Những việc làm tình nghĩa, nhân văn

|

“Không để ai bị bỏ lại phía sau” là phương châm chủ đạo của Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19. Phương châm đó không chỉ áp dụng với công dân Việt Nam mà còn áp dụng với mọi người gốc Việt, người nước ngoài đang sống, làm việc tại Việt Nam, thể hiện qua việc kịp thời quan tâm, chia sẻ các khó khăn, tổ chức tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 miễn phí, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, tiền bạc... Từ quan sát và trải nghiệm thực tế, nhà báo người Mỹ gốc Việt Nguyễn Quang Trường có bài viết bày tỏ cảm nhận, suy nghĩ của mình, xin giới thiệu với bạn đọc.

Ngày 21/9/2021 tôi đã tiêm mũi vắc-xin AstraZeneca thứ nhất tại TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái). So với các địa phương trên cả nước, đây không phải là tiêm muộn, vì nơi tôi sinh sống là “vùng xanh an toàn”, dù vẫn nghiêm túc thực hiện quy định phòng, chống dịch nhưng mọi sinh hoạt cơ bản vẫn diễn ra bình thường. Sau khi đăng ký và nhận thông báo ngày giờ cụ thể, tôi có mặt tại điểm tiêm chủng là một trường học ở trung tâm TP Yên Bái. Tại đây, tôi đã được chứng kiến cách thức tổ chức tiêm vắc-xin rất khoa học, người tiêm giữ đúng khoảng cách, thái độ của đội ngũ y sĩ, bác sĩ chu đáo, tận tình, rất trách nhiệm. Tìm hiểu thông tin từ Sở Y tế tỉnh Yên Bái tôi được biết, ngày 25/8/2021, Yên Bái đã tiếp nhận 275 công dân Việt Nam từ Mỹ trở về. Họ là người gặp hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu cần phải về nước. Mọi người được tạo điều kiện rất thuận lợi để thực hiện việc tập trung cách ly 14 ngày tại điểm cách ly do Quân khu 2 và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái tổ chức, sau đó đã bình yên trở về với gia đình. 

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, tôi đã được tận mắt chứng kiến phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” của Chính phủ Việt Nam được  triển khai rộng rãi tại tất cả các địa phương trên cả nước. Không chỉ người dân Việt Nam, mà cả người Việt ở nước ngoài hoặc người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, hoặc bị kẹt lại ở Việt Nam đều được chính quyền, các tổ chức đoàn thể quan tâm, chăm lo sâu sát. Đầu năm 2020, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát và diễn biến phức tạp, Đảng và Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã xác định chủ trương nhất quán coi sức khỏe, tính mạng con người là trên hết. Đây là một chủ trương rất nhân văn, thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam là luôn bảo đảm tôn trọng quyền sống của mọi người cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp năm 2020, phi công người Anh được Việt Nam tận tình cứu chữa, giành lại sinh mạng từ “tử thần” Covid-19 và giúp anh bình phục trở về với gia đình là một minh chứng cụ thể. 

Tháng 4/2021 khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, diễn biến vô cùng phức tạp, dù phải căng mình chăm lo cho người dân trong nước, Chính phủ Việt Nam vẫn có phương án bảo vệ công dân Việt ở nước ngoài, đồng thời ứng xử rất nhân văn với người gốc Việt và người nước ngoài đang sống, làm việc ở Việt Nam bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Với mục tiêu bao phủ tối đa các đối tượng được tiêm vắc-xin, Việt Nam đã tiêm miễn phí cho hơn 600 thành viên cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, đồng thời khẳng định trên tinh thần nhân đạo, Việt Nam không phân biệt đối xử trong quá trình chăm sóc sức khỏe và tiêm chủng giữa công dân Việt Nam và công dân nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam, nhằm tạo điều kiện tiêm chủng vắc-xin phòng, chống Covid-19, hướng đến mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Y tế để thu xếp tiêm chủng cho hơn 50 phóng viên, trợ lý báo chí có văn phòng đại diện tại Việt Nam. 

