Linh hoạt tìm vốn xã hội hóa đầu tư hạ tầng kỹ thuật

|

Việt Nam đang trong quá trình bứt tốc để đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045. Trong bối cảnh này, nhu cầu về vốn để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là mạng lưới giao thông, rất lớn. Để giải được bài toán vốn, linh hoạt tìm các nguồn vốn xã hội hóa được coi là giải pháp khả thi.\r\n

Tắc vốn, dự án “đứng hình”

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020 và một số văn bản quy phạm pháp luật khác như Nghị quyết 437 ban hành năm 2017 của Quốc hội có nhiều quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người dân, Nhà nước như: chỉ thực hiện hợp đồng BOT với những dự án giao thông xây mới; dừng thực hiện hợp đồng BT… Đánh giá cao tính ưu việt này, nhưng theo nhiều chuyên gia, do năng lực thực thi ở nhiều bộ ngành, địa phương còn chưa đáp ứng được nên hậu quả là nhiều dự án đầu tư bị tắc vốn, nhiều công trình giao thông đang thi công dang dở phải tạm ngưng.

Các phương tiện giao thông lưu thông qua cầu tạm, bên cạnh công trình cầu Tân Kỳ - Tân Quý. Ảnh: THANH HẢI
Tại TPHCM, khoảng 9 giờ sáng 28-5-2022, ghi nhận của PV Báo SGGP cho thấy, công trường thi công cầu Tân Kỳ - Tân Quý 2 (quận Bình Tân) vắng tanh. Bên trong hàng rào chắn bảo vệ công trình, các vật liệu xây dựng như sắt, thép, ống thoát nước nằm la liệt, gỉ sét. Các phần đã thi công như cầu bộ hành, phần cầu đã bắc ngang kênh Tham Lương - Bến Cát… ngả màu xám xịt. Nhiều người dân sống xung quanh thắc mắc: “Cầu xây gần xong sao mấy năm nay ngưng thi công?”. Trong khi đó, cây cầu sắt được bắc tạm để phục vụ người dân đi lại trong thời gian thi công cầu đã xuống cấp ở nhiều chỗ, rất nguy hiểm. 
Công trình thi công cầu Tân Kỳ - Tân Quý dang dở, người dân phải lưu thông qua cầu tạm
Ảnh: HOÀNG HÙNG 
Thường xuyên chở hàng vào đường Tân Kỳ - Tân Quý, tài xế Đỗ Triệu Vũ bức xúc: “Khi cầu thép mới đưa vào sử dụng, tôi còn chạy xe qua. Nhưng thời gian gần đây, cảm nhận mỗi khi qua, cây cầu thép lại rung lên nên tôi phải lựa chọn hành trình khác, chấp nhận đi đường vòng”. Dự án xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý được khởi công cách nay 4 năm, theo hình thức BOT. Khi công trình thực hiện khoảng 70% khối lượng thì được yêu cầu tạm ngưng vì không phù hợp với Nghị quyết 437/2017 của Quốc hội là chỉ thực hiện BOT ở các tuyến đường mới.


Tương tự, tại khu vực cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Triệu 2, dù mỗi cây cầu đều đã được phân luồng cho xe chạy một chiều để giảm ùn ứ giao thông, nhưng các phương tiện vẫn nối đuôi dài. Nguyên nhân là các tuyến đường xung quanh cầu Bình Triệu 1 và 2  nhỏ, không đáp ứng được lượng xe lưu thông. Lý do lớn nhất khiến việc mở rộng tuyến đường xung quanh không thể thực hiện là dự án này thực hiện theo hình thức BOT, căn cứ vào Nghị quyết 437/2017, đã không còn phù hợp và phải chuyển sang hình thức đầu tư khác. 

Còn với nhiều dự án chưa triển khai, khó khăn nằm ở chỗ khác. Do tính chất quan trọng đối với sự phát triển của TPHCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ, dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ có vốn đầu tư khoảng 7 tỷ USD vừa được Bộ GTVT và các địa phương liên quan lên kế hoạch triển khai trước năm 2030 thay vì sau năm 2030. Tuy nhiên, theo PGS Nguyễn Anh Tuấn, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, một trong những chuyên gia tham gia nghiên cứu sâu về dự án này, 7 tỷ USD là số tiền lớn, ngân sách nhà nước rất khó thu xếp trong bối cảnh hiện nay, vay ODA khi hầu hết các nước trên thế giới còn đang chật vật phục hồi sau đại dịch không dễ, kêu gọi nhà đầu tư tư nhân đầu tư theo hình thức BOT thì với thời gian hoàn vốn ước tính ít nhất hơn 30 năm là điều bất khả thi. Cho nên, dù rất mong thực hiện sớm, nhưng chưa biết bao giờ khởi công được dự án. 

