Chứng khoán Việt Nam có “đắt”?

|

NDO - Cả phương pháp so sánh tương đối với các thị trường khác và thống kê lịch sử đều cho thấy mức định giá hiện tại của thị trường chứng  khoán Việt Nam vẫn chưa ”đắt”, Mirae Asset nhận định trong báo cáo cập nhật chiến lược tháng 6.

“Sell in May” không đúng

Trong tháng 5, VN-Index đã liên tục thiết lập mức đỉnh mới mặc cho những lo ngại liên quan đến dịch Covid-19 tái bùng phát lần 4. Với mức tăng 7% trong tháng 5, VN-Index có tỷ suất sinh lời vượt trội hơn hầu hết các thị trường trên thế giới.

Cho thấy thuật ngữ kỹ thuật “Sell in May” (Bán cổ phiếu vào tháng 5 - do thiếu vắng thông tin hỗ trợ và thị trường đã trải qua một nhịp tăng mạnh trong mùa Đại hội đồng cổ đông) đã không còn đúng với thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 5 vừa qua.

VN-Index tháng 5 phân hóa rõ nét, với 11 ngành tăng điểm và 10 ngành giảm điểm. Ở chiều tăng điểm, các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục dẫn dắt đà tăng của thị trường, với nhiều cổ phiếu tạo mức đỉnh lịch sử mới sau bốn tháng tăng mạnh. Ngược lại, ngành bất động sản điều chỉnh sau đà tăng kéo dài 10 tháng trước đó.

Giá trị khớp lệnh bình quân tăng 22% so với tháng trước lên đến trên 20 nghìn tỷ một ngày. Dòng tiền chỉ tập trung ở một số nhóm ngành, tiêu biểu: Ngân hàng, Nguyên vật liệu, Thiết bị và phần cứng, Phần mềm và dịch vụ, Dịch vụ tài chính.

 Với mức tăng 7% trong tháng 5, VN-Index có tỷ suất sinh lời vượt trội hơn hầu hết các thị trường trên thế giới. (Nguồn: Mirae Asset)

Theo đánh giá của các nhà phân tích của Mirae Asset, có nhiều động lực chính cho thị trường Việt Nam bứt phá. Đó là định giá P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu - Price earning ratio) thị trường vẫn tương đối rẻ hơn so với nhiều thị trường khác trên thế giới. Hơn nữa, mức P/E hiện tại thấp hơn 21% so với mức P/E lúc thị trường tạo đỉnh vào tháng 4-2018.

Kênh đầu tư chứng khoán với tỷ suất sinh lời hấp dẫn đã thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư thể hiện qua hai thông số là số tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới và giá trị giao dịch bình quân ngày đều tăng trưởng mạnh mẽ.

Kỳ vọng tăng trưởng EPS

Theo dữ liệu thống kê của Bloomberg về mức kỳ vọng tăng trưởng EPS (Earning Per Share - lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) năm 2021, mức dự báo đã được tăng lên đáng kể từ mức 28% vào cuối tháng 4 lên 30%. Điều đó cho thấy sự lạc quan của thị trường.

Tuy nhiên các nhà phân tích của Mirae Asset vẫn thận trọng giữ mức dự phóng EPS năm 2021 là 28% trong các tính toán.

Với đà tăng giá mạnh mẽ, sự lạc quan của thị trường, và sự gia tăng thanh khoản đáng kể, Mirae Asset kỳ vọng vào kịch bản lạc quan nhất là VN-Index sẽ chinh phục ngưỡng 1500 điểm trong năm nay.

Động lực cho kịch bản trên, theo các nhà phân tích của Mirae Asset, do mức định giá hiện tại của thị trường vẫn chưa ”đắt” khi sử dụng phương pháp so sánh tương đối với các thị trường khác và phương pháp thống kê lịch sử 

Về định giá theo phương pháp thống kê lịch sử, mức định giá P/E thị trường Việt Nam hiện tại vẫn thấp hơn 21% so với mức P/E tại vùng đỉnh tạo lập hồi tháng 4-2018.

Hiện tại, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 18 lần, đang nằm trong vùng từ đường trung bình cộng 1 độ lệch chuẩn lên 2 độ lệch chuẩn. Xem xét vùng đỉnh định giá trước đó được thiết lập vào tháng 4-2018 là tại mức P/E 22 lần, mức định giá hiện tại vẫn thấp hơn 21%.

Thống kê 10 năm chỉ số P/E của VN-Index. (Nguồn: Mirae Asset Việt Nam)

Do đó, “thị trường chưa tạo đỉnh tại mức định giá này” - Mirae Asset nhận định. Đồng thời cho biết mức định giá P/E của thị trường sẽ giảm với triển vọng tăng trưởng EPS lạc quan. 

Đáng chú ý, các thị trường khác như Singapore, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines đang có mức định giá P/E vượt khỏi vùng định giá P/E trung bình 10 năm cộng 2 độ lệch chuẩn, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam.

Về phương pháp định giá tương đối, cũng cho thấy thị trường Việt Nam hấp dẫn so với các thị trường khác trên thế giới.

Cụ thể, đóng cửa cuối tháng 5 tại mức cao mới, VN-Index đã tăng hơn 20% kể từ đầu năm, vượt trội hơn hết so với nhiều thị trường khác như Mỹ (+12%), Hàn Quốc (+11,5%), Singapore (11%), Thái Lan (+10%).

Bên cạnh đó, chỉ số MSCI các thị trường phát triển tăng 12%, các thị trường mới nổi tăng 11%, các thị trường cận biên tăng 5%.

Đáng chú ý, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) vượt trội và tiềm tăng trưởng EPS cao, cho thấy VN-Index vẫn thuộc trong vùng đĩnh giá hấp dẫn.

“Tuy nhiên, thị trường có thể điều chỉnh trong ngắn hạn do áp lực chốt lời sau khi thị trường đã tăng bốn tháng liên tiếp (VN-Index: +26%), đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn đã có mức tăng vượt trội hơn so với thị trường chung và đang ở mức đỉnh lịch sử” - Mirae Asset khuyến nghị.