Hoàn thành cải tạo một phần rạch Xuyên Tâm vào dịp 30-4-2025

|

Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm đoạn qua quận Gò Vấp dài 1,3km, dự kiến hoàn thành vào dịp 30-4-2025. Toàn dự án sẽ hoàn thành vào năm 2028.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ giám sát tiến độ triển khai thực hiện dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm tại khu vực quận Bình Thạnh. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chiều 13-6, đoàn giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM do đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM làm trưởng đoàn có buổi giám sát về tiến độ triển khai thực hiện dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) tại quận Bình Thạnh và Gò Vấp. Trước buổi giám sát, đoàn đi thực địa một số địa điểm thuộc dự án.

Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Đỗ Anh Khang cho biết trên địa bàn quận có 84 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó có Trường Đại học Văn Lang. Quận đã hoàn tất hồ sơ trình Sở QH-KT thẩm định, trình UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh cục bộ đề án 1/2000. Khi được phê duyệt, dự án phù hợp quy hoạch và đây là bước đầu tiên để triển khai dự án. Hiện quận đã thu thập được 30 hồ sơ pháp lý liên quan và tiến hành đo đạc.

Với 35 trường hợp cần tái định cư, quận Gò Vấp đã được UBND TPHCM chấp thuận sử dụng đủ số lượng căn hộ chung cư để tái định cư. Tháng 8-2024, quận sẽ bàn giao toàn bộ phần đất thu hồi cho chủ đầu tư tổ chức thi công, để 30-4-2025 có thể khánh thành 1,3km này.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ giám sát tiến độ triển khai thực hiện dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm trên cầu Băng Ky. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tại quận Bình Thạnh, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hồ Phương cho biết, dự án rạch Xuyên Tâm liên quan đến 9 đồ án 1/2000 của quận Bình Thạnh, quận đang chuẩn bị trình điều chỉnh cục bộ các đồ án này trong tháng 6, theo đúng kế hoạch. Quận Bình Thạnh có gần 1.800 trường hợp bị ảnh hưởng, diện tích cần thu hồi khoảng 139.000m2. Quận được phân bổ 42 nền tái định cư, còn lại là chung cư, tổng cộng 300 nền nhà và căn hộ. Một trong hai phương án mà quận Bình Thạnh đề xuất là dùng quỹ nhà tái định cư ở Thủ Thiêm. Một phương án khác là tạm cư để chờ dự án tái định cư ở khu vực 1,2 ha trên địa bàn quận.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ phát biểu trong buổi giám sát tiến độ triển khai thực hiện dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm tại UBND Quận Bình Thạnh. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tham gia đoàn giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng nhìn nhận đây là thời điểm rất thuận lợi để triển khai dự án. Đó là sự quan tâm của lãnh đạo TPHCM đối với các dự án, là thời điểm TPHCM đang điều chỉnh quy hoạch, là cơ chế chính sách đặc thù đang được xem xét thông qua để TPHCM có thêm nguồn lực thực hiện dự án…

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường yêu cầu các đơn vị tập trung đảm bảo tiến độ theo Nghị quyết 64. Đồng thời đề nghị đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh các đồ án quy hoạch. Đây là pháp lý rất quan trọng để thuận lợi thực hiện các bước tiếp theo, trong đó có bồi thường hỗ trợ, tái định cư.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh đây là dự án trọng điểm của TPHCM và đề nghị chủ đầu tư, hai quận, sở ngành bám sát tiến độ thực hiện dự án theo đúng chủ trương đầu tư đã được HĐND TPHCM thông qua.

Đồng chí nhấn mạnh, từ việc triển khai dự án Vành đai 3 có thể thấy sự đồng thuận cao của người dân là bài học quý. Từ đó, đồng chí yêu cầu hai địa phương cần chú trọng công tác vận động người dân, tiến hành điều tra xã hội học, đánh giá tác động của dự án. Đặc biệt là trong dự án này có một số trường hợp nhà trên và ven kênh rạch, pháp lý nhà đất không đủ điều kiện để bố trí tái định cư. Hai quận cần nghiên cứu kỹ lưỡng từ đó đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp.

Theo Nghị quyết 64 được HĐND TPHCM thông qua ngày 9-12-2022, Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị quản lý.

Dự án thuộc nhóm A, tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng hơn 6.500 tỷ đồng. Quy mô đầu tư hơn 8,8km, sau cải tạo, lòng rạch có bề rộng 20-30m, đường giao thông ven rạch 2 làn xe mỗi bên. Xây dựng công viên/mảng xanh, hạ tầng kỹ thuật ven rạch với tổng diện tích khoảng 11ha. Nguồn vốn đầu tư từ vốn ngân sách Thành phố. Thời gian thực hiện dự án từ 2023–2028. Theo kế hoạch, dự án khởi công, hoàn thành đoạn qua quận Gò Vấp từ tháng 8-2024 đến tháng 4-2025. Khởi công, hoàn thành các hạng mục trên địa bàn quận Bình Thạnh từ tháng 4-2025 đến tháng 4-2028.