Tầm nhìn mới cho quan hệ truyền thống Việt Nam-Belarus

|

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Cộng hòa Belarus Roman Golovchenko thăm chính thức Việt Nam từ ngày 6 đến 9/12.

Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Roman Golovchenko kể từ khi được bổ nhiệm năm 2020 và cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Belarus trong 12 năm qua. Sự kiện này là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Belarus, vạch ra tầm nhìn mới cho quan hệ song phương, vì hòa bình, ổn định và phát triển.

Về chính sách đối ngoại, Belarus coi trọng hướng đối ngoại với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có quan hệ với Việt Nam.

Nằm ở khu vực phía đông châu Âu, Belarus chủ trương mở rộng và đa dạng hóa hoạt động kinh tế đối ngoại sang khu vực châu Á, Mỹ Latin, cũng như tiếp tục thu hút đầu tư từ châu Âu. Chính sách kinh tế-thương mại của Belarus tập trung phát triển theo hướng mở cửa thị trường, hội nhập nền kinh tế thế giới, đa dạng hóa quan hệ, tìm kiếm các thị trường mới. Về chính sách đối ngoại, Belarus coi trọng hướng đối ngoại với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có quan hệ với Việt Nam.

Việt Nam và Belarus kế thừa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp đã có giữa Việt Nam và Liên Xô (trước đây).

Trong những năm tháng Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, các chuyên gia Liên Xô, trong đó có các chuyên gia Belarus, đã sang giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với Việt Nam. Hàng trăm sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam từng học tập tại Belarus. Nhân dân hai nước đều yêu chuộng hòa bình, cần cù lao động, có ý chí vươn lên mạnh mẽ, giàu lòng hiếu khách.

Trong hơn 30 năm kể từ khi Việt Nam và Belarus chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 đến nay, quan hệ giữa hai nước ghi nhận nhiều bước phát triển tích cực, với độ tin cậy lẫn nhau ngày càng cao.

Trong hơn 30 năm kể từ khi Việt Nam và Belarus chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 đến nay, quan hệ giữa hai nước ghi nhận nhiều bước phát triển tích cực, với độ tin cậy lẫn nhau ngày càng cao. Belarus luôn khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là hình mẫu phát triển khi đã vượt qua giai đoạn cấm vận để có nền kinh tế phát triển nhanh và đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ như hiện nay. Hai bên duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc thường xuyên ở các cấp, đặc biệt là cấp cao; phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là tại Liên hợp quốc. Năm 2022, hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Những thành quả về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Belarus phản ánh sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ, các doanh nghiệp và người dân hai nước những năm qua. Việt Nam và Belarus đã duy trì 15 khóa họp Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật. Hai bên cũng đang tích cực triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) mà Belarus là thành viên.

Hai nền kinh tế Việt Nam và Belarus có nhiều thế mạnh bổ sung cho nhau. Việt Nam xuất sang Belarus thủy hải sản, cao-su tự nhiên, đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, gạo, hạt điều, lạc, hạt tiêu, gia vị, chè, rau quả đóng hộp, dược phẩm, máy tính...; nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa, phân bón, máy móc, thiết bị, linh kiện phụ tùng ô-tô, máy kéo, ô-tô tải, hóa chất... Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Belarus năm 2022 đạt 113,9 triệu USD, trong chín tháng đầu năm 2023 đạt 46,42 triệu USD. Belarus hiện có ba dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 32,25 triệu USD, trong đó tiêu biểu là dự án lắp ráp ô-tô MAZ Asia tại tỉnh Hưng Yên.

Hợp tác giữa Việt Nam và Belarus trong các lĩnh vực khác cũng không ngừng được củng cố, phát triển, góp phần tích cực vào sự phát triển ổn định, bền vững của mỗi nước. Các tổ chức khoa học và công nghệ hai nước hợp tác chặt chẽ, nhiều dự án đã được triển khai và có kết quả tốt. Ủy ban hợp tác về khoa học và công nghệ Việt Nam-Belarus đã tiến hành 11 khóa họp. Hợp tác an ninh-quốc phòng được duy trì thông qua trao đổi đoàn, hoạt động của Ủy ban hỗn hợp liên Chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự.

Trong lĩnh vực văn hóa-du lịch, hai nước đã tổ chức Những ngày Văn hóa Belarus tại Việt Nam (vào các năm 2014, 2017, 2023) và Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Belarus (vào các năm 2015, 2018). Lượng khách du lịch Belarus đến Việt Nam tăng nhanh sau khi Việt Nam miễn thị thực cho công dân Belarus, đạt hơn 12.000 lượt khách năm 2019. Những hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch là nhịp cầu giúp người dân hai nước xích lại gần nhau hơn, bất chấp khoảng cách địa lý và khác biệt về ngôn ngữ. Cộng đồng người Việt Nam tại Belarus có khoảng 600 người, được chính quyền sở tại dành nhiều thiện cảm và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con cư trú, làm việc và học tập.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Roman Golovchenko góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Belarus đi vào chiều sâu hiệu quả, nhất là về chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, an ninh-quốc phòng, du lịch, văn hóa, giáo dục-đào tạo; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như giao thông vận tải, khoa học, công nghệ... Chuyến thăm cũng khẳng định chính sách của Belarus coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, đồng thời thể hiện sự coi trọng của Việt Nam dành cho quan hệ với Belarus nói riêng và các nước bạn bè truyền thống thuộc Liên Xô nói chung.

NHÂN DÂN