Tăng cường chất lượng, hiệu quả sản xuất lúa gạo

|

Phú Yên được xem là vựa lúa của miền trung, mỗi năm canh tác 55 nghìn ha lúa hai vụ, tổng sản lượng khoảng 340 nghìn tấn. Tuy nhiên, ngành sản xuất lúa gạo tại địa phương này đang còn nhiều hạn chế như chất lượng lúa gạo kém, thu nhập của người trồng lúa còn thấp. Hiện nay, Phú Yên đang tập trung các giải pháp thúc đẩy sản xuất lúa gạo chất lượng, đáp ứng thị trường xuất khẩu, giúp người trồng lúa có lợi nhuận cao hơn.

Nhờ tập trung đầu tư vào các khâu giống, ứng dụng công nghệ, Phú Yên ngày càng xuất hiện nhiều điểm sáng về sản xuất lúa…

Phát triển mô hình sản xuất lúa chất lượng cao

Hợp tác xã nông nghiệp An Nghiệp, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, nằm trong vùng bán sơn địa, điều kiện đất đai, thổ nhưỡng không mấy thuận lợi như nhiều nơi khác. Tuy nhiên, hợp tác xã đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và hiệu quả kinh tế; góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Trong đó thực hiện mô hình giảm lượng giống gieo sạ và mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao đã đem lại lợi nhuận cao cho người trồng lúa.

Giám đốc Hợp tác xã An Nghiệp Trần Tấn Khoa cho biết, tổng diện tích đất canh tác của hợp tác xã chỉ 470 ha, trong đó diện tích sản xuất hai vụ lúa có 243 ha. Năm 2005, Hợp tác xã được chọn tham gia dự án sản xuất lúa giống nông hộ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên làm chủ dự án. Dự án đã đào tạo được 5 lớp, mỗi lớp 30 học viên nông dân trực tiếp tham gia sản xuất lúa. Đây là nguồn nhân lực cơ bản ban đầu để hợp tác xã tổ chức sản xuất lúa giống, trước mắt là cung cấp lúa giống cho nhu cầu ở địa phương.

Nhờ đó, từ 2 ha ban đầu, đến nay mỗi vụ Hợp tác xã An Nghiệp sản xuất 30 ha lúa giống theo hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngay từ đầu vụ với các doanh nghiệp, sản lượng lúa giống tiêu thụ hằng năm từ 350-400 tấn. Kết quả sản xuất lúa giống có những ưu điểm vượt trội như giảm chi phí đầu tư 20%, năng suất tăng 10%, do đó nông dân yên tâm sản xuất. Hiện nay, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia mỗi xã một sản phẩm, An Nghiệp chọn sản phẩm là gạo chất lượng cao, hướng tới gạo sạch chất lượng cao, được người tiêu dùng chấp nhận…

Các địa phương trong tỉnh đã ứng dụng cơ giới hóa trên cây lúa từ các khâu làm đất, chăm sóc đến thu hoạch đạt trên 90%.

Hợp tác xã nông nghiệp, kinh doanh, dịch vụ Hòa Phong, huyện Tây Hòa là đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vừa được trao Giải Mai An Tiêm toàn quốc. Toàn hợp tác xã có tổng diện tích đất nông nghiệp 947,58 ha, trong đó diện tích sản xuất lúa hai vụ là 577 ha.

Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Hợp tác xã Hòa Phong cho biết, nhằm khuyến khích, hỗ trợ thành viên đầu tư, mở rộng phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho thành viên trên cùng một đơn vị diện tích, trong những năm qua được sự hỗ trợ của Nhà nước, Hợp tác xã Hòa Phong triển khai thực hiện các mô hình khuyến nông đem lại hiệu quả cao. Cụ thể như: Mô hình cánh đồng mẫu thực hiện chương trình giảm lượng giống gieo sạ, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất; mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng, ứng dụng cơ giới hóa; mô hình cánh đồng mẫu thực hiện chương trình giảm lượng giống, ứng dụng cơ giới hóa được Nhà nước hỗ trợ 100% giống từ nguồn kinh phí hỗ trợ cho người trồng lúa theo Nghị định số 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ, với diện tích là 50 ha, số hộ tham gia 264 hộ… Đặc biệt Hợp tác xã Hòa Phong đã triển khai mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống và lúa thương phẩm. Hợp tác xã đứng ra ký hợp đồng với các trung tâm giống và công ty để thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa của thành viên. Nhờ mô hình này, giá lúa bán cao hơn, nên lợi nhuận bình quân hơn 30 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng sản xuất bình thường từ 8 triệu - 10 triệu đồng/ha.

