Ngày 7-11-2006, Phiên họp đặc biệt của Ðại hội đồng WTO đã thông qua Báo cáo của Ban công tác và các văn kiện gia nhập của Việt Nam. Các thành viên WTO đã đón nhận Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này. Ngay sau lễ kết nạp, với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Thương mại Trương Ðình Tuyển và Tổng giám đốc P. Lamy đã ký Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập WTO.
Bộ văn kiện gia nhập WTO là thỏa thuận thương mại đồ sộ nhất cả về quy mô và mức độ cam kết mà chúng ta từng ký kết. Nó tổng hợp các kết quả của hơn 11 năm đàm phán và là cơ sở để chúng ta thực hiện tư cách thành viên WTO của mình. Các cam kết được tổng hợp trong 4 tài liệu sẽ có hiệu lực pháp lý sau 30 ngày kể từ khi Việt Nam thông báo cho WTO về quyết định phê chuẩn của Quốc hội. Ðó là:
- Báo cáo của Ban công tác
- Nghị định thư gia nhập
- Biểu cam kết về thuế quan
- Biểu cam kết về dịch vụ
Do đây là những tài liệu mang tính kỹ thuật, trình bày bằng ngôn ngữ chuyên ngành và theo khuôn mẫu của WTO nên rất phức tạp. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tóm lược những nội dung cam kết chính về đa phương (Báo cáo của Ban Công tác) và dịch vụ. Biểu cam kết về hàng hóa chi tiết tới từng dòng thuế được đăng tải trên các trang thông tin điện tử.
I. Các cam kết đa phương
Các cam kết đa phương của Việt Nam được xây dựng trên nền tảng các nguyên tắc được quy định trong các hiệp định của WTO. Ðây là những nguyên tắc mang tính ràng buộc với mọi thành viên nhằm mục đích đưa hệ thống luật lệ và cơ chế điều hành thương mại của các nước thành viên phù hợp chuẩn mực chung.
Về cơ bản, chúng ta cam kết thực hiện toàn bộ các hiệp định WTO ngay thời điểm gia nhập. Các hiệp định này đưa ra các quy định cụ thể đối với các lĩnh vực thương mại được điều tiết bởi WTO: cấp phép, hải quan, kiểm dịch, chống phá giá, sở hữu trí tuệ...
Các cam kết đa phương của Việt Nam thể hiện trong Báo cáo của Ban công tác như sau:
1. Chính sách tài chính - tiền tệ, ngoại hối và thanh toán:
Việt Nam, như tất cả các nước mới gia nhập khác, cam kết tuân thủ các quy định có liên quan của WTO và IMF về chính sách tài chính, tiền tệ, ngoại hối và thanh toán; Theo điều 8 của IMF.
2. Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do Nhà nước sở hữu hoặc kiểm soát, hoặc được hưởng đặc quyền hoặc độc quyền:
Các DNNN sẽ hoàn toàn hoạt động theo tiêu chí thương mại, Nhà nước không can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào hoạt động của DNNN và không coi mua sắm của DNNN là mua sắm chính phủ. Nhà nước can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp với tư cách là một cổ đông bình đẳng với các cổ đông khác.
Cam kết này là hoàn toàn phù hợp chủ trương đổi mới hoạt động và sắp xếp lại DNNN của nước ta. Vì vậy, về cơ bản, nước ta sẽ không phải điều chỉnh Luật Doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện cam kết này.
3. Tư nhân hóa và cổ phần hóa:
Việt Nam sẽ có báo cáo thường niên cho WTO về tiến độ cổ phần hóa chừng nào còn duy trì chương trình này.
4. Chính sách giá:
Ta cam kết thực thi việc quản lý giá phù hợp các quy định của WTO và sẽ bảo đảm tính minh bạch trong kiểm soát giá thông qua việc đăng tải danh mục các mặt hàng chịu sự quản lý giá và các văn bản pháp luật liên quan trên Công báo.