“Hiện nay TPHCM và các địa phương, nơi tuyến đường sắt đi qua như Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, đều đã quy hoạch hàng trăm hécta phát triển đô thị xung quanh các nhà ga trên tuyến, đây là những “mỏ vàng” có thể khai thác để tạo vốn làm đường sắt. Thế nhưng, khảo sát sơ bộ, nhiều địa phương còn đang gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch, không có đủ nhân lực cũng như vật lực để thực thi. Giao đất cho nhà đầu tư khai thác theo hướng “đổi đất lấy hạ tầng” (BT) theo Luật PPP cũng không được”, PGS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Cần cơ chế mềm dẻo

Không chỉ ở TPHCM mà nhiều địa phương, nhiều bộ ngành khác cũng có không ít dự án BOT phải tạm ngưng thi công để chuyển đổi hình thức phù hợp. Riêng Bộ GTVT có tới 14 dự án. Hiện, TPHCM cũng như Bộ GTVT và nhiều bộ ngành khác đang nỗ lực thực hiện các thủ tục cần thiết để chuyển đổi hình thức đầu tư cho phù hợp với quy định của pháp luật. Thế nhưng, thủ tục chuyển đổi chưa có tiền lệ, chưa có hướng dẫn cụ thể, việc xác định các hạng mục mà chủ đầu tư đã làm (để có cơ sở thanh toán) mất rất nhiều thời gian nên nhiều dự án vẫn “đứng hình”. Chưa kể, với những dự án cải tạo đường trong nội đô, nếu không được thu phí hoàn vốn thì gần như chỉ có nguồn vốn từ ngân sách là đáp ứng được yêu cầu này. Ngân sách nhà nước lại đang được dồn cho công cuộc phục hồi kinh tế, hỗ trợ người dân sau dịch.

Trong bối cảnh này, theo nhiều chuyên gia kinh tế, cần đa dạng các hình thức đầu tư theo phương thức PPP. Cụ thể, bên cạnh các hình thức PPP truyền thống như BOT… thì cần chú trọng kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp đồng BTL hoặc BLT (hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư, doanh nghiệp để xây dựng công trình hạ tầng. Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền cung cấp dịch vụ vận hành, khai thác công trình đó trong một thời gian nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền là bên thuê dịch vụ và thanh toán cho chủ đầu tư, doanh nghiệp dự án). Theo đó, nhà đầu tư sẽ chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng, vận hành, duy tu, bảo dưỡng; nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư một khoản chi phí hàng năm trong thời hạn hợp đồng. Khoản chi này (tiền thuê dịch vụ) được lấy từ doanh thu cung cấp dịch vụ công hoặc vốn ngân sách địa phương, hoặc kết hợp.

Hình thức hợp đồng BTL hoặc BLT có thể áp dụng đối với các công trình không có khả năng thu phí trực tiếp từ người sử dụng (như hệ thống thoát nước, đường giao thông trong đô thị, trụ sở cơ quan nhà nước, đê, bờ kè…). Bên cạnh đó, để rút ngắn thời gian chuẩn bị (nghiên cứu tiền khả thi), kiểm soát được tổng vốn đầu tư, tăng tính minh bạch của dự án PPP, các địa phương cần sớm hình thành Quỹ hỗ trợ chuẩn bị đầu tư (PDF); đồng thời cần hình thành được Quỹ bù đắp tài chính (VGF) nhằm hỗ trợ tài chính cho các dự án PPP. 

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, không nên áp dụng các quy định pháp luật theo kiểu “hồi tố” đối với các dự án PPP đã triển khai thực hiện trước đây. Cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét kỹ càng, cụ thể, thấu tình đạt lý đối với các dự án PPP… Cần cân nhắc cẩn trọng để sớm ban hành các quy định pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật PPP theo hướng có tính đến những đặc điểm, tình huống đặc thù, khác biệt ở từng vùng, miền, nhất ở các đô thị lớn, đông dân như TPHCM. 

“Trong những tình huống đặc biệt như dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ, nên chăng linh hoạt sử dụng các giải pháp phù hợp, khả thi để có thể khai thác quỹ đất mà các địa phương đã chuẩn bị, tạo vốn cho việc thực thi dự án. Thậm chí, cần thiết có thể “đổi đất lấy hạ tầng” như trước đây đã làm, nếu như nguồn lực địa phương không thể tự khai thác. Tất nhiên, đi kèm phải là những điều kiện cụ thể, đảm bảo quyền lợi nhà nước, người dân, chủ đầu tư. Nhà nước phải dùng công cụ thuế để điều tiết thu nhập chung một cách hài hòa nhất. Đây là giải pháp khả thi nhất trong bối cảnh nhân, vật lực ở nhiều địa phương chưa thể khai thác tốt quỹ đất để tạo vốn”, PGS Nguyễn Anh Tuấn đề xuất.

Để tạo thêm nguồn vốn cho phát triển, tạo quỹ đất đầu tư công trình hạ tầng, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (Horea) kiến nghị, cần bổ sung quy định trong Luật Đất đai để thống nhất với các bộ luật khác (Luật Quy hoạch đô thị và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công). Thực hiện tốt được việc này còn có thể giúp tái định cư tại chỗ, cũng như sớm ổn định được cuộc sống cho người có đất bị thu hồi; qua đó giúp việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng nhanh chóng hơn. Cần thực hiện hiệu quả hơn việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với diện tích đất còn lại theo quy hoạch để lựa chọn được nhà đầu tư tốt.

Theo kế hoạch đầu tư hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030, TPHCM cần 970.654 tỷ đồng để thực hiện các dự án trọng điểm. Tuy nhiên, với nguồn vốn ngân sách eo hẹp như hiện nay, thành phố cần có cơ chế đặc thù, cách làm mới để đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân và doanh nghiệp.