Luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương

|

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị khóa IX về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý, công tác điều động, luân chuyển cán bộ (LCCB) gắn với bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương (KLNÐP) được cấp ủy các cấp tập trung triển khai, thực hiện và đạt kết quả tích cực. Hiệu quả của việc LCCB và bố trí cán bộ chủ chốt KLNÐP góp phần khắc phục những hạn chế trong công tác cán bộ, phát huy tính sáng tạo, chủ động và tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, việc triển khai chủ trương này ở một số nơi chưa đạt mục tiêu đề ra, cần tiếp tục có giải pháp tháo gỡ.

Chuyển biến từ cơ sở

Huyện Bảo Yên (Lào Cai) những năm đầu nhiệm kỳ 2015-2020 là điểm nóng về an ninh trật tự. Có thời điểm một số đối tượng ngang nhiên lấn chiếm đất công, dựng lều lán trái phép chung quanh di tích đền chùa gây bức xúc dư luận. Nguyên nhân do nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt huyện, xã là người địa phương, bị chi phối bởi mối quan hệ bà con, họ hàng khiến việc xử lý thiếu kiên quyết. Tỉnh ủy Lào Cai đã bàn và thống nhất luân chuyển đồng chí Dương Ðức Huy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về làm Bí thư Huyện ủy. Trên cương vị mới, đồng chí Huy chủ động bàn, thống nhất trong Thường vụ Huyện ủy quyết định bố trí, luân chuyển cán bộ lãnh đạo KLNÐP. Tại xã Bảo Hà, đồng chí Trưởng phòng Tư pháp luân chuyển về làm Bí thư Ðảng ủy xã; Bí thư Ðảng ủy xã này qua làm Chủ tịch UBND xã Xuân Thượng. Ðồng thời, đội ngũ cán bộ chủ chốt cùng các ban, ngành của huyện tiến hành xử lý nghiêm các vi phạm, nhanh chóng ổn định tình hình. Tại xã Xuân Thượng, đồng chí Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Dũng, nguyên Bí thư Ðảng ủy xã Bảo Hà KLNÐP đã phát huy tốt năng lực lãnh đạo. Ở cấp huyện, để xóa bỏ tình trạng con em cán bộ được "giữ chỗ" chờ chỉ tiêu biên chế, đồng chí Bí thư huyện ủy cùng Ban Thường vụ đổi mới công tác tuyển chọn cán bộ bằng cách thi tuyển công khai, do đồng chí trực tiếp phỏng vấn. Kết quả đã thu hút được hơn 30 cán bộ trẻ (có cả thạc sĩ, kỹ sư) bổ sung cho cơ sở. Lực lượng này đã tích cực cùng địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa huyện trở thành đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của tỉnh năm 2019.

Khi đi luân chuyển, nhiều cán bộ lãnh đạo, chủ chốt KLNÐP đã phát huy năng lực, sở trường góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tổ chức đảng tại nơi công tác. Năm 2012, đồng chí Bùi Duy Quang, Trưởng phòng Kinh tế ngành của UBND tỉnh Ninh Bình được luân chuyển làm Phó Bí thư Huyện ủy Hoa Lư, được giới thiệu, bầu làm Phó Chủ tịch UBND huyện. Xem đây như quê hương của mình, đồng chí Quang thường xuyên bám sát cơ sở, chịu khó tìm tòi, học hỏi, tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên, tham vấn kinh nghiệm của cán bộ, công chức ở địa phương. Từ đó chủ động tham mưu với Thường trực Huyện ủy có những quyết sách phù hợp, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khơi dậy các nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ một địa phương chưa phát triển, hệ thống giao thông còn yếu kém, đời sống của người dân các xã còn khó khăn, năm 2016 Hoa Lư trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước theo tiêu chí mới. Khi phụ trách lĩnh vực giải phóng mặt bằng để phục vụ các dự án, công trình trọng điểm, bất kể nắng, mưa, đồng chí Quang thường chủ động cùng các thành viên Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện đến tận nhà các hộ dân để tuyên truyền, vận động, lắng nghe và giải thích cho mọi người về những lợi ích thiết thực của dự án, quyền và nghĩa vụ của công dân. Trong thực hiện nhiệm vụ, Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện luôn đặt lợi ích của người dân làm trọng tâm. Nhờ đó, công tác đền bù, giải tỏa ít chậm tiến độ; đơn thư kéo dài của các dự án tồn đọng trước đó được giải quyết rốt ráo. Từ năm 2018 đến nay, đồng chí Bùi Duy Quang được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư.

