Từ chuyện ùn tắc nông sản

|

Từ cuối năm 2021 đến nay, tình trạng ùn tắc các xe chở nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tại các cửa khẩu phía bắc liên tục tái diễn, khiến doanh nghiệp, nông dân chịu nhiều thiệt hại về kinh tế.

Tính chung hai tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,3 tỷ USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ 2021. Riêng mặt hàng rau quả, theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh khi chỉ đạt 261 triệu USD, giảm 25,8% so với cùng kỳ 2021.

Nguyên nhân một phần là do nông sản Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn do bị ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới đường bộ phía bắc.

Tuy nhiên, nhìn sâu vào tình trạng này, có thể thấy, việc ùn tắc không đơn thuần là do phía Trung Quốc thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt về kiểm tra, kiểm dịch hàng hóa để phòng, chống dịch Covid-19, mà nó xuất phát từ những thay đổi căn bản trong vấn đề nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc.

Cụ thể, vào cao điểm xe hàng ùn tắc tại cửa khẩu ngay đầu tháng 1/2022 cũng chính là thời điểm việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc phải thực hiện theo Lệnh 248 và Lệnh 249 về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu và chịu sự quản lý giám sát an toàn thực phẩm hàng hóa của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Trước đó, Trung Quốc đã có đến 42 thông báo về những thay đổi kiểm dịch động, thực vật. Ngoài ra, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã ban hành tiêu chuẩn mới quy định mức giới hạn dư lượng tối đa cho nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục hàng trăm thực phẩm.

Những điều đó chính là "thông điệp" mà phía Trung Quốc đưa ra đối với tất cả các quốc gia xuất khẩu nông sản vào thị trường này, trong đó có Việt Nam. Thị trường tiêu dùng Trung Quốc đã thay đổi theo hướng kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh... Chính vì vậy, câu chuyện "tắc biên" cũng là một động thái mạnh mẽ cho thấy Trung Quốc đang thực hiện chủ trương này và thúc đẩy nhanh chóng việc gia tăng nhập khẩu chính ngạch thay vì tiểu ngạch qua các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở...

Thực tế, ngay trong thời điểm "nước sôi lửa bỏng" khi nhiều nông sản Việt ùn tắc tại cửa khẩu thì các doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch vẫn gia tăng kim ngạch và lợi nhuận, như Công ty Vina T&T, Chánh Thu, Rồng Ðỏ, Nafoods, Doveco,… Thậm chí, nhiều mặt hàng như chanh leo, xoài... còn thiếu hàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc.

Vậy, giải pháp căn cơ cho tình trạng "tắc biên" này là gì? Không phải chỉ là đàm phán để đẩy nhanh tốc độ thông quan tại cửa khẩu; cũng không chỉ là làm tốt nhất công tác phòng, chống Covid-19 trên hàng hóa, phương tiện và người chuyên chở mà là cần giải quyết tận gốc của vấn đề, đó là tăng cường chuẩn hoá tiêu chuẩn, chất lượng các vùng trồng, vùng nuôi, bảo đảm nông sản chất lượng cao, an toàn ngay từ khâu đầu vào.

Tiếp theo là quyết tâm chuyển đổi phương thức xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch, có hợp đồng xuất khẩu rõ ràng, minh bạch kèm theo các cam kết cụ thể về sản phẩm. \

Bên cạnh đó là đa dạng hóa hình thức giao hàng, không phụ thuộc quá lớn vào đường bộ mà chuyển qua đường biển và đường hàng không để chủ động ứng phó với các chính sách xuất, nhập khẩu liên tục thay đổi ở biên giới từ phía Trung Quốc.