Tôi đã liên lạc với nhiều bạn bè, người quen của mình đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Qua trao đổi điện thoại, ông Michael Abadie, 67 tuổi, cư dân New York (Mỹ) đang sống ở TP Hồ Chí Minh cho biết, ông đã được tiêm hai mũi vắc-xin từ tháng 8, tháng 9/2021. “Tôi rất hài lòng, yên tâm khi được tiêm miễn phí hai mũi. Tôi là người cao tuổi, về hưu rồi, không còn làm việc, nhưng vẫn được tiêm vắc-xin đầy đủ theo đăng ký tại phường 19, quận Bình Thạnh”. Ông Michael cũng cho biết cách thức địa phương tổ chức phòng bệnh, tiêm chủng, chăm lo đời sống của mọi người, kể cả ông và gia đình là “Rất ok”. Ông Tiến Chỉnh 70 tuổi, người Mỹ gốc Việt hiện đang sống ở quận 3, TP Hồ Chí Minh cũng đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin, phấn khởi kể: “Gia đình tôi ở Mỹ cũng nhiều băn khoăn, lo lắng khi thấy tôi ở lại Việt Nam. Họ nói ở Mỹ có đầy đủ vắc-xin tốt để tiêm chủng cho người dân, còn Việt Nam đang thiếu, thì liệu người như tôi có được tiêm vắc-xin sớm không? Qua Zalo, tôi đã gửi giấy biên nhận tiêm đủ hai mũi vắc-xin để mọi người xem và an tâm”. Qua bạn bè, truyền thông, mạng xã hội, chứng kiến việc hàng chục nghìn người nước ngoài đang sống ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,... được tiêm vắc-xin miễn phí tôi thật sự xúc động, cảm kích và càng thấu hiểu chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã được triển khai trực tiếp xuống từng địa phương, cơ sở để giúp đỡ những người như chúng tôi... Bên cạnh việc tổ chức tiêm chủng bình đẳng cho người gốc Việt, người nước ngoài đang sống ở Việt Nam trong dịch Covid-19, Chính phủ và người dân Việt Nam còn chia sẻ, hỗ trợ giúp khắc phục khó khăn về đời sống kinh tế. Rất nhiều trường hợp cụ thể được hỗ trợ nhu yếu phẩm, kể cả tiền mặt, đã được đưa tin trên các kênh chính thống. Như trong tháng 8/2021 tại phường 1, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, các công dân quốc tịch Ai Cập, Philippines được tặng thực phẩm, tiền mặt để sống trong thời gian khó khăn. Những người nước ngoài này phần lớn là giáo viên dạy tiếng Anh. Thời gian dịch bệnh, họ bị thất nghiệp, rất cần được giúp đỡ. Những chia sẻ, hỗ trợ hết sức thiết thực, kịp thời từ cấp trung ương đến địa phương, từ các tổ chức, đoàn thể trên cả nước là minh chứng rõ rệt về tinh thần nhân đạo, nhân văn của chính quyền và đất nước Việt Nam trong thời điểm hết sức đặc biệt, đầy gian khó, thách thức. Dù Việt Nam cũng rất khó khăn vì dịch Covid-19 nhưng ở đây không hề có sự phân biệt dân tộc, quốc gia, trong nước, nước ngoài... Thời toàn cầu hóa, nhiều người nước ngoài có quốc tịch khác nhau như Thái Lan, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia, Mỹ, Angola,... đã tìm đến Việt Nam để sống và làm việc, đóng góp sức lực, trí tuệ với Việt Nam. Khi hoàn cảnh dịch bệnh đưa tới nhiều khó khăn, họ đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam dang tay đùm bọc, chia sẻ bằng tình cảm chân tình, rất thiết thực. Tôi nhận thấy, đây là điểm son đầy tình người, đậm tính nhân văn, mà không phải chính phủ, quốc gia nào trên thế giới cũng làm được trong hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo.