Năm 2014, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Châu Ðốc Huỳnh Hoa Hường được luân chuyển về làm Bí thư Ðảng ủy xã Vĩnh Tế, TP Châu Ðốc (An Giang). Với kinh nghiệm qua nhiều vị trí công tác, đồng chí nhanh chóng nắm bắt tình hình, gần gũi nhân dân. Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tế Ngô Văn Trung, rõ nhất từ khi đồng chí Hường làm Bí thư Ðảng ủy xã là khắc phục được biểu hiện cục bộ trong công tác cán bộ, giúp địa phương tiếp cận nhanh nhiều vấn đề mới, thay đổi lề lối, tác phong của đội ngũ cán bộ, công chức, phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ. Ðồng chí Hường bộc bạch, được luân chuyển là cơ hội tốt, có môi trường thực tế để rèn luyện, trau dồi thêm kiến thức, vốn sống, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Hiện nay, các cấp ủy tiếp tục điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt KLNÐP gắn với chuẩn bị phương án nhân sự đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội XIII của Ðảng. Trong kế hoạch, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ bản bố trí bí thư và chủ tịch UBND cấp huyện, xã KLNÐP. Trong quá trình chuẩn bị nhân sự, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc không nhất thiết bố trí địa phương, ban, ngành nào cũng có người tham gia cấp ủy; kết hợp hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả việc chuẩn bị nhân sự tại chỗ với điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ từ nơi khác đến. Còn Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh thống nhất luân chuyển cán bộ KLNÐP các cấp, trên xuống, dưới lên và luân chuyển ngang, chủ yếu bố trí làm cấp trưởng. Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện chủ trương này vẫn còn vướng mắc và có những vấn đề đặt ra cần được giải quyết dứt điểm.

Giải quyết vướng mắc

Công tác điều động, LCCB gắn với bố trí cán bộ chủ chốt KLNÐP là chủ trương lớn của Ðảng, được thực hiện từ nhiều năm nay. Từ nhiệm kỳ 2000 - 2005 đến nay, T.Ư đã luân chuyển gần 200 cán bộ, gắn với bố trí nhiều bí thư tỉnh ủy, thành ủy KLNÐP. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh An Giang bố trí sáu bí thư huyện ủy và ba chủ tịch UBND KLNÐP trong số 11 huyện, thành phố. Tỉnh Thái Bình bố trí tất cả tám bí thư cấp ủy cấp huyện KLNÐP. Số cán bộ chủ chốt cấp huyện KLNÐP ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Vĩnh Phúc... đều chiếm tỷ lệ cao. Khảo sát thực tế ở cấp huyện cho thấy, tỷ lệ bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND KLNÐP chiếm hơn 50%. Tuy nhiên, Nghị quyết T.Ư 7, khóa XII, ngày 19-5-2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đã đánh giá: Công tác điều động, LCCB gắn với bố trí cán bộ lãnh đạo KLNÐP, trong đó có bí thư cấp ủy các cấp còn bất cập, chưa đạt yêu cầu. Nghị quyết T.Ư 7cũng xác định cần đẩy mạnh bố trí bí thư cấp ủy tỉnh, huyện KLNÐP, mục tiêu đến năm 2025 phải cơ bản bố trí bí thư cấp ủy tỉnh KLNÐP và hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời khuyến khích thực hiện với các chức danh khác.

