Khơi dậy niềm đam mê cồng chiêng

|

Anh Rơ Châm Van (trong ảnh), làng Bồ 1, xã Ia Yok, huyện Ia Grai (Gia Lai) không chỉ là Bí thư Đoàn xã năng động mà còn luôn biết khơi dậy niềm đam mê, tự hào và giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng.

Ngay từ nhỏ, Rơ Châm Van đã tiếp xúc với cồng chiêng qua các lễ hội của làng, và rồi âm thanh cồng chiêng lúc trầm, lúc bổng ấy khiến Rơ Châm Van đam mê. Bố của Van là ông Rơ Châm Nguốp vốn là nghệ nhân người dân tộc Gia Rai chỉnh chiêng giỏi. Được theo bố đi chỉnh chiêng khắp nơi, được chỉ dạy cách chỉnh, lại vốn có đôi tai thính và bàn tay khéo léo, cho nên chỉ nhìn và nghe các nghệ nhân, trai làng chơi là Van có thể đánh lại được. “Lúc đầu còn nhiều tiết tấu sai, nhưng dần dần mình đã biết đánh nhiều bài chiêng truyền thống của dân tộc. Năm 12 tuổi, mình đã chơi thuần thục nhiều bài chiêng để biểu diễn trong mỗi dịp lễ hội của làng”, Rơ Châm Van chia sẻ.

Van còn được xã tạo điều kiện tham gia các lớp học chỉnh chiêng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức, dưới sự hướng dẫn của thầy Nay Phai. Nhờ sự kiên trì cùng đôi tai thẩm âm tinh tế, Rơ Châm Van đã biến những chiếc chiêng lạc điệu trở lại âm thanh trong trẻo, trầm ấm vốn có của nó. Van cho biết: “Cồng chiêng cũng như các nhạc cụ hiện đại, có thanh âm để tạo nên một bản nhạc. Muốn chỉnh chiêng theo đúng thang âm thì phải có nhiều chiêng đánh cùng lúc thì mới phát hiện âm độ nào đúng, âm độ nào sai”. Đội trưởng đội cồng chiêng Rơ Châm Chang cho biết: “Hiện nay, những người chỉnh chiêng giỏi không còn nhiều, hầu hết đều già yếu rồi. Mà nghề chỉnh chiêng được xem là nghề kén người học, dù có đông người theo học nhưng cũng chỉ có từ một đến hai người thành tài. Nếu không có thợ chỉnh chiêng giỏi, những chiêng quý bị hỏng, sẽ không còn được ngân vang. Vì thế, làng mình quý cái tài của Van lắm”.

Là Bí thư Đoàn xã Ia Yok, Rơ Châm Van không khỏi lo lắng mai kia thanh niên trong xã sẽ bỏ quên tiếng cồng chiêng truyền thống. Mặt khác, việc tập hợp thanh niên người Gia Rai tham gia các hoạt động của Đoàn trên thực tế còn nhiều khó khăn. Vì thế, Van bàn với già làng Bồ 1 và già làng Bồ 2 thành lập đội cồng chiêng thanh niên. Bản thân anh cũng tham gia đội cồng chiêng thanh niên của làng Bồ 1. Nhờ sự tận tình thuyết phục của Van mà đông đảo thanh niên trong làng đều đồng tình tham gia. Nhiều người dù đã lập gia đình, bận rộn với nương rẫy, vẫn tập luyện cồng chiêng đều đặn.

Hiện tại, làng Bồ 1 và làng Bồ 2 đều có đội cồng chiêng thanh niên, riêng làng Bồ 1 có thêm đội cồng chiêng trẻ em (mỗi đội gồm 20 người). Mỗi khi làng tổ chức lễ hội, đội cồng chiêng thanh niên đều tham gia biểu diễn. Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Bồ 1 Rơ Châm Jôl chia sẻ: “Với sự tâm huyết chỉ dạy nghệ thuật đánh cồng chiêng truyền thống của dân tộc, mong rằng, ở làng Bồ 1 sẽ có thêm nhiều người trẻ giỏi chơi và chỉnh sửa cồng chiêng như Rơ Châm Van. Những người cao tuổi như mình sẽ không còn lo bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Gia Rai bị mai một...”.