Hoa Lư mùa lặng

|

Gần 20 năm trước, câu chuyện của ngành du lịch tỉnh Ninh Bình là làm sao có hạ tầng tốt để khách ở lại ít nhất một đêm. Bây giờ, hạ tầng đã tốt hơn rất nhiều, nhưng trăn trở của Ninh Bình vẫn không khác trước: làm sao để khách du lịch lưu trú? Với Tràng An đẹp như huyền thoại, với Bái Đính hoành tráng, với cố đô Hoa Lư ba vương triều bi hùng trên một mảnh đất, với Tam Cốc Bích Động bừng lên mùa lúa chín, với kiến trúc nhà thờ Phát Diệm độc đáo, với hàng chục khách sạn sang trọng..., thật lạ khi Ninh Bình vẫn khó níu chân du khách.

Tâm điểm của du lịch Ninh Bình

Mùa hè, đất cố đô thưa vắng khách hơn thường lệ. Nhưng cái nắng hè và sự thưa vắng ấy dường như càng tôn thêm mầu xanh bất tận của những Tràng An, Tam Cốc, những thung Lau, thung Lá, thung Chim, vùng ngập nước Vân Long... Đến với Ninh Bình là đến với vùng núi xanh đá thắm, nước và núi xen nhau, càng lặng lẽ sự thanh thản càng choán lấy hồn người. Sông Sào Khê vẫn lơ thơ chảy bình yên, đưa thuyền lướt qua hang Địa Linh, hang Tối, hang Sáng, hang Nấu Rượu, hang Sinh, hang Si, hang Ba Giọt, hang Seo... Tiếng mái chèo khua nhẹ, xen lẫn tiếng sáo và tiếng đàn bầu từ con thuyền xa xa vọng lại. Thấy khách đến, hai nhạc công ngẩng lên mỉm cười gật đầu chào. Thi thoảng, con le le giật mình lướt nhanh trên mặt nước nhường đường cho con đò nhỏ. Cô hướng dẫn viên dáng mảnh hay cười cầm loa điện, thuyết minh rằng nơi này Đinh Bộ Lĩnh từng bơi lặn như rái cá, nơi kia tập trận cờ lau, còn phủ Khống là chốn thờ tự bảy trung thần đã uống rượu tuẫn tiết sau khi chôn giấu Vua Đinh bằng một trăm chiếc quan tài ở bốn hướng đông tây nam bắc để giữ bí mật đến muôn đời... Ở đền phủ Khống có cây thị trổ quả tròn và quả dẹt vào dịp Tết Trung thu. Quả tròn được dâng vào đền vua, quả dẹt được mang cúng thần. Trên ngọn núi nhỏ chính giữa quần thể danh thắng Tràng An là hành cung Vũ Lâm và đền Trần thờ Thánh Quý Minh Đại vương với hệ thống cột đá chạm nổi hình tượng cá chép hóa rồng, đại bàng, bút sách đài nghiên, mai - lan - cúc - trúc, liên - áp (sen - vịt), với phong cách dân dã mà trau chuốt, chẳng hạn đại bàng mang dáng dấp của giống chim phượng hoàng, cá chép có nét gợi nhớ cá rô Tổng Trường - những hình ảnh sản vật đặc trưng của vùng đất Trường Yên - Hoa Lư: Dập dìu cánh hạc chơi vơi/ Tiễn thuyền Vua Lý đang dời kinh đô/ Khi đi nhớ cậu cùng cô/ Khi về lại nhớ cá rô Tổng Trường.

