Nông nghiệp gồng mình tăng trưởng trong khó khăn

|

Nông nghiệp gồng mình tăng trưởng trong khó khăn

Thủy sản - điểm sáng của ngành nông nghiệp

Năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trải qua một năm đầy “sóng gió” với nhiều khó khăn, thách thức. Thời tiết cực đoan xảy ra bất thường, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn mức độ nghiêm trọng hơn, nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng. Dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm và lan rộng trên cả nước, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi và ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn làm cho mặt hàng nông sản gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá xuất khẩu. Điều này khiến cho tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 đạt 2,01%, chỉ cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016 trong giai đoạn 2011-2019 và đóng góp 4,6% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế.


 

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Ngành nông nghiệp năm 2019 đạt mức tăng trưởng 0,61%, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011- 2019, đóng góp 0,07 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Sản lượng lương thực có hạt năm vừa qua đạt 48,2 triệu tấn, giảm 715,5 nghìn tấn so cùng kỳ, bằng 98,5%. Trong đó: Sản lượng lúa đạt 43,45 triệu tấn, giảm 596,8 nghìn tấn, bằng 98,6%; ngô đạt 4,76 triệu tấn, giảm 117,4 nghìn tấn, bằng 97,6%. Sản lượng lương thực có hạt giảm do diện tích gieo cấy hầu hết các vụ lúa và cây trồng giảm, nông dân thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời tiết không thuận lợi trong quá trình sinh trưởng. Ngược lại, sản lượng cây lâu năm và cây ăn quả đạt khá do tăng diện tích gieo trồng và diện tích trồng mới của các năm trước bắt đầu cho thu hoạch: Sản lượng cao su đạt 1173,1 nghìn tấn, tăng 3,1%; cà phê đạt 1657,0 nghìn tấn, tăng 2,5%; thanh long đạt 1242,5 nghìn tấn, tăng 15,0%; cam đạt 960,9 nghìn tấn, tăng 12,4%; điều đạt 286,3 nghìn tấn, tăng 7,5%; tiêu đạt 263,5 nghìn tấn, tăng 0,7 nghìn tấn, tăng 0,3%.

Dịch tả lợn châu Phi lan rộng trên cả nước đã gây thiệt hại nặng nề cho lĩnh vực chăn nuôi năm 2019. Sản lượng thịt lợn giảm sâu dẫn đến tổng sản lượng thịt hơi các loại giảm gần 4% so với năm 2018. Riêng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2019 ước đạt 3289,7 nghìn tấn, giảm 13,8% so với năm 2018. Với tình hình dịch bệnh ở lợn diễn biến phức tạp, người dân chuyển sang sử dụng thịt gia cầm nhiều hơn, cùng với không có dịch bệnh lớn xảy ra nên đàn gia cầm cả nước phát triển tốt. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng cả năm ước đạt 1278,6 nghìn tấn, tăng 16,5% so với năm 2018. Đàn trâu, bò cả nước cũng phát triển ổn định.

Trong năm qua, mặc dù thời tiết có nhiều bất lợi ảnh hưởng đến công tác trồng và bảo vệ rừng, song với nhiều mô hình sản xuất lâm nghiệp giá trị cao, mô hình kinh doanh gỗ lớn, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, chế biến lâm sản xuất khẩu chuyển đổi mô hình theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng giá trị rừng trồng sản xuất... nên ngành lâm nghiệp có mức tăng trưởng khá 4,98%, sản lượng gỗ và lâm sản khai thác tiếp tục tăng, đáp ứng yêu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu. Nhưng do chiếm tỷ trọng thấp nên ngành này chỉ đóng góp 0,04 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Điểm sáng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong năm qua là ngành thủy sản, có mức tăng trưởng cao nhất đạt 6,3%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm do sản lượng nuôi trồng và khai thác đạt khá. Sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng cả năm ước tính đạt 8.200,8 nghìn tấn, tăng 5,6% (trong đó sản lượng cá ước đạt 5.925,3 nghìn tấn, tăng 5,2%; sản lượng tôm ước đạt 1.034,8 nghìn tấn, tăng 6,8%). Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 4.432,5 nghìn tấn, tăng 6,5% so với năm 2018 (trong đó cá đạt 3.080,4 nghìn tấn, tăng 5,8% và tôm đạt 877,2 nghìn tấn, tăng 8,4%). Sản lượng thủy sản khai thác năm 2019 ước tính đạt 3.768,3 nghìn tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, sản lượng cá ước đạt 2.844,9 nghìn tấn, tăng 4,6%; sản lượng tôm ước đạt 157,6 nghìn tấn, giảm 1,0%).

