Huyền tích bên dòng La Giang

|

NDO - NDĐT - Tháng tư này, chúng tôi về huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), dâng nén hương thơm lên mộ phần đồng chí Trần Phú, tưởng nhớ cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta nhân kỷ niệm lần thứ 110 năm ngày sinh của ông (1-5-1904 - 1-5-2014) và bồi hồi xúc động trước sự phát triển, đổi thay trên mảnh đất anh hùng này.

Từ mạch nguồn La Giang

Phía đông dãy Trường Sơn hùng vĩ, từng mạch nguồn tạo đôi dòng Ngàn Sâu và Ngàn Phố chảy qua huyện Hương Sơn và Hương Khê hoà hợp với mây trời sông nước trong xanh, đậm đặc và giao thoa từ mùa xuân sang mùa hạ tại miền quê yên bình này trông giống như bức tranh thủy mặc hơn là những con sông đang yên bình chảy mãi. Dòng chảy miệt mài lặng lẽ về hợp nhau thành một dòng sông để hội tụ tại bến Tam Soa, và từ đây như điểm khởi đầu, gọi là sông La trước khi chảy hòa vào cùng biển lớn.

Đôi bờ sông La, người dân Đức Thọ bao đời nay đoàn kết gắn bó, quần cư tại nơi này trấn giữ một dải đất miền tây Hà Tĩnh, canh tác nông nghiệp, hình thành các làng nghề và thấm đẫm bao trầm tính văn hóa thổ nhưỡng cũng như lịch sử sinh thành. Theo sách Dư địa chí, Khâm định Việt sử, Việt Nam lược sử... Đức Thọ xưa thuộc bộ Cửu Đức trong 15 bộ từ thời Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc.

Trải bao thăng trầm của thời gian và biến thiên lịch sử, nhiều lần đổi tên như Cổ La, Chi La, La Giang, La Sơn... Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, vùng đất này đổi thành huyện Đức Thọ (thuộc Hà Tĩnh) cho đến ngày nay, gồm một thị trấn và 28 xã nối tiếp nhau sinh sống ven đôi bờ sông La. Con đê La Giang sừng sững hiên ngang chạy dọc đôi bờ sông La từ bến Tam Soa, (ngày xưa có thời còn gọi là bến phà Linh Cảm) xuống đến Bấn (thuộc xã Đức Hồng) dài hơn 19 km, chắn ngữ bởi phần đuôi của dãy núi Hồng Lĩnh, hay còn gọi là đuôi Ngàn Hống, nơi có 99 ngọn núi và huyền thoại được ông Đùng nhặt rải rác từ khắp nơi trong vùng về đặt lên, từ Phú Lộc đến núi Thậm Thình trước khi trời sáng.

Đê La Giang là minh chứng hùng hồn bởi công sức, mồ hôi và cả không ít xương máu của người dân nơi đây bao đời gồng gánh, bồi vun ngày một vững chãi hơn, để ngăn những cơn lũ dữ từ thượng nguồn đổ về mỗi khi mùa mưa, bão đến. Đó thường là vào dịp lũ tiểu mãn tháng tư hay mùa mưa bão tháng bảy, tháng tám, tháng chín, có khi còn tới tháng mười. Lịch sử ghi nhận trận lụt năm 1960 đã làm tràn và vỡ đê, mất mát không biết bao nhiêu của và người. Cũng sau trận lụt đó, đê La Giang của huyện Đức Thọ được nâng dần lên thành một huyết mạch giao thông quan trọng như ngày nay. Có lẽ vì thế nên câu ca dao bật lên từ lồng ngực người làm nông nghiệp nơi đây đã từng ao ước một nỗi niềm: “Bao giờ cho đến tháng mười/ Bưng bát cơm mới vừa cười vừa ăn” cũng có lí do của nó.

Với đặc thù địa hình, nơi đây là chốn hội tụ núi sông, sơn thủy hữu tình, chứa nhiều trầm tích văn hóa. Có một nét độc đáo là dòng sông từ thượng nguồn về xuôi khá thẳng, độ dốc cao, nước trong vắt, chảy mạnh và xiết, ít có phù sa bám víu nên đất thì cằn cỗi mà nước thì ngọt ngào. Thổ nhưỡng vậy, khí trời vậy, nên hình thành khí chất và tính cách một nét miền trung, nói là làm và cũng là giữ chữ tín cho chính mình và cho người khác. Nhưng lớn lao hơn là con người luôn khát vọng sống, ý chí vươn lên để mong học rộng, tài cao giúp ích cho đời.