Phải thừa nhận rằng, ngoài giá trị địa chất địa mạo và giá trị khảo cổ - lịch sử rất đặc biệt đã được UNESCO công nhận là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới từ năm 2014, Tràng An còn hấp dẫn du khách bởi những câu chuyện nửa thực nửa hư về hai vương triều hào hùng và bi thương, nơi tạo tiền đề để Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long. Cũng vì thế, Tràng An, khu danh thắng rộng hơn 12.000 ha được tỉnh Ninh Bình coi là điểm du lịch hấp dẫn nhất của tỉnh. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình Hoàng Thanh Phong cho biết: Tràng An là trọng tâm của du lịch Ninh Bình. Sắp tới, Tràng An sẽ khai thác hai đến ba tuyến du lịch mới như: Hành cung Vũ Lâm - đền suối Tiên, khu khai quật khảo cổ của các nhà khoa học Anh, tham quan chùa Bái Đính và bảo tháp thờ Ngọc xá lợi Phật về đêm. Trong vùng lõi của quần thể Tràng An, còn nhiều hang động có giá trị về cảnh quan đã được khảo sát và sẽ được khai thác.

Bảo tháp tại chùa Bái Đính trong đêm.

Băn khoăn

Giá trị cao và hấp dẫn là vậy, nhưng Tràng An còn gây băn khoăn cho du khách và các doanh nghiệp lữ hành. Tại cuộc tọa đàm xây dựng và phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình ngày 18-6 vừa qua, đại diện Công ty du lịch Tam Phát phản ánh: Từ khi Tràng An mở cửa đến nay, có một vấn đề đáng phàn nàn là bán vé. Tôi mang một túi tiền đến mua vé cho đoàn khách lớn, vì đơn vị khai thác khu Tràng An chỉ bán vé tại bến thuyền, bằng tiền mặt, không bán vé qua mạng, cũng không nhận chuyển khoản. Tôi chờ hai tiếng thì mua được. Về đưa vé cho khách. Khách cầm vé ra xếp hàng hai tiếng nữa để lên thuyền. Nhưng, hết thuyền. Khách du lịch rất bực mình, trách mắng chúng tôi xối xả. Giải thích mãi rồi chúng tôi lại cầm vé đi trả, hoàn tiền cho khách. Nhiêu khê và mất thời gian kinh khủng.

Ba tháng đầu năm 2016, lượng khách du lịch tâm linh đến chùa Bái Đính đông đến mức quá tải, nhưng chưa san sẻ được cho các địa điểm và thời điểm khác. Đối tượng học sinh về với Ninh Bình rất đông, các doanh nghiệp lữ hành rất dễ tổ chức tua du lịch truyền thống. Nhưng giao thông giữa các di tích chưa ổn, nhất là đường vào thung Lau chưa thuận tiện cho những chiếc xe hơn 45 chỗ ngồi. Ở những địa điểm như thung Lau - căn cứ khởi nghiệp của Vua Đinh, thung Lá, hay xã Gia Phương (huyện Gia Viễn) quê hương của Đinh Bộ Lĩnh, đơn vị tổ chức tua có thể cho ra đời ngay một sản phẩm du lịch mới cho học sinh là tham quan kết hợp trò chơi dân gian, như cưỡi trâu hay cờ lau tập trận chẳng hạn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Trung Phụng cho biết: Năm 2015, Ninh Bình có 66 dự án về du lịch với tổng vốn 105.562 tỷ đồng. Doanh thu từ du lịch đạt hơn 1.000 tỷ đồng, chưa tương xứng giá trị và tiềm năng. 20 năm nay, Ninh Bình thiếu một điều quan trọng: sự liên kết. Các doanh nghiệp làm du lịch trong tỉnh liên kết với nhau lỏng lẻo, mạnh ai người ấy làm. Tam giác du lịch Hà Nội - Ninh Bình - Hạ Long (Quảng Ninh) đã manh nha hình thành hơn 10 năm rồi nhưng chưa được kết nối thật sự.

Nguồn nhân lực phục vụ du lịch cũng đang là điểm yếu của Ninh Bình. Vốn ngoại ngữ của tiếp viên và hướng dẫn viên chưa tốt, chưa hiểu nhiều về quê hương Ninh Bình, đây đó còn những ứng xử thiếu văn hóa. Thành viên đoàn famtrip khảo sát du lịch tại Ninh Bình hồi trung tuần tháng 6 vừa qua phản ánh tại tọa đàm: Giữa trưa hè nắng gắt, chúng tôi chứng kiến một số khách nước ngoài mồ hôi nhễ nhại nhờ một lái xe điện đang ngồi nghỉ trên xe chở họ đến một địa điểm khác trong khuôn viên chùa Bái Đính. Anh lái xe hét to: Walk (Đi bộ đi!).

