam vẫn luôn nỗ lực nâng cao trình độ tay nghề và tìm kiếm đối tác để duy trì tốc độ tăng trưởng và không ngừng vươn ra thị trường quốc tế. Năm 2012, Việt Nam đã vượt Ấn Độ để trở thành đối tác lớn thứ 2 của Nhật và là “đối tác được ưa thích nhất” của các doanh nghiệp nước này, góp phần quan trọng nâng cao tên tuổi nước ta trong ngành công nghệ thông tin thế giới.
Theo báo cáo “Đánh giá các quốc gia về dịch vụ gia công công nghệ thông tin tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2016” của Tập đoàn nghiên cứu và tư vấn Gartner, Việt Nam được xếp là 1 trong 6 địa điểm hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Còn trong bảng xếp hạng của hãng tư vấn AT Kearney, Việt Nam đứng thứ 6 trong các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm toàn cầu năm 2017. Nhiều sản phẩm truyền thống của doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam như phát triển ứng dụng, phần mềm nhúng, tích hợp hệ thống, kiểm thử phần mềm (testing)... được khách hàng đánh giá cao. Với sự bùng nổ của mạng xã hội, điện thoại thông minh (smartphone)..., các công ty phần mềm trong nước đã đồng thời chuyển hướng sang mục tiêu tạo ra các phần mềm ứng dụng được tích hợp trên các thiết bị cá nhân như tablet, notebook, smartphone...
Theo báo cáo “Đánh giá các quốc gia về dịch vụ gia công công nghệ thông tin tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2016” của Tập đoàn nghiên cứu và tư vấn Gartner, Việt Nam được xếp là 1 trong 6 địa điểm hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Còn trong bảng xếp hạng của hãng tư vấn AT Kearney, Việt Nam đứng thứ 6 trong các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm toàn cầu năm 2017. Nhiều sản phẩm truyền thống của doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam như phát triển ứng dụng, phần mềm nhúng, tích hợp hệ thống, kiểm thử phần mềm (testing)... được khách hàng đánh giá cao. Với sự bùng nổ của mạng xã hội, điện thoại thông minh (smartphone)..., các công ty phần mềm trong nước đã đồng thời chuyển hướng sang mục tiêu tạo ra các phần mềm ứng dụng được tích hợp trên các thiết bị cá nhân như tablet, notebook, smartphone...
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, làn sóng dịch chuyển thị trường dịch vụ phần mềm từ hai trung tâm lớn của thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ sang các nước ASEAN đã góp phần giúp thị trường xuất khẩu ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam đạt tốc độ phát triển từ 10-25%/năm. Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2018, ngành CNPM Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá (13,8%) với doanh thu ước đạt 4,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 11,6% so năm 2017. Bên cạnh các thị trường truyền thống Nhật Bản, Bắc Mỹ là những thị trường mới nổi như châu Âu, Myanma… Tổng số doanh nghiệp phần mềm Việt Nam tính đến cuối năm 2018 là khoảng 10.000 doanh nghiệp với lực lượng nhân lực toàn ngành là 120.000 người.
Bên cạnh việc gia công phần mềm cho các đối tác nước ngoài, những năm gần đây, các doanh nghiệp phần mềm trong nước tập trung đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ 4.0, đầu tư mạnh cho sản xuất thiết bị đầu cuối, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, robotics, đặc biệt là các thiết bị thông minh, có hàm lượng chất xám cao như bàn phím ảo... nhằm thu hẹp khoảng cách và tăng sức cạnh tranh so với những công ty tên tuổi trên thế giới. Đây là hướng đi cần thiết để ngành CNPM phát triển, đưa ngành công nghiệp công nghệ thông tin thành một trụ cột của nền kinh tế và tạo nên những bước tiến mới của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã sớm bắt kịp xu hướng và trở thành đối tác đồng hành phát triển công nghệ mới. Đến nay, Việt Nam đã có những doanh nghiệp phần mềm có thể trực tiếp cung cấp các dịch vụ phầm mềm trọn gói (từ tư vấn, thiết kế đến triển khai) cho đối tác ngước ngoài theo xu hướng công nghệ mới như điện toán đám mây, công nghệ di động…
Một “ông lớn” tiên phong xuất khẩu phần mềm của ngành CNPM Việt Nam phải kể đến là FPT với hơn 20 năm kinh nghiệm. Chiến lược “chơi với người khổng lồ” đã giúp tập đoàn này hiện diện tại hơn 20 quốc gia trên thế giới với khoảng 500 khách hàng là các tập đoàn lớn trên toàn cầu. FPT bắt tay với nhiều tên tuổi lớn mà họ “chưa từng hy vọng ngồi cùng” như Airbus, Siemens, GE, Nissan, Microsoft, AWS để cùng hợp tác phát triển các giải pháp, dịch vụ dựa trên các nền tảng công nghệ Internet vạn vật - IoT như Skywise, Predix, MindSphere…. Đến nay đối với FPT, xuất khẩu phần mềm đã trở thành trụ cột doanh thu của khối công nghệ với tốc độ tăng trưởng bình quân 26%/năm và chiếm tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận lần lượt là 56% và 94%. Năm 2018, FPT chinh phục“đỉnh núi mới” khi mua 90% Intellinet, một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ. Đây là dần đầu tiên, một doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam có đủ tiềm lực để mua một công ty tư vấn của Mỹ và cũng dấu mốc quan trọng của FPT trong hành trình trở thành tập đoàn hàng đầu thế giới về dịch vụ chuyển đổi số. FPT đặt mục tiêu xuất khẩu phần mềm vào năm 2020 đạt một tỷ USD. Con số này đang là động lực để tập đoàn tiếp tục mở rộng thị trường ở các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu…
Bên cạnh FPT, TMA Solutions được biết đến là công ty phần mềm lớn thứ hai ở Việt Nam, nhận được sự tin cậy của hơn 100 khách hàng từ hàng chục quốc gia trên toàn thế giới, với nhiều tên tuổi viễn thông lớn như Alcatel - Lucent, Avaya, Genband, NTT Data, Hitachi…. Không chỉ dừng lại ở hoạt động gia công, những năm qua TMA Solutions đã triển khai mở rộng phát triển sản phẩm độc lập ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, tài chính… Hiện TMA Solutions đặt kỳ vọng lớn vào các xu hướng công nghệ mới dựa trên nền công nghệ điện toán đám mây và công nghệ di động, những mảng quan trọng góp phần lớn vào mục tiêu tăng trưởng 20% doanh thu.
