Tăng cường năng lực cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi

|

Tăng cường năng lực cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi

Ngành chăn nuôi của nước ta có sự phát triển nhanh từ những năm 90, đã tạo động lực mạnh mẽ cho sự tăng trưởng và phát triển của ngành thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, trước thực tế ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với dịch bệnh, đầu ra, thì ngành sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức khi nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi sụt giảm đáng kể. Do vậy, việc tăng cường năng lực sản xuất cho ngành thức ăn chăn nuôi trước những xu hướng phát triển mới nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ của thị trường và ổn định giá sẽ là giải pháp tích cực góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

Ngành thức ăn chăn nuôi - Triển vọng và thách thức

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành thức ăn chăn nuôi (TACN) Việt Nam sau hơn 20 năm hội nhập đã đạt được nhiều thành tựu lớn, mức tăng trưởng trung bình đạt 10-15%/năm, đưa Việt Nam trở thành nước có ngành công nghiệp TACN đạt tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2000 sản lượng thức ăn gia súc, gia cầm sản xuất công nghiệp đạt 2,7 triệu tấn, đến năm 2010 đã tăng lên đạt 10,583 triệu tấn, năm 2017 đạt 19,381 triệu tấn, năm 2018 đạt trên 23 triệu tấn. Điều đó cho thấy, tiềm năng của thị trường TACN ở nước ta là tương đối lớn.

Bên cạnh đó, chất lượng của TACN công nghiệp thời gian qua đã có nhiều cải thiện thông qua chỉ số FCR (tỷ lệ chuyển hóa thức ăn trong chăn nuôi heo, chỉ số này phản ánh hiệu suất của quá trình chăn nuôi) đối với lợn thịt nuôi theo hướng công nghiệp dao động từ 2,5-2,7 kgTA/kg tăng trọng, gà công nghiệp từ 1,6-1,8 kgTA/kg tăng trọng, tương đương với các nước phát triển trong khu vực.

Đặc biệt, ngành TACN là ngành thu hút được đầu tư trong và ngoài nước cao nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, đây là ngành có mức độ hội nhập quốc tế sâu rộng nhất, với trên 65 nước và vùng lãnh thổ có trao đổi buôn bán về công nghệ, thiết bị và nguyên liệu TACN thuộc top mới và hiện đại nhất. Tại thị trường Việt Nam có mặt hầu hết các hãng TACN lớn và nổi tiếng trên thế giới, các thông tin về giá nguyên liệu trong nước được kết nối hàng ngày với các trung tâm buôn bán nguyên liệu lớn trên thế giới như châu Mỹ, châu Âu…

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu TACN và nguyên liệu đạt 696 triệu USD, tăng 14,2% so với năm 2017. Nhập khẩu TACN và nguyên liệu đạt 3.912 triệu USD, tăng 21,2% so với năm 2017. Kim ngạch nhập khẩu các nguyên liệu sản xuất TACN năm 2018 tăng ở một số mặt hàng, như: Lúa mì đạt 1.176 triệu USD, tăng 18,3%; Ngô đạt 2.120 triệu USD, tăng 40,9%; Đậu tương đạt 774 triệu USD, tăng 9,3%.

8 tháng đầu năm 2019 giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 449 triệu USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 8 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã chi hơn 2,5 tỷ USD nhập khẩu TACN và nguyên liệu, tăng 3,21% so với cùng kỳ năm 2018. Các thị trường có kim ngạch tăng trưởng mạnh: Canada với 35,8 triệu USD, tăng 167,3% so với cùng kỳ năm 2018, Australia với 19,3 triệu USD, tăng 87,6%, Argentina với hơn 1 tỉ USD, tăng 38,56%, sau cùng là Đức với hơn 7,3 triệu USD, tăng 15,15%.

Ước tính khối lượng nhập khẩu lúa mì trong 8 tháng năm 2019 đạt hơn 1,6 triệu tấn, với trị giá hơn 441 triệu USD, giảm 56,29% về khối lượng và giảm 49,38% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường nhập khẩu lúa mì chính trong 8 tháng năm 2019 là Australia chiếm 42% thị phần; Canada chiếm 20%; Nga chiếm 12%, Mỹ chiếm 5% và Brazil chiếm 5%.

