Tạo điều kiện để thúc đẩy kinh tế ban đêm

|

Ðã gần bốn năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1129/QÐ-TTg "Phê duyệt Ðề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam", mặc dù đến nay nhìn chung đã có những chuyển biến tích cực nhưng kết quả tại nhiều nơi chưa đạt như kỳ vọng.

Nhiều địa phương chưa xây dựng được khung chính sách thúc đẩy kinh tế ban đêm; các mô hình còn đơn điệu, thiếu đột phá, thiếu điểm nhấn. Thực tế này đòi hỏi cần tiếp tục bổ sung những giải pháp đột phá, có tính khả thi cao để tạo ra những "gói" sản phẩm hấp dẫn giúp thúc đẩy loại hình kinh tế ban đêm phát triển.

Vài năm trở lại đây, hoạt động kinh tế ban đêm tại Việt Nam diễn ra khá sôi động với các mô hình như: Không gian đi bộ, du lịch đêm, biểu diễn nghệ thuật hay một số loại hình dịch vụ ăn uống, giải trí mở qua đêm và các hoạt động mua sắm. Các hoạt động kinh tế ban đêm chủ yếu diễn ra ở những thành phố lớn, những trung tâm du lịch như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam… Những hoạt động này góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội địa phương, thu hút khách du lịch, đem lại thu nhập cho chuỗi cung ứng, chuỗi lao động.

Tuy nhiên đến nay, đã gần bốn năm từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1129/QÐ-TTg "Phê duyệt Ðề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam", loại hình kinh doanh này tại nhiều địa phương, kể cả những nơi có thế mạnh du lịch vẫn chưa tạo được bước đột phá như kỳ vọng. Một số địa phương được đánh giá là nhanh nhạy cũng chỉ ban hành đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm trong năm 2022, còn lại phần lớn các tỉnh như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Thuận, Trà Vinh… ban hành Ðề án phát triển kinh tế ban đêm từ giữa năm 2023. Ngay cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh - nơi kinh tế ban đêm là "mỏ vàng", đến nay vẫn đang trong quá trình… xây dựng đề án.

Hiện số mô hình kinh tế ban đêm là khá lớn, nhưng cách thức hoạt động còn đơn điệu. Ðiển hình như các không gian đi bộ hiện nay mới dừng lại ở việc quây rào một số tuyến phố, không cho phép phương tiện giao thông đi vào để tạo không gian biểu diễn nghệ thuật, mua sắm hay ẩm thực. Ðiều này dẫn đến tình trạng nhiều không gian hoạt động na ná nhau.

Một mô hình khác được triển khai rộng rãi là trải nghiệm đêm tại các không gian văn hóa, các di sản. Song mô hình này có xu hướng chững lại, thậm chí còn đi xuống. Một số mô hình ra đời do chưa tính toán kỹ cách triển khai khiến chất lượng chưa tương xứng, đơn cử như tour trải nghiệm tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

Hoàng thành Thăng Long giá trị ở cả mặt di sản văn hóa vật thể lẫn di sản phi vật thể. Ở phần phi vật thể, khách tham quan được thưởng thức điệu múa "hoàng cung", nhưng thực tế cái gọi là "múa cung đình" đó mang tính chất sân khấu hóa chứ không dựa trên nghiên cứu, hay trang phục của hoàng đế lại được chuyển thể từ sân khấu tuồng chèo. Theo nhiều du khách, việc "sân khấu hóa" đã làm giảm giá trị di sản. Trong khi đó những sản phẩm được đầu tư, dàn dựng công phu, góp phần tạo nên thương hiệu văn hóa như vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ ở Hà Nội, Ký ức Hội An tại Quảng Nam… vẫn còn khá hiếm hoi.

Tại Ðề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam do Chính phủ ban hành, vấn đề hoàn thiện chính sách và chính sách ưu đãi, khuyến khích được ưu tiên quan tâm nhưng đến nay hầu như chưa có tỉnh, thành phố nào có chính sách đặc thù để thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm. Bên cạnh đó, vẫn chưa có khu vực phát triển kinh tế ban đêm hoạt động độc lập như yêu cầu đề ra đối với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Ðà Nẵng. Việc nới khung giờ hoạt động cho một số loại hình dịch vụ theo Ðề án mới chỉ là "thí điểm", chưa được chính thức hóa.

Trong phát triển kinh tế ban đêm rào cản lớn hiện nay nhất là vấn đề chính sách. Loại hình này có những đặc thù riêng, thí dụ, lao động trong chuỗi kinh tế ban đêm phải hoạt động trong khung giờ trái với quy luật thông thường nên chi phí nhân công thường cao hơn. Thiếu quy định ưu đãi, nhiều quy định vẫn đang thí điểm khiến doanh nghiệp rất dè dặt với việc đầu tư bài bản, có chiều sâu. Bản thân một số địa phương nhận thức rõ được vấn đề này nhưng lại chậm chạp trong tháo gỡ, ỷ vào chính sách chung của Trung ương. Ðiều này cho thấy sự thiếu chủ động của các địa phương.

Do đó Chính phủ, các bộ, ngành cần rà soát lại những quy định pháp luật liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm và phân công, phân nhiệm của các cơ quan liên quan, trên cơ sở đó tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo; đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh ở mức độ phù hợp; đôn đốc các địa phương có tiềm năng, thế mạnh khẩn trương ban hành Ðề án, Kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn. Ðặc biệt nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm, nhất là chính sách ưu đãi về thuế, về tiền sử dụng đất.