5. Khuôn khổ xây dựng và thực thi chính sách:
Ta đưa ra 3 cam kết tại mục này. Một là, trong quá trình phê chuẩn văn kiện gia nhập, Việt Nam sẽ xác định thể thức thực thi các cam kết (áp dụng trực tiếp hoặc nội luật hóa) và khẳng định nguyên tắc ưu tiên áp dụng các điều khoản trong cam kết quốc tế.
Hai là, các quy định của WTO được áp dụng thống nhất trên toàn lãnh thổ; các luật, các quy định dưới luật và các biện pháp khác bao gồm các quy định và biện pháp của chính quyền địa phương đều phải tuân thủ các quy định của WTO.
Ba là, các cơ quan tư pháp (cơ quan xét xử) sẽ giữ tư cách độc lập, khách quan khi xét xử các quyết định hành chính thuộc các lĩnh vực mà WTO điều chỉnh.
6. Quyền kinh doanh (quyền xuất khẩu và nhập khẩu):
Kể từ khi gia nhập, ta cho phép Doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài được quyền xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa như doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam, trừ đối với các mặt hàng thuộc danh mục thương mại nhà nước (như xăng dầu, thuốc lá điếu, xì gà, băng đĩa hình, báo, tạp chí) và một số mặt hàng nhạy cảm khác mà ta chỉ cho phép sau một thời gian chuyển đổi (như gạo và dược phẩm).
Doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam được đăng ký quyền xuất nhập khẩu tại Việt Nam phù hợp thông lệ quốc tế. Quyền xuất nhập khẩu chỉ là quyền đứng tên trên tờ khai hải quan để làm thủ tục xuất nhập khẩu không bao gồm quyền phân phối trong nước.
7. Thuế nhập khẩu, các loại thuế và các khoản thu khác:
Ta cam kết sẽ áp dụng thuế nhập khẩu theo nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các Thành viên WTO (trừ những trường hợp ngoại lệ được WTO cho phép). Nếu tăng thuế nhập khẩu, ta sẽ thực hiện theo quy định của WTO. Ta cũng cam kết không duy trì các loại thuế và khoản thu áp dụng riêng cho hàng nhập khẩu (trên thực tế các phụ thu này đã được bãi bỏ).
8. Hạn ngạch thuế quan (HNTQ):
Ta cam kết sẽ áp dụng, phân bổ và quản lý HNTQ một cách minh bạch, không phân biệt đối xử và tuân thủ theo đúng các quy định của WTO.
9. Miễn giảm thuế nhập khẩu:
Ta cam kết sẽ miễn, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên cơ sở không phân biệt đối xử và sẽ không gắn việc miễn, giảm thuế với các yêu cầu về xuất khẩu hay nội địa hóa.
10. Phí và lệ phí áp dụng với dịch vụ công:
Ta cam kết sẽ áp dụng các loại phí và lệ phí theo quy định của WTO, cụ thể là mức phí sẽ phản ánh đúng giá trị của dịch vụ được cung ứng. Mức phí quá cao đang áp dụng với một số dịch vụ (chủ yếu là phí hải quan), vì vậy, sẽ phải điều chỉnh lại khi ta vào WTO.
11. Thuế nội địa:
Cách áp nhiều mức thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia dựa trên nồng độ cồn của ta hiện nay gián tiếp vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia của WTO. Ta cam kết trong vòng 3 năm sau khi gia nhập sẽ điều chỉnh lại cách đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu và bia cho phù hợp với quy định của WTO. Cụ thể, đối với rượu trên 20 độ cồn, ta hoặc là sẽ áp dụng 1 mức thuế tuyệt đối hoặc 1 mức thuế phần trăm; đối với bia, ta sẽ chỉ áp dụng 1 mức thuế phần trăm.
