Giá vàng đánh dấu tuần lịch sử

|

NDO - Tuần từ 27-7 đến 1-8 giá vàng ghi nhận nhiều mức đỉnh mới được thành lập ở thị trường trong nước cũng như thế giới, sau khi vượt qua mốc 1.920 USD/ozt - mốc cao nhất mọi thời đại.

Tuần qua giá vàng trong nước ghi nhận nhiều ngày giao dịch đầy biến động. Mở cửa ngày 27-7, giá vàng trong nước đã tăng vọt thêm 2 triệu đồng ở cả hai chiều mua và bán.

Rồi tiếp tục tăng thêm 1 triệu đồng/lượng vượt qua mốc 58 triệu đồng/lượng (chiều bán) trong ngày 28-7, ghi nhận mốc lịch sử mới của giá vàng trong nước lên mức 58,1 triệu đồng/lượng (bán ra).

Đóng cửa tuần, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng cùng thương hiệu tại thị trường TP Hồ Chí Minh ở mức 56,63 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,93 triệu đồng/lượng (bán ra). Biên độ mua vào - bán ra ở mức 1,3 triệu đồng/lượng. 

Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,40 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,50 triệu đồng/lượng (bán ra). Biên độ mua vào - bán ra ở mức 1,1 triệu đồng/lượng.

So với giá đầu tuần, giá vàng SJC tuần qua đã tăng hơn 3 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán. Hiện giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới khoảng 2-2,5 triệu đồng/lượng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến cáo người dân cần thận trọng giao dịch mua, bán vàng thời điểm này do “giá vàng thế giới còn diễn biến phức tạp”. “Các chuyên gia cũng cho rằng giá vàng trong thời gian này có nhiều yếu tố rủi ro” – NHNN cho biết.

Tỷ giá trung tâm ngày 1-8 được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.213 đồng/USD (giảm 22 đồng/USD so với ngày 28-7).

Tại Ngân hàng Vietcombank, tính đến 12 giờ ngày 19-7, tỷ giá USD được niêm yết ở mức 23.060 đồng (mua vào), và 23.270 đồng (bán ra), không đổi so với ngày 28-7.

Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI tuần 27-7 đến 1-8. (Nguồn: DOJI) 

Tuần từ 27-7 đến 1-8, giá vàng giao ngay thế giới đã tăng 68,88 USD/ozt (+3,61%), ghi nhận tuần tăng thứ 8 liên tiếp.

Mở cửa phiên giao dịch ngày 27-7, giá vàng giao ngay thế giới ngay lập tức vượt đỉnh cao nhất mọi thời đại và tiến thẳng đến vùng 1.931 - 1.944 USD/ozt và đóng cửa phiên giao dịch tại mức giá 1.942,22 USD/ozt, ghi nhận mức tăng 36, 40 USD (tương đương 1,91%).

Tại phiên giao dịch ngày 28-7, giá vàng thế giới tiếp tục đà tăng và tạo đỉnh mới ở mức 1.981 USD/ozt, chịu áp lực chốt lời điều chỉnh về 1.907 USD/ozt rồi lại tăng mạnh về vùng 1.944 - 1.964 USD/ozt. Đây cũng là ngày giá vàng thế giới có biên độ biến động mạnh, vùng biến động chạy từ 1.907 - 1.981 USD.

Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng giao ngay đang có xu hướng tạo thành mô hình “nêm giá tăng” và bị cản ở mức 1.980-1.984 USD/ozt. Với biên độ biến động trong mô hình ngày càng hẹp, giá vàng đang tiến tới điểm phá vỡ mô hình. Tùy vào điểm phá vỡ, giá vàng sẽ xác định xu hướng tiếp theo.

Về phân tích cơ bản, thông tin về dịch Covid-19 diễn biến theo chiều hướng xấu. Nhiều thông tin tiêu cực khiến nhà đầu tư lo sợ về một kịch bản giãn cách mới, qua đó làm chậm quá trình phục hồi kinh tế.

Mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch dự báo, nền kinh tế Mỹ sẽ suy giảm 5,6% trong năm 2020 và phục hồi 4% vào năm 2021 nhờ chính sách ứng phó tài chính quy mô lớn nhằm tránh sự suy giảm sâu.

Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 30-7 cho thấy, trong quý II vừa qua, GDP quý 2 của nước này đã giảm tới 32,9%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1947.

Quy đổi giá đóng cửa tuần từ 27-7 đến 1-8 (1.975,50 USD/ozt) theo tỷ giá USD bán ra (23.270 đồng/USD) của Vietcombank, chưa tính thuế và phí vận chuyển, giá vàng thế giới hiện tương đương 55,42 triệu đồng/lượng.

Diễn biến giá vàng thế giới tuần qua. (Nguồn: Tradingview)
  • Vàng trong nước cao hơn thế giới khoảng 3 triệu đồng
  • Cần giữ vững tâm lý khi giá vàng tăng đột biến