Đẩy mạnh mở cửa thị trường và xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu

Năm 2019, mặc dù khó khăn về thị trường, song ngành nông, lâm, thủy sản vẫn tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD; trong đó có 4 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều). Sau nhiều nỗ lực đàm phán và hoàn thiện đáp ứng điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, lĩnh vực thủy sản nhận được nhiều tin vui. Mỹ đã công nhận tương đương đối với mặt hàng cá da trơn Việt Nam, giảm thuế nhập khẩu cá tra, tôm từ nước ta vào Mỹ hầu hết ở mức 0%; Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu chính ngạch 48 loài thủy sản sống, 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến của 650 doanh nghiệp từ Việt Nam. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, việc phê chuẩn và triển khai thực hiện Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nông nghiệp phát triển mạnh

Năm 2019, cả nước đã thành lập mới được 06 Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN), 1.800 HTX NN, nâng tổng số lên 45 Liên hiệp HTX NN, 15.300 HTX NN. Trong đó có khoảng 73% số HTX hoạt động hiệu quả (cao hơn tỷ lệ 55% của năm 2018), tỷ lệ HTX tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã viên tăng từ dưới 10% trước đây lên 24,5%. Cả nước có 36.000 trang trại theo tiêu chí mới, tăng 500 trang trại so với năm 2018; các trang trại ngày càng sử dụng nhiều đất đai, lao động và sản xuất lượng nông sản hàng hóa lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi, hợp tác liên kết quy mô lớn tiếp tục được nhân rộng ở các lĩnh vực và nhiều địa phương.

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh. Năm 2019, cả nước có gần 2.800 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp lên gần 12.600 doanh nghiệp, tăng 36,2%. Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã mở rộng đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông 
nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: TH, Vinamilk, Đồng Giao, Nafoods, Dabaco, Masan, Lavifood, Ba Huân, Biển Đông… Cùng với hiệu ứng của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ được nâng cao năng lực, một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sâu.
 
Đồng thời, có gần 1.484 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản được xây dựng với khoảng 2.374 sản phẩm, tăng 388 chuỗi và 948 sản phẩm so với năm 2018. Một số chuỗi liên kết sản phẩm chủ lực trên quy mô vùng bước đầu được xây dựng: Chuỗi liên kết cá tra ba cấp chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long; Chuỗi liên kết trồng, chế biến, xuất khẩu lâm sản; Chuỗi liên kết lúa gạo với hàng nghìn hộ trồng lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ba trục sản phẩm chất lượng, an toàn thực  phẩm

Năm 2009, ngành nông nghiệp đã thực hiện đồng bộ các giải pháp theo ba trục sản phẩm: Nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia; Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; Nhóm sản phẩm địa phương (OCOP), tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như tôm, cá tra, sản phẩm gỗ… Nhiều vùng nuôi trồng, nhiều nhà máy chế biến sản phẩm công nghệ cao đã đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả. Các sản phẩm địa phương đã có sự kết hợp truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ, tạo nên sự đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất được nguồn gốc. Đến nay, ở cấp quốc gia, cả nước đã có 03 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu); 08 Khu đang trong quá trình hoàn thiện đề án. Cấp địa phương, có 09 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về nuôi trồng thủy sản, trồng hoa, lúa, chuối được địa phương công nhận; 124 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do doanh nghiệp đầu tư được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập và 45 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Phấn đấu đạt các chỉ tiêu năm 2020

Tình hình thế giới, khu vực năm 2020 được dự báo vẫn sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường: Kinh tế tăng trưởng chậm; Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, nhiều quốc gia tăng cường sử dụng hàng rào kỹ thuật và các biện pháp tự vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước; Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện; Sự gia tăng dân số, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp trên thế giới có xu hướng tăng nhưng yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn... Ở trong nước, ngành nông nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và đang đứng trước những thách thức mới: Chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn sản phẩm còn thấp, nên năng lực cạnh tranh của ngành hạn chế; Thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, tiếp tục tác động chiến tranh thương mại giữa các nước lớn; Hạn hán, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt, xâm nhập mặn ở nhiều nơi sẽ diễn biến phức tạp, khó lường hơn; Dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, trong đó bệnh dịch tả lợn Châu Phi cần thời gian dài để xử lý...

Để vượt qua được những khó khăn trên, ngành nông nghiệp đã đưa ra một số giải pháp vừa đảm bảo cho mục tiêu ngắn hạn đồng thời cũng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài. Đó là: (1) Tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; (2) Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh và nhóm sản phẩm OCOP; (3) Khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm; (4) Kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường, xuất khẩu với chuỗi giá trị toàn cầu; (5) Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam. (6) Nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường nông thôn; (7) Từng bước khống chế được dịch tả lợn Châu phi; giải quyết dứt điểm việc gỡ “Thẻ vàng” của Hội đồng châu Âu (EC) đối với đánh bắt hải sản; (8) Phát triển kết cấu hạ tầng; tăng cường quản lý tài nguyên; chú trọng phát triển thủy lợi và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; (9) Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp; (10) Xây dựng thể chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính. /.

 
ThS. Lê Trung Hiếu
Vụ trưởng vụ Thống kê Nông, lâm nghiệp và Thủy sản - TCTK