Cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 nổ ra đã khiến cho thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam ngày càng phát triển, đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, thu hút sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội. Theo công bố của Amazon tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 (VOBF 2019), TMĐT xuyên biên giới sẽ là xu hướng trong 2 năm tới. Từ đây cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn trong công tác quản lý hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa thông qua hình thức mua bán trên các trang thương mại điện tử.
Thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam
Trong bối cảnh của Cuộc cách mạng 4.0, TMĐT xuyên biên giới đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. TMĐT giúp người tiêu dùng thông qua internet để mua sắm tại các thị trường quốc tế và trở thành “người tiêu dùng toàn cầu”. Đồng thời, giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng hơn khi giới thiệu và giao sản phẩm của mình đến tay khách hàng quốc tế. Hiện nay, Đông Nam Á đã trở thành một trong những vùng phát triển internet nhanh nhất thế giới, tuy nhiên tại thị trường hơn 600 triệu dân này, doanh thu TMĐT chỉ chiếm chưa tới 4% tổng doanh thu ngành bán lẻ. Với dư địa phát triển còn nhiều như vậy, Đông Nam Á đang là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư, đặc biệt là Việt Nam.
Thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam
Trong bối cảnh của Cuộc cách mạng 4.0, TMĐT xuyên biên giới đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. TMĐT giúp người tiêu dùng thông qua internet để mua sắm tại các thị trường quốc tế và trở thành “người tiêu dùng toàn cầu”. Đồng thời, giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng hơn khi giới thiệu và giao sản phẩm của mình đến tay khách hàng quốc tế. Hiện nay, Đông Nam Á đã trở thành một trong những vùng phát triển internet nhanh nhất thế giới, tuy nhiên tại thị trường hơn 600 triệu dân này, doanh thu TMĐT chỉ chiếm chưa tới 4% tổng doanh thu ngành bán lẻ. Với dư địa phát triển còn nhiều như vậy, Đông Nam Á đang là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư, đặc biệt là Việt Nam.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC 2017, Khung thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới trong APEC - một sáng kiến của Bộ Công thương Việt Nam được thông qua đã góp phần tạo động lực tăng trưởng cho TMĐT xuyên biên giới. Với 8 tỷ USD doanh thu từ hoạt động TMĐT trong năm 2018,
Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới với tốc độ 35% mỗi năm, thậm chí gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Google và Temasek nhận định, doanh thu TMĐT Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực và dự báo sẽ đạt mức 15 tỷ USD vào năm 2025. Với mức sống ngày một nâng cao, kéo theo hành vi tiêu dùng của người Việt ngày càng hiện đại, hướng đến chất lượng, người tiêu dùng Việt đã hướng thị hiếu đến các thị trường quốc tế để tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ tốt hơn từ các nhà cung cấp nước ngoài. Theo công bố của Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, người tiêu dùng Việt đã chi tiêu nhiều hơn khi mua sắm online, ước tính mỗi ngày có tới 1,5 triệu đơn hàng được xử lý. Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2018 của Bộ Công thương cũng chỉ ra rằng, 186 USD (tương đương 4,3 triệu đồng) là số tiền trung bình người tiêu dùng Việt sử dụng cho mua hàng online năm 2017.
Bên cạnh đó, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu trực tuyến đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, cọ sát thực tế để hoàn thiện sản phẩm của mình, nhằm nâng cao giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ Việt Nam, đưa thương hiệu hàng “made in Vietnam” đến tay người tiêu dùng mọi nơi trên thế giới. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2018, Việt Nam có trên 714,7 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có trên 90% là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, đặc biệt trong số này, doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ chiếm tới hơn một nửa. Các doanh nghiệp này ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế của Việt Nam và đang có những đóng góp tích cực vào lĩnh vực xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp phải nhiều thách thức về thông tin, dự báo thị trường, năng lực cạnh tranh, tìm kiếm khách hàng. Vì vậy, việc tham gia thương mại điện tử đã đem lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đưa sản phẩm của mình đến với bạn hàng quốc tế, có thể quảng bá sản phẩm tới hàng trăm triệu tài khoản mua hàng tại hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đây là mô hình B2B (Business to Business), kinh doanh giao dịch qua internet giúp kết nối các doanh nghiệp với nhau nhiều hơn, chỉ bằng một cú click chuột, các doanh nghiệp dù ở bất cứ nơi đâu cũng có thể chào hàng, tìm kiếm bạn hàng, đặt hàng, ký kết hợp đồng, thanh toán qua hệ thống này…
Đầu năm 2019, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương đã công bố kế hoạch hợp tác với Amazon Golbal Selling - chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng xuất khẩu hàng hoá thông qua thương mại điện tử. Theo đó, đại diện Amazon sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường thế giới, phát triển thương hiệu trên trang Amazon.com. Việc hợp tác với Amazon là thành công bước đầu của Bộ Công thương giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được với hơn 300 triệu khách hàng, trong đó có hơn 100 triệu khách hàng Prime tại nhiều thị trường khác nhau của Amazon, cũng như hàng triệu đại lý mua hàng sỉ tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đồng thời, thúc đẩy chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về thương mại điện tử để xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa và học kỹ năng bán hàng toàn cầu trên trang thương mại điện tử lớn này.
Quản lý hoạt động TMĐT xuyên biên giới.
