Gương sáng ở bản Hưng

|

Ở bản Hưng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) ai cũng biết và nể phục cách làm ăn của chị Hồ Thị Thanh. Ðến nay, gia đình chị là điểm sáng trong xóa đói, giảm nghèo (XÐGN) ở bản Hưng. Không chỉ vậy, chị Thanh còn hăng hái vận động và hướng dẫn người dân cách thức phát triển sản xuất.

Trong ngôi nhà khang trang của mình, chị Hồ Thị Thanh tâm sự, khi mới lập gia đình, vợ chồng chị cũng thiếu gạo, đói muối như nhiều gia đình khác trong bản. Ðược Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, vận động XÐGN, vợ chồng chị Thanh rào vườn nhà để nuôi lợn, gà, không thả rông như trước. Nương rẫy cũng được rào cẩn thận để trồng ngô, sắn, tránh gia súc phá hoại. Khi lương thực được bảo đảm, gia đình chị vay vốn, xin khai hoang đất của xã để trồng keo lai, luồng và chuối. Dưới tán cây, chị nuôi thả bò, gà để có thêm nguồn thu nhập. Ðến nay, gia trại của chị Thanh có mười con bò sinh sản, mười con lợn giống và gần 100 con gia cầm các loại. Ngoài diện tích đất trồng lúa, ngô, chị còn làm chủ khu rừng keo, ba héc-ta tràm và hai héc-ta chuối. Nhờ sản xuất giỏi và biết vận động quần chúng, chị Hồ Thị Thanh được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trọng Hóa, kiêm Chi hội trưởng Phụ nữ bản Hưng.

Xã Trọng Hóa gồm 18 bản, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sống rải rác bên dãy Trường Sơn. Ðôi chân chị Thanh đã đến với bà con ở những bản xa xôi nhất như Lòm, Dộ, Tà Vờng để tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ ba, không kết hôn sớm, không cho con bỏ học. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa về tận bản triển khai cho vay vốn phát triển kinh tế, nhưng nhiều phụ nữ không dám vay vì sợ không trả được nợ. Vì vậy, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hồ Thị Thanh đã đến từng gia đình hội viên giải thích rõ mục đích việc vay vốn và sử dụng vốn vay để nuôi lợn, gà và trồng cây chuối, cây măng để XÐGN. Ðể mọi người làm theo, chị Thanh đã vay vốn trước rồi mua cây keo giống về trồng rừng. Một năm sau, rừng bắt đầu lên xanh, nhiều chị em thấy vậy, học làm theo. Nhờ đó nguồn vốn được giải ngân và bà con có kênh vốn ưu đãi để phát triển sản xuất.

Năm 2015, Trường tiểu học bản Hưng được mở rộng nhưng không có đất để xây dựng. Không do dự, gia đình chị Thanh đã tự nguyện hiến hơn 1.000 m2 đất vườn của gia đình mình để xây trường. Là Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chị còn đi vận động các gia đình hiến đất làm đường và xây trường học. Ðiển hình như gia đình chị Hồ Thị Chăn hiến 600 m2 đất làm trường và bà con đóng góp hàng trăm ngày công để san lấp, giải phóng mặt bằng xây dựng trường.

Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa Hồ Phin chia sẻ, ở xã biên giới nhiều khó khăn này, có một đảng viên, cán bộ phụ nữ nhiệt tình, năng nổ như chị Hồ Thị Thanh là rất đáng quý. Chị thật sự là cán bộ gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, được bà con tín nhiệm và yêu mến.