Đi dọc quốc lộ 1B thuộc huyện Võ Nhai thấy hai bên đường là những vườn na, nhãn, quýt, nhất là các vườn ổi cây sai trĩu quả thay thế những cây ngô, lúa có hiệu quả kinh tế thấp. Xã Phú Thượng có nhiều đồng bào các dân tộc Tày, Nùng sinh sống, trước đây người dân chỉ sản xuất ngô, lúa năng suất thấp cho nên đời sống khó khăn. Ba năm trở lại đây xã, huyện chỉ đạo, vận động, cử cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con trồng ổi trên đất một vụ năng suất thấp, tại khu vực suối Mỏ Gà là một khu thắng cảnh du lịch nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên. Những vườn ổi nằm ngay cạnh địa danh du lịch này có sản lượng quả được tiêu thụ tốt. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng Hoàng Như Hoa cho biết: “Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, cho nên đời sống đồng bào các dân tộc Tày, Nùng được cải thiện rõ rệt”.
Phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, những năm vừa qua người dân các dân tộc xã La Hiên tích cực trồng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để thâm canh phát triển cây na dai, đến nay loại cây ăn quả ở vùng cao này đã có thương hiệu và được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể vì quả to, đều, ngọt, thanh mát, vỏ mỏng, ít hạt. Toàn xã có hơn 200 ha na cho thu hoạch, giá bán bình quân đạt 30 nghìn đồng/kg, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha. Người dân trong xã thu khoảng 40 tỷ đồng từ loại quả này, đây là nguồn thu lớn và ổn định đối với một xã vùng cao như La Hiên. Trong đó có khoảng 60 hộ thu hơn 200 triệu đồng, có những hộ thu từ 400 đến 500 triệu đồng từ trồng na/năm. Mấy năm gần đây, nhiều hộ dân xây được nhà cửa đàng hoàng, làm giàu từ cây na, góp phần quan trọng đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn gần 9%...
Huyện Võ Nhai chủ trương tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón, vận động người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng phát huy thế mạnh địa phương, sản xuất hàng hóa; đồng thời hỗ trợ đồng bào dân tộc đăng ký thương hiệu sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Ðến nay, Võ Nhai đã có một số nông sản được tiêu thụ ở các tỉnh lân cận. Hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng giúp huyện Võ Nhai giảm bình quân 5% số hộ nghèo mỗi năm, năm 2017 giảm 6% số hộ nghèo và cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo giảm cao nhất ở tỉnh Thái Nguyên.