Kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh - Tự hào, tự tin hướng tới một Việt Nam hùng cường

|

Kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh - Tự hào, tự tin hướng tới một Việt Nam hùng cường

Ngày 2/9/1945, là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến nay, trải qua 78 năm sau ngày độc lập, Việt Nam đã tiến bước dài trên đường phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 

Từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ, Việt Nam đã chuyển mình trở thành nền kinh tế đa dạng, có tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ ngày càng lớn và chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, trải qua 36 năm (1986-2022) đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Kinh tế xã hội ổn định và ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt cả về mức sống và chất lượng cuộc sống. Hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố vững mạnh. An ninh quốc phòng được tăng cường, giữ vững. Đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng mở rộng, vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, những năm gần đây, với xu hương của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đã và đang ngày càng thúc đẩy mạnh mẽ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cùng xu hướng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đưa Việt Nam phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Báo cáo động thái và thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam 5 năm (2016 - 2020) của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy, trải qua 30 năm đổi mới, thế và lực của Việt Nam đã lớn mạnh hơn nhiều và có thêm kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên.

Kết quả trong 5 năm (giai đoạn 2016-2020), thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, cùng với đó là thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng khá, từng bước chuyển dịch sang chiều sâu, quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, lạm phát được kiểm soát. Đặc biệt, năm 2020 nền kinh tế vẫn đạt tăng trưởng dương dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Bình quân giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,78%, cao hơn 0,87 điểm phần trăm so với mức tăng bình quân của giai đoạn 2011-2015 là 5,91%/năm, đồng thời đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%-7%/năm của kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2016-2020). Riêng năm 2020, tăng trưởng kinh tế đạt 2,91%, tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội của các quốc gia trên thế giới thì đây là thành công lớn của Việt Nam, khi mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tính bình quân giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng GDP đạt 5,99%/năm, dù không đạt mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đề ra (6,5-7%/năm), song tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn được xếp vào hàng cao nhất so với các nước trong khu vực ASEAN.

Trong 5 năm, quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng. Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu, thể hiện ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng của nền kinh tế tăng lên. Trong giai đoạn 2016-2020, đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 45,72%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 32,84% của giai đoạn 2011-2015.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo xu hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ. Theo đó, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP đã giảm từ 16,32% năm 2016 xuống 14,85% năm 2020. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 32,72% năm 2016 lên 33,72% năm 2020. Khu vực dịch vụ tăng từ 40,92% năm 2016 lên 41,63% năm 2020. Như vậy, sau 5 năm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã giảm 1,47 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 0,71 điểm phần trăm.

Lĩnh vực công nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng dần qua các năm. Bình quân giai đoạn 2016-2020, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,24%/năm, chiếm tỷ trọng 16,7% GDP năm 2020 và tăng 2,43 điểm phần trăm so với năm 2016; ngành khai khoáng giảm 3,75%/năm, chiếm 5,55% GDP và giảm 2,57 điểm phần trăm. Điều này cho thấy, quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp đã theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, nhất là các ngành công nghiệp chế biến sâu; đồng thời giảm tỷ trọng ngành khai khoáng để phát triển bền vững gắn kết với bảo vệ môi trường.

Khu vực dịch vụ được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm có năng lực cạnh tranh. Trong đó, một số ngành dịch vụ được hiện đại hóa, hình thành các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao. Tính chung 5 năm 2016 - 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành đạt 21.887 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 9,4%.

Trong 5 năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá tăng mạnh, từ 327,8 tỉ USD năm 2015 lên khoảng 517,96 tỉ USD năm 2019; riêng năm 2020 mặc dù ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 vẫn đạt khá, ước tính 545,36 tỉ USD. Cơ cấu xuất, nhập khẩu chuyển dịch theo hướng giảm xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, công nghiệp và tăng nhập khẩu các mặt hàng cho sản xuất và xuất khẩu. Quy mô các mặt hàng xuất khẩu được mở rộng, số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên tăng qua các năm.

Tiếp tục thành tựu đạt được và sau 2 năm (2020-2021), tập trung thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế", năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực và tương đối toàn diện; các cân đối lớn luôn được đảm bảo, nền tảng vĩ mô ổn định, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao, nhiều nền kinh tế suy giảm tăng trưởng, kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng vượt qua khó khăn, trở thành điểm sáng của kinh tế khu vực.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của TCTK cho thấy, GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 do nền kinh tế khôi phục trở lại. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, xuất khẩu nông sản đạt kết quả ấn tượng do nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Khu vực công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2022 đạt 9.513,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021); theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8%.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Bên cạnh thành tựu về vốn, năm 2022, đời sống của hộ dân cư được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021. Công tác an sinh xã hội định kỳ và công tác giảm nghèo bền vững tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, chăm lo cho hộ nghèo. Trong năm 2022, tổng giá trị tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là hơn 14,4 nghìn tỷ đồng.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong năm 2022 ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD.

Kết quả kinh tế - xã hội trong năm 2022 của TCTK cho thấy, nền kinh tế Việt Nam không bị suy thoái trong đại dịch và phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này khẳng định nội lực và khả năng chống chịu khá tốt của nền kinh tế Việt Nam.

Về quan hệ quốc tế, Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế, vai trò ngày càng quan trọng trên trường quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã tham gia và có quan hệ tốt đẹp với nhiều tổ chức, cơ chế hợp tác kinh tế-phát triển hàng đầu như: Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)… và tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA “thế hệ mới” như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.

Việt Nam cũng tiếp tục thể hiện sự tích cực, chủ động tham gia xử lý nhiều vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu tại các cơ chế, diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ LHQ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Bên cạnh đó, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 và được bầu vào một số cơ chế quan trọng của LHQ như Phó chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77, Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC)... đặc biệt, Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.

Hình ảnh, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế, nhất là thành công trong phòng, chống dịch Covid-19. Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới và cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có hoạt động chống dịch hiệu quả nhất thế giới. Tiếp tục khẳng định là một thành viên tích cực, tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đồng thời chung tay cùng thế giới giải quyết các thách thức chung hiện nay như an ninh biển, biến đổi khí hậu, lương thực, nguồn nước...

Có thể thấy, 78 năm sau ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đất nước đã phát triển vượt bậc về nhiều mặt, khẳng định được tầm vóc, vị thế Việt Nam. Những thành tựu đạt được chính là nền tảng vững chắc để Việt Nam viết tiếp những thành tựu trong công cuộc đổi mới và phát triển Vì một Việt Nam phát triển và chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào và tin tưởng mục tiêu hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng vào năm 2045, khi đất nước tròn trăm tuổi sẽ trở thành hiện thực!
 

Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho thấy, năm 2022 Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng 20 bậc), xếp vị trí 48/132 quốc gia và xếp vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, Việt Nam là một trong ba nền kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới nhanh nhất.

Trang Nguyễn