Đưa suất ăn 0 đồng đến các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh

|

NDO - Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, các cơ sở từ thiện cung cấp suất ăn 0 đồng hỗ trợ các trung tâm y tế, bệnh viện luôn “đỏ lửa” để tiếp sức các bệnh nhân, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế…

Mặc dù gặp không ít trở ngại khi thành phố siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhưng những người thiện nguyện vẫn nỗ lực mang những suất ăn ủng hộ lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Tiếp sức đội ngũ y tế

Suốt 3 tháng nay, ngày nào bếp ăn từ thiện của Trung tâm Công tác xã hội thanh niên ở số 5 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1 cũng “đỏ lửa”, chế biến các suất ăn sáng, trưa, tối cho các trung tâm y tế, bệnh viện, khu vực cách ly. Tại đây, hơn 50 tình nguyện viên ngày đêm hoạt động tích cực để chế biến khoảng 5.500 suất ăn và đưa đến tận nơi hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Trong danh sách các bệnh viện, trung tâm y tế mỗi ngày nhận suất ăn của Trung tâm Công tác xã hội thanh niên, có: Bệnh viện Bưu điện TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện dã chiến TP Thủ Đức, trung bình 300-400 suất ăn; Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh, 250 suất; Trung tâm Y tế dự phòng huyện Nhà Bè, 139 suất...

Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội thanh niên Dương Ngọc Tuấn chia sẻ: “Do các suất ăn được chuẩn bị chu đáo, bảo đảm dinh dưỡng và thực đơn phong phú nên trung tâm nhận được nhiều lời khen từ các đơn vị. Đây là động lực để chúng tôi nỗ lực hơn. Trong bối cảnh thành phố đang siết chặt giãn cách, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì cung ứng 100% suất cơm cho đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế như trước đây. Chúng tôi mong tiếp tục nhận thêm nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm để duy trì bếp ăn”.

 Tình nguyện viên tại Trung tâm Công tác xã hội thanh niên chuẩn bị thực phẩm nấu suất ăn.

Gần đây, hoạt động thiện nguyện mang suất ăn đến các bệnh viện đang gặp không ít trở ngại. Phản ánh với phóng viên Nhân Dân điện tử, một số nhóm thiện nguyện chuyên nấu các suất ăn, cung cấp nhu yếu phẩm đến các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 cho biết, từ ngày 23/8, TP Hồ Chí Minh quy định cấp thống nhất 1 mẫu giấy đi đường đã ảnh hưởng đến việc đưa các suất ăn đến các bệnh viện phục vụ lực lượng tuyến đầu.

Chị Trần Huỳnh Thế Mỹ, đại diện nhóm thiện nguyện Hoa Sala phản ánh, trước ngày 23/8, trung bình mỗi ngày nhóm nấu và chuyển khoảng 5 nghìn suất ăn kèm nhu yếu phẩm đến các bệnh viện dã chiến và một số bệnh viện trên địa bàn thành phố như Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Lê Văn Việt (TP Thủ Đức), Bệnh viện dã chiến số 3 An Khánh, Bệnh viện quận 4… Từ khi thành phố quy định người lưu thông phải có giấy đi đường do Công an thành phố ký cấp thì bếp của nhóm tạm ngưng.

Trước đó, chị Mỹ và một số thành viên của nhóm đã được bệnh viện cấp giấy xác nhận được tham gia công tác phòng, chống dịch tại bệnh viện nên chị dùng giấy này để di chuyển, đi lại hoạt động thiện nguyện rất thuận tiện. Giờ không có giấy đi đường nên hoạt động của nhóm xem như tạm ngừng.

Chị Mai Thị Huệ, đại diện nhóm từ thiện, ngụ tại phường Phước Long A, TP Thủ Đức, cũng cho biết, từ khi thành phố thực hiện giãn cách đến nay, các bếp ăn từ thiện, đầu mối nhận lương thực, thực phẩm vẫn hoạt động đều đặn. Mỗi ngày, các bếp cung cấp khoảng 10 nghìn suất ăn cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên đang công tác cho nhiều bệnh viện quận, huyện. Nhưng từ ngày 23/8 đến nay, khi thành phố siết chặt các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, công tác vận chuyển, hỗ trợ các đơn vị có gặp đôi chút khó khăn do một số lái xe, thành viên đi lại chưa có giấy đi đường.

Để khắc phục, nhóm đã liên hệ với công an địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh xin hỗ trợ giấy đi đường. Ngoài ra, khi chưa có phương tiện đi lại như trước, nhóm chủ động làm việc với các bệnh viện, cơ sở y tế để các đơn vị điều xe đến nhận thực phẩm.

 Chuẩn bị những bữa ăn tươm tất nhất cung cấp cho bệnh viện tại Trung tâm Công tác xã hội thanh niên.

Tạo thuận lợi cho nhóm thiện nguyện hoạt động

Trước việc cung cấp hàng nghìn suất ăn, nhu yếu phẩm, có cả thiết bị y tế cho lực lượng tuyến đầu bị vướng, nhiều nhóm thiện nguyện rất lo lắng vì đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng y tế sẽ thiếu các suất ăn nóng hổi, bổ sung dinh dưỡng, các nhu yếu phẩm cần thiết cũng chậm. Do đó, các thành viên của nhóm thiện nguyện mong muốn các tổ chức, các đầu mối cấp giấy đi đường sớm hỗ trợ, giải quyết kịp thời để hoạt động thiện nguyện cần kíp lúc này không bị gián đoạn.

Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (PC08), Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết, để phục vụ cho việc đi lại của các đối tượng ưu tiên, PC08 đã ký và chuyển 5 nghìn giấy đi đường đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, cấp cho tình nguyện viên, thiện nguyện viên theo thẩm quyền.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu cho biết, đến ngày 25/8, đơn vị đã cấp 1.593 giấy đi đường cho các tổ chức, cá nhân để tham gia hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ các khu cách ly, bệnh viện và người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 26/8, liên lạc với Bệnh viện dã chiến số 12 (phường An Khánh, TP Thủ Đức), đại diện bệnh viện cho biết, hiện tổng số bác sĩ, y tá và nhân viên đang công tác tại đây là 220 người, bệnh nhân đang điều trị khoảng 1.270 người. Hằng ngày, đơn vị vẫn nhận đủ các suất ăn do các bếp ăn cung cấp.

Còn tại khu cách ly tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đại diện đơn vị cũng cho biết, mấy ngày qua, việc cung cấp các suất ăn tại đây có bị chậm hơn so với trước một chút nhưng vẫn luôn bảo đảm đầy đủ khẩu phần cho các lực lượng phục vụ tại đây.

Dồn sức dập dịch tại các tỉnh thành phía nam