Bài học từ trách nhiệm cấp ủy và ý thức đại biểu

|

Hiện nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành đại hội đảng bộ cấp cơ sở và đang tiến hành đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở. Theo đánh giá rút kinh nghiệm của các tỉnh ủy, thành ủy, nhìn chung đại hội đảng bộ các xã, phường, thị trấn diễn ra thành công, bầu đủ số lượng ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra và đại biểu dự đại hội cấp trên. Việc đóng góp ý kiến xây dựng các văn kiện và tổ chức đại hội bảo đảm đúng nguyên tắc, thủ tục, quy định, quy trình, hướng dẫn của T.Ư và cấp ủy cấp trên. Đại biểu dự đại hội chấp hành nghiêm túc nội quy, quy chế đại hội, thể hiện ý thức, tinh thần trách nhiệm cao.  

Tuy nhiên, tại một số đại hội đã xảy ra những sự việc đáng tiếc. Khi tham gia chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng bộ phường Thủy Biều (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) lần thứ 13, nhiệm kỳ 2020 - 2025, một cán bộ chủ chốt của phường đã lôi kéo một số đại biểu dự Đại hội, vận động bầu cử trái quy định, không chấp hành chủ trương về công tác nhân sự của tổ chức Đảng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ khi bầu Ban Thường vụ Đảng ủy phường. Đồng chí này đã bị kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng.

Tại Đại hội Đảng bộ xã An Bình (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), sau khi đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025, Trưởng ban kiểm phiếu Nguyễn Xuân Hoài (nhân viên văn thư của xã) đã lấy 20 phiếu bầu cất giấu vào ngăn kéo tại phòng và định đánh tráo bằng 20 phiếu bầu chuẩn bị sẵn. Ông Hoài sau đó đã bị khai trừ Đảng, buộc thôi việc. Bên cạnh đó, một số đại hội đảng bộ cấp xã không bầu đủ số lượng ủy viên ban chấp hành,…

Qua những sự việc trên, có thể nhận thấy rằng mặc dù công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng được thực hiện trong cả nhiệm kỳ, qua nhiều bước, đúng quy trình, được cấp ủy cấp trên chỉ đạo, rà soát, thẩm tra, nhưng có nơi vẫn để lọt vào đại hội những đại biểu không đủ tư cách. Cần đánh giá kết quả quán triệt các quy định, hướng dẫn của T.Ư về đại hội đảng bộ các cấp, trong đó có quy định về bầu cử cấp ủy ở các địa phương đó, bởi vì ý thức, trách nhiệm của một số đại biểu dự đại hội chưa cao. Đối với những đại hội chưa đồng thuận cao với phương án nhân sự, bầu thiếu số lượng ban chấp hành, cần phân tích làm rõ nguyên nhân, đánh giá lại chất lượng nhân sự được đề cử, giới thiệu tại đại hội, đồng thời cần tìm hiểu, xác định có hay không các biểu hiện cục bộ địa phương, lợi ích cá nhân, tham vọng quyền lực, áp đặt nhân sự hoặc đưa nhân sự “chín ép” để bầu vào các vị trí chủ chốt. Để xảy ra những sự việc trên không chỉ có trách nhiệm của cấp ủy cơ sở, mà còn có trách nhiệm của cấp ủy cấp huyện, của các đồng chí ủy viên ban thường vụ trực tiếp chỉ đạo đại hội. Cấp ủy cấp huyện có trách nhiệm nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng của đảng viên, chỉ đạo xử lý tình huống phát sinh một cách kịp thời, không để ảnh hưởng đến tư tưởng đại biểu dự đại hội.

Thiết nghĩ, các địa phương để xảy ra các sự việc như trên cần tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân cũng như của tổ chức đảng để rút kinh nghiệm. Ngay sau đại hội cần xây dựng sự đồng thuận trong cấp ủy khóa mới, tạo tiền đề tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội. Thời gian tới, đại hội đảng bộ cấp cơ sở, cấp trên cơ sở và cấp tỉnh phải thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của T.Ư như Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW ngày 18-10-2019 của Ban Tổ chức T.Ư về một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW. Bên cạnh đó, việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa mới phải bảo đảm tiêu chuẩn cán bộ nêu tại Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4-8-2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Việc chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải theo đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch.