Quản lý ta-xi công nghệ theo hướng nào?

|

Sau hơn hai năm Uber, Grab “đổ bộ” vào Việt Nam, ta-xi truyền thống buộc phải nhanh chóng đổi mới, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhận định, nếu không mạnh dạn thí điểm Uber, Grab, chắc chắn ta-xi truyền thống sẽ vẫn không chịu thay đổi. Tuy nhiên, việc thí điểm cũng bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, có giải pháp để các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, cùng phát triển.

Bài toán chưa có lời giải

Đề án thí điểm ứng dụng khoa học - công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng (gọi tắt là ta-xi công nghệ), được triển khai tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ninh (từ tháng 1-2016 đến nay), thống kê của Bộ GTVT cho thấy, có hơn 900 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) với hơn 29.800 xe tham gia thí điểm. Chính sự gia tăng nhanh chóng, vượt xa so với quy hoạch của số lượng xe này dẫn đến việc Hiệp hội Ta-xi Hà Nội kiến nghị dừng hoạt động Uber, Grab.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, việc triển khai thí điểm đã tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách trong việc đi lại như lựa chọn phương tiện; biết được thông tin của lái xe, giá cước; đánh giá thái độ phục vụ lái xe; rút ngắn thời gian chờ xe; giảm chiều xe chạy rỗng, lòng vòng trên đường để đón khách; giảm ùn tắc giao thông đô thị; thay đổi chất lượng dịch vụ của các hãng ta-xi,… Sức ép cạnh tranh đã buộc ta-xi truyền thống phải chuyển mình, thay đổi theo hướng tích cực để tồn tại. Hiện nay, 12 hãng ta-xi đã ứng dụng phần mềm kết nối vận tải hành khách, giúp người tiêu dùng được hưởng lợi từ dịch vụ tốt hơn, giá cả hợp lý hơn.

Một vấn đề mà các doanh nghiệp ta-xi tỏ ra thua thiệt Uber và Grab chính là sự điều chỉnh linh hoạt giá cước trên cơ sở thỏa thuận giữa bên cung cấp dịch vụ với khách hàng. Tuy nhiên, không thể vì thế mà đơn vị cung cấp có quyền đưa ra giá cước theo kiểu “cạnh tranh hủy diệt” đối phương hoặc giá cước “nhảy múa” theo thời điểm trong ngày. Uber và Grab đã sai phạm về quy định và đăng ký chất lượng dịch vụ, vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật Việt Nam như dịch vụ Grab-share. Bài toán về việc bảo đảm sự cạnh tranh công bằng giữa “ta-xi công nghệ” và ta-xi truyền thống đến nay vẫn chưa có lời giải. Trong khi Uber, Grab đang mở rộng thị trường, tăng số lượng xe thì nhiều hãng ta-xi truyền thống đang phải vật lộn để cạnh tranh, tồn tại.

Vừa qua, Grab Việt Nam triển khai dịch vụ GrabTaxi cho một số doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh ta-xi tại một số địa phương là Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế và Lâm Đồng. Theo lý giải của Grab Việt Nam, GrabTaxi là một trong những dịch vụ được tích hợp trong ứng dụng Grab, được đăng ký với Bộ Công thương là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử có phạm vi hoạt động trên toàn quốc và vận hành hoàn toàn hợp pháp theo quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử. Dịch vụ này không can thiệp vào giá cước cũng như cách vận hành, quản lý xe và lái xe của các đơn vị ta-xi. Grab Việt Nam cho rằng, một số cơ quan quản lý đã hiểu sai lệch về bản chất của dịch vụ này, cho rằng đây là dịch vụ thuộc đề án thí điểm và không được phép triển khai ngoài phạm vi thí điểm, tạo rào cản rất lớn đối với các Sở GTVT và doanh nghiệp ta-xi cũng như gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của Grab Việt Nam và các đối tác.

Lúng túng trong nhận diện, quản lý

Khẳng định việc nhận diện đúng bản chất của Uber, Grab để quản lý chứ không cấm, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Nghị quyết của HĐND thành phố quyết định quản lý loại hình này như ta-xi, phù hợp với bản chất hơn là xe hợp đồng. Ở góc nhìn khác, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Phan Đức Hiếu cho rằng, sự lúng túng của cơ quan quản lý nhà nước là bình thường vì Uber, Grab là loại hình hoàn toàn mới, thay đổi tính chất và mô hình vận tải. Lãnh đạo hãng ta-xi Vinasun cho biết, phần mềm kết nối đặt xe của Uber, Grab đang cung cấp trực tiếp chỉ đạo kinh doanh chứ không chỉ cung cấp phần mềm, do đó, cần định danh dịch vụ vận tải Grab, Uber là ta-xi. Trên thế giới không đâu gọi Grab, Uber là xe hợp đồng điện tử. Hợp đồng điện tử là phương thức giao tiếp không phải hoạt động kinh doanh. Xe hợp đồng là khái niệm bị đánh tráo vì Uber, Grab một ngày chạy không biết bao nhiêu chuyến.

