Năm 2023, Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2013-2023), ghi dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương 2 nước với nhiều thành tựu nổi bật. Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được coi là minh chứng điển hình cho xu thế phát triển chung của thế giới trong thời đại mới, đó là xu thế hòa bình, hợp tác cùng phát triển. Đặc biệt, sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 10/9 tới đây trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ 2 nước lên tầm cao mới.
Theo thông cáo được Bộ Ngoại giao phát đi tối 5/9/2023, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Joseph R. Biden, Jr. sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10 đến ngày 11/9/2023. Các chuyến thăm của nguyên thủ 2 nước được kỳ vọng đưa quan hệ đôi bên phát triển ổn định, thực chất và lâu dài trên tất cả các lĩnh vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực cũng như trên thế giới. |
Năm 2023, Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 28 năm chính thức xác lập quan hệ ngoại giao kể từ tháng 7/1995 và tròn 10 năm xác lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013-2023). Đặt trong bối cảnh của dòng chảy thời gian, 2 nước từng xảy ra chiến tranh, cấm vận, đến bình thường hóa quan hệ và trở thành đối tác toàn diện với nhiều thành tựu to lớn, có thể thấy, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những bước tiến nhanh và dài trong việc kết nối và thắt chặt quan hệ đôi bên.
10 năm là đối tác toàn diện đã tạo đà cho sự hợp tác ngày càng tăng trong mối quan hệ của 2 nước; đây cũng được cho là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất, thực chất nhất, sâu rộng nhất trong quan hệ đôi bên trên hầu hết các lĩnh vực. Việt Nam và Hoa Kỳ trở thành đối tác toàn diện, hợp tác trên tinh thần cùng phát triển ở hầu hết các lĩnh vực như: Chính trị - ngoại giao, quan hệ thuơng mại và kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục, môi trường và sức khỏe, vấn đề di sản chiến tranh, quốc phòng – an ninh, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, văn hóa, du lịch và thể thao. Nền tảng quan trọng cho sự phát triển của mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ là khẳng định của hai bên về các nguyên tắc cơ bản, như: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden (khi đó là Phó TT), trong chuyến thăm Mỹ
năm 2015 (Ảnh: Bộ Ngoại giao)
Trong lĩnh vực ngoại giao - chính trị, Việt Nam - Hoa Kỳ đã thể hiện mối quan hệ hữu nghị trên tinh thần hợp tác qua sự thăm viếng từ lãnh đạo cấp cao của cả 2 nước. Mở đầu là chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11/2000 của Tổng thống Hoa Kỳ William J. Clinton, ghi dấu mốc Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm chính thức Việt Nam. Tiếp theo đó là chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải vào tháng 6/2005 theo lời mời của Tổng thống George W. Bush; và đây cũng là lần đầu tiên nguyên thủ Việt Nam thăm Hoa Kỳ sau chiến tranh. Trên cơ sở đó, hai nước tiếp tục tăng cường quan hệ về chính trị, ngoại giao với các chuyến thăm cấp cao và các cấp thường xuyên giữa hai nước, qua đó tăng cường hiểu biết và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương. Các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước đã cho thấy sự coi trọng quan hệ song phương và thực sự làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, thúc đẩy đà phát triển quan hệ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị của nhau; đồng thời khẳng định vị trí của đối tác đối với mỗi nước.
Bên cạnh đó, thành tựu hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong những năm qua có thể thấy rõ nhất ở phương diện kinh tế, khi Hoa Kỳ đang là một trong những đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hoa Kỳ cũng là thị trường duy nhất và đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD trong xuất khẩu của Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính từ năm 1995 sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, thương mại song phương đã tăng hơn 412 lần, từ 300,1 triệu USD năm 1995 lên gần 123.8 tỷ USD vào năm 2022, trong đó Việt Nam luôn là nước xuất siêu với giá trị tăng rất nhanh theo kim ngạch chung. Từ mức suất siêu 39,3 triệu USD năm 1995 đã tăng lên nhanh chóng và đạt mức xuất siêu 18,6 tỷ USD trong năm 2013; đến năm 2022, xuất siêu từ Việt Nam sang Mỹ đạt 94,9 tỷ USD.
Nửa đầu năm 2023, kim ngạch thương mại 2 nước đạt trên 51,2 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hòa Kỳ đạt trên 44,4 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt trên 6,8 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 37,6 tỷ USD theo hướng xuất siêu từ Việt Nam. Các mặt hàng giao thương giữa 2 nước khá đa dạng, phong phú và nhiều chủng loại, trong đó, một số mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt trị giá tỷ USD có thể kể đến: Máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác (7,9 tỷ USD), Máy vi tính và linh kiện (7,3 tỷ USD), Hàng dệt may (6,9 tỷ USD), Điện thoại và các loại linh kiện (4 tỷ USD), Giầy dép các loại (3,3 tỷ USD), Gỗ và sản phẩm gỗ (3,2 tỷ USD), Phương tiện vận tải và phụ tùng (1,3 tỷ USD). Ở chiều ngược lại, các sản phẩm Hoa Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam với kim ngạch cao có thể kể đến: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (1,4 tỷ USD), nguyên, phụ liệu cho ngành dệt may như bông các loại (640,7 triệu USD), Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (424 triệu USD), Chất dẻo nguyên liệu (364 triệu USD), Hóa chất (344 triệu USD), Thức ăn gia súc và nguyên liệu (343 triệu USD)…
Tăng trưởng thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã bị chững lại do trong giai đoạn 2020-2021, dịch Covid-19 khiến giao thương 2 nước bị đứt gãy theo ảnh hưởng chung của toàn cầu. Tuy nhiên, những con số biết nói kể trên đã cho thấy kết quả vượt bậc trong thương mại do sự hợp tác giữa 2 nước đem lại. Đến nay, Hoa Kỳ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ.
