Tạo đột phá trong phát triển văn hóa (Tiếp theo và hết) (*)

|

Bài 2: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước

Những công trình văn hóa tầm cỡ, hiện đại, chuyên nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiếp cận các giá trị văn hóa nghệ thuật phong phú, đa dạng của cộng đồng mà còn góp phần tạo nên những biểu tượng, thương hiệu văn hóa quốc gia, vươn tầm quốc tế trong lĩnh vực nghệ thuật. Đây là yếu tố quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam, cũng như góp phần xác lập vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Hiện nay, ở những địa phương không có rạp chiếu phim, nhà hát, người dân chỉ biết trông chờ vào các buổi biểu diễn nghệ thuật lưu động tại các địa điểm có diện tích lớn như: quảng trường, sân vận động, công viên,... Để giải quyết nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài, tại một số tỉnh, thành phố, giải pháp xây dựng các trung tâm văn hóa nghệ thuật đa năng được tính đến. Thời gian qua, thông tin về những công trình văn hóa đã, đang hoặc dự kiến xây dựng ở một số địa phương đã được đông đảo nhân dân hồ hởi đón nhận. Mới đây nhất, ngày 28/8/2022, đúng dịp kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống ngành văn hóa, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc (thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đã chính thức đi vào hoạt động. Sự kiện trở thành niềm vui của nhiều người dân trên địa bàn thành phố vì kể từ nay, công chúng Thái Nguyên sẽ được thưởng thức những chương trình nghệ thuật đặc sắc. Ý nghĩa hơn, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc còn là công trình trọng điểm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư xây dựng nhằm phát huy, lan tỏa, giới thiệu những giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian của vùng Việt Bắc tới đồng bào cả nước cũng như quốc tế. Người dân các tỉnh Việt Bắc tự hào vì đã có địa chỉ văn hóa của riêng mình để góp tiếng nói vào dòng chảy văn hóa phong phú, sôi động của đất nước. Từ đây cho thấy dù là một địa phương, hay một vùng miền đều cần có những công trình mang tính biểu tượng, đậm màu sắc văn hóa bản địa. Điều ấy càng có ý nghĩa hơn nếu xét trên phương diện quốc gia.

Tuy nhiên thời gian qua, có lúc, có nơi, việc xây dựng các công trình văn hóa đã vấp phải những ý kiến trái chiều với nhiều lý do khác nhau, thậm chí, những đối tượng thù địch, thiếu thiện chí còn ra sức lợi dụng việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa để xuyên tạc, vu khống Đảng, Nhà nước ta, cho rằng bỏ tiền xây dựng rạp chiếu phim, nhà hát, thư viện là lãng phí, vô tác dụng..., chỉ nên tập trung vào xây trường học, bệnh viện, làm đường sá, cầu cống,... Chúng ta không phủ nhận cần tiếp tục đầu tư trường học cho trẻ em, cần thêm bệnh viện để giảm tải cho các cơ sở y tế lớn, cần mở mang đường sá đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân cũng như yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Và thực tế, nhờ sự quan tâm chỉ đạo, tập trung đầu tư của Đảng, Nhà nước, những năm vừa qua, cơ sở hạ tầng của nước ta đã có những bước phát triển nhanh chóng, bộ mặt nông thôn và thành thị đã thay đổi rõ rệt, ngày càng văn minh, hiện đại. Nhưng điều đó sẽ không thể toàn vẹn và phát huy giá trị nếu chúng ta xem nhẹ, thậm chí bỏ qua việc chăm sóc, bảo đảm đời sống tinh thần của cộng đồng và bỏ mặc việc xây dựng, đầu tư, nâng cấp các công trình văn hóa như nhà hát, rạp chiếu phim mà nhiều nơi vẫn đang rất thiếu thốn hoặc xuống cấp trầm trọng.

Cần thấy rằng, những công trình văn hóa tầm cỡ, hiện đại, chuyên nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật đa dạng với những yêu cầu ngày càng cao của cộng đồng mà còn là biểu tượng văn hóa, yếu tố quan trọng để phát triển nền công nghiệp văn hóa của quốc gia ngang tầm thế giới. Tất nhiên, công tác đầu tư, phát triển văn hóa đòi hỏi các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần có sự tính toán cân nhắc sao cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa như rạp chiếu phim, nhà hát phù hợp văn hóa, lịch sử, điều kiện, tính đặc thù của từng địa phương, có sự tính toán, khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng các tác động đến xã hội và môi trường, đáp ứng được nhu cầu thực tế, tạo được sự thân thiện và thuận tiện đối với mọi tầng lớp nhân dân; song cũng cần tránh những quan điểm chủ quan, cảm tính, coi nhẹ việc đầu tư, phát triển văn hóa.

Không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc xây dựng các công trình văn hóa quy mô, hiện đại thường gặp không ít ý kiến phản đối, chê trách. Đơn cử như Trung tâm nghệ thuật và văn hóa bảo tàng quốc gia Georges-Pompidou (Pháp) đặt tại quận 4, thủ đô Paris. Công trình khánh thành năm 1977, là một dự án tâm huyết của Tổng thống Georges Pompidou ngay khi ông vừa nhậm chức, với mong muốn tạo ra một trung tâm bảo tàng văn hóa và nghệ thuật đương đại mới giữa lòng Paris. Khi được khởi công xây dựng, công trình đã vấp phải sự phản đối quyết liệt vì cho rằng, việc hiện diện một công trình hiện đại giữa trung tâm của thủ đô Paris cổ kính là không phù hợp, thậm chí là kệch cỡm.