12. Biện pháp hạn chế định lượng đối với hàng nhập khẩu (bao gồm cấm nhập khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, giấy phép nhập khẩu...):
Ta đồng ý cho nhập khẩu xe máy phân khối lớn không muộn hơn ngày 31-05-2007 phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam.
Với thuốc lá điếu và xì gà, ta cho phép 1 doanh nghiệp thương mại nhà nước được quyền nhập khẩu toàn bộ thuốc lá điếu và xì gà.
Với ô-tô cũ, ta cho phép nhập khẩu các loại xe đã qua sử dụng không quá 5 năm với mức thuế nhập khẩu được xác định trong biểu cam kết về thuế và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật.
Ta bảo đảm cơ chế cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm nhằm mục đích kiểm duyệt sẽ tuân thủ theo các quy định về minh bạch hóa của WTO.
13. Xác định trị giá tính thuế nhập khẩu:
Ta cam kết tuân thủ Hiệp định về xác định trị giá tính thuế nhập khẩu của WTO ngay từ khi gia nhập.
14. Quy tắc xuất xứ:
Ta cam kết tuân thủ Hiệp định về quy tắc xuất xứ của WTO từ thời điểm gia nhập. Trên thực tế, nước ta không duy trì các quy định về xuất xứ vi phạm quy định của Hiệp định này.
15. Thủ tục hải quan khác và giám định trước khi giao hàng:
Ta cam kết tuân thủ Hiệp định về giám định (giám định bắt buộc) trước khi xếp hàng cũng như các Hiệp định có liên quan khác của WTO. Trên thực tế, các quy định hiện hành của nước ta không mâu thuẫn với các quy định của WTO.
16. Chống bán phá giá, chống trợ cấp và các biện pháp tự vệ:
Việt Nam cam kết tuân thủ các Hiệp định có liên quan của WTO khi áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.
Việt Nam bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong vòng 12 năm. Tuy nhiên, trước thời điểm trên, nếu chứng minh được với đối tác nào đó, Việt Nam đã hoàn toàn hoạt động theo cơ chế thị trường thì đối tác đó sẽ ngừng áp dụng quy chế "phi thị trường" đối với nước ta.
17. Các quy định về xuất khẩu, bao gồm thuế xuất khẩu, phí và lệ phí, thuế nội địa đối với hàng xuất khẩu và hạn chế xuất khẩu:
Ta cam kết ràng buộc và giảm thuế xuất khẩu chỉ cho loại phế liệu kim loại đen và kim loại mầu và tuân thủ các quy định của WTO về hạn chế xuất khẩu, phí, lệ phí, thuế nội địa đối với hàng xuất khẩu.
18. Chính sách công nghiệp, bao gồm cả chính sách trợ cấp:
Ta đồng ý bãi bỏ hoàn toàn các loại trợ cấp bị cấm theo quy định của WTO (trợ cấp xuất khẩu và trợ cấp nội địa hóa). Trừ các ưu đãi đầu tư dành cho sản xuất hàng xuất khẩu đã cấp trước ngày gia nhập WTO, cho DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài ta bảo lưu được thời gian quá độ là 5 năm (trừ đối với ngành dệt may).
19. Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, tiêu chuẩn và chứng nhận hợp chuẩn:
Nước ta cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định của Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT).
20. Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật:
Trên thực tế, hệ thống pháp luật và các biện pháp SPS mà nước ta đang áp dụng không có gì trái Hiệp định SPS. Vì vậy, nước ta đã cam kết tuân thủ toàn bộ Hiệp định SPS kể từ khi gia nhập.
21. Các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs):
Nước ta đồng ý cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại Hiệp định TRIMs từ thời điểm gia nhập.
22. Khu thương mại tự do và đặc khu kinh tế:
Các quy định và chính sách áp dụng cho các "đặc khu kinh tế" sẽ tuân thủ đúng các quy định của WTO và các cam kết của Việt Nam về trợ cấp, thuế nội địa, các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại và các quy định khác. Luật Ðầu tư mới, có hiệu lực từ 1-7-2006, đã điều chỉnh chính sách phù hợp với cam kết này của nước ta.
