Thúc đẩy thành lập mới, sắp xếp lại các Quỹ hợp tác xã

|

NDO - Ngày 25/12, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy thực hiện Nghị định 45/2021/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã”. Đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, có hiệu lực từ ngày 15/5/2021, trong đó, tại khoản 5, Điều 58, quy định: “Đối với các Quỹ hợp tác xã đã thành lập và đang hoạt động trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực: Tối đa trong vòng 3 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các quỹ hợp tác xã phải rà soát, tổ chức sắp xếp lại”.

Tuy nhiên đến nay, việc triển khai Nghị định số 45/2021/NĐ-CP tại các địa phương đang rất chậm trễ. Nhiều Quỹ vẫn còn vướng mắc trong thực hiện tổ chức, sắp xếp lại.

Báo cáo tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Quỹ hỗ trợ Hợp tác xã Việt Nam Phạm Công Bằng nêu rõ: Trong 50 Quỹ đã thành lập, đến nay mới có 11 tỉnh, thành phố có Quyết định điều chỉnh Quyết định thành lập của UBND cấp tỉnh hoặc giải thể để thành lập Quỹ theo Nghị định số 45/2021/NĐ-CP. Còn 39 tỉnh, thành phố chưa tổ chức sắp xếp lại hoạt động của Quỹ theo quy định của Nghị định. Trong đó có 34 tỉnh, thành phố UBND cấp tỉnh đã có chủ trương rà soát, tổ chức sắp xếp lại; 5 tỉnh chưa có chủ trương.

Ngoài ra, trong 13 tỉnh, thành phố chưa thành lập Quỹ trước thời điểm Nghị định số 45/2021/NĐ-CP có hiệu lực, đến nay mới có 1 tỉnh đã thành lập Quỹ là Thừa Thiên Huế; 12 tỉnh, thành phố còn lại chưa thành lập Quỹ gồm: Hải Dương, Cần Thơ, Bình Thuận, Nam Định, Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, An Giang, Quảng Ninh, Quảng Bình, Tiền Giang, Kiên Giang. Trong đó, 11 tỉnh, thành phố đã có chủ trương của UBND cấp tỉnh; 1 tỉnh chưa có chủ trương (Ninh Thuận).

Đề cập tới một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nghệ An Nguyễn Bá Châu cho biết: thực hiện Nghị định số 45/2021/NĐ- CP, Liên minh hợp tác xã tỉnh Nghệ An đã đề xuất UBND tỉnh cho sắp xếp lại Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh theo mô hình công ty TNHH một thành viên. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn chi tiết về quy trình, quy định của các bộ, ngành liên quan về việc sắp xếp lại quỹ chưa cụ thể, nên tỉnh Nghệ An chưa đủ cơ sở để thuyết minh, tạo sự đồng thuận của các sở, ngành trong việc sắp xếp, chuyển đổi quỹ theo mô hình công ty TNHH một thành viên, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Tổng Giám đốc Quỹ hỗ trợ Hợp tác xã Việt Nam Phạm Công Bằng phát biểu tại Hội nghị.

Tổng Giám đốc Quỹ hỗ trợ Hợp tác xã Việt Nam Phạm Công Bằng cũng nhìn nhận, việc triển khai thực hiện Nghị định số 45/2021/NĐ-CP của các quỹ tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn bởi cơ chế chính sách vẫn chưa phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, Nghị định 45 đã quy định về trích lập dự phòng rủi ro theo thông tư 15/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

"Quy định này là không phù hợp với Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã. Vì theo quy định tại khoản 3, điều 4 Thông tư 15, các tổ chức tài chính vi mô khi trích lập dự phòng cụ thể chỉ bao gồm số dư tiết kiệm bắt buộc, tiền gửi tự nguyện, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh, trong khi các quỹ không được nhận tiền gửi bắt buộc, tài sản bảo đảm chủ yếu là bất động sản nhưng không được khấu trừ. Mức trích dự phòng cụ thể theo quy định này rất lớn, vượt khả năng tài chính của nhiều quỹ”, ông Phạm Công Bằng cho biết thêm.

Có thể nói, tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã được coi là một giải pháp tháo gỡ về vốn cho các hợp tác xã. Chính vì vậy, việc tạo thuận lợi cũng như tháo gỡ những khó khăn trong việc tổ chức, sắp xếp lại Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã theo Nghị định 45/2021/NĐ-CP sẽ giúp các quỹ hoạt động thống nhất trên cả nước, tạo nền tảng thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể phát triển.

Theo thống kê từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ước tính đến hết 2023, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Trung ương đã ký hợp đồng cho vay 376 dự án tại 55 tỉnh thành phố. Còn các quỹ địa phương đã cho vay 11.500 lượt hợp tác xã, 2.200 lượt tổ hợp tác, 750.000 lượt thành viên hợp tác xã.

“Một trong những vấn đề cấp thiết mà nhiều hợp tác xã đang gặp phải và muốn có lời giải kịp thời đó là khó khăn về vốn. Khi giải quyết được khó khăn này cho hợp tác xã, nhất là giúp hợp tác xã tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã sẽ thúc đẩy được các hợp tác xã phát triển”, bà Cao Xuân Thu Vân khẳng định.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phát biểu tại Hội nghị.

Cũng theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, việc ra đời của các Quỹ đã khó, việc đưa Quỹ hoạt động hiệu quả còn khó hơn. “Nhưng hiện nay, vẫn có những địa phương chưa thành lập được Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã vì Bộ kế hoạch đầu tư chưa ban hành mã định danh cho Quỹ, cụ thể như tại Cần Thơ. Do đó, các cơ quan quản lý cần giải quyết vấn đề này để các địa phương thuận lợi trong hình thành quỹ vì đây là nhu cầu bức thiết tại nhiều địa phương, trong đó có Cần Thơ”, bà Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.

Phó Vụ trưởng Vụ Ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Việt Hưng cho biết, hiện nhiều địa phương đã hoàn thành sắp xếp bộ máy, triển khai các bước tiếp theo để đưa quỹ vào hoạt động theo Nghị định 45. Tuy nhiên, ông Hưng cũng lưu ý đó là các món vay của hợp tác xã nhỏ, có rủi ro nên đối với các quỹ khi cho vay cần kiểm soát rủi ro một cách chặt chẽ. Hợp tác xã vay vốn tại quỹ cũng cần có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp để bảo đảm an toàn.

“Đề nghị Liên minh hợp tác xã các địa phương và các tỉnh, thành phố cần rà soát lại bộ máy của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã để có phương án bổ sung vốn điều lệ cho quỹ, tránh tình trạng quỹ bị giải thể”, ông Nguyễn Việt Hưng cho hay.