Thành phố Hồ Chí Minh: Tập trung nguồn lực thực hiện những dự án lớn

|

Nhằm làm xanh, sạch những dòng kênh, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách, TPHCM quyết tâm thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Lê Trần Kiên xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Thưa ông, tiến độ thực hiện chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị đến nay như thế nào?

Ông Lê Trần Kiên: Thực hiện Chương trình hành động số 15-CTrHĐ/TU ngày 27-10-2016 của Thành ủy TPHCM về Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020, thành phố đã triển khai thực hiện bồi thường và di dời được 2.479/20.000 căn nhà, đạt 12,4% so với chỉ tiêu. Đến năm 2020, số lượng nhà trên và ven kênh rạch cần di dời được xác định là 21.100 căn. Giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, đặt chỉ tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch, chủ yếu là dự án sử dụng vốn ngân sách (nhóm 1 và 2), dự kiến nhu cầu vốn là 18.073 tỷ đồng.

Nhiều chung cư được xây dựng dọc đường Kênh Tân Hóa - Lò Gốm đoạn qua quận 6

Cụ thể, nhóm 1 di dời 3.220 căn, tổng vốn đầu tư dự kiến 12.530 tỷ đồng, gồm 3 dự án thực hiện mục tiêu kép - vừa giải quyết nhu cầu thoát nước để chống ngập, vừa di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị. Đó là dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật qua địa bàn các quận Bình Thạnh, Gò Vấp; tổng mức đầu tư dự kiến 9.350 tỷ đồng, sẽ di dời 2.196 căn nhà. Tiếp đó, dự án cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình), giải quyết tiêu thoát nước mưa, giảm ngập úng cho khu vực cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; tổng mức đầu tư dự kiến 1.980 tỷ đồng, di dời 190 căn nhà. Còn dự án nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) có tổng mức đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng, quy mô di dời 834 căn.

Nhóm 2 là di dời 3.250 căn nhà, tổng vốn đầu tư dự kiến 6.154 tỷ đồng, gồm 14 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016-2020, có 8 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư công; 6 dự án đã phê duyệt dự án bồi thường, nay chuyển tiếp và tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Hiện nay, mặc dù các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch để thực hiện chỉnh trang đô thị, giải quyết tiêu thoát nước, chống ngập được Sở Xây dựng TPHCM đề xuất thuộc danh mục các dự án trọng điểm, cấp thiết phải đầu tư và đã được UBND TPHCM ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, nhưng khi so với các dự án hạ tầng, công ích khác lại không được chọn là dự án cấp bách, ưu tiên hàng đầu. Theo ý kiến phản hồi của các quận, huyện thì TPHCM đang hạn chế ưu tiên vốn cho các dự án không có mặt bằng sạch hoặc các dự án có nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 (các dự án di dời nhà ven kênh lại có cấu phần vốn bồi thường là chủ yếu) nên đa số các dự án chưa được bố trí vốn. Trong số 14 dự án trên, chỉ có 5 dự án được tiếp tục bố trí vốn để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Nhóm 3 gồm 30 dự án, quy mô di dời 7.282 căn, tổng vốn đầu tư dự kiến 10.362 tỷ đồng. Trong đó, có 8 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư công, đã giao kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, 8 dự án này chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Còn lại 22 dự án, chủ yếu thuộc địa bàn quận 7, 8, kế hoạch thực hiện giai đoạn 2016-2020 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai đo vẽ, khảo sát, đăng ký nhu cầu vốn, chuẩn bị đầu tư, lập các thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư công.

Triển khai hàng chục dự án với kinh phí “khủng” như vậy, việc bố trí vốn cụ thể như thế nào, thưa ông?

Hiện TPHCM tập trung nguồn lực thực hiện những dự án lớn như rạch Xuyên Tâm, Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, những dự án nhỏ phải chờ. Nghĩa là phải đợi hết một giai đoạn đầu tư công trung hạn kéo dài của dự án thì rà soát lại, dự án nào cấp bách mới đưa vào kế hoạch đầu tư tiếp theo. Do vậy, những dự án chưa cấp bách sẽ rất khó thực hiện trong thời gian tới.

Trong khi nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, Sở Xây dựng TPHCM có kế hoạch mời gọi đầu tư từ các doanh nghiệp, hay các nguồn xã hội hóa khác?

Sở Xây dựng TPHCM đã làm việc với quận 7 và ủng hộ quận này nghiên cứu thực hiện 3 đề án xã hội hóa đầu tư. Nếu được UBND TPHCM thông qua thì đây là “dự án mẫu” và sẽ triển khai áp vào các dự án khác. Cụ thể, các dự án được đề xuất thí điểm gồm: Dự án ao Song Tân hơn 21.240 tỷ đồng, dự án rạch Bần Đôn 3.100 tỷ đồng và dự án sông Ông Lớn gần 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, muốn xã hội hóa thì bắt buộc phải mở rộng ranh giải tỏa đền bù, còn nếu không mở rộng ranh thì không thể xã hội hóa được vì không có nguồn thu. Khi doanh nghiệp vào đầu tư, họ phải bỏ ra một số tiền rất lớn để đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng…, nên phải có một quỹ đất nào đó để bù lại.

Đổi thay sau khi chỉnh trang kênh Tân Hóa - Lò Gốm

Giữa trưa nắng, công viên Lò Gốm (đường Kênh Tân Hóa - Lò Gốm, quận 6, TPHCM) được cây xanh che phủ đã trở thành điểm dừng chân, nghỉ ngơi của nhiều người dân. Nhiều chiếc ghế trong công viên trở thành nơi nghỉ trưa cho người chạy xe ôm, điểm chơi cờ tướng. Công viên là địa điểm quen thuộc của trẻ em, thanh niên, người già đến vui chơi, tập thể dục mỗi ngày... Ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, cho biết, đường Kênh Tân Hóa - Lò Gốm đi qua địa bàn quận có đoạn cống hộp và cống hở. Cống hộp có ưu thế là người dân không còn xả rác bừa bãi, mùi hôi thối cũng không còn; khu vực dân cư lân cận sạch sẽ, văn minh hơn. Đặc biệt, con đường cũng giảm áp lực giao thông trên các tuyến đường Âu Cơ, Thoại Ngọc Hầu và một số con đường nhỏ. Đối với đoạn đường cống hở, tuy mặt bằng không đẹp, nhưng cây xanh nhiều nên không khí mát mẻ.

Còn ông Trần Phúc Chương, Phó Chủ tịch UBND quận 11, cho biết, đường Kênh Tân Hóa - Lò Gốm đi qua địa bàn quận đã giúp cho khu vực đường liên quận phát triển như Trịnh Đình Trọng, Tống Văn Trân, Lạc Long Quân, Khuông Việt…, cũng như thu hút nhiều công ty đến thuê đất xây dựng kho bãi. Từ quận 11 đi qua các quận Tân Phú, quận 6, quận Tân Bình rất gần, thay vì trước kia phải đi đoạn đường dài gấp 2-3 lần.

Dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm được thực hiện từ năm 2010 gồm 2 phân đoạn chính là lắp đặt cống hộp, xây dựng đường đi trên cống hộp với chiều dài hơn 2.616m trên địa bàn quận Tân Phú và quận 11; đoạn kênh hở với chiều dài 4.154,6m tập trung chủ yếu ở quận 6, một phần quận 11 và quận Tân Phú được đầu tư mở rộng, nắn dòng chảy và làm đường dọc kênh. Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 162 triệu USD.

THANH HẢI