23. Quá cảnh:
Nước ta cam kết sẽ tuân thủ các quy định của WTO về quá cảnh ngay từ thời điểm gia nhập.
24. Nông nghiệp:
Tương tự như các nước mới gia nhập khác, Việt Nam cam kết sẽ không áp dụng trợ cấp xuất khẩu đối với nông sản từ thời điểm gia nhập. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho nông nghiệp, nước ta vẫn được sử dụng các biện pháp không thuộc diện bị cấm ở mức không quá 10% giá trị sản lượng.
25. Những khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs):
Hệ thống pháp luật trong nước về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của nước ta tương đối phù hợp với các quy định tương ứng của Hiệp định TRIPs, nên việc nước ta gia nhập WTO và cam kết tuân thủ Hiệp định TRIPs kể từ khi gia nhập WTO về cơ bản không làm phát sinh nghĩa vụ mới.
26. Các chính sách ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ:
Trong đề mục này, bên cạnh việc làm rõ các chính sách tác động đến thương mại dịch vụ, ta đưa ra một số cam kết để làm rõ, hoặc bổ sung thêm cho Biểu cam kết dịch vụ. Những cam kết đáng chú ý là:
- Việc cấp phép cung ứng dịch vụ sẽ được thực hiện theo các tiêu chí khách quan, minh bạch.
- Các doanh nghiệp không phải DNNN được tham gia cung ứng dịch vụ viễn thông không gắn với hạ tầng mạng và được tham gia liên doanh với nước ngoài theo các quy định trong Biểu cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ.
- Không quá 3 tháng sau ngày Nghị định thư gia nhập WTO được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phê chuẩn, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn việc cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển phát nhanh. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cung ứng dịch vụ chuyển phát nhanh có quyền sở hữu và vận hành các phương tiện đường bộ phục vụ cho việc cung ứng dịch vụ của họ.
- Các ngân hàng có 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam sẽ được dành đối xử quốc gia trong các vấn đề liên quan thiết lập hiện diện thương mại. Việt Nam không cho chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mở thêm điểm giao dịch ngoài trụ sở của chi nhánh, nhưng sẽ không hạn chế số lượng chi nhánh của ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Máy rút tiền tự động (ATM) không chịu sự điều chỉnh của quy định hạn chế mở thêm "điểm giao dịch ngoài trụ sở chính". Ngân hàng nước ngoài sẽ được hưởng đối xử MFN và đối xử NT trong việc lắp đặt và vận hành máy ATM.
- Ta đồng ý cho phép các bên tham gia liên doanh được tự thỏa thuận về tỷ lệ vốn tối thiểu cần thiết để quyết định các vấn đề quan trọng của công ty TNHH và công ty cổ phần. Ðể thực thi cam kết này, ta sẽ có hình thức pháp lý thích hợp để sửa điều 52 và 104 của Luật Doanh nghiệp.
27. Minh bạch hóa:
Ta cam kết ngay từ khi gia nhập sẽ dành tối thiểu 60 ngày cho việc đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực điều chỉnh của WTO. Ta cũng cam kết sẽ đăng công khai các văn bản pháp luật trên các tạp chí hoặc trang tin điện tử (websites) của các Bộ, ngành. Trên thực tế lâu nay ta đã làm.
28. Nghĩa vụ thông báo và các hiệp định thương mại:
Ta cam kết tuân thủ các quy định của WTO về nghĩa vụ thông báo các thông tin cần thiết cho WTO (chủ yếu liên quan chế độ, chính sách), bao gồm cả việc thông báo về các hiệp định thương mại có liên quan. Thực tế ta đã làm.
II. Cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ
Nước ta đã cam kết khoảng 110 phân ngành trong tổng số 155 phân ngành thuộc 11 ngành dịch vụ theo phân loại của WTO.
Cam kết về dịch vụ trong WTO rộng hơn về diện, nhưng không cao hơn nhiều về mức độ mở cửa so với Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA). Nước ta đã bảo vệ được những ngành, phân ngành nhạy cảm như bảo hiểm, phân phối, du lịch... với mức độ cam kết gần như BTA. Với các ngành khác, nước ta đã có những bước tiến phù hợp định hướng phát triển thương mại dịch vụ nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung. Ðiều quan trọng là nước ta đã đạt được một lộ trình thực thi với thời gian chuyển tiếp trong khoảng 3 đến 5 năm cho các cam kết chính trong các ngành dịch vụ quan trọng.
Về cơ bản, cam kết mở cửa thị trường dịch vụ có thể được tóm tắt như sau:
Cam kết nền (tức là những cam kết được áp dụng chung cho tất cả các ngành, phân ngành dịch vụ trong Biểu cam kết)
Các công ty nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam dưới hình thức chi nhánh, trừ phi điều đó được cho phép theo cam kết trong từng ngành cụ thể. Các công ty nước ngoài cũng được phép mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng mức mua trong từng ngành sẽ phải phù hợp với hạn chế về phần vốn thuộc sở hữu nước ngoài quy định trong Biểu cam kết (riêng ngành ngân hàng, phía nước ngoài chỉ được phép mua tối đa 30% cổ phần).
Các công ty nước ngoài cũng được phép đưa cán bộ quản lý vào Việt Nam làm việc, nhưng tối thiểu 20% số cán bộ quản lý của công ty phải là người Việt Nam.
Về cơ bản, các cam kết nền trong WTO là gần giống với cam kết của nước ta trong BTA.
Cam kết cụ thể
1. Dịch vụ kinh doanh
Theo phân loại của GATS, ngành dịch vụ này được chia thành 46 phân ngành. Ta cam kết 26 phân ngành. Các cam kết chính bao gồm:
- Bảo lưu quy định doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài (ÐTNN) chỉ được cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn ÐTNN và các dự án nước ngoài ở Việt Nam trong vòng 1 năm, kể từ khi gia nhập, đối với dịch vụ thuế, 3 năm, kể từ khi gia nhập, đối với dịch vụ kiến trúc, dịch vụ thiết kế đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị, dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan.
- Có lộ trình tăng tỷ lệ vốn góp trong liên doanh, tiến tới cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài với các dịch vụ thiết kế đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị, dịch vụ quảng cáo, nghiên cứu thị trường, dịch vụ phân tích và kiểm tra kỹ thuật... Nhìn chung, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chỉ được phép thành lập ở Việt Nam trong khoảng từ 2 đến 5 năm sau khi gia nhập.
Như vậy, một số phân ngành được cam kết ở mức hiện trạng của ta, hoặc cam kết gần với mức trong BTA (thí dụ như dịch vụ kiến trúc, tư vấn kỹ thuật, quy hoạch đô thị, quảng cáo, dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật...), với một số khác, ta có một số bước tiến so với BTA, song nhìn chung đều phù hợp với thực tế và định hướng phát triển thị trường các dịch vụ này trong nước hiện nay, đồng thời, ta vẫn giữ được một khoảng thời gian quá độ hợp lý để bổ sung, ban hành các quy định về quản lý trong nước (thí dụ như dịch vụ tư vấn quản lý, dịch vụ liên quan đến khai thác mỏ, dịch vụ tư vấn liên quan đến khoa học - kỹ thuật).
2. Dịch vụ thông tin (viễn thông)
- Về cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng: cam kết trong WTO không có nhân nhượng thêm so với BTA. Trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông cơ bản, bên nước ngoài chỉ được phép đầu tư dưới hình thức liên doanh với nhà khai thác Việt Nam được cấp phép với vốn góp tối đa là 49%.