Chốn địa linh này đã sinh ra những người con ưu tú của dân tộc như nhà ngoại giao Nguyễn Biểu; Danh nhân lịch sử Lê Bôi; Nhà văn hóa Bùi Dương Lịch; Hoàng giáp Bùi Thức Kiên; Thượng thư, tiến sĩ Phan Bá Đạt; Lãnh đạo phong trào Cần vương kháng Pháp Đình nguyên tiến sĩ Phan Đình Phùng; Nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn; Luật sư Phạm Khắc Hòe, Phan Mỹ; Nhà văn Hoàng Ngọc Phách; Giáo sư văn học Hoàng Xuân Nhị; Giáo sư văn học, nhà giáo nhân dân Nguyễn Kim Đính; Giáo sư, nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến; Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Trần Vĩnh Diệu…

Chỉ tính riêng thời kì phong kiến, toàn huyện có 39 vị tiến sĩ với những dòng họ nổi tiếng như Lê Văn; Hoàng Xuân; Phan Đình; Hà Học... và các làng nghề đậm đà truyền thống văn hóa như làng mộc Thái Yên; làng rèn đúc Yên Hồ, Trung Lương; làng đóng thuyền, đan cót Trường Xuân...

Đất địa linh sinh người yêu nước.

Cụ Trần Văn Phổ thân sinh đồng chí Trần Phú, một nhà nho yêu nước, người quê làng Yên Hạ, thuộc xã Tùng Ảnh (Đức Thọ). Sau khi đỗ Giải nguyên, cụ được bổ nhiệm làm giáo thụ tại huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Đầu năm 1901, cụ đem cả gia đình vào sinh sống và dạy học tại Tuy An (Phú Yên). Do không chịu cảnh bóc lột, ức hiếp dân lành của triều đình nhà Nguyễn, vì quá uất ức nên đã tự kết liễu đời mình năm 1908 để phản đối. Cụ bà Hoàng Thị Cát sau cái chết của chồng cũng lâm vào cảnh khốn cùng, dắt díu đàn con ra Quảng Ngãi tiếp tục tìm kế sinh nhai. Đầu năm 1910, cụ bà cũng lâm bệnh nặng và mất tại đây.

Bốn tuổi mồ côi cha, sáu tuổi mồ côi mẹ, Trần Phú về với người thân ở Quảng Trị, tiếp tục theo học trường tiểu học Pháp - Việt ở Đông Ba, rồi Quốc học Huế, thi đỗ đầu kì thi Thành chung.

Rời Quốc học Huế, ông được bổ nhiệm ra làm giáo viên trường tiểu học Cao Xuân Dục thành phố Vinh (Nghệ An). Trong các bài giảng của ông với học sinh lúc này, đã toát lên tư tưởng yêu nước thương dân, giáo dục học sinh “nỗi đau nước mất nhà tan”. Lúc này ông đã giác ngộ và dấn thân tranh đấu cùng công nhân nhà máy xe lửa Trường Thi, rồi tham gia Hội Phục Việt, được tổ chức cử sang Lào để vận động cách mạng.

Tháng 9-1926, ông được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc chủ trì và được kết nạp vào nhóm bí mật (Cộng sản đoàn) với tên gọi (bí danh) là Lí Quý. Đầu năm 1927, theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, cử Trần Phú đi học trường Đại học Phương Đông và được làm Bí thư nhóm Cộng sản Việt Nam tại trường này. Chính những năm tháng học tập nghiên cứu về lí luận Mác-Lênin, và quá trình hoạt động thực tiễn cách mạng dưới sự dìu dắt của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, ông đã trưởng thành nhanh chóng, có thể đảm đương nhiệm vụ Đảng giao.

Học xong, ông về nước hoạt động. Tháng 7-1930 được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng, được giao nhiệm vụ khởi thảo Bản Luận cương Chính trị và được Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương thông qua tháng 10-1930. Cũng tại Hội nghị này, ông được bầu giữ chức Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta. Giữa lúc phong trào cách mạng nước ta đang có những bước phát triển mới, Trung ương Đảng đang triển khai nhiều chủ trương quan trọng, do có kẻ phản bội khai báo, đồng chí Trần Phú đã bị địch bắt lúc 8 giờ sáng ngày 18-4-1931. Bọn giặc đưa đồng chí về giam tại Khám lớn - Sài Gòn, và qua đời tại nhà thương Chợ Quán ngày 6-9-1931 khi vừa tròn 27 tuổi đời.

Trong chốn lao tù, kẻ địch dùng nhiều cực hình tra tấn cực kì dã man và bệnh tật dày vò, nhưng ông luôn giữ vững khí tiết người cộng sản chân chính, kiên trung, không hé nửa lời để làm lộ bí mật cơ sở hoạt động của Đảng ta. Trước lúc hi sinh, Trần Phú đã gửi lại lời căn dặn bất hủ tới đồng chí, đồng bào: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Sau 70 năm xa cách, hài cốt đồng chí Trần Phú được tìm thấy tại công viên Lê Thị Riêng (Thành phố Hồ Chí Minh). Thể theo nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Tĩnh và huyện Đức Thọ, tháng 1-1999, hài cốt của ông được di dời về quê hương. Được Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền, bà con nhân dân địa phương tổ chức trọng thể lễ truy điệu và an táng tại núi Quần Hội, dưới có bến Tam Soa, hướng ra nơi hợp nhau của hai nhánh sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố tuyệt đẹp, mặt ngoảnh về hướng đông, nơi có thể nhìn sang phía bên kia là dãy Thiên Nhẫn điệp trùng soi bóng xuống dòng La Giang.