Ngoài các mô hình sản xuất nêu trên, thời gian qua, hợp tác xã phối hợp các công ty giống trong và ngoài tỉnh triển khai các mô hình trình diễn giống lúa mới năng suất và chất lượng cao để nhân rộng trong sản xuất. Năng suất bình quân cả năm của các mô hình là 80 tạ/ha, so với sản xuất lúa bình thường tăng 1,5 tạ/ha.

“Việc thực hiện các mô hình sản xuất lúa góp phần nâng cao trình độ sản xuất cây lúa, giúp thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của nông dân, áp dụng được các biện pháp khoa học, kỹ thuật vào quá trình sản xuất cây lúa làm giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế cho các thành viên”, Giám đốc Hợp tác xã Hòa Phong nói.

Nâng cao chất lượng lúa gạo

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng, Phú Yên là một trong các tỉnh có năng suất lúa bình quân hằng năm cao nhất vùng duyên hải Nam Trung Bộ, bình quân đạt 70 tạ/ha. Tuy nhiên, ngành sản xuất lúa gạo của tỉnh đang gặp những hạn chế nhất định như sản xuất chưa đồng bộ, chưa xây dựng thương hiệu gạo của tỉnh, mức độ áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ khoa học, kỹ thuật chưa đồng đều giữa các khâu, các vùng, cơ cấu và diện tích sản xuất giống lúa có chất lượng cao chưa nhiều... Điều này đã đặt ra những thách thức đối với việc phát triển ngành hàng lúa gạo của tỉnh trong bối cảnh hội nhập với thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế.

Sử dụng flycam phun thuốc cỏ cho các cánh đồng lúa ở HTX Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa, Phú Yên.

Hiện ngành nông nghiệp Phú Yên đang xúc tiến, đẩy nhanh việc dồn điền đổi thửa để tăng quy mô sản xuất/hộ. Cùng với đó, ngành tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các giải pháp giảm giá thành sản xuất lúa gạo như áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh trong sản xuất lúa như IPM, ICM, “3 giảm, 3 tăng”; nâng cao tỷ lệ sử dụng lúa xác nhận, giảm mật độ gieo sạ, bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đặc biệt là ứng dụng máy bay không người lái vào các khâu gieo sạ, bón phân, phun thuốc bảo vệ... Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất lúa.

“Phú Yên đang thực hiện các chính sách như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo nghị định của Chính phủ và nghị quyết của HĐND tỉnh nhằm mở rộng quy mô sản xuất lúa thông qua đẩy mạnh tích tụ ruộng đất. Ngoài ra, chúng tôi đang rà soát, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả theo Nghị quyết số 01/2023 ngày 21/4/2023 của HĐND tỉnh. Đồng thời củng cố và nâng cao năng lực sản xuất giống lúa đạt tiêu chuẩn của Trung tâm Giống nông nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm cung cấp đủ nguồn giống lúa bảo đảm chất lượng, tiến tới xây dựng thương hiệu hạt gạo Phú Yên”, ông Tùng cho biết.

Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đang tiếp tục phối hợp đơn vị, địa phương triển khai đề án cơ cấu lại ngành lúa gạo tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 97/QĐ-UBND ngày 8/2/2023 của UBND tỉnh.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An thực hiện dự án “Vùng liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, thu mua, chế biến xuất khẩu gạo tỉnh Phú Yên”, với mục tiêu xây dựng cụm nhà máy chế biến gạo xuất khẩu, gắn với xây dựng phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ tại các huyện, vùng trọng điểm lúa và lân cận của tỉnh thông qua hình thức liên kết trên địa bàn các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An, thị xã Đông Hòa và thành phố Tuy Hòa. Điều này nhằm nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi lúa gạo phục vụ nội địa và chế biến xuất khẩu; xây dựng thương hiệu gạo của tỉnh Phú Yên.