Sự thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt

|

Sự thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt

Kể từ thời điểm cuối tháng 01/2020 cho đến nay, Việt Nam đang phải căng mình chống lại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra (COVID-19) với một loạt các biện pháp đưa ra nhằm hạn chế sự lây lan trong cộng đồng, trong đó có Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày trên phạm vi toàn quốc. Điều này đã và đang làm thay đổi thói quen mua sắm của nhiều người tiêu dùng Việt, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn trên thị trường trực tuyến.

Do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước quý I/2020 chỉ đạt 1.246,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so mức tăng 12% của cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I năm nay ước tính đạt 985,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 9,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,7%... do đây là những mặt hàng thiết yếu của người dân, hình thức mua sắm trực tuyến được người tiêu lựa chọn, đặc biệt là tại các thành phố lớn, trong khi nguồn cung hàng hóa dồi dào (số liệu Tổng cục Thống kê).

Bộ Công Thương cũng cho biết, so với thời điểm không có dịch bệnh, tại các chợ truyền thống những ngày qua có sức mua giảm 20-30%, lượng hàng hóa kinh doanh giảm 50-70% và doanh thu giảm đến 50-80%. Trong khi đó, doanh thu từ thương mại điện tử của một số doanh nghiệp tăng từ 20-30%.

Đđánh giá tác động của dịch bệnh Covid -19 đến thói quen sinh hoạt và tiêu dùng của người dân, mới đây 2 công ty nghiên cứu thị trường tại Việt Nam là Nielsen và Infocus Mekong Mobile Panel đã cùng nhau phối hợp khảo sát 500 người tiêu dùng tại 3 thành phố là Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Kết quả cho thấy, có hơn 50% người tiêu dùng cho biết giảm tần suất đến siêu thị và các cửa hàng tạp hóa. Tỷ lệ này đối với chợ truyền thống lên đến 60%. Bên cạnh đó, 25% người tiêu dùng đã tăng cường mua sắm trực tuyến và giảm mua sắm bên ngoài.

Còn theo kết quả khảo sát thị trường các tháng đầu năm 2020 của Kantar Worldpanel (một công ty đa quốc gia chuyên tư vấn - nghiên cứu thị trường hàng đầu trên thế giới) cho biết, mua sắm trực tuyến đang chiếm ưu thế và bùng nổ ấn tượng trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra. Hình thức này đã đóng góp vào mức tăng trưởng chi tiêu của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lên 3 chữ số chỉ trong một tháng kể từ khi có thông báo chính thức về dịch bệnh tại Việt Nam và xu hướng này còn kéo dài trong giai đoạn tới khi dịch bệnh vẫn có xu hướng gia tăng và Bộ Công thương cùng chính quyền nhiều địa phương khuyến khích người dân mua sắm trực tuyến nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, tập trung đông người.
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Trên thực tế, từ khi dịch bệnh Covid -19 diễn ra khiến cho các cơ sở kinh doanh đồng loạt đóng cửa, người tiêu dùng hạn chế ra đường do tâm lý lo sợ lây nhiễm virus corona, thì kênh mua sắm trên các nền tảng trực tuyến hay qua điện thoại đã trở nên sôi động hơn đáng kể.

Ví dụ như tại hệ thống bán lẻ Saigon Co.op (bao gồm Co.opmart, Co.opmart SCA, Co.op Food), kênh mua sắm qua điện thoại, website đã tăng trưởng gấp 4 - 5 lần so với thời điểm trước khi có dịch, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như khẩu trang y tế, gel rửa tay, nước rửa tay, mì gạo, sữa tươi, nước giải khát,… Đđáp ứng xu hướng này, ngoài việc tăng nhân viên phục vụ cho kênh mua sắm qua điện thoại, website, Saigon Co.op cũng đã nhanh chóng phát triển hình thức tiếp nhận đơn hàng qua viber/zalo và giao hàng đến tận nhà khách hàng theo yêu cầu.