Song song đó, cần nghiên cứu, bổ sung các quy định, hướng dẫn cụ thể về công tác quản lý kinh tế ban đêm. Ðây chính là vấn đề mà nhiều địa phương còn lúng túng, nhất là khi đứng trước yêu cầu mở rộng hoạt động của địa phương. Trung ương cũng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương có thế mạnh về du lịch, kinh tế ban đêm để có thể ban hành những chính sách đặc thù phù hợp thực tế phát triển của địa phương.

Ðề án của Chính phủ đề ra nhiệm vụ đến năm 2025 xây dựng những tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Ðà Nẵng. Nhưng đây cũng là "điểm nghẽn" lớn. Một điển hình của khó khăn này là tại Hà Nội. Hiện thành phố rất khó bố trí quỹ đất phù hợp để phát triển khu vực phát triển kinh tế ban đêm. Nếu xây dựng gần khu trung tâm thì các địa phương đều thiếu quỹ đất, trong khi không gian phù hợp thì lại bị chia cắt với các không gian kinh tế, văn hóa đã tồn tại trước đó. Những khu kinh tế ban đêm mới đòi hỏi sự đầu tư lớn, trong khi đây là lĩnh vực mới mẻ nên kèm theo yếu tố rủi ro, vì vậy việc ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi trở nên cấp thiết.

Kinh tế ban đêm là một lĩnh vực mới cho nên việc tham khảo học hỏi những mô hình ở các nước là yếu tố rất quan trọng, nhất là những quốc gia có điều kiện kinh tế, văn hóa tương đồng với Việt Nam. Tại khu vực châu Á, nhiều mô hình kinh tế ban đêm ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… trở thành những "thỏi nam châm" thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Ðiển hình như Hàn Quốc nổi tiếng với hàng trăm khu chợ "không ngủ", dù năm 2013, khu chợ đêm đầu tiên mới được mở ở Bupyeong, thành phố Busan.

Sau thành công của chợ đêm Bupyeong, trào lưu chợ đêm đã bùng nổ ở khắp nơi tại Hàn Quốc. Ðáng ngạc nhiên, Malaysia dù là quốc gia Hồi giáo, có nhiều quy tắc ngặt nghèo nhưng cũng thu được thành công rực rỡ từ kinh tế ban đêm. Riêng tại thủ đô Kuala Lumpur đã có 130 chợ đêm.

Ðiều đáng học hỏi từ các khu chợ đêm tại Malaysia là mô hình quản lý. Chính quyền thành phố đã thành lập một lực lượng riêng biệt khoảng 100 người nhằm thực hiện công tác quản lý và cấp phép. Mỗi người dân đăng ký kinh doanh tại chợ đêm đều phải tuân thủ theo Quy trình vận hành tiêu chuẩn. Nếu bị phản ánh về chất lượng hay thái độ bán hàng, các chủ cửa hàng thường bị phạt rất nặng. Ðiều đó bảo đảm quyền lợi, sự an tâm của khách hàng, nhất là khách du lịch nước ngoài.

Thái Lan vốn là quốc gia du lịch và rất nổi tiếng về kinh tế ban đêm, với các loại hình dịch vụ ăn uống, quán bar, các loại hình nghệ thuật biểu diễn… Ðáng chú ý những năm gần đây, quốc gia này đã chú trọng việc kết hợp các hoạt động văn hóa-sáng tạo vào các mô hình kinh tế ban đêm khác, nhất là chợ đêm.

Trong đó, khu phức hợp Chang Chui (thủ đô Bangkok) là sự kết hợp hoàn hảo giữa chợ đêm với không gian sáng tạo. Chang Chui cũng có nhiều quầy hàng ẩm thực đường phố, thời trang. Song, Chang Chui đã đưa khái niệm chợ đêm truyền thống của Thái Lan lên một tầm cao mới khi xếp khu ẩm thực, khu mua sắm đan xen với các phòng trưng bày nghệ thuật, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và tác phẩm sắp đặt. Do đó nhiều đơn vị chọn nơi đây là địa điểm tổ chức hội thảo lưu động và sự kiện âm nhạc.

Theo Ðề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm bao gồm: Hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm và giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm. Hiện nay, những thành phố lớn ở Việt Nam có hàng trăm không gian sáng tạo, nhưng phần lớn vẫn đứng đơn lẻ, hầu như chưa được tích hợp vào các hoạt động kinh tế đêm, tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau với các hoạt động kinh tế khác.

Từ kinh nghiệm của các nước trong khu vực, chúng ta có thể bổ sung, tham khảo và xây dựng những mô hình có sự gắn kết giữa các hoạt động kinh tế ban đêm với các không gian sáng tạo. Ðối với thời gian hoạt động của một số loại hình dịch vụ tham gia kinh tế đêm, cần được tổng kết, hướng đến chính thức hóa thay vì thí điểm kéo dài.

Hiện nay mới có 10 địa phương được tổ chức kéo dài thời gian hoạt động ban đêm đến 6 giờ sáng, trong đó, có những tỉnh, thành phố chỉ một khu vực được tổ chức thí điểm như Quảng Nam có Hội An, Kiên Giang có Phú Quốc. Thực tế cần sớm bổ sung những địa phương du lịch phát triển như: Nha Trang (Khánh Hòa), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Bà Rịa-Vũng Tàu… vào danh sách này để phát huy hết tiềm năng.