Tìm hiểu nguyên nhân, trao đổi với nhiều lãnh đạo tỉnh, thành phố, chúng tôi nhận thấy, một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa chủ động xây dựng kế hoạch bố trí các chức danh cán bộ chủ chốt KLNÐP, chưa gắn công tác luân chuyển cán bộ với quy hoạch cán bộ. Cấp ủy, cán bộ một số nơi cho rằng, việc thực hiện luân chuyển cán bộ cấp tỉnh về huyện chưa thực hiện được nhiều vì liên quan số lượng ủy viên thường vụ của các huyện. Khi luân chuyển một cán bộ cấp tỉnh về huyện thì đồng thời phải tính toán, sắp xếp, luân chuyển một huyện ủy viên hoặc ủy viên thường vụ cấp huyện. Nếu luân chuyển ngang thì cũng phải xem có cấp ủy huyện nào còn thiếu (thí dụ có người nghỉ hưu). Nếu luân chuyển lên cấp tỉnh, thì phải xem xét cán bộ đó có bằng cấp, chuyên môn đào tạo có đáp ứng hay không, đồng thời phải xem nơi đó có nhu cầu bổ sung hay không. Tỉnh Ninh Bình với tám đơn vị hành chính, việc tăng số lượng cán bộ luân chuyển từ tỉnh về huyện trong một nhiệm kỳ cũng là việc khó.

Nhiều nơi, khâu đánh giá, lựa chọn, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử để bố trí, sắp xếp các chức danh cán bộ chủ chốt KLNÐP còn nhiều bất hợp lý. Cứ dịp gần bầu cử đại biểu HÐND, đại hội đảng, lại có việc bố trí, sắp xếp cán bộ, trong đó có nhân sự mới KLNÐP. Thực tế cho thấy, phần lớn cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu biết về nhân sự mới ít hơn nhiều so với nhân sự đang công tác tại địa phương lâu nay, cho nên khi tiến hành bỏ phiếu tại đại hội, dẫu biết nhân sự phải đủ các tiêu chuẩn thì mới được cấp trên giới thiệu về, nhưng nhiều người vẫn băn khoăn. Cùng đó, một số cán bộ luân chuyển chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ ở các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng Ðảng, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, còn lúng túng trong công tác...

Những khó khăn về điều kiện sinh hoạt, chế độ công tác của cán bộ KLNÐP cũng là một trở ngại. Ðồng chí Mai Văn Tuất, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Bình đề xuất cần có cơ chế, chính sách rõ ràng, vừa bắt buộc, vừa khuyến khích, giúp cán bộ luân chuyển (trong đó có cán bộ chủ chốt KLNÐP) yên tâm công tác, khắc phục tâm lý ngại khó khăn, địa bàn xa. Tuy nhiên, việc hỗ trợ không phải địa phương nào cũng có. Việc điều động, LCCB gắn với bố trí, sắp xếp cán bộ KLNÐP cũng tác động không nhỏ đến tâm lý đội ngũ cán bộ tại chỗ. Vì vậy, nhiều cấp ủy địa phương cũng đề nghị T.Ư có cơ chế bảo đảm đội ngũ cán bộ tại chỗ yên tâm công tác, phấn đấu.

Có thể thấy, công tác điều động, luân chuyển gắn với bố trí cán bộ chủ chốt KLNÐP là chủ trương lớn cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định phù hợp. Hiện nay, Ban Tổ chức T.Ư đang tích cực phối hợp các địa phương, đơn vị tổng kết thực tiễn, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Về nhiệm vụ trước mắt, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư nhấn mạnh tại hội nghị giao ban trực tuyến ngành tổ chức xây dựng Ðảng (tháng 6-2019): Cần triển khai nhiều giải pháp, thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 gắn với việc bố trí bí thư cấp ủy tỉnh, huyện KLNÐP.