Hành động thiết thực để tri ân người có công với cách mạng

|

Trong suốt 75 năm qua, Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022) luôn là ngày lễ lớn của dân tộc ta để tri ân, tưởng nhớ những người đã hy sinh vì nền độc lập, hòa bình và thống nhất đất nước.

75 năm trôi qua, kể từ Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16/2/1947 “Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ” đến nay, những quan điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ đã được Đảng, Nhà nước ta cụ thể hóa thành các chính sách, pháp luật ưu đãi đối với thương binh, liệt sĩ, người có công và hiện tại được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện, thực hiện thống nhất trong cả nước.

Trên cơ sở đó, các chính sách, pháp luật ưu đãi đối với thương binh, liệt sĩ và người có công từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước năm 1986 đến nay đã có những thay đổi quan trọng để phù hợp tình hình kinh tế-xã hội và ngày càng được mở rộng về đối tượng, bao phủ hầu hết các mặt của đời sống.

Từ năm 2020, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 và số 04/2012/UBTVQH13, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 với nhiều điểm mới, hướng tới nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng số người hưởng ưu đãi người có công đã tạo điều kiện để người có công nỗ lực vượt lên khó khăn, ổn định cuộc sống; đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia ngày một tích cực hơn vào công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Đặc biệt, Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, đã tiếp tục chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng; chế độ ưu đãi người có công và thân nhân được quy định thống nhất, rõ ràng; kịp thời bổ sung cả về đối tượng và chế độ thụ hưởng đối với người có công, thân nhân người có công…

Xác định công tác chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự, thể hiện lòng biết ơn đối với người đã có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai và thực hiện hiệu quả các phong trào với nhiều hoạt động cụ thể.

Đến hết năm 2021, chỉ tiêu hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi cư trú đạt 98,6%; phong trào nhận phụng dưỡng các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng được quan tâm và tiếp tục đẩy mạnh, cả nước có 3.736/139.882 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Việc xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ được các cấp, các ngành chú trọng.

Hiện nay, trên cả nước có hơn 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và hơn 3.000 các công trình ghi công liệt sĩ, hằng năm đều được bố trí kinh phí tu bổ, nâng cấp bảo đảm bền vững, trang trọng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về thăm viếng mộ liệt sĩ, tôn vinh và có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng…

Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với thương binh, liệt sĩ, người có công đối với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị.

Để phát huy kết quả, thành tích đã đạt được trong suốt 75 năm qua, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước; nâng cao nhận thức về việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, là trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến độ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.