- Về cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng: Trong 3 năm đầu kể từ khi gia nhập WTO, bên nước ngoài chỉ được phép đầu tư dưới hình thức liên doanh với nhà khai thác Việt Nam được cấp phép với phần vốn góp tối đa là 51%. 3 năm sau khi nhập, bên nước ngoài mới được phép tự do lựa chọn đối tác liên doanh và nâng mức vốn góp lên 65%.
Riêng với dịch vụ mạng riêng ảo VPN và dịch vụ viễn thông gia tăng giá trị được cung cấp trên hạ tầng mạng do Việt Nam kiểm soát, bên nước ngoài được phép tự do lựa chọn đối tác liên doanh ngay sau khi gia nhập và được phép tham gia vốn góp tối đa ở mức 70% vốn pháp định của liên doanh đối với dịch vụ VPN.
- Về cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới: 3 năm sau khi gia nhập, các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam sẽ được cấp phép sử dụng trực tiếp dịch vụ vệ tinh của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Ta cũng có cam kết cho phép bên nước ngoài được kết nối và bán dung lượng cáp quang biển kết nối với các trạm cập bờ của Việt Nam với lộ trình cụ thể.
Về tổng thể, cam kết của ta cao hơn mức cam kết của Trung Quốc đưa ra năm 2000 nhưng thấp hơn nhiều mức cam kết của các nước gia nhập WTO sau Trung Quốc. Bên cạnh đó, ta đã thành công trong việc bảo lưu hạn chế "nước ngoài phải liên doanh với đối tác Việt Nam đã được cấp phép" và giữ được mức vốn góp tối đa là 49% với dịch vụ viễn thông cơ bản có hạ tầng mạng.
Dịch vụ nghe nhìn
Nhìn chung, cam kết về dịch vụ nghe nhìn của ta ở mức tương đương BTA. Với các dịch vụ sản xuất, phân phối và trình chiếu phim, ta cho phép phía nước ngoài được tham gia vào hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với các đối tác Việt Nam được cấp phép với mức vốn góp tối đa là 51% vốn pháp định. Yêu cầu kiểm duyệt được nhấn mạnh trong tất cả các dịch vụ sản xuất, phân phối và chiếu phim.
3. Dịch vụ xây dựng
Mức độ cam kết vẫn giữ như BTA nhưng bổ sung thêm nội dung về chi nhánh. Cụ thể, sau 3 năm kể từ khi gia nhập WTO, ta cho phép thành lập chi nhánh với điều kiện trưởng chi nhánh phải là người thường trú tại Việt Nam. Nhìn chung, cam kết đối với dịch vụ xây dựng là phù hợp với hiện trạng tại Việt Nam.
4. Dịch vụ phân phối
Cam kết của ta cho phép bên nước ngoài thành lập liên doanh với phần vốn góp tối đa là 49% kể từ khi gia nhập. Hạn chế vốn góp này được từng bước nới lỏng và đến năm 2009, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài mới được phép thành lập.
Tương tự như BTA, ta không mở cửa thị trường phân phối xăng dầu, dược phẩm, sách, báo, tạp chí, băng hình, thuốc lá, gạo, đường và kim loại quý cho nước ngoài. Bên cạnh đó, với nhiều sản phẩm nhạy cảm như sắt thép, phân bón, xi-măng..., ta chỉ mở cửa thị trường sau 3 năm. Quan trọng nhất, ta hạn chế rất chặt khả năng mở điểm bán lẻ của doanh nghiệp có vốn ÐTNN.
Mức cam kết của ta trong WTO thấp hơn hiện trạng, vì trên thực tế, một số tập đoàn phân phối lớn đã thành lập siêu thị 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam. Việc hạn chế khả năng mở điểm bán lẻ sẽ giữ được thị trường cho các nhà phân phối Việt Nam.