Các doanh nghiệp ta-xi cho rằng, trong quá trình thí điểm Uber, Grab, Bộ GTVT đã vi phạm khi cố tình không giới hạn số lượng phương tiện tham gia thí điểm. Ngoài ra, Bộ GTVT đã đẩy trách nhiệm giới hạn số phương tiện xuống các thành phố được chọn thí điểm, qua đó việc xe Uber, Grab tăng lên tới 50 nghìn chiếc, gây ùn tắc nghiêm trọng trong đô thị. Tuy nhiên, trả lời về vấn đề các thành phố thí điểm được quyền quyết số lượng phương tiện, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ khẳng định: “Các hãng ta-xi đã hiểu chưa đúng bản chất vấn đề. Bộ quy hoạch GTVT cho toàn ngành theo giai đoạn, sau quy hoạch chuyên ngành, các địa phương sẽ quy hoạch GTVT gắn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều hay ít phương tiện là thẩm quyền quyết định của địa phương trên cơ sở quy hoạch GTVT được HĐND thông qua và UBND ký duyệt. Bộ GTVT chỉ đưa ra chủ trương, không can thiệp sâu vào số lượng xe”.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã sửa đổi, điều chỉnh Nghị định 86, đưa thêm một chương nữa về ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó quy định rõ các đối tượng cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cung cấp phần mềm và quyền lợi người dân. Dự thảo đã được đăng tải công khai, các đơn vị, hiệp hội vận tải nên đóng góp ý kiến nhằm bổ sung thành Nghị định 86 hoàn chỉnh. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đưa ra quan điểm, có nên mạnh dạn đưa điều kiện xe hợp đồng và ta-xi khác nhau trong Nghị định 86 sửa đổi không? Hay quy định chung tất cả là xe hợp đồng hoặc xe ta-xi? Đối tượng này là xe kinh doanh vận tải, không cho phép cá nhân tham gia. Các đơn vị sẽ phối hợp Bộ Tài chính để thông tin đầy đủ về nghĩa vụ thuế. Cơ quan quản lý nhà nước phải định danh rõ các xe ứng dụng nền tảng công nghệ như Uber, Grab là hợp đồng hay ta-xi trong Nghị định 86.

Để bảo đảm hài hòa lợi ích, tránh các đơn vị ta-xi truyền thống "đấu tố" Uber, Grab, Sở GTVT các địa phương có xe tham gia thí điểm đề xuất nghiên cứu bổ sung các quy định, điều kiện về quản lý đối với các đơn vị cung cấp phần mềm điện tử (như Uber, Grab,...) đồng thời giảm một số điều kiện kinh doanh với ta-xi truyền thống. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ cho phép các đơn vị cung cấp phần mềm và dịch vụ vận tải đang tham gia thí điểm tiếp tục kéo dài hoạt động cho đến khi nghị định thay thế Nghị định 86 có hiệu lực.

Đối với một số địa phương xuất hiện đơn vị vận tải, đơn vị cung cấp phần mềm tự ký thỏa thuận và cung cấp ứng dụng gọi xe hoạt động tự phát, Bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép, ưu tiên các đơn vị, nếu có nhu cầu thì xây dựng đề án báo cáo UBND địa phương, thống nhất với Bộ cho phép và hướng dẫn thực hiện, tránh hoạt động tự phát dẫn đến buông lỏng quản lý.

Tích hợp dịch vụ kết nối GrabTaxi trong hoạt động kinh doanh ta-xi không làm thay đổi bản chất của hoạt động này. Cần lưu ý, trong các điều kiện kinh doanh áp dụng cho hoạt động vận tải bằng xe ta-xi không có bất kỳ yêu cầu nào về hình thức kết nối giữa hành khách và lái xe hay giữa hành khách với doanh nghiệp ta-xi. Vì vậy, tại sao phải xin phép Sở GTVT trước khi thực hiện, các Sở GTVT dựa trên căn cứ nào để đồng ý hay không đồng ý? Hành vi cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đã được quy định rất rõ tại Điều 6 của Luật Cạnh tranh. Trước đây đã có một số quyết định bị Bộ Công thương “tuýt còi” do vi phạm quy định này.

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC

Trọng tài viên VIAC - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO