Phát triển logistics trong nông nghiệp giải pháp nâng cao giá trị nông sản

|

Phát triển logistics trong nông nghiệp giải pháp nâng cao giá trị nông sản

Việc nhiều tấn nông sản bị ứ đọng do dịch Covid-19 không thể xuất khẩu đã không chỉ đặt ra bài toán về thị trường tiêu thụ nông sản mà còn liên quan đến tất cả các khâu, trong đó có chuỗi giá trị cung ứng (logistics). Điều này cũng cho thấy vấn đề vận chuyển, kho bãi, lưu trữ… đối với các sản phẩm nông nghiệp ở nước ta còn nhiều hạn chế. Do vậy, để đảm bảo giá trị bền vững cho ngành nông nghiệp, việc đầu tư phát triển hệ thống logistics trong nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng nhằm nâng cao giá trị nông sản và là đòn bẩy xuất khẩu sang thị trường lớn.
 

Phát triển logistics trong nông nghiệp: Còn thiếu và yếu


Logistics trong nông nghiệp được hiểu là một chuỗi các hoạt động: Lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, làm thủ tục hải quan, luân chuyển hàng hóa…, nhằm mục đích chuyển sản phẩm nông nghiệp từ nhà nông, người cung cấp đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn nông sản ra thế giới, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Năm 2020, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm sản đạt 20,3 tỷ USD, chiếm 7,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, một số mặt hàng nông sản có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như: Gạo tăng 9,3%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 2,4%; cao su tăng 3,5%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 15,7%... Xuất khẩu thủy sản đạt 8,4 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đã trở thành điểm sáng của ngành thủy sản năm 2020.

10 tháng đầu năm 2021, do dịch Covid-19 thị trường có nhiều biến động song xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng dương. Tính chung 10 tháng, nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng, như: Cà phê, cao su, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, tôm, sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm, quế... Trong đó, cao su, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể: Cao su tăng 13,9% khối lượng và tăng hơn 46% giá trị, hạt điều tăng hơn 14% khối lượng và 13,5% giá trị, sắn và sản phẩm từ sắn chỉ tăng hơn 7% khối lượng, nhưng tăng hơn 21% giá trị…

Theo đánh giá, những năm gần đây, logistics Việt Nam đã có sự đầu tư và phát triển, tăng trưởng hàng năm từ 14-16%, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, với giá trị 40-42 tỷ USD/năm. Logistics phát triển đã góp phần khắc phục hạn chế của ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản và giảm đáng kể tổn thất sau thu hoạch so với trước đây. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, logistics phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của Việt Nam do mới phát triển nên còn nhiều hạn chế, nhất là so với yêu cầu của một nước sản xuất nông sản hàng đầu, khối lượng nông sản tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đều lớn như ở nước ta.

Thống kê từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, hiện nay 95% số doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp trong nước. Số lượng doanh nghiệp nhiều song chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế. Các doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Do vậy, ở cả chiều mua và bán doanh nghiệp logistics trong nước đang đứng trước nhiều hạn chế về sân chơi. Đây cũng là thực tế của các doanh nghiệp logistics trong nông nghiệp.

 


Ảnh minh họa

 
Bên cạnh đó, dịch vụ logistics cho hàng hóa nông sản ở nước ta hiện còn nhiều bất cập, hệ thống kho bãi manh mún, cơ sở chế biến nông sản còn thiếu, quy mô nhỏ; chuỗi kho lạnh còn chưa phổ biến. Theo thống kê, hiện cả nước có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông - thủy sản với công suất khoảng 700 nghìn palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định, chủ yếu là xuất khẩu. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn phương tiện xe lạnh và container lạnh phục vụ vận chuyển nông - thủy sản… Tuy nhiên, số lượng kho lạnh đó chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu.

Cùng với đó, hạ tầng kho bãi tại các cửa khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu lưu giữ hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hệ thống kho lạnh. Thiết bị nâng, hạ, xếp dỡ, sang tải hàng hóa còn thiếu. Hiện nay, việc xếp dỡ hàng hóa nông sản chủ yếu bằng thủ công là chính, gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sản phẩm cũng như hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá.

Các chuyên gia cho biết, hoạt động logistics phụ thuộc rất lớn vào cơ sở hạ tầng, nếu không có cơ sở hạ tầng thì logictics không thể hoạt động được. Hiện tại, dịch vụ logistisc của nước ta mới phát triển mạnh ở một số tỉnh, thành phố thuộc các khu vực kinh tế trọng điểm, trong khi nhiều vùng tập trung sản xuất hàng hóa nông sản lại thiếu vắng loại hình dịch vụ này. Kênh phân phối và bảo quản sản phẩm nông sản chủ yếu qua các chợ đầu mối và chợ dân sinh, trong khi hệ thống này chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm cung ứng số lượng lớn và chất lượng nông sản phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, chưa có sự kết nối giữa các phương tiện giao thông tại các điểm trung chuyển hàng, tại cửa khẩu quốc tế giao thông đường sắt chưa phát huy được lợi thế do khác biệt về khổ đường ray...

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây nhiều khó khăn, các chi phí vận chuyển, lưu kho, bến bãi, thuê container rỗng để chở hàng… đều tăng cao khiến cho chi phí logistics cũng tăng lên đáng kể. Mới đây, các ngành hàng xuất khẩu như: Gỗ, các sản phẩm từ gỗ, gạo, thủy sản, trái cây… đều đang gặp nhiều khó khăn khi không thể thuê được container cho dù giá thuê đã tăng gấp nhiều lần so với trước. Tình trạng thiếu kho bãi tại vùng sản xuất, cửa khẩu và ùn tắc giao thông thời gian vừa qua đã khiến chi phí logistics của Việt Nam đã cao lại càng cao hơn nữa. Theo tính toán, hiện chi phí logistics của nông sản Việt chiếm từ 25-30% trong giá thành. Cao hơn mức 12,5% của Thái Lan và thế giới là 14%. Theo Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây tại Bến Tre, chỉ riêng thị trường Mỹ, cước vận chuyển trái cây tươi hiện ở mức 6-6,2 USD/kg, tăng gấp đôi so với trước đó. Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng cũng cho biết, hiện giá container xuất khẩu thủy sản đi Mỹ tăng gấp nhiều lần so với trước, có thời điểm lên tới gần 20.000 USD/container nhưng cũng rất khó để thuê. Còn theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2021 dự kiến các doanh nghiệp gỗ cần hơn 800 nghìn container để vận chuyển hàng xuất khẩu, tuy nhiên việc thuê các container rỗng cũng gặp nhiều khó khăn.

Ngoài việc thuê mướn container thì vấn đề hạ tầng cầu cảng cũng đang là “lực cản” đối với sản xuất và xuất khẩu nông sản. Theo đánh giá, hệ thống cảng biển trong cả nước hiện chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu, nhất là cảng nước sâu. Bên cạnh đó, do sự phân bố không đồng đều và chưa hợp lý của hệ thống logistics trong nông nghiệp cũng đã làm giảm khả năng cung ứng hiệu quả của hệ thống này.

Do đặc điểm của hàng hóa nông sản cần đảm bảo tươi sống và chỉ có giá trị trong một thời hạn ngắn, nên dịch vụ logistcs đòi hỏi phải có tính chuyên nghiệp khác biệt hơn và việc đầu tư hạ tầng kho, bãi cũng tốn kém hơn so với nhiều loại hàng hóa khác... chính vì vậy, hiện nhiều doanh nghiệp logistics chưa “mặn mà” với lĩnh vực nông sản. Mặt khác, phần đông nhân lực logistics trong phục vụ nông nghiệp còn rất thiếu kinh nghiệm, thiếu sự hiểu biết về đặc tính riêng của hàng hóa nông sản, nên nhiều doanh nghiệp coi chuỗi kho lạnh là chi phí đầu tư tốn kém, không hiệu quả và giá trị gia tăng thấp… dẫn đến tình trạng các chuỗi cung ứng nông sản bị gián đoạn, phân tán làm cho nông sản của nước ta bị giảm giá trị, tăng giá thành khi tiêu thụ nội địa và giảm năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế… Tất cả những yếu tố trên đã và đang kìm hãm sự phát triển xuất khẩu hàng hóa nông sản của Việt Nam.