Lợi thế của Ninh Bình là địa bàn nhỏ, khoảng cách di chuyển giữa các điểm đến rất gần, giao thông khá tốt, an ninh trật tự bảo đảm, người dân chân chất hiền hòa. Nhưng, giống như 20 năm trước, câu chuyện hiện tại của du lịch tỉnh Ninh Bình vẫn là lượng khách lưu trú. Nguyên nhân chủ yếu là do các dịch vụ về đêm đang rất thiếu; chợ đêm, khu ăn đêm cũng chưa có. Dù đã có hàng chục khách sạn đẹp, sang trọng như The Reed, Hoàng Sơn, Vissai, Bái Đính, Royal, Legend, resort Emeralda..., nhưng lượng khách ở lại Ninh Bình qua đêm vẫn không đáng kể, khiến doanh thu từ du lịch chưa cao. Theo tính toán của đồng chí Đinh Trung Phụng, mỗi du khách đến đây chỉ tiêu... 200 nghìn đồng! Trong khi đó, Thanh Hóa - tỉnh tiếp giáp với Ninh Bình, là địa bàn rộng, khoảng cách di chuyển giữa các điểm đến rất xa nhau, các điểm đến không được ấn tượng như Ninh Bình, nhưng doanh thu từ du lịch năm 2015 của Thanh Hóa đã đạt hơn 5.000 tỷ đồng, gấp năm lần Ninh Bình.

Khu du lịch Tràng An hấp dẫn du khách. Ảnh: MINH TÚ

Lấp dần khuyết thiếu

Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đang thi công xây dựng trung tâm thương mại tại khu vực cổng chào trên đường vào Tràng An và Bái Đính, được kỳ vọng sẽ tạo nên một khu mua sắm đông đúc về đêm, trong đó bày bán các sản phẩm đặc trưng như tranh thêu Văn Lâm, cơm cháy, thịt dê, cá rô... Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Thành Đông cho biết: Chợ đêm, phố đi bộ, du thuyền trên sông là những dịch vụ mà tỉnh đã có kế hoạch và sẽ xây dựng trong thời gian tới.

Khâu bán vé khu du lịch Tràng An cũng sẽ được cải thiện, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ hành có thể đặt vé trước qua mạng hoặc điện thoại, không phải đến tận nơi xếp hàng, đồng thời kết nối bán vé Tràng An, Tam Cốc cùng các điểm du lịch khác như cố đô Hoa Lư, động Thiên Hà, Vườn chim Thung Nham, khu du lịch Vân Long... Sự kết nối ngoại tỉnh cũng được hình thành vào cuối năm nay khi khu du lịch sinh thái tâm linh Tam Chúc Ba Sao (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) hoàn thành thi công với quy mô gấp đôi chùa Bái Đính, từ đó sẽ hình thành tuyến hành hương dịp mùa xuân: Chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) - khu Tam Chúc Ba Sao - chùa Bái Đính, với thời gian di chuyển từ chùa Hương về chùa Bái Đính được rút ngắn còn khoảng 30 phút.

Thời gian tới, Ninh Bình có thêm các loại hình du lịch như MICE (hội nghị hội thảo), chơi golf, tham quan bằng dịch vụ thủy phi cơ (do Công ty Hải Âu tổ chức), phát triển hình thức homestay (khách du lịch lưu trú tại nhà dân). Mong muốn một bức tranh du lịch toàn diện, về lâu dài, Ninh Bình sẽ xây dựng khu du lịch biển Hòn Nẹ (huyện Kim Sơn). Tuy nhiên, do bờ biển Ninh Bình chỉ dài 18 km, lại thường xuyên bị bồi lắng, cho nên tỉnh khảo sát kỹ lưỡng, thận trọng, đánh giá đầy đủ các mặt được và mất với tầm nhìn xa, lường trước cả hậu quả của biến đổi khí hậu, tránh gây thiệt hại cho nhà đầu tư.