Qua mạng xã hội, tôi được xem và nghe trên trang YouTube HanQuocBros HQB những câu chuyện của anh Vũ Yong Wo, thanh niên trẻ người Hàn Quốc sang Việt Nam sinh sống đã 5 năm, kể lại rất nhiều điều thú vị. Đặc biệt các video clip về tình hình dịch Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh qua góc nhìn khách quan, trẻ trung, thiện chí của anh. Như clip nói về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” tham gia giúp dân tại TP Hồ Chí Minh trong đợt giãn cách theo Chỉ thị 16 vừa qua. Hay với việc đưa ra những góc nhìn đầy trong sáng, chân thực và hóm hỉnh, nhóm anh em Hàn Quốc đã điểm lại những dấu mốc, các câu chuyện, hình ảnh về các anh bộ đội Việt Nam đi chợ, mua sắm, giao hàng cho dân. Điều đáng nói, nhóm bạn trẻ Hàn Quốc trên dù khả năng sử dụng tiếng Việt còn chưa thật sự thành thạo nhưng những clip của họ đã nhanh chóng được cộng đồng và công chúng đón nhận, có tác dụng truyền năng lượng tích cực đến cộng đồng, đến người thân, bạn bè chung quanh để cùng nhau vượt qua đại dịch. Trong nhiều video clip, câu nói “Cố lên!” luôn được nhắc lại để động viên mọi người. Nhóm HanQuocBros HQB còn có các cuộc giao lưu liên quốc gia với các bạn trẻ từ khắp các châu lục để chia sẻ thông tin trực tiếp, cụ thể, khách quan và thiện chí về Việt Nam, nơi các bạn đang sống và làm việc. Hành động cụ thể thể hiện sự hy sinh, tận tụy của bộ đội, y, bác sĩ và nhân viên y tế trong quá trình chung tay phòng, chống Covid-19 đang diễn ra trước mắt đã tác động đến suy nghĩ và hành động của họ để thêm yêu thương, nể phục người Việt Nam. Đó cũng là lý do để các chàng trai trẻ quyết định an tâm chọn ở lại Việt Nam trong những ngày tháng khó khăn, với niềm tin Việt Nam sẽ sớm vượt qua đại dịch. 

Những đánh giá, cảm nhận đầy khách quan về các việc làm, hành động cụ thể trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 nói trên chính là những thí dụ thuyết phục về các chủ trương, chính sách đúng đắn, nhân văn của Đảng, Nhà nước Việt Nam với người gốc Việt và người nước ngoài đang sống, làm việc và sinh hoạt tại Việt Nam. Sự hoài nghi, lo lắng về việc không được chăm sóc, đối xử tốt về y tế và đời sống khi ở Việt Nam của một số người đã được hóa giải. Tôi nghĩ, khi Chính phủ Việt Nam xác định bảo vệ sức khỏe, tính mạng của toàn dân là đồng thời đã xác định bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người gốc Việt, người nước ngoài đang sống ở Việt Nam như bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân của mình. 

Trong cuộc họp ngày 14/9/2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khẳng định đại dịch Covid-19 là điều không ai mong muốn, an toàn dịch bệnh không phải là thứ từ trên trời rơi xuống, mà phải do sự nỗ lực, đóng góp, chung tay của mọi thành phần trong xã hội; không ai được an toàn, không quốc gia nào được an toàn khi các quốc gia khác vẫn phải chống đại dịch Covid-19. Tâm huyết với ý kiến đúng đắn này và từ những cảm nhận cá nhân về sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước Việt Nam suốt thời gian qua, những người gốc Việt và người nước ngoài đang sống, làm việc và sinh hoạt ở Việt Nam như tôi càng thêm yên tâm, tin tưởng, quyết tâm khắc phục khó khăn, tuân thủ mọi quy định phòng, chống dịch bệnh, cùng chính quyền và nhân dân Việt Nam sớm ổn định cuộc sống và tiếp tục phát triển.