Đối phó với dịch bệnh COVID-19, hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ cũng đã đẩy mạnh 3 kênh bán hàng trực tuyến là Website VinMart.com, mua hàng trên ứng dụng di động và đặt hàng qua điện thoại (hay còn gọi là Đi chợ hộ, áp dụng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), nhằm cung cấp hàng hóa nhanh chóng, tiện lợi nhất đến khách hàng.

Tương tự, chỉ trong nửa đầu tháng 3/2020, hệ thống siêu thị Big C đã tiếp nhận tới hơn 1.000 đơn hàng qua điện thoại. Đđáp ứng yêu cầu của khách hàng, hệ thống BigC đã phải huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa và kéo dài thời gian phục vụ khách hàng. Trong khi đó, số lượng đơn hàng online tại trang thương mại điện tử SpeedL (thuộc Lotte Mart) cũng tăng 150-200% so với ngày thường từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Dịch vụ “đi chợ hộ”, giao hàng tận nơi không chỉ dành riêng cho những nhà bán lẻ trực tuyến mà còn có sự góp mặt của một loạt các ứng dụng không thuộc sở hữu của các nhà bán lẻ như: Be đi chợ (Be), GrabMart (Grab), NowFresh (Foody), Chopp (Chopp.vn), Lomart (Loship)…

Việc người dân thay đổi thói quen, chuyển sang tiêu dùng online cũng khiến thị trường mua sắm trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada trở nên bận rộn hơn với nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại. Ví dụ như trong 2 tháng đầu năm nay, lượng đơn hàng trên sàn Tiki tăng trưởng mạnh. Ngoài sách là sản phẩm chủ lực của sàn được ghi nhận tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, sức mua các mặt hàng giúp người tiêu dùng an tâm trong vùng dịch như khẩu trang, khăn ướt, máy lọc không khí... cũng tăng đáng kể.

Không những vậy, xu hướng phát triển của mua sắm online cũng đang tạo điều kiện cho hàng loạt các trang mạng xã hội như facebook, zalo nở rộ dịch vụ kinh doanh trực tuyến.

Mặc dù mua sắm online mang lại khá nhiều tiện lợi cho người diêu dùng như giúp người dân tránh khỏi nguy cơ lây lan dịch bệnh, tiết kiệm thời gian, giá cả tại các nhà bán lẻ ổn định... tuy nhiên hình thức này cũng tiềm ẩn nhiều kẽ hở và rủi ro lớn bởi không ít đối tượng đã lợi dụng việc mua bán hàng hóa online để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người mua hàng, bán sản phẩm, hàng hóa không giống quảng cáo, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là các sản phẩm chống dịch bệnh như nước rửa tay, khẩu trang…

Để tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng thị trường cạnh tranh minh bạch, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng, thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã tăng cường công tác rà soát các sản phẩm hàng hóa phục vụ phòng dịch của các sàn thương mại điện tử nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm, gian hàng vi phạm và các hành vi gian lận như nâng giá bán, nâng giá vận chuyển… Tính đến ngày 23/3/2020, các sàn đã xử lý tổng cộng khoảng gần 14.000 gian hàng và khoảng gần 30.000 sản phẩm vi phạm. Đã có gần 3.000 gian hàng và 4.000 sản phẩm vi phạm bị xử lý và gỡ bỏ trong thời gian từ 16-23/3/2020.
 
Tuy nhiên, theo các ngành chức năng, công tác tiếp cận, giám sát loại hình kinh doanh trực tuyến không hề đơn giản, khó khăn hơn nhiều so với kinh doanh truyền thống do nhiều đối tượng cố tình che giấu thông tin, không có địa chỉ, điện thoại hay thông tin liên lạc nên việc ngăn chặn và xử phạt gặp rất nhiều rào cản. Bên cạnh đó, những khách hàng mua sắm online phần lớn không chú ý việc lấy hóa đơn, sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến đa dạng… gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý của các cơ quan chức năng. Do đó, , người tiêu dùng nên tỉnh táo lựa chọn những trang web uy tín, đặc biệt khi lựa chọn thanh toán trên các nền tảng trực tuyến, để tránh “sập bẫy” lừa đảo online./.

 
ThS. Thái Huy Đức
Trường Chính trị TP.Đà Nẵng