Cần hơn 29.900 tỷ đồng khôi phục tuyến đường sắt răng cưa độc nhất vô nhị của Việt Nam

|

Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt từng được xem là độc nhất vô nhị của Việt Nam và là tuyến đường sắt độc đáo thứ 2 của thế giới vừa được nhà đầu tư đề xuất khôi phục với tổng vốn đầu tư 28.987 tỷ đồng, bao gồm cả lãi vay và chi phí tài chính.

Mới đây, Công ty CP Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đã trình Bộ GTVT báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt có chiều dài 83,5 km đi qua 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng, dự kiến có 16 ga và trạm khách, bổ sung 2 ga và 2 trạm khách so với tuyến cũ. Đường khổ rộng 1.000 mm, tốc độ thiết kế 30-60 km/h, sử dụng đầu máy diesel và toa xe tải trọng nhẹ.

Dấu tích đường hầm số 2 của tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt cũ hiện còn khá nguyên vẹn. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Dự án gồm 2 hợp phần: Khôi phục đoạn tuyến từ ga Tháp Chàm đến ga Trại Mát (dài 76,8 km), khôi phục và xây dựng mới 64 cầu, 5 hầm, 11 ga, xây dựng kết cấu tầng trên đường sắt; nâng cấp đoạn tuyến từ ga Trại Mát đến ga Đà Lạt đang khai thác (dài 6,7 km) và tôn tạo, bảo tồn các ga Đà Lạt, Trại Mát.

Do dự án thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) nên phương án tài chính được nhà đầu tư đề xuất có tổng mức đầu tư bao gồm cả lãi vay và chi phí tài chính 28.987 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước tham gia 2.163 tỷ đồng, vốn của nhà đầu tư là 26.824 tỷ đồng. Thời gian thu hồi vốn là 37 năm 11 tháng.

Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ tháng 1-2025 đến 6-2029.

Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt được khởi công năm 1908, hoàn thành năm 1932.

Trên thế giới, dạng đường sắt kiểu răng cưa chỉ có 3 tuyến: Thụy Sỹ sở hữu 2 tuyến và Việt Nam một tuyến.

Tuy nhiên, trong quá trình phục vụ lưu thông hàng hóa giữa Đà Lạt và vùng Ninh Thuận, tuyến đường này gặp nhiều khó khăn, đến năm 1972 thì tạm dừng hoạt động.

Sau năm 1975, tuyến đường được khôi phục nhưng chỉ chạy được một số chuyến thì ngưng hoạt động hoàn toàn cho tới khi bị dỡ bỏ.

Hiện nay, tuyến đường sắt độc đáo này chỉ duy trì đoạn đường khoảng 7 km phục vụ khách du lịch từ Đà Lạt đi Trại Mát.