ĐBSCL sẽ có 1.180km đường bộ cao tốc

|

ĐBSCL vẫn chưa thể phát huy hết tiềm năng và lợi thế do giao thông đường bộ, đường thủy, đường biển còn hạn chế.

Sáng 31-5, Hội thảo “Xóa trắng cao tốc, phát huy lợi thế ĐBSCL” do Báo Thanh Niên  tổ chức với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, lãnh đạo một số tỉnh ĐBSCL, chuyên gia kinh tế và nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông trên cả nước.

Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, ĐBSCL là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước, đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước. Đồng thời, vùng này có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Thế nhưng, ĐBSCL vẫn chưa thể phát huy hết tiềm năng và lợi thế do giao thông đường bộ, đường thủy, đường biển còn hạn chế. Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành phố khởi công, xây dựng, khánh thành rất nhiều tuyến đường cao tốc. Nhưng với ĐBSCL chỉ có dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dài 91km mới hoàn thành đưa vào sử dụng.

Quang cảnh buổi hội thảo

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm chia sẻ, hệ thống đường bộ đang được đầu tư với chiều dài khoảng 2.688km, tăng 52% so với năm 2002. Trong đó, nhiều công trình cầu lớn đã được xây dựng góp phần kết nối thông suốt đôi bờ sông Tiền, sông Hậu như cầu Mỹ Thuận, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu; 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm. Đặc biệt, chương trình xóa cầu “khỉ” đã được thực hiện trong suốt thời gian qua với nhiều nguồn vốn khác nhau. Đường thủy nội địa đã hoàn thành nâng cấp 6 tuyến vận tải thủy chính kết nối TPHCM và Đông Nam bộ với vùng ĐBSCL, nâng cấp giai đoạn 1 kênh Chợ Gạo. Đã hoàn thành đầu tư 12 cảng biển, 40 bến cảng, 7,6km cầu cảng với tổng công suất thiết kế khoảng 31 triệu tấn/năm. Về hàng không, đã hoàn thành đầu tư, nâng cấp 4 cảng hàng không trong khu vực bao gồm Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau và Rạch Giá với tổng công suất 7,45 triệu hành khách/năm và 12.000 tấn hàng hóa/năm.

Cũng theo ông Nguyễn Duy Lâm, tính liên kết ĐBSCL với vùng Đông Nam bộ, TPHCM vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do điều kiện địa hình bị chia cắt, nền địa chất yếu, ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên suất đầu tư xây dựng lớn cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với khu vực khác. Trong đó, riêng về quy hoạch đường bộ cao tốc đã hoạch định đến năm 2050 toàn vùng ĐBSCL có khoảng 1.180km/9.014km của cả nước, trong đó đến năm 2030 có khoảng 760km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420km.

Giai đoạn 2021- 2025 hoàn thành tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2; triển khai và cơ bản hoàn thành tuyến Cần Thơ - Cà Mau với chiều dài 109km. Chính phủ cũng đang trình Quốc hội khóa 15 chủ trương đầu tư tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với chiều dài 188km. Bộ GTVT đang lập dự án đầu tư tuyến Mỹ An - Cao Lãnh dài 26km, dự kiến sẽ khởi công trong năm 2023. Tuyến Cao Lãnh - An Hữu với 27km. Tiếp tục đầu tư một số hạng mục để tổ chức khai thác đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi theo tiêu chuẩn đường cao tốc.

Giai đoạn 2026 - 2030 tiếp tục hoàn thành cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn 2 đầu cầu dài 15km, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa dài 21km, đoạn Đức Hòa - Mỹ An dài 74km, đoạn Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212km, đoạn An Hữu - Trà Vinh dài 90km, đoạn Trà Vinh - Hồng Ngự dài 68km và tuyến cao tốc từ TPHCM đến Sóc Trăng dài 150km.

Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị, ngoài ngân sách Trung ương, huy động nguồn lực xã hội, các địa phương có tuyến cao tốc đi qua cần ưu tiên, phân bổ ngân sách địa phương, đồng thời trực tiếp quản lý, thực hiện đầu tư các tuyến cao tốc qua địa bàn. Nhiều dự án lớn sẽ triển khai cùng một thời điểm dẫn đến nhu cầu vật liệu xây dựng rất lớn, các địa phương tạo điều kiện về nguồn vật liệu, đặc biệt là đất và cát đắp nền đường. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng hết sức khó khăn, phức tạp, cũng là quyết định đến tiến độ triển khai thực hiện dự án, do vậy cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng thuận của người dân tại mỗi địa phương.