Về đậu tương: Ước tính khối lượng nhập khẩu đậu tương trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt 1,1 triệu tấn, với trị giá 446 triệu USD, giảm 1,04% về lượng và giảm 10,45% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 6,4 triệu tấn, trị giá trên 1,3 tỉ USD, tăng 6,7% về khối lượng và tăng 7,21% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, nhập khẩu ngô trong 8 tháng đầu năm 2019 từ các thị trường chủ yếu đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Argentina và Brazil là hai thị trường nhập khẩu ngô chính, chiếm lần lượt là 63% và 34% thị phần…

Mặc dù được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển do Việt Nam là một trong những nước có lượng tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, đứng thứ 2 tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc, song với những diễn biến của thị trường TACN, các chuyên gia cho rằng, hiện nay ngành TACN nước ta vẫn còn rất nhiều tồn tại, bất cập. Theo đó, chất lượng của sản phẩm được sản xuất ra chưa ổn định, độ an toàn thấp, nhất là đối với các loại thức ăn bổ sung, thức ăn tự phối trộn, điều này chứa đựng nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng không tốt đến năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm các sản phẩm chăn nuôi và gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, thị trường TACN của nước ta vẫn phụ thuộc lớn và nhập khẩu, tỷ trọng nguyên liệu TACN nhập khẩu ngày càng lớn và gia tăng. Đặc biệt là nhóm thức ăn bổ sung hiện chủ yếu là nhập khẩu hoặc nhập nguyên liệu về để gia công, phối trộn làm giảm giá trị gia tăng của sản xuất trong nước. Theo thống kê, trong năm 2018, ước tính 70% tổng nguồn nguyên liệu thô làm TACN, bao gồm TACN công nghiệp là từ nguồn nhập khẩu.

 


Ảnh minh họa: Nguồn internet

 
Phân bổ các nhà máy, cơ sở chế biến TACN không đều, tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng (năm 2017 có 112 trong tổng số 245 nhà máy, cơ sở chế biến TACN trên cả nước, chiếm 45,7%), Đông Nam bộ (50/245 nhà máy, cơ sở chế biến TACN, chiếm 20,4%) và đồng bằng sông Cửu Long (38/245 nhà máy, cơ sở chế biến TACN, chiếm 15,5%) đã gây ra tình trạng bất hợp lý. Những vùng sâu, vùng xa, vùng cao… là nơi có giá bán sản phẩm chăn nuôi thấp hơn nhưng giá TACN lại cao và chất lượng TACN thường không đảm bảo, phần lớn thuộc phân khúc thị trường của các công ty nhỏ, công ty gia công (sản phẩm TACN khi chuyển đến các tỉnh Tây Bắc có thể phát sinh từ 700-800 đồng/cước phí vận tải).

Bên cạnh đó, với 245 nhà máy, cơ sở chế biến TACN, hoạt động với công suất khoảng 28,2 nghìn tấn/ năm; trong đó có 71 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài và 147 cơ sở trong nước, mặc dù số lượng các nhà máy sản xuất TACN nội chiếm ưu thế so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, song hiện tại các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm chủ được thị trường, thậm chí công suất hoạt động còn đang có xu hướng bị cắt giảm, thu hẹp thị phần. Công suất sản xuất của các cơ sở trong nước chỉ đạt khoảng 12.465 tấn/năm, còn các cơ sở chế biến có vốn đầu tư nước ngoài có công suất trên 15.700 tấn/năm; chiếm 60 - 65% tổng sản lượng TACN sản xuất ra.

Không những có ưu thế về sản lượng mà các doanh nghiệp đến từ nước ngoài còn tích cực mở rộng quy mô thông qua việc xây dựng thêm nhà máy sản xuất, nâng cao cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng, mở rộng hoạt động kinh doanh trên địa bàn cả nước. Đáng chú ý, từ đầu năm 2018 đến nay, hàng loạt các nhà máy sản xuất TACN đã được khánh thành. Mới đây, Tập đoàn Mavin (liên doanh giữa Australia và Việt Nam) vừa chính thức khánh thành Nhà máy TACN Mavin Austfeed Đồng Tháp với tổng mức đầu tư 30 triệu USD. Đây là nhà máy thứ 5 của Tập đoàn Mavin trên toàn quốc. Việc mở rộng quy mô của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài này bên cạnh mặt lợi là đưa ngành sản xuất chăn nuôi phát triển, nhưng cũng chứa những rủi ro như có nguy cơ bị thao túng, đẩy giá cao hơn thực tế và cũng tạo thêm nhiều áp lực cạnh tranh đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước.

