Bùng phát dịch tả lợn châu Phi tại các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ
Có thể nói, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là các loại bệnh về lợn đang trở thành nỗi ám ảnh thường trực với các cơ sở, người chăn nuôi và hàng triệu người tiêu dùng trong cả nước. Nếu cuối năm 2016, đầu năm 2017, dịch lợn tai xanh đã khiến cho ngành chăn nuôi và người nuôi lợn một phen “thất điên”, “bát đảo” thì sau một thời gian tạm lắng, đầu năm 2019, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) lại bùng phát và lan rộng, khiến ngành chăn nuôi một lần nữa lao đao.
Có thể nói, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là các loại bệnh về lợn đang trở thành nỗi ám ảnh thường trực với các cơ sở, người chăn nuôi và hàng triệu người tiêu dùng trong cả nước. Nếu cuối năm 2016, đầu năm 2017, dịch lợn tai xanh đã khiến cho ngành chăn nuôi và người nuôi lợn một phen “thất điên”, “bát đảo” thì sau một thời gian tạm lắng, đầu năm 2019, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) lại bùng phát và lan rộng, khiến ngành chăn nuôi một lần nữa lao đao.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn. Bệnh xảy ra ở thời kỳ sinh trưởng và mọi giống lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Tại Việt Nam, mặc dù đã được cảnh báo và áp dụng các biện pháp ngăn chặn, nhưng bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn xâm nhiễm vào nước ta. Không những thế, bệnh dịch tả lợn châu Phi còn có xu hướng lây lan ra diện rộng trong thời gian ngắn. Sau hơn 2 tháng, kể từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, đến nay (tính đến ngày 5/4/2019), dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 23 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc và miền Trung; tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu huỷ là trên 85.000 con, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, dịch tả lợn châu Phi có thể sẽ bùng phát và lan rộng trên phạm vi cả nước do thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi, do người dân chủ quan và không áp dụng triệt để các biện pháp phòng, chống dịch bệnh…
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn khoảng 28 triệu con. Trong số này chỉ có hơn 10.000 trang trại chăn nuôi có quy mô tổng đàn lớn, còn lại phần lớn là các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Báo cáo của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khi xem xét thực tế các ổ dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã xuất hiện tại Việt Nam thì 100% dịch bệnh trên đàn vật nuôi bùng phát đều xuất phát từ các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Trong khi đó, các trang trại có quy mô lớn đều không bị ảnh hưởng do áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch. Theo Cục Thú y, nguyên nhân phổ biến nhất khiến dịch tả lợn châu Phi bùng phát là một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức được đầy đủ tính chất nguy hiểm của dịch, vì lợi ích trước mắt nên đã có hiện tượng bán chạy lợn ốm, lợn chết, vận chuyển, giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh. Điều này dẫn tới dịch bệnh lây lan nhanh trên diện rộng. Bên cạnh đó, vi rút dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, cũng như trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi. Trong khi đó, phần lớn vẫn là các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ; mật độ chăn nuôi cao, chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư nên khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Đây là một trong những lý do khiến trong một thời gian ngắn tốc độ dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 23 tỉnh, thành phố. Một nguyên nhân nữa là qua các kết quả điều tra tại ổ dịch ở Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên cho thấy, các chủ hộ chăn nuôi đã xin thức ăn thừa từ bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn và đem về cho lợn ăn mà không qua xử lí nhiệt, dẫn tới mầm bệnh phát tán ra diện rộng. Ngoài ra, một số cán bộ trong quá trình tham gia xử lý tiêu huỷ lợn bệnh không vệ sinh triệt để; các dụng cụ sử dụng trong chăn nuôi chưa được vệ sinh, phun thuốc sát trùng đầy đủ cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, nhưng các chỉ tiêu tăng trưởng của sản xuất chăn nuôi quý I/2019 vẫn tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2018. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đàn lợn cả nước trong tháng 3/2019 vẫn tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 3,2%. Tuy nhiên, trong các quý tiếp theo, số lượng đàn lợn dự báo sẽ bị giảm do dịch bệnh gây ra buộc phải tiêu hủy và khả năng giá thịt lợn sẽ tăng cao. Trong khi đó, người chăn nuôi e ngại và không tái đàn trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế.
Để bù đắp lượng thịt lợn được dự báo sẽ bị thiếu hụt trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi đã xây dựng kịch bản để ứng phó cho vấn đề này. Cụ thể, ngành sẽ thay đổi cơ cấu chăn nuôi, trong đó ngành chăn nuôi lợn sẽ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại. Đồng thời, tập trung vào con giống để khi nông dân có nhu cầu tái đàn sẽ có đủ giống đáp ứng. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi sẽ tăng chăn nuôi gia cầm lên 7% (trước là 6%), bò thịt tăng lên 5% (trước là 4%), tăng lượng đánh bắt thuỷ sản, đảm bảo bù đắp được lượng thịt lợn thiếu hụt trong thời gian tới.
Chăn nuôi an toàn sinh học - giải pháp tối ưu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên thế giới gần 100 năm, đến nay đã có 59 quốc gia thông báo xuất hiện dịch và phần lớn vi rút dịch tả lợn châu Phi vẫn lưu hành ở các nước này. Hiện, các tổ chức quốc tế vẫn chưa tìm ra vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc đặc trị chữa bệnh. Vì vậy, để ngăn chặn sự lây lan và kiểm soát dịch bệnh, giải pháp tối ưu hiện nay là chăn nuôi an toàn sinh học, không để vi rút dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào các trang trại lớn chăn nuôi chất lượng cao, công nghệ cao. Theo đó, chăn nuôi an toàn sinh học bao gồm một hệ thống biện pháp tổ chức quản lý và khoa học kỹ thuật chăn nuôi thú y, bảo đảm cho cơ thể sống của động vật phát triển bình thường theo quy luật của sự sống, cách ly với các mầm bệnh vi khuẩn, virus và các tác nhân sinh vật gây bệnh khác để có sản phẩm con giống, nguồn thực phẩm sạch bệnh. Khi vật nuôi bị bệnh phải được điều trị triệt để, diệt hết mầm bệnh, khi con vật bị ốm chết, phải xử lý tiêu diệt mầm bệnh không để lây lan.
Qua một thời gian xảy ra dịch bệnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tất cả các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học đều không bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Do vậy, cần phải tổ chức chăn nuôi tốt, đặc biệt là áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và đây chắc chắn sẽ là một trong những giải pháp tối ưu trong tương lai. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần áp dụng đồng bộ các giải pháp an toàn sinh học từ khâu vệ sinh, giám sát, phát hiện, xử lý... đảm bảo đúng quy trình phòng, chống dịch đã ban hành.
Tuy nhiên việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học đối với các hộ chăn nuôi nông hộ (chiếm 60%) còn có những bất cập bởi khoảng cách chuồng trại rất gần nhau, lại xen kẽ giữa các khu dân cư... khiến việc kiểm soát dịch bệnh khó khăn hơn. Để thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, người chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng được hệ thống chuồng trại đảm bảo yêu cầu phòng, chống được các loại dịch bệnh trong chăn nuôi. Có nghĩa là phải có khu chăn nuôi riêng biệt, tách biệt khu dân cư để đảm bảo rằng người và đàn vật nuôi không thể ra vào dễ dàng như tình trạng hiện nay ở khu vực nông thôn. Các nông hộ phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình, quy phạm về chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát thức ăn, nhất là thức ăn thừa, không nên tận dụng mà có thể chuyển sang làm phân bón. Hoặc nếu dùng thì phải xử lý nhiệt, bởi khi xử lý nhiệt ở 1000C, tất cả các vi rút của mọi loại bệnh đều có thể bị tiêu diệt. Còn khi đã vào khu chăn nuôi là phải có hố vôi sát trùng, đây là biện pháp phòng dịch đơn giản nhất; đồng thời, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng hàng tuần, hàng tháng.
Hiện nay, giải pháp đang được thực hiện là phun thuốc từ trong chuồng trại phun ra để tránh tình trạng mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhiễm vào chuồng trại. Bên cạnh đó, hạn chế người đi ra vào khu chăn nuôi và phải mặc áo bảo hộ... Các biện pháp này không chỉ áp dụng ở các trang trại mà ngay cả các hộ chăn nuôi nông hộ cũng phải áp dụng thì mới hạn chế được nguy cơ dịch bênh lây lan.
