"Chiếc áo không làm nên thầy tu"

|

Những năm qua, các tổ chức, hội, nhóm xã hội đã có nhiều đóng góp vào việc giải quyết bài toán hài hòa tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, hỗ trợ các nhóm yếu thế tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đã xuất hiện tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng mô hình, phương thức hoạt động này cũng như những kẽ hở của luật pháp trong công tác giám sát, quản lý các tổ chức, hội, nhóm để trục lợi, thực hiện mưu đồ cá nhân cũng như chống phá đất nước.

Ngày 5/6/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Hoàng Thị Minh Hồng, người sáng lập tổ chức CHANGE (hoạt động trong lĩnh vực môi trường ở Việt Nam) để điều tra về tội trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015.

Quá trình điều tra xác định Hoàng Thị Minh Hồng đã trốn thuế số tiền hơn 5,2 tỷ đồng. Bản thân bà Hồng đã thừa nhận sai phạm, có đơn xin và nộp khắc phục hậu quả để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, khung hình phạt cao nhất dành cho cá nhân có hành vi trốn thuế là từ 2 đến 7 năm tù, được áp dụng trong trường hợp cá nhân phạm tội trốn thuế với số tiền hơn 1 tỷ đồng trở lên (khoản 3 Điều 200).

Trước đó, các cơ quan chức năng đã khởi tố, xét xử một số cá nhân là đại diện hoặc đang làm việc trong các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp xã hội, trung tâm phúc lợi cộng đồng với cùng tội danh nêu trên như Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, Ngụy Thị Khanh…

Đáng chú ý, trong các trường hợp này, bị can, bị cáo đều là người có học thức cao nhưng vì mục đích cá nhân, động cơ tư lợi, đã không kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật. Hành động vi phạm pháp luật của đối tượng đều diễn ra trong thời gian dài dưới nhiều thủ đoạn tinh vi. Thậm chí, có người còn là luật sư, giám đốc một trung tâm nghiên cứu pháp luật, nghĩa là hoàn toàn nhận thức rõ hành vi trốn thuế là trái với quy định của pháp luật, có thể gây hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn cố tình thực hiện. Điều này hoàn toàn đi ngược lại những giá trị mà tổ chức, doanh nghiệp của họ hằng theo đuổi.

Nếu cơ quan chức năng không phát hiện sai phạm kịp thời chắc chắn hành vi phạm tội sẽ còn kéo dài, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.

Tại tòa, trước những chứng cứ không thể chối cãi, nhiều bị cáo đã thành khẩn thừa nhận sai phạm và xin được khắc phục hậu quả. Xét thấy một số bị cáo có nhiều thành tích, bằng khen, giấy khen của các cơ quan chức năng, Tòa đã giảm nhẹ hình phạt, tạo điều kiện cho họ sửa chữa lỗi lầm, sớm hoàn lương.

Cụ thể, trong vụ án MEC, bị cáo Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương đều được giảm án 3 tháng tù, lần lượt nhận mức án 48 tháng tù và 30 tháng tù. Trong vụ án trốn thuế thu nhập cá nhân, bị cáo Ngụy Thị Khanh được giảm án còn 21 tháng tù (hiện tại, bà Khanh đã được trả tự do sau khi hoàn thành bản án).

Thiết tưởng không cần bàn luận thêm về những vụ án nêu trên khi các cơ quan chức năng đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự, xét xử đúng người, đúng tội, thể hiện tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật Việt Nam. Các phiên tòa đều diễn ra công khai, nội dung, diễn biến vụ án đã được đăng tải đầy đủ trên các mặt báo.

Thế nhưng, một số tổ chức quốc tế thiếu thiện chí hoặc vì mục đích cá nhân tự cho mình quyền theo dõi, giám sát và bảo vệ nhân quyền vẫn tìm mọi lý lẽ hòng phủ nhận bản án, để rồi lái vụ việc theo hướng các cá nhân có liên quan "bị bỏ tù một cách bất công" vì "bảo vệ môi trường". Qua đó, các tổ chức nước ngoài cố tình khoác chiếc áo mang danh "tù nhân chính trị", "tù nhân lương tâm" lên những đối tượng bị bắt giữ về tội phạm hình sự, tài chính.

Đây thực chất là sự đánh tráo khái niệm nhằm thực hiện mưu đồ riêng cũng như che giấu tội danh, cổ súy cho những kẻ bị kết án và phải chấp hành hình phạt tù vì vi phạm pháp luật thành đối tượng liên quan vấn đề công lý và môi trường.

Theo dõi trên thực tế có thể thấy những chiêu trò cũ kỹ này thường được các tổ chức quốc tế thiếu thiện chí với Việt Nam thường xuyên sử dụng để biện minh cho một số đối tượng vi phạm pháp luật trước đây như Nguyễn Năng Tĩnh, Nguyễn Ngọc Ánh. Họ dựng chuyện hai đối tượng này đều bị bắt vì "đăng tải vấn đề thời sự liên quan đến ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra", trong khi thực tế những người này phạm tội "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự. Các tài liệu liên quan hai vụ án đều được cơ quan chức năng tiến hành thu thập, thẩm định, điều tra kỹ lưỡng trong một thời gian dài.

Và sau những ồn ào nhất thời, tính đến nay gần như không có một tổ chức, tờ báo chống cộng nào nhắc tên, hô hào đòi trả tự do cho Nguyễn Năng Tĩnh hay Nguyễn Ngọc Ánh.