Quản lý TMĐT xuyên biên giới còn nhiều hạn chế
Mặc dù TMĐT xuyên biên giới đã tạo ra hàng tỷ USD cho hoạt động kinh tế của Việt Nam trong những năm qua, tuy nhiên việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mới mẻ này cũng còn gặp nhiều hạn chế, rủi ro, đây trở thành rào cản khiến cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt còn dè chừng khi tham gia. Ở cả hai chiều, người mua và người bán đều gặp khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa kinh doanh. Trong đó, người mua thường gặp khó khăn trong khâu thanh toán quốc tế do tỷ lệ sở hữu các thẻ thanh toán quốc tế như Visa, Master của người Việt chưa cao; thêm vào đó là xác suất rủi ro khi đưa ra lựa chọn trước hàng tỷ sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất lượng và người bán uy tín trên các trang thương mại điện tử quốc tế. Còn với các doanh nghiệp, rào cản thường gặp chính là khó khăn trong khâu logistics quốc tế và các giấy tờ thủ tục thông quan.
Theo các quy định hiện hành, hoạt động thương mại điện tử đang chịu sự quản lý của Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính. Tuy nhiên đến nay, Việt Nam chưa có các quy định riêng đối với hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu theo các giao dịch thương mại điện tử mà thực hiện quản lý như đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thông thường. Do đó, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo các giao dịch thương mại điện tử phải thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hải quan, áp dụng chính sách thuế được thực hiện như đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông thường. Khó khăn thường gặp phải trong khâu hải quan là số lượng các lô hàng nhỏ giá trị thấp tăng nhanh do vậy cần nguồn lực phù hợp để đảm bảo thời gian xử lý nhưng vẫn phải đảm bảo tốc độ thông quan nhanh của hàng hóa; thiếu thông tin, khai báo không chính xác, không có hồ sơ tuân thủ của người mua do người mua là các đối tượng không thường xuyên; khó ngăn chặn các lô hàng cấm, hàng hạn chế nhập khẩu, xuất khẩu, hàng buôn lậu do số lượng hàng hóa gửi nhỏ lẻ trong khi chất lượng thông tin, dữ liệu trước về hàng hóa không có nhiều… Thêm vào đó, các sàn TMĐT gặp khó khăn khi hỗ trợ người bán trực tuyến vào Việt Nam khi thủ tục thanh toán theo Nghị định 70/2014/ND-CP, quy định nhiều loại giấy tờ về chuyển tiền nước ngoài như: (i) Lệnh chuyển tiền, (ii) Văn bản yêu cầu mua ngoại tệ, (iii) Hợp đồng ngoại thương, (iv) Tờ khai hải quan hàng nhập khẩu, (v) Hóa đơn, (vi) Xác nhận nhận hàng của người tiêu dùng, (vii) Giấy ủy quyền của người tiêu dùng.
Vai trò quản lý nhà nước với việc nâng cao hiệu quả quản lý TMĐT xuyên biên giới
Trước xu thế của hoạt động kinh tế thời 4.0, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Số 1563/QĐ- TTg ngày 08/8/2016 về Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, trong đó có chú trọng đến nội dung về Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử. Mục tiêu về hạ tầng TMĐT được đặt ra là: Hoàn thiện hạ tầng pháp lý cho thương mại điện tử với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh một cách toàn diện, theo kịp thực tiễn phát triển của các mô hình và hoạt động thương mại điện tử khác nhau trong xã hội; Xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử, đặc biệt loại hình thương mại điện tử doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), chính phủ - người dân (G2C), chính phủ - doanh nghiệp (G2B); Xây dựng mạng lưới dịch vụ vận chuyển, giao nhận và hoàn tất đơn hàng cho thương mại điện tử bao phủ tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước; từng bước mở rộng ra khu vực nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; Hạ tầng an toàn, an ninh cho thương mại điện tử được phát triển với việc thiết lập các hệ thống quản lý, giám sát giao dịch thương mại điện tử; đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử và chứng thực chứng từ điện tử; các cơ chế giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử; Nguồn nhân lực thương mại điện tử được đào tạo đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và tổ chức trong xã hội.
Bên cạnh đó, tại Quyết định 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đề án gồm 4 nội dung chính: Tổng quan về thương mại điện tử; Thực trạng quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Mô hình và giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Tổ chức thực hiện.
Mục tiêu của Đề án nhằm đảm bảo việc quản lý toàn diện của nhà nước trong lĩnh vực TMĐT, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định pháp luật tránh việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để trốn thuế, vi phạm các chính sách mặt hàng, sở hữu trí tuệ, xuất xứ, vận chuyển hàng cấm vào Việt Nam và ngược lại. Đồng thời Đề án được xây dựng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử phát triển, đơn giản thủ tục hải quan, thủ tục liên quan đến việc kiểm tra chuyên ngành, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và người tiêu dùng Việt Nam.
Có thể nói, việc tăng cường hợp tác và đẩy mạnh TMĐT xuyên biên giới đã mang lại nhiều lợi ích cho TMĐT Việt Nam trong xúc tiến xuất khẩu, phát triển thương hiệu thông qua nền tảng thương mại điện tử, mang lại sự đổi mới trong công tác xúc tiến thương mại mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm biến đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và đưa thương mại điện tử trở thành một hình thức giao dịch thương mại có tiềm năng phát triển. Con số 49,8 triệu người Việt Nam tham gia mua hàng trực tuyến trên kênh TMĐT năm 2018 do Hãng nghiên cứu thị trường Statista (Đức) công bố dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên ở các năm về sau, Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành một quốc gia năng động trong hoạt động TMĐT. Vì vậy, tăng cường quản lý hoạt động TMĐT xuyên biên giới, hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm đảo bảo quyền lợi và nghĩa vụ cho cả người tiêu dùng trong nước lẫn các cá nhân, doanh nghiệp xuất khẩu khi tham gia vào các hoạt động mua bán trực tuyến xuyên biên giới là việc làm cần thiết và cấp bách hiện nay./.
Duy Hưng