Cần ngăn chặn những hoạt động biểu diễn phản văn hóa

|

Nghệ sĩ mặc trang phục nhạy cảm để biểu diễn là hiện tượng gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây. Một số trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính, nhắc nhở về ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân trong sáng tạo và thực hành văn hóa nghệ thuật. Tình trạng này cho thấy cần phải đặt ra những yêu cầu nghiêm khắc hơn đối với việc quản lý, giám sát các hoạt động biểu diễn để góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa lành mạnh, văn minh, tiến bộ.

Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh mới đây đã mời một số ca sĩ đến làm việc, nhắc nhở và chấn chỉnh về việc sử dụng trang phục nhạy cảm khi biểu diễn và đăng tải trên các nền tảng mạng như TikTok, YouTube. Cụ thể, những ca sĩ này đã mặc đồ, hát những bản nhạc trên bối cảnh tái hiện thời chiến gây cảm xúc tiêu cực cho khán giả và đã bị chỉ trích nặng nề. Trước đó, nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã công khai xin lỗi khán giả, khi bị cơ quan chức năng nhắc nhở về vấn đề trang phục chuẩn bị cho show diễn cá nhân không phù hợp chương trình, không phù hợp các giá trị văn hóa Việt Nam, dễ liên tưởng đến các vấn đề nhạy cảm, gây phản cảm, tạo dư luận xấu.

Một vụ việc khác gần đây gây bức xúc trong cộng đồng liên quan Công ty TNHH Objoff có trụ sở tại thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) - đơn vị tổ chức show diễn thời trang “New traditional” của nhà thiết kế T.D. Đơn vị này đã bị cơ quan chức năng xử phạt số tiền 85 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 18 tháng vì đã vi phạm Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Nguyên nhân là show diễn do công ty thực hiện đã không kiểm soát chặt chẽ nên để người mẫu mặc trang phục áo dài cách tân hở da thịt, tạo dáng dung tục, phản cảm.

Nhiều ý kiến cho rằng, những bộ trang phục phản cảm, gây tranh cãi của các nghệ sĩ trong những trường hợp nêu trên cho thấy nhận thức chưa đúng đắn về lịch sử, thiếu ý thức chính trị, thiếu chuẩn mực văn hóa, tác động tiêu cực đến sự tiếp nhận của cộng đồng, nhất là giới trẻ. Mặt khác, những bộ trang phục này cũng vô tình làm tổn thương đến tình cảm của nhân dân, đồng bào. Trước sự phản hồi nghiêm khắc của cộng đồng, các ca sĩ này đã xóa clip và cam kết không tái diễn những hành vi phản cảm tương tự, tuy nhiên nội dung các clip này đã được phát tán, chia sẻ trên mạng xã hội nên hậu quả vẫn chưa thể ngăn chặn một cách triệt để.

Nghệ sĩ sẽ bị phạt tiền nếu mặc trang phục, trang điểm, hóa trang không đúng theo quy định hoặc tự tiện thay đổi trang phục được duyệt.

Dù vô tình hay cố ý, những thí dụ nêu trên cũng phần nào cho thấy nhận thức của một bộ phận nghệ sĩ biểu diễn còn hạn chế, và đã vi phạm những quy định về hoạt động biểu diễn, vi phạm Bộ quy tắc ứng xử đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Điều đáng trách là những nghệ sĩ này vì mải chạy theo các xu hướng, quá quan tâm tới việc làm mới lạ, câu view, câu like bất chấp các tiêu chí văn hóa, đạo đức mà bỏ qua các giá trị cao đẹp, cốt lõi trong văn hóa dân tộc, quên đi trách nhiệm xã hội của mình. Ở một góc độ khác cũng cho thấy chất lượng nghệ thuật cũng như khâu tổ chức nhiều chương trình biểu diễn hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập, cần sự mạnh tay hơn nữa của cơ quan quản lý nhằm bảo đảm một môi trường nghệ thuật lành mạnh, văn minh.

Có ý kiến cho rằng, trang phục của nghệ sĩ không nói lên nội dung hay hoặc dở của một chương trình nghệ thuật biểu diễn. Đây thật sự là một cái nhìn phiến diện và phần nào cố tình lờ đi mức độ nghiêm trọng của vấn đề, bào chữa cho những vi phạm của nghệ sĩ. Bởi lẽ, đối với một chương trình biểu diễn thời trang, thì trang phục là nội dung chính của chương trình biểu diễn. Áo dài, áo bà ba, nón lá, nón quai thao, khăn rằn... không chỉ là những trang phục đơn thuần mà còn là những hình ảnh biểu tượng về văn hóa truyền thống của dân tộc, gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trung hậu, đảm đang.

Những thiết kế dù cách tân, cách điệu đến đâu nếu không gìn giữ những hồn cốt văn hóa dân tộc mà cố tình phô bày da thịt phản cảm thì sẽ không thể chấp nhận. Còn đối với những chương trình ca nhạc, mặc dù nội dung chính là âm nhạc, nhưng trang phục của nghệ sĩ chưa khi nào bị xem nhẹ. Nghị định số 144/ 2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, tại Điều 3 quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn nêu rõ: “Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội”.

Nghệ sĩ sẽ bị phạt tiền nếu mặc trang phục, trang điểm, hóa trang không đúng theo quy định hoặc tự tiện thay đổi trang phục được duyệt. Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo tại mục b khoản 5 Điều 11 quy định rõ, phạt tiền từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Biểu diễn nghệ thuật, thi, liên hoan có nội dung kích động bạo lực; ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại; sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, đơn vị tổ chức biểu diễn có thể phải chịu hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 12 đến 18 tháng tùy mức độ.