5. Dịch vụ giáo dục
Phạm vi cam kết rộng hơn so với BTA nhưng vẫn thấp hơn hiện trạng của ta và hoàn toàn phù hợp chủ trương xã hội hóa giáo dục của nước ta. Các cơ sở đào tạo có vốn nước ngoài phải tuân thủ các yêu cầu đối với giáo viên nước ngoài, chương trình đào tạo phải được Bộ Giáo dục và Ðào tạo của Việt Nam phê chuẩn. Riêng dịch vụ giáo dục phổ thông cơ sở ta chỉ cho phép đối với phương thức tiêu dùng ngoài lãnh thổ (Phương thức 2).
6. Dịch vụ môi trường
Ta cho phép bên nước ngoài thành lập liên doanh với các đối tác Việt Nam được cấp phép trong các lĩnh vực dịch vụ nước thải, xử lý rác thải, xử lý tiếng ồn, làm sạch khí thải và đánh giá tác động của môi trường, kể từ khi gia nhập với phần vốn góp tối đa là 49% hoặc 50%, và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chỉ được phép thành lập trong khoảng 4, 5 năm sau khi gia nhập.
7. Dịch vụ tài chính
Dịch vụ bảo hiểm
Ta cho phép nhà cung cấp nước ngoài được cung cấp qua biên giới một số loại hình dịch vụ bảo hiểm như bảo hiểm cho doanh nghiệp có vốn ÐTNN và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, tái bảo hiểm, bảo hiểm đối với vận tải quốc tế... Nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm nước ngoài được thành lập công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài sau khi gia nhập WTO, được cung cấp các dịch vụ bảo hiểm bắt buộc từ ngày 1-1-2008 và thành lập chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ sau 5 năm kể từ khi gia nhập WTO.
Về tổng thể, mức cam kết này là tương đương với BTA (trừ cam kết về chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ). Mức cam kết này cũng thấp hơn nhiều so với cam kết của các nước gia nhập WTO gần đây.
Dịch vụ ngân hàng
Một số cam kết trong lĩnh vực quan trọng này được giữ ở mức như BTA như không cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài mở điểm giao dịch ngoài trụ sở chi nhánh, hạn chế các tổ chức tín dụng nước ngoài mua cổ phần của các ngân hàng thương mại quốc doanh cổ phần hóa, chưa tự do hóa các giao dịch vốn... Bên cạnh đó, ta cũng đưa ra một số bước tiến phù hợp với thực trạng và chính sách của ngành, như cho phép các ngân hàng nước ngoài thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài, đẩy nhanh lộ trình cho phép các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được huy động tiền gửi bằng đồng Việt Nam.
Dịch vụ chứng khoán
Ta cho phép các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán cung cấp qua biên giới một số hoạt động liên quan đến chứng khoán như thông tin tài chính, tư vấn tài chính, các dịch vụ trung gian và hỗ trợ kinh doanh chứng khoán, v.v. Ngoài ra, ta cũng cho phép thành lập liên doanh 49% vốn nước ngoài ngay từ khi gia nhập WTO. Sau 5 năm, ta cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài và chi nhánh để cung cấp dịch vụ chứng khoán đối với một số loại hình dịch vụ như quản lý tài sản, thanh toán, tư vấn liên quan đến chứng khoán, trao đổi thông tin tài chính.
Nội dung các cam kết này hoàn toàn phù hợp với Luật Chứng khoán nước ta mới ban hành và định hướng phát triển của ngành.
8. Dịch vụ y tế
Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép thành lập liên doanh, ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc thành lập bệnh viện 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Ta cũng đưa ra một số quy định về vốn tối thiểu. Mức độ cam kết trong dịch vụ này như BTA, chỉ khác điểm duy nhất là ta đã giảm mức vốn tối thiểu để thành lập cơ sở điều trị chuyên khoa từ 1 triệu USD xuống còn 200 nghìn USD (ta đã bãi bỏ yêu cầu này trên thực tế).