Tuy nhiên sau một thời gian đi vào vận hành, Trung tâm nghệ thuật và văn hóa bảo tàng quốc gia Georges-Pompidou đã chứng minh sự đúng đắn và tính hiệu quả. Nơi đây mỗi ngày đón rất đông du khách đến tham quan, dần trở thành một hiện tượng trong đời sống văn hóa của nước Pháp cũng như của châu Âu, được nhiều nhà phê bình, chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, nghệ thuật đánh giá là “một tác phẩm kiến trúc độc đáo sự giao thoa giữa kiến trúc và điêu khắc. Sự hồi tưởng và hồi sinh sống động kiến trúc công nghiệp đã từng phát triển rực rỡ tại châu Âu thời kỳ cách mạng công nghiệp bùng nổ đầu thế kỷ 20”. Nằm giữa vùng lõi của Paris, Trung tâm nghệ thuật và văn hóa bảo tàng quốc gia Georges-Pompidou không chỉ phát huy tốt vai trò của mình trong việc tạo lập giá trị mới, thu hút khách du lịch, đồng thời góp phần làm tăng giá trị của những di sản cũ để tạo thành một hệ sinh thái mới, phong phú, đa dạng, hấp dẫn cộng đồng từ chính giá trị của văn hóa.

Nhìn rộng ra các nước, nhiều công trình văn hóa đã trở thành công trình mang tính biểu tượng, nâng tầm vị thế của quốc gia. Tiêu biểu có thể kể đến nhà hát La Scala ở thành phố Milan (Italia) thành lập vào năm 1778. Vào thời điểm đó, đây được xem là công trình nhà hát lớn nhất ở châu Âu, là “niềm tự hào của kinh đô nghệ thuật Milan”, đồng thời được mệnh danh là “thánh đường opera”. Hay ở Australia không thể không nhắc đến nhà hát Con Sò - Opera Sydney được ví như “kiệt tác của kiến trúc thế kỷ 20”, ước tính mỗi năm đón khoảng 8 triệu du khách tới tham quan. Tương tự, người Đức cũng rất tự hào với nhà hát giao hưởng Elbphilharmonie xây dựng bên sông Elbe, trên nóc của một nhà kho cũ và có kiến trúc độc đáo với hình dạng mái cong, cấu trúc bọc kính còn được gọi là “làn sóng thủy tinh”. Nơi đây được biết đến là một trong những phòng hòa nhạc lớn nhất và có hệ thống âm thanh hiện đại nhất trên thế giới.

Tại nhiều quốc gia, những công trình văn hóa tầm cỡ đã và đang tiếp tục được đầu tư, xây dựng, tạo nên những biểu tượng mới, trở thành điểm đến thu hút khách du lịch. Đây cũng được xem như một chiến lược quan trọng trong phát triển văn hóa của nhiều nước trên thế giới và dần trở thành một xu hướng có tính tất yếu. Trong bối cảnh quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, Việt Nam cũng rất cần quan tâm, học hỏi kinh nghiệm đầu tư và phát triển văn hóa. Bên cạnh nỗ lực giảm bớt khoảng cách trong hưởng thụ văn hóa của người dân giữa các vùng miền, việc đầu tư có trọng điểm vào các công trình văn hóa mang tầm vóc của quốc gia là hết sức cần thiết và cần sự đột phá mạnh mẽ.

Văn hóa chính là tấm “căn cước đặc biệt”, không chỉ thể hiện lòng tự hào dân tộc mà còn giúp khẳng định vị thế, bản sắc dân tộc trên trường quốc tế. Chúng ta rất cần những nhà hát tầm cỡ, hội tụ tinh hoa văn hóa của các dân tộc, vùng miền trên cả nước, đó không chỉ là “thánh đường nghệ thuật” để các nghệ sĩ thăng hoa và đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đông đảo người dân mà còn có thể mời gọi các nghệ sĩ tên tuổi của thế giới đến giao lưu, học hỏi, qua đó từng bước đưa Việt Nam đến gần với thế giới và đưa thế giới lại gần với Việt Nam hơn. Không chỉ gói gọn trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, các nhà hát mang biểu tượng của thành phố, của quốc gia còn có thể đem lại lợi nhuận đa chiều như phát triển kinh tế, thu hút khách du lịch, gia tăng sự ảnh hưởng của văn hóa đến các quốc gia trong khu vực cũng như thế giới, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước đến bạn bè quốc tế. Đầu tư cho văn hóa, bởi vậy, chính là đầu tư cho tương lai.

Để tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng, việc xây dựng các công trình văn hóa lớn cần tham khảo ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia có uy tín, thông tin kịp thời đến mọi tầng lớp nhân dân. Sự ủng hộ, đồng tình của người dân sẽ là một trong những yếu tố quan trọng, bởi lẽ người dân vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa thực hiện vai trò giám sát trong quá trình xây dựng và vận hành. Chính điều đó sẽ phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hóa khi đi vào hoạt động.

Trong quá trình hình thành và phát triển, Việt Nam đã có nhiều công trình văn hóa có giá trị, tuy nhiên chúng ta vẫn đang thiếu những công trình thật sự đặc sắc, ấn tượng, quy mô và hiện đại, có thể thực hiện được những chương trình tầm cỡ thế giới, thu hút được giới tinh hoa trong lĩnh vực nghệ thuật tìm đến biểu diễn. Mong rằng trong tương lai gần, chúng ta sẽ có những công trình văn hóa trở thành biểu tượng của quốc gia và là niềm tự hào của người dân Việt Nam. Đó cũng là cách thiết thực để góp phần thực hiện tốt chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về “phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng”.

-----------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 13/9/2022.

Tin liên quan
Tạo đột phá trong phát triển văn hóa