Mặc dù đã điền tên Việt Nam vào danh sách nhóm các nước xuất khẩu phần mềm lớn của thế giới, song đến nay thị phần của ngành CNPM còn khá khiêm tốn trên thị trường toàn cầu. Nguyên nhân là do số lượng doanh nghiệp phần mềm có quy mô lớn là khá ít ỏi, hầu hết các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, dưới 1000 người. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu tham gia vào công đoạn có giá trị gia tăng thấp như gia công lập trình phần mềm với nguồn vốn đầu tư chưa nhiều. Trong khi đó, hoạt động nghiên cứu, sáng tạo giá trị mới (R&D) của ngành CNPM còn hạn chế, do đó các DN chưa tham gia sâu vào quá trình thiết kế, phát triển phần mềm, thiếu đi các sản phẩm phần mềm áp dụng công nghệ cao có tính đột phá sáng tạo. Vấn đề này đã làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước nhất là khi các doanh nghiệp nước ngoài đang có ưu thế trong thị trường các sản phẩm phần mềm cao cấp đòi hỏi độ chuyên nghiệp cao, chẳng hạn như trong lĩnh vực banking, logistic, các giải pháp liên quan đến kết nối tự động hóa trong sản xuất…
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang lại cơ hội cạnh tranh trực tiếp cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam và thị trường phần mềm thế giới vẫn là “chiếc bánh lớn” nếu như các doanh nghiệp trong nước thay đổi phương thức phát triển cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với đó, mặc dù là nước đi sau so với Ấn Độ, Trung Quốc nhưng Việt Nam lại đang sở hữu nhiều lợi thế, tiềm năng và uy tín đối với thị trường toàn cầu như: Lực lượng lao động trẻ (một yếu tố bắt buộc trong ngành phần mềm), dễ dàng tiếp cận nhanh chóng những cái mới trong sự thay đổi liên tục của công nghệ; Chi phí lao động của ngành phần mềm Việt Nam còn đủ thấp so với các đối thủ cạnh tranh.
Trong năm 2019 và các năm tiếp theo, ngành CNPM Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển các giải pháp, phần mềm ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, blockchain; giải pháp, phần mềm trong lĩnh vực an toàn thông tin; phát triển ứng dụng web cấp tiến; tự động hóa việc lập trình. Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cũng xác định mục tiêu trọng tâm của năm 2019 là“Xung kích Chuyển đổi số”, tập trung vào xây dựng các mô hình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp phần mềm, để tăng cường hoạt động xuất khẩu. Những yêu cầu thực tế trên cùng tốc độ phát triển“phi mã” của công nghệ hiện nay đòi hỏi các doanh nghiệp phần mềm trong nước cần xác định chiến lược lâu dài và khác biệt bằng việc liên tục đổi mới, cập nhật, nâng cấp các phần mềm ứng dụng và giá trị dịch vụ để tạo sự chủ động về đổi mới các sản phẩm công nghệ của mình, duy trì lợi thế cạnh tranh, nắm bắt tốt cơ hội cũng như có chiến lược đầu tư phù hợp. Quan trọng hơn, cần nâng cao chất lượng nhân lực để có được đội ngũ nhân viên, kỹ sư giàu kinh nghiệm, xử lý công việc nhanh, tạo ra các sản phẩm tối ưu và đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn... Điều này sẽ giúp doanh nghiệp phần mềm nước ta không chỉ cạnh tranh lành mạnh với các đối thủ mới mà còn có thể giành được thị phần lớn hơn tại những thị trường truyền thống cùng những thị trường mới nổi.
Bên cạnh nỗ lực tự vươn lên của các doanh nghiệp trong nước còn cần có sự hỗ trợ lớn hơn nữa từ cơ quan quản lý Nhà nước về các chính sách liên quan đến nguồn nhân lực, quảng bá ngành phần mềm của Việt Nam ra thế giới. Để tiếp sức cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam trong cuộc đua mới và học tập kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng chiến lược phát triển những doanh nghiệp công nghệ tiên phong, quy hoạch phát triển một số sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm, trong đó có phần mềm cho các giai đoạn 2019-2020, 2021-2025. Việc xây dựng và triển khai chiến lược này được Bộ TT&TT xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay, giúp các doanh nghiệp phần mềm trong nước ngày càng nâng cao giá trị, giúp nâng tầm của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu./.
ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo
Học viện Ngân hàng
Học viện Ngân hàng