Phát triển logistics trong nông nghiệp - giải pháp nâng cao giá trị nông sản

Có thể thấy, những hạn chế và khó khăn của hệ thống logistisc trong nông nghiệp đã tạo nên điểm nghẽn cho đầu ra nông sản. Chính vì vậy, việc chú trọng đầu tư logistics cho nông nghiệp, tăng cường xây dựng các trung tâm dịch vụ logistic cho hàng hóa nông sản phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sẽ giúp gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông sản của nước ta, đồng thời góp phần tăng thu nhập đối với người nông dân. Theo đó, một số đề xuất, giải pháp phát triển logistics nông nghiệp nâng cao giá trị nông sản, bao gồm:

Tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống logistics nhằm đảm bảo lưu thông, nâng cao giá trị chuỗi cung ứng nông sản. Bên cạnh chủ trương chính sách của Nhà nước, các doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn nữa để cùng người nông dân hình thành nên hệ sinh thái từ khâu tổ chức sản xuất, khâu chế biến, khâu thương mại tạo nên nền tảng logistics trong nông nghiệp ngày càng đầy đủ, khép kín.

Tiếp tục hoàn thiện, duy tu phát triển hạ tầng giao thông, hệ thống các bến cảng lớn, cảng nước sâu đảm bảo cho tàu biển có tải lớn có thể hoạt động. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các bến cảng hiện có để đảm bảo các phương tiện có thể lưu thông thuận lợi. Từ đó, rút ngắn thời gian vận tải cũng như chi phí vận tải cho hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản.

Cần có quy hoạch và thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm logistics nông sản, kho lạnh để phân loại, bảo quản, sơ chế nhằm bảo đảm chất lượng nông sản tươi sống, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Tăng cường đầu tư hạ tầng logistics cho hàng hóa nông sản, nhất là các vùng sản xuất nông sản chủ lực, tập trung. Trong đó, chú trọng đầu tư vào chuỗi lạnh (kho lạnh, xe lạnh, container lạnh …). Cùng với đó, cần hình thành các vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến quy mô lớn để phục vụ xuất khẩu.

Có phương án, chính sách và mô hình hiệu quả, kết nối chuỗi cung ứng toàn diện cho hàng hóa nông sản từ khâu canh tác - thu hoạch - thu mua - vận chuyển - làm sạch - lưu trữ cho đến thông quan - xuất khẩu, hướng tới tối ưu hóa chi phí logistics, tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản, tạo đầu ra bền vững cho người nông dân.

Thay đổi tư duy làm chợ đầu mối bằng trung tâm logistics nông sản, là nơi để tập trung nguồn hàng, đầu tư thị trường, bảo đảm được chất lượng, vệ sinh và an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nông sản. Xây dựng các trung tâm chiếu xạ, trung tâm kiểm định tại các vùng nông nghiệp trọng điểm… đảm bảo các tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu quốc tế.

Cải thiện kết nối đường thủy, đường bộ, tận dụng tốt đường sắt, phát triển logistics hàng không để phát huy sức mạnh tổng thể logistics.

Bên cạnh đó, để nâng sức cạnh tranh cho hàng nông sản nói riêng và các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung. Phát triển mạnh hơn nữa đội ngũ doanh nghiệp làm dịch vụ logistics. Khi đội ngũ doanh nghiệp logistics trong nước được mở rộng về số lượng và nâng cao về năng lực thì sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhiều hoạt động kinh tế nông nghiệp.

Ngoài ra, hiện nay thị trường nội địa ngày càng phát triển, cửa hàng tiện lợi tăng nhanh, khiến nhu cầu vận chuyển các sản phẩm cần bảo quản lạnh như: Sữa, rau quả, thực phẩm thịt, cá, hoa tươi… cũng tăng cao. Do vậy, việc áp dụng chuỗi cung ứng lạnh vào sản xuất, kinh doanh là thật sự cần thiết. Chuỗi cung ứng lạnh sẽ giúp kiểm soát nhiệt độ như mong muốn, tăng chất lượng sản phẩm, kéo dài thời gian bày bán của thực phẩm và đảm bảo chất lượng tại các điểm bàn giao từ nhà cung cấp đến nhà phân phối và các cửa hàng bán lẻ… từ đó phát triển và đảm bảo tốt cho hàng hóa nông sản tiêu thụ trong nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, các chuyên gia khuyến cáo các ngành hàng cần có biện pháp tạo kênh liên kết để kết nối giữa các hãng tàu lớn trong và ngoài nước nhằm ổn định giá cước vận chuyển. Các cơ quan quản lý, các bộ, ngành cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời người nông dân, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong việc tìm kiếm thị trường, tạo thêm những kênh bán hàng mới, đa dạng… đảm bảo hàng hóa nông sản được lưu thông, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng ..../.

ThS. Trần Thị Anh - ThS. Nguyễn Thị Thọ

Đại học Công nghiệp Hà Nội