Thúc đẩy phát triển chăn nuôi đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong nước

|

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong nước

Ngành chăn nuôi được đánh giá có nhiều yếu tố thuận lợi trong năm 2020. Trước hết, Luật Chăn nuôi mới bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2020 với các điều kiện, quy định tương đối toàn diện, tạo hành lang pháp lý ổn định, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi theo chiều sâu, bền vững. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi từng bước được kiểm soát, trong đó bệnh dịch tả lợn châu Phi có xu hướng giảm mạnh, tạo điều kiện gia tăng tái đàn tại các địa phương. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 25/3/2020, cả nước không còn dịch tai xanh và dịch tả lợn châu Phi không phát sinh thêm ổ dịch mới. Nhờ đó, chăn nuôi lợn có xu hướng dần hồi phục trở lại, ước tính sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I/2020 đạt 811 nghìn tấn.

Bên cạnh đó, chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển do các hộ chăn nuôi mở rộng quy mô. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng quý I/2020 ước đạt 383,4 nghìn tấn, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng trứng gia cầm đạt 4,1 tỷ quả, tăng 14,1%.

 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Tình hình chăn nuôi trâu, bò trên cả nước cũng khá ổn định trong quý đầu tiên của năm nay. Tuy đàn trâu tiếp tục xu hướng giảm do hiệu quả kinh tế không cao, nhưng đàn bò phát triển khá do thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán thịt bò hơi ở mức cao, giúp tăng thu nhập đáng kể cho người dân. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng trong quý I/2020 đạt 27,5 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 106,5 nghìn tấn, tăng 7,3%; sản lượng sữa bò tươi đạt 257,1 nghìn tấn, tăng 5%.

Tuy vậy, sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm đến nay đã đặt ra một thách thức lớn cho ngành chăn nuôi là đảm bảo nguồn cung trong nước. Điều này đỏi hỏi ngành chăn nuôi phải đẩy nhanh công tác tái đàn, nhất là tái đàn lợn, do thịt lợn sẽ vẫn là mặt hàng thực phẩm đặc biệt quan trọng, chiếm từ 65-70% nhu cầu tiêu thụ thịt tại nước ta và nguồn cung thịt lợn trong nước chưa đủ đáp ứng cầu.

Trong công tác tái đàn, giống được xem là yếu tố then chốt quyết định đến năng suất chăn nuôi và chất lượng sản phẩm. Do đó, để chủ động nguồn lợn giống phục vụ sản xuất, Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp tích cực nhập giống nguồn để tăng cường nhân giống và cung ứng lợn giống bảo đảm chất lượng, an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần có chính sách ưu đãi về lãi suất cho người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn và doanh nghiệp nhập khẩu giống… Về phía Bộ NN&PTNN, Chính phủ chỉ đạo Bộ phối hợp các địa phương xây dựng chiến lược, kế hoạch xây dựng ngành chăn nuôi theo hướng tăng mạnh đàn lợn trong thời gian tới nhưng đảm bảo cân bằng cung cầu, đảm bảo giá lợn ở mức hợp lý nhưng không tạo ra dư thừa, thiệt hại cho người chăn nuôi. Hướng đến một mục tiêu lâu dài, Bộ NN&PTNT cần sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040, trên cơ sở đó triển khai đề án phát triển giống vật nuôi; tăng cường sản xuất giống tại chỗ với giá thành hạ, an toàn dịch bệnh...

Kiểm soát tốt dịch bệnh cũng là vấn đề đặt ra để ngành chăn nuôi có thể tái đàn hiệu quả. Hiện dịch tả lợn cơ bản đã được kiểm soát, song do quy mô chăn nuôi nước ta hiện nay vẫn nhỏ lẻ nên việc đảm bảo an toàn sinh học không triệt để, dẫn tới dịch tả lợn châu Phi vẫn có nguy cơ quay trở lại. Bên cạnh đó, nhiều dịch bệnh khác cũng đã bắt đầu xuất hiện. Trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã có 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại 5 địa phương (Hà Nội, Ninh Bình, Hòa Bình, Bắc Ninh và Hà Nam), khiến phải tiêu hủy trên 43.000 con gia cầm và 6 ổ dịch lở mồm long móng tại 4 tỉnh (Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Kon Tum) chưa qua 21 ngày (số liệu Tổng cục Thống kê). Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, việc tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương. Trước tình hình đó, tháng 4/2020 vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chỉ đạo, tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái đàn, tăng đàn. Đồng thời, đẩy mạnh vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, để từ đó xây dựng các chuỗi đảm bảo cung ứng thịt trong mùa dịch và ổn định thị trường. Đặc biệt, Bộ NN&PTNN cần khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi giai đoạn 2020-2025.

Để phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi và tái đàn hiệu quả thì việc đẩy mạnh mô hình chăn nuôi an toàn sinh học là một trong những hướng đi phù hợp cho ngành chăn nuôi. Mô hình này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí chăn nuôi mà còn giúp nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, từ đó phòng chống hiệu quả các bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch tả lợn châu Phi, giúp cung ứng cho thị trường các sản phẩm thịt đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, điều kiện để nhân rộng mô hình này đòi hỏi các trang trại chăn nuôi phải được xây dựng ở địa điểm phù hợp, đảm bảo cự ly an toàn với các khu vực xung quanh. Mặt khác, cần áp dụng các biện pháp an toàn sinh học theo 3 vùng gồm: Vùng lõi, vùng đệm và vùng giám sát. Đồng thời áp dụng chương trình phòng bệnh theo điều kiện dịch tễ giúp các trại lợn phòng tránh dịch bệnh hiệu quả. Điều này đòi hỏi các địa phương cần dồn lực hơn nữa cho ngành chăn nuôi trên địa bàn.

Không chỉ đảm bảo cung ứng nguồn cung, một nhiệm vụ ngành chăn nuôi cần thực hiện là đưa giá lợn hơi về mức giá bình thường như trước khi có dịch tả lợn châu Phi là khoảng 60.000 đồng/kg như chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về giải pháp bình ổn giá thịt lợn vào ngày 20/3/2020. Chỉ đạo này xuất phát từ tình hình thực tế là từ cuối năm 2019 đến nay, giá thịt lợn luôn ở mức cao, nguyên nhân do nguồn cung thấp hơn cầu. Bên cạnh đó, còn có các yếu tố chủ quan khác tạo ra như: Tâm lý tích trữ thực phẩm của người dân khi xảy ra dịch Covid-19; Xuất hiện hiện tượng găm hàng, tích trữ lợn thịt để đẩy giá lên cao; Cơ cấu trong giá thịt lợn còn bất hợp lý (chi phí trung gian lớn 40-45%) (theo báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá). Giá thịt lợn cao đã khiến đời sống người tiêu dùng thêm phần khó khăn, tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), từ đó ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô. Theo tinh thần chỉ đạo đó, 15/15 “ông lớn” trong ngành chăn nuôi (như Công ty CJ Vina, Dabaco, Japfa Comfeed, Emivest, CP…) đã cam kết giảm giá lợn hơi tại cửa chuồng, trang trại xuống 70.000 đồng/kg. Theo lộ trình, đến cuối quý II và quý III giá lợn sẽ tiếp tục giảm xuống mức 65.000 đồng/kg và 60.000 đồng/kg.

Ngoài ra, để có thể giảm giá thịt lợn theo đúng lộ trình, Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chủ trì chỉ đạo, thực hiện tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống kênh phân phối, cung ứng, đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng nuôi của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến thương nhân, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng, nhằm giảm chi phí trung gian đến mức thấp nhất cho người tiêu dùng; xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đẩy giá lên cao. Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước là chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng có chính sách ưu tiên tín dụng, ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại vì bệnh Dịch tả lợn Châu Phi được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn, tăng đàn và mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh.
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Việt Nam tự hào là quốc gia duy nhất thuộc khu vực ASEAN có quy mô sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp lên tới 25 triệu tấn/năm; có các thiết chế chăn nuôi lớn gia súc, gia cầm đảm bảo sản xuất mỗi năm 40 triệu con lợn, với hệ thống giống gốc từ cụ kỵ, ông bà thuộc công nghệ mới nhất của thế giới; có quy trình cung cách chăn nuôi ngày một tiến bộ với quy mô trang trại chăn nuôi khoảng 10.000 con lợn, sản xuất 50 triệu con gà giống đặc sản Việt Nam… Với sức chăn nuôi, sản xuất như hiện nay cùng việc thực hiện tốt công tác tái đàn, phòng chống dịch bệnh, Bộ NN&PTNT ước tính lượng lợn hơi xuất chuồng quý II/2020 dự kiến đạt 950.000 tấn; quý III/2020 đạt 1,020 triệu tấn và quý IV/2020 đạt 1,090 triệu tấn. Từ những con số này, Bộ NN&PTNT nhận định đến cuối quý II, đầu quý III nguồn cung từ chăn nuôi sẽ đáp ứng khoảng 90% nhu cầu thịt lợn trong nước. Đến cuối quý III và quý IV năm nay sẽ đáp ứng đủ nhu cầu như mức cao nhất đã đạt được vào tháng 12/2018, thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Dự kiến tổng sản lượng thịt các loại trong năm nay đạt khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 16,35% so với năm 2019. Trong đó, sản lượng thịt lợn ước đạt 3,95 triệu tấn; thịt gia cầm ước đạt 1,42 triệu tấn, thịt trâu đạt 98.500 tấn; thịt bò ước đạt 365.000 tấn; sữa đạt 1,15 triệu tấn, trứng đạt khoảng 14,6 tỷ quả, đảm bảo cung cấp đủ thịt cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề tồn tại của ngành chăn nuôi hiện nay là quy mô hộ nhỏ lẻ vẫn còn chiếm một tỷ lệ tương đối lớn; nguy cơ dịch bệnh là rất cao do những yếu tố từ điều kiện địa hình, khí hậu mang lại. Bên cạnh đó, mật độ đàn chăn nuôi ở nước ta hiện quá lớn. Hơn nữa, ngành chăn nuôi cũng đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm và sự leo thang giá của nguồn nguyên liệu nhập để sản xuất thức ăn chăn nuôi do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Nguyên nhân của tình trạng này là bởi các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi trong nước phải nhập khẩu tới 70-80% nguyên liệu từ các thị trường Argentina, Mỹ, Brazil, Trung Quốc... Nếu dịch bệnh kéo dài, giá cả tiếp tục tăng lên trong khi trong nước, không có nguồn nguyên liệu thay thế thì dễ dẫn đến việc sản xuất đình trệ, kéo theo sự tăng lên về giá thành sản phẩm.

Do đó, trong thời gian tới, ngoài việc tăng, tái đàn và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, các giải pháp tập trung vào hỗ trợ, gỡ khó cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng được thực hiện, nhằm đảm bảo nhu cầu thực phẩm trong nước, cũng như phát triển ngành chăn nuôi một cách bền vững./.

 
Bích Ngọc