Ngoài ra, người chăn nuôi phải tiêm phòng cho đàn vật nuôi đầy đủ các loại vắc xin đúng theo quy định. Nước uống cho đàn vật nuôi cũng phải sử dụng nguồn nước riêng, nước máy là tốt nhất hoặc là nước giếng. Đối với con giống, hoặc là người chăn nuôi tự túc được thì tốt hoặc phải mua con giống có nguồn gốc rõ ràng ở các cơ sở có uy tín, được tiêm phòng đầy đủ. Đối với các ổ dịch đã xuất hiện, nếu sau 30 ngày không còn dịch, người chăn nuôi mới được tái đàn và chỉ tái đàn khoảng 10%, không tái đàn ồ ạt. Sau 1 tháng, nếu dịch bệnh không phát sinh, sẽ thực hiện tái đàn tiếp.
Đối với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, phải rà soát tổng thể các biện pháp an toàn sinh học của mình, đảm bảo cao nhất về cơ sở vật chất; quy trình kỹ thuật; tổ chức sản xuất, xử lý môi trường để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Hiện nay, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học đang được một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn như CP, Dabaco, Masan… thực hiện rất tốt. Thực tế, các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn này đều không bị các loại dịch bệnh xâm nhiễm bởi họ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh rất nghiêm ngặt.
Chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh, tập đoàn Masan cho biết, sau khi có thông tin cảnh báo về bệnh dịch tả lợn châu Phi, tập đoàn đã tăng cường các giải pháp để kiểm soát dịch bệnh. Quá trình sản xuất thức ăn từ nhà máy đến khu chăn nuôi của tập đoàn đều sử dụng xe có bạt che phủ kín và sát trùng để đảm bảo thức ăn không tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Bên cạnh đó, tất cả các trang trại của tập đoàn không nhập con giống bên ngoài mà tự cung ứng giống trong trang trại, đảm bảo vòng quay của con giống từ lợn con, lợn thịt đến lợn hậu bị. Khi có bệnh dịch, tập đoàn đã nâng mức cho Ban điều hành nhà máy giết mổ ở mức cảnh báo đỏ, không cho những người không phận sự tiếp cận với khu chế biến.
Còn tại công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, ngay từ khi Trung Quốc công bố phát hiện DTLCP, công ty đã thiết lập các vành đai chống dịch từ xa, từ tìm hiểu cơ chế chính sách của Nhà nước khi bùng phát dịch, đến tìm hiểu cộng đồng, truyền thông. Đối với trang trại chăn nuôi cần phải có tường bao quanh. Trong trang trại, cần thắt chặt việc tuân thủ tuyệt đối các quy trình phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, công ty cũng nghiên cứu, biên soạn các tài liệu tuyên truyền cho toàn bộ nhân viên trong công ty, cũng như các trại chăn nuôi của công ty hiểu thế nào về dịch tả lợn châu Phi, trong đó nêu bật tính chất nguy hiểm, các con đường lây lan của dịch bệnh, để từ đó rút ra những nguy cơ cần quan tâm phòng tránh.
Cũng là một “ông lớn” trong ngành chăn nuôi, hiện Hợp tác xã chăn nuôi Hòa Mỹ, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa đang nuôi hơn 20.000 con lợn. Để phòng chống dịch bệnh, HTX đã thực hiện khá đồng bộ các khâu phòng chống dịch ngay từ ban đầu, như tiêm phòng tăng sức đề kháng cho đàn lợn, rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng… Đây là các giải pháp giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Ngay khi dịch xâm nhập vào Việt Nam, đơn vị đã thực hiện chế độ cấm trại với phương châm“nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Công nhân của trại không ra khỏi khu vực trại nuôi và thực hiện “4 tại chỗ” (ăn, ngủ, vệ sinh, lao động) để hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm bệnh dịch. Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên phun thuốc sát trùng khu vực chuồng nuôi 3 lần/ngày, phun khu vực xung quanh, bên ngoài trang trại 2 lần/ngày...
Như vậy, kinh nghiệm của các doanh nghiệp, tập đoàn đi đầu trong ngành chăn nuôi cho thấy, chăn nuôi an toàn sinh học chính là giải pháp tối ưu nhất nhằm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết, khép kín là yêu cầu tất yếu nhằm kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường và dịch bệnh, đồng thời góp phần cơ cấu lại ngành chăn nuôi để hội nhập, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành trong thời gian tới./.
Thu Hường