Tri ân người có công với cách mạng

|

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Biết bao thế hệ người dân Việt với tinh thần yêu nước, ý chí anh dũng kiên cường bất khuất đã hy sinh xương máu, cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7) trong suốt 71 năm qua, luôn là ngày lễ lớn của dân tộc để tri ân, tưởng nhớ Anh hùng, thương binh, liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, hòa bình và thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc.

Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công từng bước hoàn thiện và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Ðối tượng người có công ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao, gắn liền với sự bảo đảm công bằng và sự đồng thuận của toàn xã hội. Ðến nay, việc xác nhận các đối tượng người có công với cách mạng cơ bản đã hoàn thành với hơn chín triệu người. Chế độ, chính sách cho đối tượng này ngày càng được hoàn thiện, bám sát thực tế, làm cơ sở cho các phong trào xã hội đền ơn đáp nghĩa phát triển rộng khắp trong cả nước và đi vào chiều sâu. Các địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội đều có những việc làm thiết thực, với hình thức phù hợp giúp đỡ những gia đình có công với cách mạng.

Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký, ban hành ngày 19-7-2017, sau một năm triển khai, đã đi vào cuộc sống. Hệ thống luật pháp, chính sách về công tác người có công với cách mạng tiếp tục được rà soát, hoàn thiện bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn. Công tác xã hội hóa "Ðền ơn đáp nghĩa" ngày càng lan tỏa, huy động được nhiều nguồn lực trong toàn xã hội; công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ngày càng được tăng cường…

Để công tác đền ơn, đáp nghĩa ngày càng đi vào chiều sâu, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân cùng quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ phấn đấu đến
năm 2020, toàn bộ hộ người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Người có công được chăm sóc sức khỏe và được hỗ trợ cải thiện nhà ở khi có khó khăn. Thân nhân, con của người có công được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tạo điều kiện tốt nhất để các cá nhân, đơn vị sản xuất, kinh doanh của thương binh, bệnh binh hoạt động có hiệu quả, hội nhập vào tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Cùng với đó, việc xây dựng,
nâng cấp, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực…

Ðền ơn, đáp nghĩa, tri ân người có công còn góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập ngày càng mạnh mẽ, đưa đất nước phát triển. Ðó cũng là cách củng cố niềm tin, bảo vệ lý tưởng cách mạng mà bao thế hệ người Việt Nam, những Anh hùng, liệt sĩ, thương binh, người có công đã trọn đời phấn đấu, hy sinh.