Từ đây, huyện Đức Thọ có thêm quần thể khu di tích gồm nhà lưu niệm và khu lăng mộ đồng chí Trần Phú có ông bà nội, song thân và người em trai Trần Ngọc Doanh của ông tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, để giáo dục các thế hệ thanh, thiếu niên Hà Tĩnh và du khách thập phương có thể đến với “địa chỉ đỏ” này, tưởng nhớ một người con ưu tú của quê hương Đức Thọ, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên trung.

Miền quê tươi mới, nghĩa tình.

Đức Thọ hôm nay đang thay da đổi thịt từng ngày trên con đường đổi mới, là một trong những huyện đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của toàn tỉnh Hà Tĩnh. Đi trên quốc lộ 8A đã và đang được nâng cấp hoàn thiện, mở rộng với nhiều làn xe. Đường nối liền một dải từ thị xã Hồng Lĩnh đến huyện Hương Sơn sang đến đất bạn Lào qua cửa khẩu Cầu Treo. Dọc hai bên đường quốc lộ 8A, phóng tầm mắt ra xa là trải rộng một màu xanh ngăn ngắt của những cánh đồng lúa xuân đương thì con gái, thoảng đưa trong gió hương lúa ngọt ngào như mời gọi du khách thập phương chiêm ngưỡng một miền quê sinh thái.

Xen lẫn từng khóm làng bình yên bên những thửa ruộng của cánh đồng mẫu lớn còn được đan xen bởi những bờ tre bao quanh, những ngôi nhà ngói mới cao tầng đang mọc lên. Mấy năm qua, nhiều hợp tác xã nông nghiệp của huyện làm ăn khấm khá nên có nhiều công trình phát triển, đường giao thông nông thôn đã cơ bản được bê tông hoá hoặc nhựa hóa, vào đến tận vùng sâu, miền núi của huyện như xã Tân Hương, Đức Lạc, Đức Lĩnh... Đê La Giang đã được bê tông hóa làm đường giao thông nông thôn, nâng cấp hoàn thiện toàn diện và cũng trở thành huyết mạch giao thông chính của huyện, vừa chống chọi với những cơn lũ dữ, bảo đảm hệ thống tưới tiêu cho đồng ruộng phì nhiêu. Hệ thống điện, đường, trường, trạm và hạ tầng cơ sở được xây dựng, mức sống người dân ngày một nâng lên.

Đồng chí Võ Công Hàm, Bí thư Huyện ủy Đức Thọ cho biết, đặc thù của huyện khá khó khăn trong triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, vì địa hình ba vùng khác nhau: vùng thượng (miền núi), vùng trong đê La Giang (hằng năm, chịu lũ lụt nặng) và vùng ngoài đê. Toàn huyện có hơn 10.000ha đất nông nghiệp trên tổng số 20.000ha diện tích tự nhiên.

Nhờ nắm bắt chủ trương, biết đi tắt đón đầu, triển khai chủ trương hợp lòng dân, đồng sức đồng lòng từ chính quyền các cấp đến mỗi người dân, nên đến nay toàn huyện đạt 225/498 tiêu chí, trong đó xã Tùng Ảnh là xã đạt 19/19 tiêu chí về đầu toàn tỉnh. Các xã trong toàn huyện đạt từ 10-12 tiêu chí, là huyện dẫn đầu toàn tỉnh xây dựng nông thôn mới trên các lĩnh vực giao thông, thu ngân sách, giải phóng mặt bằng và triển khai các công trình trọng điểm, phát triển kinh tế nông thôn, y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét từ hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, các mô hình kinh tế, phát triển sản xuất đến văn hóa, xã hội…

Đức Thọ hiện vẫn là một huyện nghèo, sản xuất thuần nông chủ yếu. Tuy đạt được nhiều mặt quan trọng đời sống kinh tế - xã hội song chưa có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp hiện đại để thu hút nguồn nhân lực, trí lực của địa phương. Với phương hướng phát triển hiện nay và truyền thống tự lực tự cường, toàn dân đoàn kết gắn bó keo sơn trong tình làng nghĩa xóm ấm áp.

Rồi đây, khi cây cầu nối đôi bờ La Giang từ làng Tùng Ảnh đi sang Kim Liên, Nam Đàn quê Bác và khu du lịch sinh thái nơi này được mở ra, chắc chắn Đức Thọ sẽ là điểm đến hấp dẫn, thu hút khách thập phương về đây chung vui với đất và người thân thiện, thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình với đậm đà câu hát dân ca.