Bộ đội biên phòng giúp bà con dân tộc thiểu số khắc phục hậu quả mưa lũ

|

NDO - NDĐT- Các đồn biên phòng thuộc Bộ đội biên phòng Nghệ An ở các huyện miền núi rẻo cao miền Tây Nghệ An đã bố trí các tổ công tác “cắm chốt” tại các địa bàn xung yếu, phối hợp địa phương, các lực lượng giúp bà con các dân tộc thiểu số khắc phục hậu quả mưa lũ do áp thấp nhiệt đới và bão số 3 gây ra.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu sau bão số 3 gây ra nên trong những ngày qua, trên địa bàn các huyện miền núi rẻo cao biên giới miền tây Nghệ An, từ Quế Phong, sang Kỳ Sơn, xuống Tương Dương… mưa lũ kéo dài, nước sông suối dâng cao, chảy xiết, lũ ống lũ quét có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch bị cắt đứt, gây ách tắc giao thông, nhiều bản làng bị cô lập, nhiều nhà dân bị sạt lở, nguy cơ đe dọa tính mạng người dân là hiện hữu.

Các cán bộ, chiến sĩ thuộc các đồn biên phòng tuyến miền núi Nghệ An đã không quản ngại mưa lũ, thậm chí đe dọa cả tính mạng của mình để duy trì thường trực tại nguy hiểm để tuyên truyền, vận động bà con không ra sông vớt gỗ, không đánh bắt cá; khảo sát, cắm các biển báo nguy hiểm; tiến hành vận chuyển nhà cửa, đồ đạc cũng như vận động bà con các dân tộc thiểu số ra khỏi vùng nguy hiểm, đến nơi an toàn.

Tại địa bàn xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, theo báo cáo ban đầu, mưa lũ đã làm ảnh hưởng đến 18 hộ gia đình trên địa bàn bản Mường Phú. Trong đó, nặng nhất là gia đình ông Lương Hòa ở bản Mường Phú có ba gian nhà gỗ bị sập hoàn toàn. Nhiều đoạn trên tuyến đường quốc lộ 48 bị ngập sâu; nhiều diện tích hoa màu của người dân bị ảnh hưởng...

Người dân bản Tằng Phăn mạo hiểm qua suối chảy xiết vớt củi.

Nhằm hỗ trợ người dân, đồn biên phòng Thông Thụ đã cử lực lượng phối hợp với địa phương, đến các gia đình bị thiệt hại giúp di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Đơn vị còn bố trí lực lượng phối hợp canh gác tại các điểm nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở tại quốc lộ 48 ngăn không cho nhân dân đi lại và lấy củi; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng tham gia ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Tại địa bàn xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày khiến nước suối dâng cao gây ngập lụt, sạt lở ở một số đoạn đường giao thông trên địa bàn xã. Mưa lũ đã cuốn các cây gỗ trôi theo dòng nước, đẩy mặt đường làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân. Đồn Biên phòng Nậm Càn đã cử lực lượng, phối hợp địa phương thường trực tại các khu vực nguy hiểm để tuyên truyền cho bà con không vớt gỗ lấy củi, không đánh bắt cá tại các con sông suối đang chảy siết; đồng thời, tổ chức lực lượng thu dọn những cây gỗ làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân.

Tại bản Bình Sơn, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) do mưa to đã làm cho ngôi nhà của anh Cụt Văn Phần, sinh năm 1993,) bị sạt lở nghiêm trọng và có nguy cơ tụt xuống song bất cứ lúc nào. Bất chấp mưa lũ nguy hiểm, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã cử lực lượng phối hợp với địa phương và bà con nhân dân trong bản đến giúp gia đình di chuyển nhà ra khỏi điểm sạt lở, giúp gia đình kịp thời ổn định cuộc sống.

Đồn Biên phòng Nậm Cắn giúp người dân di dời nhà.

Anh Cụt Văn Phần cho biết: Nếu không có các anh bộ đội biên phòng cùng bà con dân bản đến hỗ trợ kịp thời, toàn bộ gia tài của gian đình tích cóp bao nhiêu năm nay đã bị nước lũ cuốn trôi.

Trên tuyến quốc lộ 7B, thuộc địa bàn xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, từ địa bàn bản Ca Dưới đến bản Xiềng Xí có sáu điểm sạt, lở gây ách tắc giao thông; trong lúc đó, suối Huổi Dê ở bản Tằng Phăn nước lũ dâng cao làm ngập một số diện tích lúa của người dân, Đồn Biên phòng Na Ngoi đã cử lực lượng phối hợp địa phương khảo sát, cắm biển những nơi nguy hiểm; huy động lực lượng giúp địa phương và nhân dân thu hoạch lúa, hoa màu chạy lũ cũng như khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Tại địa bàn xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn mưa lũ đã làm sạt lở một số tuyến đường liên xã; sụt mái tôn Trường phổ thông dân tộc bán trú xã Mỹ Lý, Đồn Mỹ Lý đã huy động tối đa lực lượng phối hợp với địa phương, cắm biển báo nguy hiểm trên các tuyến đường giao thông; khắc phục những nơi bị thiệt hại, ổn định cuộc sống người dân.

Ngay trong mưa lũ, cán bộ, chiến sĩ đồn Tam Quang đã đến giúp gia đình anh Vi Văn Phan trú tại bản Liên Hương, xã Tam Quang, huyện Tương Dương vận chuyển đồ đạc, sơ tán người đến nơi an toàn.

Những ngày tới, các đồn biên phòng tiếp tục lại cử các đoàn công tác “cắm bản” để tiếp tục giúp bà con dân bản sớm ổn định cuộc sống, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe…

Những việc làm dũng cảm, vì dân trong mưa lũ của cán bộ, chiến sĩ biên phòng Nghệ An thực sự là điểm tựa của bà con các dân tộc thiểu số miền tây Nghệ An. Các anh xứng đáng với danh hiệu “Anh bộ đội Cụ Hồ”, “Anh bộ đội của bà con các dân tộc Việt Nam”.