9. Dịch vụ du lịch
Ðối với dịch vụ khách sạn - nhà hàng, trong vòng 8 năm kể từ khi gia nhập, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hoặc mua lại khách sạn. Ðối với dịch vụ lữ hành và điều hành tour du lịch, ta cho phép thành lập liên doanh không hạn chế vốn góp nước ngoài. Các công ty có vốn ÐTNN không được phép cung cấp dịch vụ đưa khách ra nước ngoài (outbound) và dịch vụ lữ hành nội địa (domestic). Các cam kết này hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.
10. Dịch vụ văn hóa, giải trí
Với dịch vụ giải trí, phía nước ngoài chỉ được phép thành lập liên doanh sau 5 năm kể từ khi gia nhập với mức vốn góp tối đa là 49%. Với lĩnh vực kinh doanh trò chơi điện tử, việc cung cấp phải thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với các đối tác Việt Nam được cấp phép và phần vốn góp của phía nước ngoài không quá 49%.
11. Dịch vụ vận tải
Dịch vụ vận tải biển và hỗ trợ vận tải biển
Ta không hạn chế nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài vận chuyển hàng hoá qua biên giới, không cam kết đối với vận tải hành khách. Sau 2 năm kể từ khi gia nhập, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép thành lập liên doanh khai thác đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam với phần vốn góp không quá 49% vốn pháp định.
Ngoài ra, kể từ khi gia nhập, công ty nước ngoài được phép thành lập liên doanh với 51% sở hữu nước ngoài và sau 5 năm là công ty 100% vốn nước ngoài để cung cấp một số dịch vụ vận tải biển quốc tế. Số lượng liên doanh tối đa là 5 công ty ở thời điểm gia nhập, cứ 2 năm cho phép thêm 3 công ty, sau 5 năm kể từ khi gia nhập sẽ không hạn chế số lượng công ty.
Ta cam kết cho phép nước ngoài liên doanh để cung ứng một số dịch vụ hỗ trợ vận tải như dịch vụ xếp dỡ công-te-nơ, dịch vụ thông quan, dịch vụ kho bãi công-ten-nơ.
Dịch vụ vận tải đường bộ
Ta không cam kết dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách qua biên giới. Bên nước ngoài được phép thành lập liên doanh 49% và sau 3 năm lên 51% để cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách tại Việt Nam trên cơ sở xem xét từng trường hợp cụ thể. 100% số lái xe của các liên doanh phải là công dân Việt Nam.
Dịch vụ vận tải đường thủy, đường sắt và đường không
Tương tự như dịch vụ vận tải đường bộ, ta chưa cho phép nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được vận chuyển hàng hóa và hành khách qua biên giới. Với dịch vụ vận tải đường thủy, ta cho phép thành lập liên doanh 49% vốn nước ngoài kể từ khi gia nhập WTO. Với dịch vụ vận tải đường sắt, ta cho phép thành lập liên doanh 49% vốn nước ngoài nhưng chỉ được vận tải hàng hóa.
Ðối với dịch vụ bán và tiếp thị sản phẩm hàng không, dịch vụ đặt giữ chỗ bằng máy tính, ta cam kết theo thực tế hiện hành. Ðối với dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng máy bay, ta cho phép thành lập liên doanh 51% vốn nước ngoài kể từ khi gia nhập WTO. Sau 5 năm kể từ khi gia nhập WTO, ta cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài.
Danh mục miễn trừ Tối huệ quốc
Ta bảo lưu một số ngoại lệ MFN (tức chỉ áp dụng với bên ký kết mà không đa phương hóa trong WTO) với một số lĩnh vực, gồm các Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương (BIT) đã ký với các nước; các thỏa thuận trong lĩnh vực sản xuất, phát hành và trình chiếu phim...; và dịch vụ vận tải biển.