Trước thực tế đó, một số doanh nghiệp lớn trong nước như Massan, Hòa Phát, Hùng Vương, Vingroup cũng đang từng bước đầu tư lớn vào ngành sản xuất TACN. Tuy nhiên, việc giành lại thị phần không dễ, bởi các doanh nghiệp ngoại đang nắm ưu thế quá lớn do đã gia nhập thị trường Việt Nam cách đây 10-20 năm, cộng thêm những ưu thế vượt trội về vốn đầu tư, sản phẩm công nghệ hiện đại, chiến lược xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường bài bản…

Ngoài ra, ngành TACN còn đang đối mặt với thách thức trong nội tại khi năng lực về công nghệ, quản trị kinh doanh, quản lý chất lượng sản phẩm và thị trường còn chênh lệch nhiều giữa các công ty lớn và doanh nghiệp nhỏ, giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp nhỏ, các cơ sở gia công trong nước ngày càng yếu thế khi cạnh tranh và cũng phát sinh vi phạm về chất lượng an toàn thực phẩm TACN như: Nhà xưởng, kho bãi, nhân viên kỹ thuật thường không đáp ứng được yêu cầu; lạm dụng kháng sinh; sử dụng chất cấm, các nguyên liệu ngoài danh mục không được cho phép dùng trong chăn nuôi; sử dụng nguyên liệu kém chất lượng, sản phẩm hết hạn hoặc cận hết hạn… Đây cũng là nhưng nguyên nhân làm giảm hiệu quả và gia tăng nguy cơ mất an toàn của TACN.


Tăng cường năng lực cho ngành sản xuất TACN

Có thể thấy, ngành TACN của nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trong khi lượng tiêu thụ và sản lượng thức ăn chăn nuôi toàn cầu được dự báo không ngừng tăng và thách thức của ngành chăn nuôi ở mỗi khu vực và vật nuôi luôn khác nhau. Do vậy, theo khuyến cáo từ các chuyên gia kinh tế trong ngành TACN, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến TACN cần phải nắm được các xu hướng mới của thị trường, đồng thời từng bước tăng cường năng lực sản xuất cũng như có những giải pháp phù hợp về chính sách để vượt qua thách thức, duy trì tăng trưởng để phát triển trong thời gian tới.

Theo đó, để sản phẩm thức ăn chăn nuôi giữ vững thị trường nội địa cần phải có sự chỉ đạo trong xây dựng kế hoạch, quy hoạch và chính sách đối với ngành công nghiệp chế biến TACN, để hàng hoá sản xuất ra phục vụ ngay trong vùng và tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, đồng thời giảm chi phí vận chuyển thức ăn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành chăn nuôi. Mặt khác, phải có chính sách khuyến khích phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam theo hướng hệ thống khép kín “sản xuất - tiêu thụ”, hiện đại và hiệu quả.

Bên cạnh đó, để hạn chế tối đa sự độc quyền của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên thị trường TACN, tạo ra sự cạnh tranh về giá. Nhiều chuyên gia khuyến cáo Nhà nước cần có quy hoạch cho vùng nguyên liệu, đồng thời có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước vay vốn đầu tư tạo vùng nguyên liệu, từ đó, thu hút ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp trong nước vào đầu tư, nghiên cứu, sản xuất TACN. Cùng với đó, có những định hướng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam trong đào tạo kỹ thuật, nghiên cứu sản xuất để các doanh nghiệp trong nước có đủ nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển của Ngành và cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài có thể tràn vào Việt Nam.

Về phía các doanh nghiệp sản xuất TACN trong nước, cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và chiến lược phát triển thị trường hợp lý để chủ động nguồn nguyên liệu. Chủ động khai thác tối đa nguồn nguyên liệu giàu đạm, đầu tư nghiên cứu công nghệ sản xuất hoá dược, khoáng, vi lượng, vi sinh, enzyme, công nghệ sinh học tạo nguồn nguyên liệu thức ăn bổ sung trong nước.

Ðể giảm khối lượng nhập khẩu và giá thành sản xuất TACN, thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện các giải pháp thích hợp nhằm bình ổn thị trường TACN, đồng thời tiếp tục có biện pháp sắp xếp lại các doanh nghiệp chế biến, giảm bớt cơ sở sản xuất TACN thiếu hiệu quả. Có các biện pháp quản lý TACN bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn; tăng cường công tác quản lý điều kiện sản xuất, kinh doanh và hậu kiểm chất lượng sản phẩm. Có cơ chế quản lý việc cân đối sản lượng TACN trong nước với tốc độ phát triển của đàn gia súc, gia cầm. Nghiên cứu, đẩy nhanh sản xuất thức ăn cho đàn gia súc bằng việc quy hoạch vùng trồng cỏ, sử dụng sản phẩm từ trồng trọt; chế biến thức ăn bổ sung nâng cao…

Bên cạnh việc cải tiến chất lượng giống, đổi mới công nghệ, ngành sản xuất TACN nước ta cần khắc phục những trở ngại về chi phí, dần đáp ứng nhu cầu thay thế nhập khẩu của Ngành nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi khi tham gia vào quá trình hội nhập./.
 Gia Linh