Tính đến 20/12/2022, Hoa Kỳ đứng thứ 11 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với số dự án lũy kế đạt 1.216 dự án, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 11,4 tỷ USD. Nhờ môi trường đầu tư năng động, tạo thuận lợi, hàng loạt tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đã, đang tìm kiếm và mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng và phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Điển hình phải kể đến như: Apple, Intel, Boeing, Google, Walmart… Có thể nói, Việt Nam đã tự khẳng định là một giao điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu của Hoa Kỳ với minh chứng là các khoản đầu tư lớn của doanh nghiệp công nghệ Mỹ vào Việt Nam như công ty Amkor Technology hay tập đoàn Intel, với nhà máy lắp ráp và kiểm định chip lớn nhất thế giới của công ty được đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, với quy mô đầu tư ra nước ngoài hàng trăm tỷ USD của Hoa Kỳ, cơ hội thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam còn rất nhiều dư địa.
Cùng với quan hệ thương mại, đầu tư, Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những bước hợp tác, phát triển trong nhiều lĩnh vực khác. Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, Việt Nam – Hoa Kỳ tăng cường hợp tác cả trên bình diện song phương và đa phương. Hoa Kỳ hợp tác, giúp Việt Nam tăng cường năng lực an ninh hàng hải, chuyển giao tàu, hợp tác thông qua cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN… đặc biệt hợp tác trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Nhất là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã hỗ trợ Hoa Kỳ đồ bảo hộ y tế và khẩu trang, trong khi Hoa Kỳ là một trong những nước hỗ trợ Việt Nam nhiều nhất và kịp thời nhất về vaccine trong bối cảnh thế giới khi đó vẫn còn khan hiếm vật tư y tế và vaccine.
Hợp tác về giáo dục cũng được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ 2 nước. Đến nay, đã có hơn 30 nghìn sinh viên Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ, đứng thứ 5 trên thế giới và đứng đầu Đông Nam Á về số lượng sinh viên. Ở chiều ngược lại, nhiều đoàn học sinh và giáo viên của Hoa Kỳ cũng tham gia chương trình trao đổi tại Việt Nam, qua đó tạo cơ hội trau dồi tiếng Việt, giao lưu văn hóa và tìm hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam. Gần đây, Chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức khởi động dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học (PHER) với ngân sách 14,2 triệu USD, do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ không hoàn lại. Dự án kéo dài trong 5 năm, từ 2022 - 2026, nhằm giúp 3 đại học lớn hàng đầu Việt Nam là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Đà Nẵng cải thiện chất lượng giáo dục, tăng cường năng lực quản trị, để 3 đại học này trở thành các hình mẫu của nền giáo dục đại học hiện đại tại Việt Nam.
Tại một số lĩnh vực triển vọng khác như an ninh mạng, sản xuất chip và chuyển đổi năng lượng xanh, 2 nước tiếp tục có những bước hợp tác mới và nhiều dự định trong tương lai. Trong bối cảnh Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, năm 2022, Hoa Kỳ và Việt Nam đã khởi động dự án Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II), trị giá 36 triệu USD do USAID tài trợ với kỳ vọng cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để hiện thực hóa các mục tiêu về chuyển đổi năng lượng bền vững.
Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cũng cho thấy sự phối hợp ngày càng hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tiểu vùng sông Mekong, trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, như phát triển bền vững và biến đổi khí hậu. Việt Nam ngày càng trở thành đối tác quan trọng và đóng vai trò chủ chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Ngày 10-11/9 tới đây, Tổng thống Hoa Kỳ Joseph R. Biden, Jr. sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Đây là sự kiện trọng đại, được mong chờ trong bối cảnh Hoa Kỳ đặt ưu tiên cao với các quốc gia có quan hệ kinh tế ngày càng tăng. Chuyến thăm được cho là sẽ góp phần khám phá các cơ hội, thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế tập trung vào công nghệ và lấy đổi mới sáng tạo làm động lực của Việt Nam. Theo đó, nhiều ngành nghề, sản phẩm là thế mạnh và là mối quan tâm hàng đầu của 2 nước sẽ đứng trước những cơ hội tiềm năng gia tăng kim ngạch, đầu tư trong cam kết hợp tác sau chuyến thăm này. Ở một kỳ vọng cao hơn, giới chuyên gia cho rằng, chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ sẽ là tiền đề để 2 nước thảo luận về một Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, củng cố khả năng tiếp cận thị trường đôi bên. Trên tất cả, chuyến thăm sẽ góp phần đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trở nên sâu sắc hơn, là cơ sở để tiếp tục nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới triển vọng hợp tác giữa hai quốc gia trong tương lai, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Đồng thời việc tăng cường thắt chặt quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã chứng minh tính đúng đắn, hợp thời của xu thế phát triển chung của thế giới trong thời đại mới, xu thế hòa bình, hợp tác và cùng phát triển./.
Thu Hiền