Đối với trường hợp dù không phải là hình thức biểu diễn trực tiếp, nhưng được đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình và môi trường mạng thì trong Nghị định số 144/ 2020/NĐ-CP tại khoản 4 Điều 8 nêu rõ “người đăng, phát chịu trách nhiệm”. Như vậy có thể nói, bất kỳ ai tham gia vào hoạt động biểu diễn và đưa sản phẩm của mình lên không gian mạng đương nhiên sẽ phải chịu sự điều chỉnh bởi các quy định trong lĩnh vực thông tin truyền thông cùng các quy định có liên quan.

Mặc dù đã có những quy định mang tính pháp lý chặt chẽ như vậy, nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao những vi phạm liên quan các quy định về nghệ thuật biểu diễn trong thời gian qua vẫn có chiều hướng gia tăng? Các chế tài xử phạt hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe? Ngoài việc phạt tiền, nên chăng có hình thức phạt bổ sung cấm biểu diễn cần kéo thời gian dài hơn so với quy định hiện nay? Chúng ta đều thấy rằng, hoạt động biểu diễn nghệ thuật đang ngày càng trải rộng trên nhiều không gian khác nhau, cả trong đời thực và trên không gian mạng, với những hình thức biểu diễn trực tiếp, gián tiếp…

Do đó ở góc độ quản lý, việc phát hiện những hành vi vi phạm và nhắc nhở, chấn chỉnh, xử phạt là cần, nhưng chưa đủ. Vì với những hành vi, hiện tượng có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về nghệ thuật biểu diễn được phổ biến trên không gian mạng, nếu không xử lý sớm, nhanh, kịp thời thì những tác động của nó tới xã hội là khôn lường. Đã có trường hợp nghệ sĩ sẵn sàng chịu xử phạt để phát tán sản phẩm trên mạng xã hội nhằm đạt mục đích câu view, câu like. Cũng không loại trừ khả năng có đối tượng nhân danh nghệ sĩ, đưa những nội dung bóp méo, xuyên tạc lịch sử, tuyên truyền sai lệch về văn hóa dân tộc thông qua sản phẩm được đưa lên mạng xã hội gây bất an trong dư luận. Vấn đề đặt ra là cần tăng cường khả năng giám sát của cơ quan chức năng, các đơn vị quản lý văn hóa. Cần nhận thức rằng, việc phát hiện sớm các hành vi vi phạm sẽ hạn chế được những hệ lụy xấu trong cảm xúc xã hội, nhất là giới trẻ.

Tất nhiên, cơ quan quản lý văn hóa dù có tích cực đến mấy cũng khó có thể kiểm soát hết các nội dung vi phạm quy định nghệ thuật biểu diễn, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội. Giải quyết vấn đề này cần sự vào cuộc của cả cộng đồng. Mỗi người dân tham gia mạng xã hội có thể phát hiện, báo cáo những nội dung chưa hoặc không phù hợp, giúp cơ quan chức năng có nguồn thông tin nhanh chóng, kịp thời để xử lý theo quy định. Muốn làm được như vậy phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân. Làm sao để người dân hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan các hình thức biểu diễn, nhờ đó nhận diện nhanh chóng các nội dung không phù hợp, kịp thời phản ánh đến cơ quan chức năng, cảnh báo đến đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

Thực tế cho thấy, tiếng nói của người tham gia mạng xã hội, bằng các bình luận dưới các nội dung được đăng tải hoặc trực tiếp báo cáo với đơn vị cung cấp dịch vụ có thể tạo nên những làn sóng đồng tình hoặc phản đối mạnh mẽ, giúp cho nhà quản lý nhận diện, đánh giá, xử lý vấn đề kịp thời hơn.

Một nội dung quan trọng không thể không nhắc đến như một giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế những vi phạm quy định về nghệ thuật biểu diễn, đó chính là nâng cao nhận thức của cá nhân nghệ sĩ, đơn vị tổ chức biểu diễn. Vấn đề trách nhiệm nghệ sĩ một lần nữa được nhấn mạnh ở đây. Nghệ sĩ cần hiểu rõ sứ mệnh của mình, những ảnh hưởng của họ với công chúng. Văn hóa của người nghệ sĩ thể hiện ở những sản phẩm, cách thức truyền tải tới công chúng, từ trang phục, phát ngôn, ứng xử, nội dung biểu đạt. Sáng tạo cái mới, cái lạ phải trên nền tảng của hiểu biết về văn hóa, lịch sử dân tộc mình, không cho phép việc hạ thấp các giá trị đẹp đẽ mà bao đời cha ông ta đã xây dựng. Không chỉ nghệ sĩ, mà cả các đơn vị tổ chức cần phải tìm hiểu rõ những quy định mang tính pháp lý khi thực hiện các chương trình nghệ thuật.

Việc tuân thủ các quy tắc ứng xử là để bảo đảm cho sự thành công của một chương trình, cũng là lá chắn bảo vệ nghệ sĩ trước dư luận, đồng thời góp phần xây dựng, gìn giữ các giá trị văn hóa, đạo đức xã hội. Không nơi nào và ở đâu, những biểu hiện kệch cỡm, thiếu văn hóa của người nghệ sĩ có thể được khán giả và người dân chấp nhận.