Các định hướng lớn để cụ thể hóa, hiện thực hóa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ

|

Các định hướng lớn để cụ thể hóa, hiện thực hóa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ

Sau khi Việt Nam – Hoa Kỳ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam trong các ngày 10-11/9/2023 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 17/9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao đã lên đường sang Hoa kỳ tham dự Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc và có nhiều hoạt động song phương tại đây.
 
Trong khuôn khổ chuyến công tác, ngày 18-19/9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ; dự Diễn đàn kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ và có nhiều cuộc làm việc, trao đổi với các địa phương và doanh nghiệp Hoa Kỳ, đặc biệt liên quan lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn; tham dự Lễ kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chào mừng quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức tại trụ sở Viện Hòa bình Hoa Kỳ (Washington D.C).
 
Đặc biệt, ngày 19/9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm Đại học Georgetown, thủ đô Washington, D.C và có bài phát biểu quan trọng, trong đó đề cập đến một số chính sách lớn của Việt Nam và đề xuất một số quan điểm để hiện thực hóa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới.
 
Một số định hướng lớn của Việt Nam
 
Thứ nhất, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
 
Thứ hai, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên.
 
Thứ ba, xây dựng nền dân chủ XHCN (phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc).
 
Thứ tư, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, theo tinh thần văn hoá soi đường cho quốc dân đi – Văn hoá còn thì dân tộc còn.
 
Thứ năm, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm và phát biểu tại Đại học Georgetown, thủ đô Washington, D.C
ngày 19/9/2020 
Ảnh: TTXVN

 
Thứ sáu, xây dựng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả, là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. 
 
Thứ bảy, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân - xây dựng thế trận an ninh nhân dân - xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; kiên trì chính sách quốc phòng "bốn không": (1) Không tham gia liên minh quân sự; (2) Không liên kết với nước này để chống nước kia; (3) Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; (4) Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
 
Thứ tám, xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh hơn nữa công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đảng phải xây dựng đường lối đúng; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ.
 
Thứ chín, xuyên suốt là yếu tố con người. Coi con người làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, không hy sinh bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
 
Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
 
Một số quan điểm để hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hai bên cần tập trung cụ thể hóa việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững thành những chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động, dự án, hoạt động hợp tác kinh doanh cụ thể, trong đó chú trọng những nội dung chủ yếu:
 
Một là, tiếp tục quan tâm và ưu tiên dành nguồn lực để hiện thực hóa các cam kết trong Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ hai nước. Việt Nam mong muốn Hoa Kỳ hỗ trợ để góp phần hiện thực hóa định hướng xây dựng "một Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng" như hai bên mong muốn.
 
Hai là, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng và củng cố tin cậy chính trị giữa lãnh đạo, chính giới và nhân dân hai nước. Tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao thường xuyên hơn, giữa các kênh nghị viện, giữa các chính đảng, mở rộng trao đổi, đối thoại trên các lĩnh vực cùng quan tâm; thúc đẩy hơn nữa hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân.
 
Ba là, tiếp tục coi hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là động lực chủ yếu và là "động cơ vĩnh cửu" thúc đẩy quan hệ song phương. Hoa Kỳ quan tâm hơn nữa, hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư phát triển các dự án lớn, nhất là công nghiệp chế tạo và mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
 
Về phần mình, Việt Nam sẽ nỗ lực triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, sẵn sàng trao đổi, phối hợp để tạo những điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
 
Bốn là, sớm hoàn thiện các khuôn khổ hợp tác mới, làm cơ sở thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác. Xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là lĩnh vực mang tính đột phá, không giới hạn. Tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm: Nền tảng công nghệ số, hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, y tế, dược phẩm; đào tạo sinh viên và nguồn nhân lực chất lượng cao…
 
Năm là, hai bên tiếp tục hợp tác hiệu quả về quốc phòng, an ninh, nhất là trên các lĩnh vực thực thi pháp luật, chống khủng bố, đào tạo quân y, cứu trợ cứu nạn, nâng cao năng lực hàng hải và hàng không, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; tiếp tục thúc đẩy khắc phục hậu quả chiến tranh, nhất là khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, rà phá bom mìn và tìm kiếm người mất tích.
 
Sáu là, Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò cầu nối trong thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa ASEAN, giữa các nước tiểu vùng Mekong với Hoa Kỳ và các đối tác khác; phối hợp chặt chẽ trong ASEAN, APEC, Liên Hợp Quốc để xử lý các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, nguồn nước, y tế.
 
Bảy là, tăng cường thông tin, truyền thông, thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc. Đồng thời, hai bên cần tăng cường hợp tác trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, phù hợp với hiến pháp và các cam kết quốc tế của mỗi nước, thúc đẩy tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giảm thiểu khác biệt.   
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới cần hướng tới mục tiêu phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả, tương xứng với khuôn khổ mới, đáp ứng thiết thực lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới; thúc đẩy quan hệ hai nước không làm tổn hại lợi ích của nước khác./.
 
P.V