Đánh giá tổng thể các lợi ích để chọn dự án ưu tiên

|

Nhu cầu vốn cho các dự án đường sắt trong tương lai rất lớn, lên tới 240.000 tỷ đồng, do đó việc xem xét cân nhắc thứ tự ưu tiên là rất quan trọng.

Nhu cầu vốn lớn nhất là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 58,71 tỷ USD. Theo GS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, ngay trong luận chứng tiền khả thi của dự án, hết giai đoạn 1, các đoạn được đầu tư trước là Hà Nội - Vinh, TPHCM - Nha Trang có thể đạt công suất 364.000 lượt khách/ngày đêm; nhưng theo dự báo, nhu cầu hành khách giai đoạn này chỉ đạt 55.000-58.000 lượt khách/ngày đêm, bằng 15%-16% công suất. Mới đây, sau khi xem xét hồ sơ dự án, Bộ KH-ĐT cũng cho rằng, liên danh tư vấn thẩm tra quốc tế đánh giá báo cáo tiền khả thi còn nhiều vấn đề cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi.  

Trong khi đó, nhu cầu đầu tư các dự án đường sắt khu vực phía Nam đang rất cấp bách. Theo TS Trần Du Lịch, hiện hoạt động vận tải cả hành khách lẫn hàng hóa miền Tây Nam bộ đều phụ thuộc chủ yếu vào đường bộ. Đã vậy, đường bộ lại thiếu, xuống cấp. Giao thông bằng đường thủy cơ bản chỉ là các sà lan kéo hàng, có tốc độ di chuyển rất chậm. Tàu cao tốc không được khai thác nhiều vì chi phí cao và có nguy cơ gây sạt lở cho nhiều tuyến sông, kênh. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến chi phí logistics của nông sản Nam bộ luôn ở mức cao. Chính vì vậy, đường sắt TPHCM - Cần Thơ, và sau này kéo dài tới Cà Mau, sớm hình thành sẽ góp phần khắc phục các tồn tại này. 

Các tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu cũng rất cần được triển khai sớm để góp phần chống ùn tắc giao thông cho khu vực và kéo giảm chi phí logistics cho hàng hóa vận chuyển từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ở đây tới các khu cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Cũng giống như miền Tây Nam bộ, giao thông miền Đông Nam bộ đang rơi vào tình trạng quá tải và phụ thuộc chủ yếu vào đường bộ. Và TPHCM với tư cách là trung tâm kinh tế của cả khu vực Nam bộ cũng đã và đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự quá tải của hệ thống giao thông khu vực phía Nam. Như vậy, “gỡ” được bài toán quá tải cho miền Tây Nam bộ, miền Đông Nam bộ sẽ tạo được hiệu ứng lan tỏa tốt cho TPHCM. 

Trong bối cảnh nguồn vốn khó khăn, các dự án đường sắt đều đang chờ vốn để triển khai, Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan cần phải xem xét kỹ tính hiệu quả, tính khả thi của tất cả các dự án, cập nhật lại các số liệu tính toán để cân nhắc thứ tự ưu tiên đầu tư cho phù hợp.

Tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ: Chờ cơ chế phù hợp