Thí điểm \"Công viên an toàn giao thông\" tại công viên Gia Định

|

Mục tiêu của công trình là tuyên truyền, giáo dục về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TPHCM.

Liên quan vận hành mô hình "Công viên an toàn giao thông" tại công viên Gia Định, chiều 5-9, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường giao Sở GTVT tổ chức thực hiện thí điểm công tác quản lý, khai thác, vận hành và duy tu, bảo dưỡng thường xuyên công trình “Công viên an toàn giao thông” tại công viên Gia Định đảm bảo mục tiêu đầu tư.

Thí điểm một phần công viên Gia Định thành "Công viên an toàn giao thông". Ảnh: QUỐC HÙNG

Theo đó, thời gian thực hiện thí điểm đến ngày 31-12-2024, Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT, Ban An toàn giao thông TPHCM, Sở Xây dựng, Công an TPHCM và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai việc vận hành công trình theo đúng công năng, mục tiêu công trình. Đồng thời, phối hợp với Sở Xây dựng phân cấp, bàn giao quản lý tài sản thuộc dự án tại công viên Gia Định theo quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, các đơn vị báo cáo về Sở GTVT để chủ trì tổng hợp, tham mưu, đề xuất UBND TPHCM chỉ đạo giải quyết.

Nhằm có cơ sở để vận hành, khai thác, quản lý công trình theo đúng mục tiêu ban đầu, Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (chủ đầu tư dự án) thực hiện thí điểm việc quản lý, khai thác, vận hành, bảo trì công trình theo đúng mục tiêu dự án. Sau thời gian thí điểm, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ căn cứ quá trình thực tiễn vận hành sẽ đánh giá hiệu quả, báo cáo đề xuất phương hướng quản lý những năm tiếp theo trước khi kết thúc thời hạn thí điểm.

Mục tiêu của công trình là tuyên truyền, giáo dục về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TPHCM, với kinh phí hơn 4 tỷ đồng, gồm tiền lương, tiền công giáo viên hướng dẫn, nhân viên phục vụ, bảo vệ; chi phí điện, nước, văn phòng phẩm, các công cụ dạy học... từ nguồn kinh phí đảm bảo trật tự an toàn giao thông hàng năm.

Sau khi kết thúc thí điểm có thể lựa chọn các phương án khác như tự thực hiện, đặt hàng hoặc đấu thầu rộng rãi. Đối với việc quản lý, bảo trì công trình (bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ) hơn 8 tỷ đồng, gồm chi phí quản lý, bảo trì phần đường giao thông nội bộ, vỉa hè, chiếu sáng công cộng, thoát nước, cây xanh, mảng xanh, hệ thống tưới nước tự động, tín hiệu giao thông... từ nguồn kinh phí duy tu giao thông, ngân sách của thành phố.