Tin liên quan
Lợi dụng vấn đề ngôn ngữ để chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc

Thực tế trong nhiều năm qua, một số đối tượng xấu, cơ hội chính trị đã ráo riết thực hiện chiêu trò lợi dụng quyền tự do lập hội được quy định trong Hiến pháp để mưu đồ cá nhân hoặc hướng lái, đánh lận bản chất vấn đề nhằm hình thành các tổ chức tự phát không theo quy định pháp luật.

Thông thường khi mới thành lập, các tổ chức này sẽ núp bóng những mục đích tốt đẹp, hoạt động phi lợi nhuận, thúc đẩy sự phát triển của xã hội... để tạo danh tiếng, tập hợp nhân lực, vật lực.

Sau khi đã ổn định, các tổ chức này sẽ đổi màu, thậm chí không chỉ dừng lại ở vấn đề dân sự mà còn móc nối với các tổ chức nước ngoài để can thiệp vào vấn đề chính trị. Mục đích cuối cùng mà chúng hướng tới là hình thành các tổ chức đối lập, âm mưu chống phá đất nước, lật đổ chế độ.

Cùng với đó, không khó để nhận diện hướng đến của các tổ chức phản động, thiếu thiện chí là nhằm chống phá, vu khống Đảng, Nhà nước Việt Nam, xuyên tạc, hạ thấp thành quả bảo đảm và thực thi quyền con người ở Việt Nam với các luận điệu quen thuộc như "Việt Nam vi phạm nhân quyền, bắt bớ, giam cầm tùy tiện, tuyên án nặng đối với các nhà báo, blogger, Facebooker, các nhà hoạt động xã hội, lãnh đạo của các tổ chức xã hội dân sự".

Các tổ chức quốc tế này còn thường xuyên hướng lái dư luận bằng việc dẫn lại bài viết, bình luận một chiều của những nhân vật bất mãn, cơ hội chính trị song lại xem đây là "nguồn cứ liệu tin cậy, những ý kiến công tâm, khoa học". Trên cơ sở đó, họ liên tục tung ra các bản phúc trình, kiến nghị gửi đến Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu và các nước lớn nhằm vu khống, gây sức ép, can thiệp vào tình hình nội bộ của Việt Nam.

Tin liên quan
Lợi dụng quyền tự do dân chủ để chống phá đất nước

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán quan điểm lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, phát triển vì con người, do con người. Trong đó, Nhà nước khuyến khích sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội vào các hoạt động vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Thực tế này không chỉ được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ mà còn được rất nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế thừa nhận, đánh giá cao.

Chẳng hạn, để ủng hộ các doanh nghiệp có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề an sinh xã hội, Quốc hội đã ban hành quy định về loại hình doanh nghiệp xã hội tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Doanh nghiệp năm 2020. Các bộ, ban, ngành cũng tổ chức nhiều giải thưởng, cuộc thi về bảo vệ môi trường, hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, vì xã hội... để kịp thời động viên, khuyến khích mọi người dân, tổ chức tham gia các hoạt động xã hội hữu ích cho đất nước, người dân này.

Chẳng hạn, Câu lạc bộ Thực hành Sống Xanh (Green Living Club) được vinh danh vì các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các hoạt động thân thiện môi trường; xây dựng các hoạt động tổng vệ sinh, thu nhặt rác công cộng; trao tặng thùng phân loại rác; Câu lạc bộ Phụ nữ bảo vệ môi trường khu phố Hiệp Thắng (thị xã Dĩ An, thành phố Dĩ An, Bình Dương) với nhiều hành động ý nghĩa như xây dựng tuyến đường hoa, mô hình vườn rau sạch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, qua đó góp phần quan trọng với việc thực hiện tốt tiêu chí "3 sạch" của cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động.

Hay nhóm Tình nguyện Niềm tin với dự án Nuôi em với mục tiêu hỗ trợ toàn diện cho trẻ em vùng cao. Để thực hiện dự án này, nhóm đã tổ chức, vận động hàng loạt chương trình tái chế rác thải như: Nhặt gốm hỏng lỗi, gom ve chai giấy vụn gây quỹ, gom bạt sự kiện che điểm trường nát khỏi gió mưa, bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật làm từ sỏi, xây dựng trường học bằng gạch không nung...

Chính vì vậy, không hề có chuyện Nhà nước Việt Nam "thu hẹp không gian xã hội dân sự", "đàn áp do các hoạt động bảo vệ môi trường" như những lời vu cáo, bịa đặt.

Không hề có chuyện Nhà nước Việt Nam "thu hẹp không gian xã hội dân sự", "đàn áp do các hoạt động bảo vệ môi trường" như những lời vu cáo, bịa đặt.

Hiện tượng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng kẽ hở trong các hoạt động thiện nguyện, hoạt động bảo vệ môi trường vì môi trường, vì cộng đồng không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới đều đã xuất hiện tình trạng này với những biểu hiện tinh vi, khó lường. Thực tế này đòi hỏi mỗi quốc gia đều cần có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi lợi dụng đấu tranh vì quyền con người để tư lợi, vi phạm pháp luật bên cạnh ban hành các cơ chế thúc đẩy các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ nhóm yếu thế…

(Còn nữa)