Chú trọng truyền thông dự thảo chính sách về lao động, người có công và xã hội

|

NDO - Thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội luôn đề cao vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông dự thảo chính sách. Vì vậy, đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của dư luận trong quá trình xây dựng chính sách, nhất là các chính sách lớn tại những dự án như Bộ luật Lao động, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Luật Bảo hiểm xã hội.

Nỗ lực hoàn thiện thể chế pháp luật về lao động, người có công và xã hội

Ngày 5/11, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024.

Hiện nay, hầu hết tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đều có luật điều chỉnh, với 1 bộ luật, 9 luật, 2 pháp lệnh.

Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, nhìn về tổng thể, trong giai đoạn hơn 10 năm qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã làm tốt việc xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật về lao động, người có công và xã hội; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm công tác pháp chế, nhất là nhiệm vụ rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Hiện nay, hầu hết tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đều có luật điều chỉnh, với 1 bộ luật, 9 luật, 2 pháp lệnh. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội gồm hơn 400 văn bản đã tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách quan trọng đã và đang phát huy hiệu quả trên thực tiễn, nhất là trong việc bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, trong đó có những chính sách chưa có tiền lệ như trong giai đoạn xảy ra đại dịch Covid-19, góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ một cách bài bản, hiệu quả. Trong đó, thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ về cắt giảm, đơn giản hóa yêu cầu, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, góp phần khơi thông các vướng mắc về mặt pháp lý, tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thi hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường hành lang pháp lý thông thoáng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tập trung vào hoạt động phổ biến, giới thiệu chuyên đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và những điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024”.

Đề xuất 2 phương án hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Đề xuất hai phương án tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với chủ hộ kinh doanh

Nội dung này gắn bó chặt chẽ và góp phần thiết thực tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về lao động-thương binh và xã hội nói riêng. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, nâng cao nhận thức hiểu biết và thực thi pháp luật, ý thức tôn trọng, chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành.

Hướng tới sự đồng thuận, ủng hộ trong quá trình xây dựng chính sách

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Phạm Thị Thanh Việt, cho biết thời gian qua, cơ quan này luôn đề cao vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông dự thảo chính sách, vì vậy, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của dư luận trong quá trình xây dựng chính sách.

Điển hình như, công tác này đã được quan tâm, chú trọng trong đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông các chính sách lớn tại một số dự án như Bộ luật Lao động, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Luật Bảo hiểm xã hội. Cùng với đó, tăng cường truyền thông tới toàn xã hội về các định hướng chính sách bảo hiểm thất nghiệp dự kiến sửa đổi thông qua hoạt động xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi).

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cũng được quan tâm. Thí dụ như: Chuyên mục Hỏi - Đáp về Bộ luật Lao động ra đời trên Cổng thông tin điện tử Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, xây dựng các video, clip ngắn truyền thông chính sách pháp luật, sử dụng mạng xã hội,…

Song hành với đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì. Đó là: Chương trình “Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030”, Đề án “Đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội”, Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022-2027”, Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động giai đoạn 2023-2030”, Đề án “Thí điểm đổi mới đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật”,…

Tuy vậy, theo đại diện của Vụ Pháp chế, trong thực tế, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế. Trong đó, đáng quan tâm là nội dung phổ biến giáo dục pháp luật trong một số lĩnh vực vẫn còn hình thức, thiếu thực chất. Một số lĩnh vực chưa có chiến lược, kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật rõ ràng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, chưa có giải pháp hiệu quả về nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ, kinh phí dành cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đa số các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên từng lĩnh vực không được bố trí nguồn kinh phí riêng mà chủ yếu lồng ghép vào trong các hoạt động chuyên môn, triển khai các chương trình, đề án khác của Bộ. Do đó, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Theo bà Phạm Thị Thanh Việt, để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trong thời gian tới cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Một trong những giải pháp được quan tâm là chú trọng đầu tư cho công tác truyền thông chính sách, thực hiện có hiệu quả Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Bà Phạm Thị Thanh Việt nêu rõ, bài học từ thực tiễn cho thấy, chỉ khi nào có sự hiểu rõ về chính sách thì mới có được sự đồng thuận chính sách; hiểu chính sách, pháp luật để tự giác tuân thủ chính sách, pháp luật; hiểu pháp luật để từ đó vận động người khác tuân thủ pháp luật và hưởng ứng chính sách chung của Đảng và Nhà nước. Quan điểm, chủ trương đúng đắn nếu không được tuyên truyền đầy đủ, chính xác, kịp thời, thậm chí bị tuyên truyền sai sẽ dẫn đến sự phản đối của người dân (như Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Điều 56 quy định về tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nữ,…), từ đó gây mất ổn định trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra, sau khi văn bản quy phạm pháp luật được ban hành muốn được triển khai một cách nhanh chóng, hiệu quả, việc đầu tiên là phải tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật đó đến mọi tầng lớp nhân dân để trang bị cho họ kiến thức cơ bản về pháp luật. Trong đó, tập trung vào các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến nhiều đối tượng, đặc biệt là các đối tượng yếu thế: người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số,...

Cũng cần nhấn mạnh rằng, nhân tố con người là quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác này. Điều đó đòi hỏi phải tăng cường xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật mạnh cả về số lượng và chất lượng, có phẩm chất chính trị tốt, trình độ chuyên môn vững vàng, có kỹ năng truyền đạt, am hiểu pháp luật và kiến thức xã hội để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hiện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội mới có hơn 100 báo cáo viên pháp luật được Bộ Tư pháp công nhận.

Một giải pháp hiệu quả nữa là đẩy mạnh đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài việc tăng cường đưa tin về các văn bản pháp luật mới ban hành, với chức năng, nhiệm vụ của mình, các ngành cần phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng mở chuyên mục riêng để đề cập đến những văn bản pháp luật có liên quan, tăng thêm hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực được phân công.